Tại sao Philippines rút khỏi Hiệp định Lực lượng Viếng thăm với Hoa Kỳ?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: John Schaus, “What Is the Philippines-United States Visiting Forces Agreement, and Why Does It Matter?”, CSIS, 12/02/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Ngày 11/02/2020, Philippines tuyên bố đã thông báo cho Hoa Kỳ rằng họ dự định sẽ rút khỏi Hiệp định Lực lượng Viếng thăm Philippines – Hoa Kỳ (VFA). Sau đây là tóm tắt nhanh về VFA và tầm quan trọng của nó.

Hỏi: VFA có phải là Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ không?

Trả lời: Không. VFA là một thỏa thuận giữa hai nước nhằm hỗ trợ thực hiện Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ (MDT). MDT được ký kết năm 1951 bởi Hoa Kỳ và Philippines nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai nước bị nước thứ ba tấn công.

Câu hỏi: Tại sao Philippines lại rút khỏi VFA?

Trả lời: Nguyên nhân trực tiếp của sự thay đổi này là Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines không hài lòng với việc Mỹ thu hồi thị thực của một trong những đồng minh quan trọng nhất của ông, Thượng nghị sĩ Ronald Muff Bato Muff dela Rosa. Thượng nghị sĩ dela Rosa trước đây là Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Philippines và lãnh đạo một chiến dịch chống ma túy tiêu biểu của Tổng thống Duterte, dẫn đến hàng ngàn cái chết của người Philippines bị nghi ngờ liên quan đến ma túy bất hợp pháp. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã báo cáo một mức độ giết người phi pháp (không qua xét xử) cao do chiến dịch chống ma túy này, đặc biệt là trong thời gian dela Rosa làm Cảnh sát trưởng.

Bối cảnh rộng hơn là việc Tổng thống Duterte đang tìm cách tạo khoảng cách lớn hơn giữa Philippines và Hoa Kỳ, điều mà ông gọi là một “chính sách đối ngoại độc lập”. Một số yếu tố của cách tiếp cận này bao gồm việc tiếp cận Nga để tạo quan hệ chặt chẽ hơn và có thể mua vũ khí từ Nga, cùng một nỗ lực nhằm phát triển quan hệ ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ hơn với Trung Quốc ngay cả khi Philippines đang tiếp tục tìm cách đẩy lùi (một cách yếu dần) sự xâm nhập của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông.

Tổng thống Duterte đang theo đuổi cách tiếp cận này bất chấp tỉ lệ ủng hộ cao của người dân đối với Hoa Kỳ trong các cuộc thăm dò ở Philippines.

Câu hỏi: VFA là gì?

Trả lời: Hai nước đã ký VFA vào năm 1998. Hiệp định này cung cấp các thủ tục đơn giản giúp các thành viên quận đội Hoa Kỳ được tiếp cận Philippines dễ dàng hơn trong các chuyến công tác chính thức (ví dụ, để tham gia các hoạt động huấn luyện song phương giữa Mỹ và Philippines), và mang lại một loạt các quy trình để giải quyết các vấn đề có thể xảy ra xuất phát từ sự hiện diện của các lực lượng Hoa Kỳ tại Philippines.

Câu hỏi: Tại sao VFA quan trọng?

Trả lời: VFA quan trọng vì một số lý do khác bên cạnh việc cho phép Mỹ dễ dàng tiếp cận các cơ sở của Philippines và các thủ tục rõ ràng để hai nước tuân theo.

Thứ nhất, Hiệp định cung cấp các quy trình rõ ràng để xử lý các vấn đề phát sinh do sự hiện diện của các thành viên quân đội Hoa Kỳ tại Philippines. Ví dụ, vào năm 2015, một lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã bị xét xử và bị kết án giết một người Philippines. Người này bị kết án 12 năm tù. Nhờ VFA, anh ta đang thực hiện bản án tại một cơ sở do Philippines và Hoa Kỳ hợp tác thành lập chứ không phải là một nhà tù bình thường của Philippines.

Thứ hai, đó là một tín hiệu chính trị thể hiện sự gần gũi của liên minh Hoa Kỳ – Philippines. Các nhà phân tích và cựu quan chức tin rằng tín hiệu về quan hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Philippines sẽ hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Philippines.

Bằng cách rút khỏi VFA, Tổng thống Duterte đã một lần nữa khẳng định thông điệp của mình rằng Philippines đang tìm cách rời xa Hoa Kỳ.

Câu hỏi: Tiếp theo điều gì sẽ xảy ra?

Trả lời: Quy trình chấm dứt theo quy định của VFA sẽ bao gồm một thời hạn 180 ngày kể từ khi một bên thông báo ý định rút khỏi Hiệp định cho đến khi việc đó trở thành chính thức. Nếu không có thỏa thuận mới, các lực lượng Hoa Kỳ hiện đang hoạt động tại Philippines sẽ cần phải rời khỏi Philippines hoặc tìm một địa vị pháp lý mới. Điều này sẽ tác động tới các lực lượng Hoa Kỳ hiện có mặt tại Philippines để hỗ trợ cuộc chiến của quân đội nước này chống lại quân nổi dậy có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo ở các đảo phía nam. Dù quân đội và các nỗ lực của chính phủ Philippines nói chung chống lại quân nổi dậy đang có tiến triển, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đang khuếch đại và đẩy nhanh các tiến bộ này cho Philippines, đồng thời làm chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo vào Đông Nam Á.

Hoa Kỳ cũng có thể nắm bắt thời điểm này để tìm cách đàm phán lại một thỏa thuận mới và tốt hơn với Philippines, một thỏa thuận làm thỏa mãn mong muốn độc lập hơn với Mỹ của Tổng thống Duterte,  đồng thời mang lại cho Tổng thống Trump một cơ hội để tạo dấu ấn lên một thỏa thuận lớn khác, lần này là một thỏa thuận quốc phòng, có thể thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong nhiều năm tới.

John Schaus là nghiên cứu viên chính tại Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Washington, D.C.