Thế giới hôm nay: 18/02/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hoa Kỳ hồi hương hơn 300 công dân và các thành viên gia đình trực tiếp của họ, những người từng là hành khách trên tàu Diamond Princess, một du thuyền bị cách ly đang neo đậu gần Tokyo. Mười bốn người đã được xét nghiệm dương tính với covid-19 và bị cách ly với các hành khách khác, những người cũng đã bị cách ly 14 ngày tại các cơ sở quân sự. Trong khi đó, Trung Quốc thông báo hơn 70.000 người đã bị nhiễm coronavirus.

GDP Nhật Bản giảm 6,3% so với cùng kì năm trước trong quý cuối năm 2019, mức giảm cao hơn dự đoán. Nền kinh tế Nhật bị ảnh hưởng bởi thuế tiêu dùng tăng, bão Hagibis và nhu cầu toàn cầu yếu. Gián đoạn kinh tế gây ra bởi covid-19 có thể sẽ tiếp tục gây suy giảm kinh tế trong năm nay, điều sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới rơi vào suy thoái.

Trong một chiến thắng cho nữ quyền, Tòa án Tối cao Ấn Độ phán quyết rằng tất cả các nữ sĩ quan quân đội đủ điều kiện được phép thăng cấp và giữ vai trò chỉ huy, đặt họ ngang hàng với nam giới về khía cạnh thăng tiến, cấp bậc, lợi ích và lương hưu. Phụ nữ đã có thể gia nhập quân đội từ năm 1992, nhưng không được đề bạt các cấp bậc quân nhân chuyên nghiệp.

Liên minh châu Âu sẽ chấm dứt Chiến dịch Sophia, sứ mệnh hải quân chung của khối ở Địa Trung Hải. Chiến dịch này được triển khai vào năm 2015 nhằm trấn áp những kẻ buôn lậu người di cư từ Bắc Phi đến châu Âu và nhằm thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Libya, nơi một cuộc nội chiến đang diễn ra. Một sứ mệnh thay thế cho Chiến dịch Sophia vẫn đang được thảo luận.

Hủy bỏ một chuyến đi đến Barbados, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thay vào đó dự họp khẩn cấp để thảo luận về các cuộc biểu tình chặn đường ống dẫn khí vốn làm tê liệt hệ thống đường sắt của nước này. Người biểu tình trên khắp đất nước đã xuống đường ủng hộ người bản địa Wet’suwet’en, những người phản đối việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trên vùng đất tổ tiên của họ ở miền bắc tỉnh British Columbia.

Thierry Breton, ủy viên công nghiệp EU, đã chỉ trích các đề xuất quản lý nội dung online của Facebook. Sau cuộc họp với Mark Zuckerberg, ông chủ của gã khổng lồ truyền thông xã hội, ông Breton cho biết kế hoạch loại bỏ các nội dung bất hợp pháp của Facebook là không thỏa đáng. Công ty phải thích ứng với các tiêu chuẩn của Châu Âu, chứ không phải làm ngược lại, ông nói.

Alstom xác nhận rằng họ đang đàm phán với Bombardier, một đối thủ đến từ Canada, để mua mảng sản xuất tàu điện của hãng này với giá lên tới 7 tỷ đô la. Công ty Pháp rất muốn cạnh tranh với một đối thủ lớn hơn nhiều đến từ Trung Quốc, CRRC. Năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã ngăn chặn cuộc hợp nhất mảng tàu điện của Alstom và của Tập đoàn Siemens, một tập đoàn của Đức, vì lo ngại độc quyền.

TIÊU ĐIỂM

HSBC lại thay đổi chiến lược

Ngân hàng Anh đã phải vật lộn để tìm chỗ đứng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, tiến hành hai cuộc sửa đổi chiến lược trong thập niên qua. Hôm nay giám đốc của họ, Noel Quinn, sẽ đưa ra chiến lược thứ ba. Xếp gần đầu trong chương trình nghị sự của HSBC sẽ là giảm bớt hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của họ ở châu Âu; họ có thể sẽ bán bớt một số bộ phận. Mặc dù HSBC là công ty cho vay lớn nhất Châu Âu, phần lớn thu nhập của họ lại đến từ châu Á. Ngay cả ở đó, HSBC cũng đang gặp khó, khi mà các chi nhánh của họ ở Hồng Kông và Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình và coronavirus.

Một phần đáng kể đội ngũ nhân viên 237.000 người của họ có thể mất việc trong cuộc đại tu sắp tới. Họ thậm chí có thể bao gồm ông Quinn, người hiện chỉ tạm thời giữ vai trò giám đốc điều hành sau khi người tiền nhiệm của ông bị cách chức vào tháng 8 năm ngoái. Sáu tháng trước, ông Quinn dường như là ứng cử viên hàng đầu để ngồi vĩnh viễn vào ghế nóng. Giờ đây điều này không chắc lắm.

WeWork có giám đốc điều hành mới

Sandeep Mathrani hôm nay sẽ bắt đầu giữ chức giám đốc điều hành của hãng cho thuê văn phòng. Ông là một hình ảnh trái ngược hoàn toàn hơn với người sáng lập vừa mới bị lật đổ của WeWork, Adam Neumann. Không hề có kinh nghiệm trước đây trong ngành, ông Neumann đã xây dựng WeWork đạt mức định giá lên tới 47 tỷ đô la, chủ yếu dựa trên sự lôi cuốn và tầm nhìn của ông. Tuy nhiên, hành vi thất thường của ông và việc tiết lộ tình hình tài chính ngoài tầm kiểm soát của công ty vào mùa thu năm ngoái đã xóa sạch hầu hết giá trị của WeWorks, dẫn đến việc hủy IPO.

