Crypto AG: Chương trình tình báo thế kỷ của CIA (P4)

Nguồn: Greg Miller, “The intelligence coup of the century”, The Washington Post, 11/02/2020.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Khủng hoảng Hydra

Crypto trải qua nhiều năm thua lỗ trong thập niên 1980, song thông tin tình báo chảy vào vẫn mạnh mẽ. Các cơ quan mật vụ Mỹ chặn được hơn 19.000 giao tiếp của Iran gửi qua các thiết bị của Crypto trong suốt cuộc chiến tranh dài cả thập niên giữa Iran và Iraq, đem đến cho họ thông tin về các mối liên hệ với khủng bố của Tehran và âm mưu đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Đối với mật vụ Mỹ, các giao tiếp của Iran “có thể đọc được từ 80 cho tới 90%,” theo tài liệu của CIA, một con số có thể đã giảm xuống chỉ còn dưới 10% nếu nước này không dùng các thiết bị đã bị điều chỉnh của Crypto.

Năm 1989, việc Vatican dùng thiết bị của Crypto đã trở nên hữu ích cho Mỹ trong cuộc săn lùng nhà lãnh đạo Panama, Manuel Antonio Noriega. Khi nhà độc tài này trú ẩn trong một sứ quán của Tòa thánh, tung tích của ông đã bị lộ khi tòa đại sứ gửi tin về Vatican.

Dù vậy, năm 1992, chương trình Crypto đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên: Iran, hành động muộn màng dù đã nghi ngờ từ lâu, bắt giữ một nhân viên bán hàng của công ty.

Hans Buehler, khi ấy 51 tuổi, được xem như một trong những nhân viên bán hàng giỏi nhất của hãng. Iran là một trong các đối tác lớn nhất của công ty, và Buehler đến thăm Tehran trong suốt nhiều năm. Đã có những khoảng khắc căng thẳng, bao gồm lần ông bị các quan chức Iran tra hỏi sau vụ ném bom sàn disco và các vụ không kích của Mỹ lên đất Libya.

Sáu năm sau, ông lên một chuyến bay của Swissair để đến Tehran song không trở về theo lịch trình. Khi không thấy ông, Crypto hỏi thăm giới chức Thụy Sĩ và được biết ông đã bị Iran bắt. Các quan chức lãnh sự Thụy Sĩ được đến thăm Buehler nói ông ở trong “tình trạng tinh thần xấu,” theo tài liệu của CIA.

Buehler cuối cùng được thả 9 tháng sau, sau khi Crypto đồng ý trả cho Iran 1 triệu đô, khoản tiền được bí mật cung cấp bởi BND, theo các tài liệu. CIA từ chối can dự vào, biện luận rằng chính sách của Mỹ là không thỏa hiệp với các yêu cầu đòi tiền chuộc con tin.

Buehler không hề biết về mối quan hệ giữa Crypto với CIA và BND hay lỗ hổng trên các thiết bị. Ông về nước trong tâm trạng bàng hoàng và nghi ngờ rằng người Iran còn biết về công ty của ông nhiều hơn chính ông. Buehler bắt đầu trả lời phỏng vấn các tờ báo Thụy Sĩ về vụ bắt giữ và mối nghi ngờ ngày càng tăng của mình.

Báo giới khơi gợi lên những đầu mối đã bị bỏ quên từ lâu, bao gồm một “chương trình Boris” trong mớ tài liệu cá nhân khổng lồ của Friedman, vốn được quyên góp cho Học viện Quân sự Virginia khi ông qua đời vào năm 1969. Nằm trong 72 chiếc hộp được chuyển đến Lexington, bang Virginia, là các bản ghi lại mối quan hệ lâu dài của ông với Hagelin.

Năm 1994, cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn khi Buehler xuất hiện trên truyền hình Thụy Sĩ trong một chương trình có cả Frutiger với thân phận được che giấu khỏi khán giả. Buehler qua đời năm 2018. Frutiger, vị kỹ sư đã bị sa thải vì sửa các hệ thống mã hóa của Syria nhiều năm trước, từ chối bình luận.

Michael Grupe, người kế vị giám đốc điều hành Wagner, đồng ý xuất hiện trên truyền hình Thụy Sĩ để phân trần cho các cáo buộc mà chính ông biết là sự thật. “Pha diễn của Grupe đã tạo tin tưởng, và có thể đã cứu vãn cả chương trình,” theo tài liệu của CIA. Grupe cũng từ chối bình luận.

