18/02/1930: Phát hiện Diêm Vương tinh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Pluto discovered, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1930, Diêm Vương tinh, từng được cho là hành tinh thứ chín trong Thái Dương hệ, được nhà thiên văn học Clyde W. Tombaugh phát hiện từ Đài thiên văn Lowell ở Flagstaff, Arizona.

Sự tồn tại của một hành tinh thứ chín mà người  ta chưa biết đến lần đầu tiên được đề xuất bởi Percival Lowell, người đưa ra giả thuyết rằng sự chao đảo trong quỹ đạo của Thiên Vương tinh và Hải Vương tinh là do lực hấp dẫn từ một hành tinh chưa được khám phá. Lowell đã tính toán vị trí gần đúng của hành tinh thứ chín này và tìm kiếm hơn một thập niên nhưng không thành công.

Tuy nhiên, từ năm 1929, dựa vào tính toán của Lowell và W.H. Pickering, việc tìm kiếm Diêm Vương tinh đã được nối lại tại Đài thiên văn Lowell ở Arizona. Ngày 18/02/1930, Tombaugh đã phát hiện ra hành tinh nhỏ bé, xa xôi này bằng cách sử dụng một kỹ thuật thiên văn mới kết hợp các tấm ảnh chụp với kính hiển vi nhấp nháy. Phát hiện của ông đã được xác nhận bởi một số nhà thiên văn học khác, và vào ngày 13/03/1930 – kỷ niệm ngày sinh của Lowell, cũng đồng thời là ngày William Herschel phát hiện Thiên vương tinh – người ta đã chính thức công bố việc tìm ra Diêm Vương tinh.

Với nhiệt độ bề mặt ước tính là khoảng âm 360 độ F, Diêm Vương tinh (Pluto) đã được đặt theo tên vị thần La Mã cai quản cõi âm trong thần thoại. Khoảng cách trung bình từ Diêm Vương tinh đến Mặt Trời là gần bốn tỉ dặm, và phải mất khoảng 248 năm để hoàn thành một quỹ đạo. Nó cũng có quỹ đạo hình elip và nghiêng nhất trong số các hành tinh, và tại điểm gần nhất với Mặt Trời, nó đi qua quỹ đạo của Hải Vương tinh, hành tinh thứ tám.

Sau khi phát hiện ra Diêm Vương tinh, một số nhà thiên văn học đã đặt câu hỏi liệu hành tinh này có đủ khối lượng để ảnh hưởng đến quỹ đạo của Thiên Vương và Hải Vương hay không. Năm 1978, James Christy và Robert Harrington đã khám phá vệ tinh duy nhất được biết đến của Diêm Vương tinh, Charon, có đường kính 737 dặm so với 1.428 dặm của hành tinh mẹ. Người ta cho rằng Diêm Vương tinh và Charon đã hình thành một hệ thống hai hành tinh, với khối lượng đủ lớn để gây ra sự chao đảo trong quỹ đạo của Thiên Vương tinh và Hải Vương tinh.

Tuy nhiên, vào tháng 08/2006, Liên minh Thiên văn Quốc tế tuyên bố rằng Diêm Vương tinh sẽ không còn được coi là một hành tinh nữa, do định nghĩa mới rằng “hành tinh phải có vùng không gian trống không bị xâm phạm xung quanh quỹ đạo của mình.” Vì quỹ đạo của Diêm Vương cắt quỹ đạo của Hải Vương nên nó đã bị loại.