Trái lại, ông Mathrani là một giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm của Brookfield Properties, một hãng đầu tư bất động sản lớn. Việc thuê ông báo hiệu rằng cổ đông chính của WeWork, SoftBank, muốn biến công ty từ chỗ thua lỗ, tập trung vào công nghệ thành một bên cho thuê không gian văn phòng có lợi nhuận. Bất kỳ giá trị gia tăng nào ông mang lại cho WeWork cũng sẽ được chào đón bởi tập đoàn đầu tư công nghệ Nhật Bản. Họ đã mất hơn 4 tỷ đô la cổ phần của mình trong hãng này.

Thổ Nhĩ Kỳ xét xử các nhà hoạt động môi trường

Phán quyết sẽ được tuyên hôm nay trong phiên tòa xét xử 16 nhà hoạt động bị buộc tội cố gắng “lật đổ” chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc biểu tình vì môi trường hồi năm 2013. Hàng triệu người đã xuống đường để ngăn chặn các kế hoạch đập bỏ Công viên Gezi của Istanbul để xây dựng một trung tâm mua sắm của Recep Tayyip Erdogan, người khi ấy là thủ tướng. Các công tố viên, những người đã sử dụng các máy nghe lén bất hợp pháp và triệu tập các nhân chứng không liên quan đến các bị cáo, muốn các thẩm phán bỏ tù ba người trong số họ: Osman Kavala, một nhà từ thiện; Mucella Yapici, một kiến ​​trúc sư; và Yigit Aksakoglu, một chuyên gia phát triển trẻ em.

Ông Erdogan, hiện là tổng thống, đã đưa ra lời buộc tội sặc mùi bài Do Thái rằng ông Kavala tài trợ các cuộc biểu tình với sự giúp đỡ từ George Soros, một tỷ phú Do Thái; bằng chứng xoay quanh việc ông Kavala đã phân phát bánh ngọt cho người biểu tình. Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) rằng ông này cần được trả tự do. ECHR cho biết việc ông bị giam giữ kể từ năm 2017 chỉ dựa trên bằng chứng mỏng manh, với một “mục đích bí mật” là đàn áp bất đồng chính kiến.

Vụ kiện giữa Yukos và chính phủ Nga

Vào năm 2014, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague đã ra phán quyết rằng chính phủ Nga nợ 50 tỷ đô la đối với các cổ đông của Yukos, một công ty dầu mỏ đã phá sản vào năm 2003-2007 sau khi giám đốc điều hành của nó, Mikhail Khodorkovsky, trở thành đối thủ chính trị của Tổng thống Vladimir Putin. Hôm nay, một tòa án phúc thẩm ở Hà Lan sẽ quyết định xem có phục hồi phán quyết đó hay không, vốn trước đó đã bị một tòa án quận đảo ngược hồi 2016.

Vụ kiện xoay quanh việc liệu PCA có quyền tài phán dựa trên một hiệp ước đầu tư năng lượng mà Nga đã ký nhưng chưa bao giờ phê chuẩn hay không. Trọng tâm chính là liệu luật pháp quốc tế có thể hỗ trợ các nhà đầu tư bị Nga ngược đãi hay không. Ông Khodorkovsky không còn tham gia nữa: ông đã chuyển số cổ phần của mình cho một đối tác trong khi ở tù từ 2003 đến 2013. Nếu thắng, các cổ đông của Yukos sẽ gặp khó khăn trong việc lấy lại tiền của họ. Nga có thể sẽ kháng cáo lên Tòa án tối cao Hà Lan, trong khi các quốc gia khác không muốn bị trả đũa vì tịch thu tài sản của Nga.

Đệ nhất phu nhân Lesotho hầu tòa vì cáo buộc giết người

Khi Maesaiah Thabane đến tòa vào hôm nay, đó sẽ là khoảnh khắc mà người dân Lesotho không bao giờ nghĩ sẽ xảy ra. Đệ nhất phu nhân của vương quốc nhỏ này bị buộc tội ra lệnh giết tình địch của mình, Lipolelo Thabane, vợ trước của thủ tướng Thomas Thabane, hồi năm 2017. Động cơ được cho là vì bà muốn đẩy nhanh việc trở thành đệ nhất phu nhân, điều mà bà vợ cũ của Tabane tìm cách ngăn chặn bằng cách kéo dài các thủ tục ly hôn.

Rất ít người Lesotho nghĩ rằng bà Tabane (người chưa nhận tội) sẽ bị kết án, một phần vì đất nước này có lịch sử không giải quyết các vụ giết người vì chính trị. Nhưng một nhân chứng tiềm năng là chìa khóa vụ án: Ông Thabane. Mặc dù ông đã hứa sẽ từ chức thủ tướng nhưng sau khi xuất hiện bằng chứng cho thấy điện thoại của ông có liên quan với một cuộc gọi từ hiện trường vụ án, ông đang cố bám chặt vào ghế của mình và khăng khăng vô tội.