Dù vậy, phải mất vài năm để cuộc tranh cãi rơi vào quên lãng. Năm 1995, tờ Baltimore Sun đăng một chuỗi các câu chuyện điều tra về NSA, bao gồm một bài có tên “Rigging the Game” nhắm vào quan hệ của cơ quan này với Crypto.

Bài báo nói các quan chức NSA đã đến Zug vào giữa thập niên 1970 để họp bí mật với các lãnh đạo Crypto. Các quan chức ngụy trang dưới mác chuyên gia tư vấn của một công ty bình phong có tên “Intercomm Associates” nhưng sau đó đã giới thiệu tên thật của mình – theo bản ghi nhớ cuộc họp của một nhân viên công ty.

Giữa cuộc khủng hoảng hình ảnh công ty, một số nhân viên bắt đầu đi tìm việc khác. Và ít nhất nửa tá quốc gia – bao gồm Argentina, Italy, Arab Saudi, Ai Cập và Indonesia – đã hủy hoặc hoãn các hợp đồng với Crypto.

Đáng ngạc nhiên, Iran lại không có trong số này, theo tài liệu của CIA, và “trở lại mua thiết bị của Crypto gần như ngay lập tức.”

Tổn thất lớn nhất mà khủng hoảng “Hydra,” tên mã được đặt cho vụ Buehler, gây ra là cho mối quan hệ đối tác giữa CIA và BND.

Suốt nhiều năm, các quan chức BND đã bất đồng với việc các đối tác Mỹ từ chối phân biệt đồng minh và kẻ thù. Hai bên thường tranh cãi xem nước nào xứng đáng được nhận phiên bản bảo mật (không bị tùy chỉnh), với việc người Mỹ thường khăng khăng rằng thiết bị tùy chỉnh phải được bán cho tất cả các nước chịu mua – bất kể đồng minh hay không.

Theo báo cáo của Đức, Wolbert Smidt, cựu giám đốc BND, than phiền rằng Hoa Kỳ “muốn đối xử với các đồng minh theo cách tương tự như họ đối xử với các nước Thế giới Thứ Ba.” Một quan chức khác của BND bổ sung thêm, nói rằng đối với người Mỹ, “trong thế giới tình báo không hề có bạn bè.”

Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt, Bức tường Berlin đã bị phá bỏ và giờ đây nước Đức thống nhất có những ưu tiên và quan tâm khác xưa. Họ thấy mình sẽ bị tổn hại nhiều hơn nếu chương trình Crypto bị lộ. Vụ Hydra đã làm người Đức bối rối vì tin rằng sự can dự của họ bị công khai sẽ gây phẫn nộ khắp châu Âu và dẫn đến hệ quả kinh tế, chính trị lớn.

Năm 1993, giám đốc BND Konrad Porzner nói rõ với giám đốc CIA James Woolsey rằng sự ủng hộ của thượng tầng chính phủ Đức đang lung lay và người Đức có thể muốn rút khỏi Crypto. Ngày 9 tháng 9, trưởng cơ quan CIA ở Đức, Milton Bearden, đạt thỏa thuận với các quan chức BND về việc CIA mua lại số cổ phần của Đức với giá 17 triệu đô, theo báo cáo của CIA.

Các quan chức tình báo Đức hối tiếc về việt rút lui khỏi một chương trình họ đã dày công tạo nên. Theo báo cáo của Đức, các lãnh đạo tình báo đổ lỗi cho các lãnh đạo chính trị vì đã chấm dứt một trong những chiến dịch tình báo thành công nhất mà BND từng tham gia.

Sau khi rút khỏi chương trình, người Đức sớm bị cắt đứt khỏi các tin tình báo mà Mỹ tiếp tục thu thập. Theo báo cáo của Đức, Burmeister đã băn khoăn không biết Đức có còn thuộc “số ít các nước không bị Mỹ theo dõi” hay không.

Về sau này, các tài liệu của Snowden cho ta một câu trả lời, đó là các cơ quan tình báo Mỹ không chỉ xem Đức như một mục tiêu mà thậm chí còn nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel.

Vẫn sống tốt

Báo cáo của CIA gần như kết thúc tại thời điểm Đức rời chương trình, mặc dù đến 2004 nó mới được viết xong và chương trình vẫn tiếp diễn.

Chẳng hạn, báo cáo miêu tả vụ Buehler là “vụ rò rỉ an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử chương trình” song không phải đòn chí mạng. “Nó đã không giết chết chương trình,” báo cáo tiếp tục, “và tại thời điểm thế kỷ mới mở ra Miverva vẫn sống tốt.”

Trên thực tế, chương trình dường như rơi vào một thời kỳ sụt giảm kéo dài. Giữa những năm 1990, “những ngày ngập trong lợi nhuận đã là quá khứ,” và Crypto “có thể đã phá sản nếu chính phủ Mỹ không bơm tiền.”

Kết quả là, CIA mất nhiều năm chống đỡ cho một tổ chức có sức sống chủ yếu về mặt tình báo hơn là về kinh doanh. Sản xuất, doanh thu, và cả số khách hàng đều giảm.

Song dòng thông tin tình báo vẫn tiếp tục chảy vào, theo lời các đương kim và cựu quan chức, một phần vì sức ì quan liêu. Nhiều chính phủ chỉ đơn giản là không bao giờ thay các thiết bị của Crypto bằng những hệ thống mã hóa mới được sản xuất trong những năm 1990 và sau này. Điều này đặc biệt đúng với các nước kém phát triển hơn, theo các tài liệu.

Phần lớn các nhân viên được nhắc tới trong báo cáo của CIA và BND hiện đang ở độ tuổi 70 và 80, một số đã qua đời. Trong các cuộc phỏng vấn ở Thụy Sĩ năm ngoái, nhiều cựu nhân viên Crypto được nhắc đến trong báo cáo miêu tả cảm giác bất an vì đã từng làm việc ở công ty.

Họ chưa bao giờ được biết về mối quan hệ thực sự giữa công ty với các cơ quan tình báo. Song họ có mối nghi ngờ sâu sắc và vẫn còn áy náy về mặt đạo đức vì tiếp tục ở lại một công ty mà họ tin là tham gia vào hành vi lừa dối khách hàng.

“Bạn chỉ có thể rời đi hoặc chấp nhận,” theo lời Caflisch, người giờ 75 tuổi và đã rời công ty vào năm 1995 song tiếp tục ở lại ngoại ô Zug trong một nhà máy dệt được cải tiến, nơi bà và gia đình tổ chức nhiều buổi diễn opera bán chuyên trong nhà kho. “Có lý do để tôi rời đi,” bà nói, bao gồm nỗi nghi ngờ của bà về Crypto và mong muốn được ở nhà nhiều hơn cùng lũ trẻ. Sau khi các tài liệu được công bố gần đây, bà nói “Nó khiến tôi nghĩ có lẽ tôi nên nghỉ sớm hơn.”

Còn Spoerndli thì nói ông hối tiếc về cách suy nghĩ của mình.

“Tôi tự nhủ rằng đôi khi sẽ tốt hơn nếu để những người tốt ở Mỹ biết chuyện gì đang diễn ra giữa các nhà độc tài ở Thế giới Thứ ba,” ông nói. “Nhưng đó là lời tự bào chữa rẻ tiền. Cuối cùng, đó không phải cách.”

Phần lớn các quản lý trực tiếp can dự vào chương trình được thôi thúc bởi niềm tin ý thức hệ và từ chối bất kỳ khoản thưởng nào vượt quá mức lương mà Crypto trả, theo tài liệu. Widman là một trong những ngoại lệ. “Khi gần nghỉ hưu, tiền lương bí mật của ông tăng cao,” báo cáo của CIA nói. Ông cũng được trao một huy chương đính huy hiệu CIA.

Sau khi BND rời đi, CIA mở rộng bộ sưu tập các công ty trong lĩnh vực mã hóa, theo một số cựu quan chức tình báo phương Tây. Dùng số tiền thu được từ chương trình Crypto, cơ quan này bí mật mua một hãng khác và dựng lên một hãng thứ ba. Các tài liệu không đề cập bất kì chi tiết nào về các thực thể này. Song báo cáo của BND có ghi nhận rằng một trong những đối thủ lâu đời của Crypto – Gretag AG, cũng đặt trụ sở ở Thụy Sĩ – đã “bị mua lại bởi một [người hoặc thực thể]‘Mỹ’ và, sau khi đổi tên vào năm 2004, đã bị thanh lý.”

Crypto vẫn tồn tại. Nó đã sống sót qua cuộc chuyển giao từ các hộp sắt sang mạch điện tử, từ máy điện báo đánh chữ sang hệ thống mã hóa giọng nói. Nhưng hãng giờ phải vật lộn khi thị trường mã hóa chuyển từ phần cứng sang phần mềm. Các cơ quan tình báo Mỹ có vẻ đã đồng ý để chương trình Crypto tiếp tục, dù NSA giờ đã chuyển trọng tâm sang tìm cách khai thác hoạt động có quy mô toàn cầu của Google, Microsoft, Verizon và các công ty công nghệ Mỹ khác.

Năm 2017, trụ sở lâu năm của Crypto gần Zug đã bị bán cho một công ty bất động sản thương mại. Năm 2018, các tài sản còn lại của công ty – những mảnh ghép mấu chốt của thương hiệu mã hóa ra đời gần một thế kỷ trước – cũng bị chia tách và bán.

Các giao dịch đã được thiết kế để che đậy sự rút lui của CIA.

Vụ mua lại của CyOne đối với chi nhánh Thụy Sĩ của công ty được cơ cấu như một vụ thôn tính hội đồng quản trị, cho phép các lãnh đạo Crypto chuyển đến một công ty mới không liên quan đến các rủi ro tình báo và có một nguồn doanh thu ổn định. Chính phủ Thụy Sĩ, bên luôn được bán các máy không bị tùy chỉnh của Crypto, giờ là khách hàng duy nhất của CyOne.

Giuliano Otth, CEO của Crypto AG từ 2001 cho đến khi nó bị giải thể, đảm nhiệm vị trí tương tự ở CyOne sau khi công ty mua lại các tài sản ở Thụy Sĩ [của Crypto AG]. Với nhiệm kỳ của ông ở Crypto, khả năng cao ông biết về sở hữu của CIA ở công ty, như mọi người tiền nhiệm của ông.

“Cả CyOne Security AG và ông Otth đều không có bình luận gì về lịch sử của Crypto AG,” hãng này nói trong một công bố.

Các tài khoản và tài sản kinh doanh quốc tế của Crypto được bán cho Linde, một doanh nhân Thụy Điển xuất thân từ một gia đình giàu có sở hữu nhiều bất động sản thương mại.

Trong một cuộc gặp ở Zurich tháng trước, Linde nói ông chú ý tới công ty một phần vì nguồn gốc của nó và mối liên hệ với Hagelin, một quá khứ vẫn còn được quan tâm ở Thụy Điển. Sau vụ mua lại, Linde thậm chí đưa một số thiết bị mang tính lịch sử của Hagelin ra khỏi kho và trưng bày tại một lối đi của nhà máy.

Khi được kể về bằng chứng cho thấy Crypto đã được sở hữu bởi CIA và BND, Linde run rẩy, và nói rằng trong lúc thương lượng ông không hề biết về danh tính các chủ sở hữu của công ty. Ông hỏi khi nào câu chuyện sẽ được lên báo, nói rằng ông có nhân viên ở nước ngoài và lo ngại cho sự an toàn của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Linde nói công ty đang điều tra mọi sản phẩm đang bán để xác định liệu chúng có lỗ hổng nào không. “Chúng tôi phải cắt đứt mọi thứ có liên hệ với Crypto nhanh nhất có thể,” ông nói.

Khi được hỏi vì sao ông không gặp Otth và những người khác tham gia vào giao dịch và hỏi về bản chất các lời cáo buộc xưa nay nhắm vào Crypto, Linde nói ông xem chúng “chỉ là lời đồn.”

Ông nói ông an tâm vì thấy Crypto tiếp tục kí được nhiều hợp đồng lớn với các chính phủ nước ngoài, những nước mà ông cho rằng đã thử nghiệm các sản phẩm của công ty nhiều lần và sẽ ngưng mua nếu phát hiện chúng bị tùy chỉnh.

“Tôi thậm chí còn mua tên thương hiệu, ‘Crypto’,” ông nói, cho thấy ông tin tưởng vào tương lai công ty. Với việc các thông tin này được đưa ra ánh sáng, ông nói đây “có thể là một trong những quyết định ngu ngốc nhất sự nghiệp của tôi.”

Việc thanh lý công ty được tiến hành bởi chính hãng luật Liechtenstein mà trước đây đã che giấu vụ bán lại của Hagelin cho CIA và BND 48 năm trước. Các điều khoản giao dịch năm 2018 không được công bố, song các đương kim và cựu quan chức ước tính tổng giá trị rơi vào khoảng 50-70 triệu đô.

Đối với CIA, đó có thể là phần thưởng cuối cùng họ nhận được từ Minerva./.

Tác giả Greg Miller là phóng viên chuyên mục an ninh quốc gia của The Washington Post và là chủ nhân của hai giải thưởng Pulitzer.