26/03/1950: McCarthy buộc tội Owen Lattimore là điệp viên Liên Xô

Nguồn: McCarthy charges that Owen Lattimore is a Soviet spy, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1950, một buổi phát thanh liên quan đến cuộc điều tra của Thượng viện về những người cộng sản ở Bộ Ngoại giao Mỹ đã rò rỉ tin tức rằng Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy đã buộc tội Giáo sư Owen Lattimore là gián điệp cấp cao của Liên Xô. Lattimore sớm trở thành nhân vật trung tâm trong cơn cuồng loạn mang tên “Nỗi sợ Cộng sản” (Red Scare) xuất phát từ những cáo buộc liều lĩnh của McCarthy.

McCarthy sớm trở nên nổi tiếng vào tháng 02/1950 khi ông tuyên bố trong một bài phát biểu rằng mình đang nắm giữ một danh sách hơn 200 người “theo cộng sản” trong Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, khi bị ép công khai chi tiết, McCarthy lại tìm cách lảng tránh. Khi Thượng viện yêu cầu ông đưa ra bằng chứng để hỗ trợ cho khẳng định của mình, McCarthy chuyển sang trình bày lan man và hoàn toàn không mạch lạc.

Tuy nhiên, vị thượng nghị sĩ đến từ Wisconsin vẫn không chịu rút lại tuyên bố của mình và khẳng định rằng ông có bằng chứng rõ ràng về liên hệ với cộng sản của ít nhất một người từng làm việc cho Bộ Ngoại giao – và Lattimore đã nhanh chóng được xác định là người đó.

Owen Lattimore là một học giả chuyên về lịch sử Trung Quốc, khi đó đang giảng dạy tại Đại học Johns Hopkins. Trong Thế chiến II, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã bổ nhiệm ông làm đại diện đặc biệt cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch. Lattimore cũng từng phục vụ trong Văn phòng Thông tin Chiến tranh. Những rắc rối của ông bắt đầu sau chiến tranh, khi tình thế cho thấy rõ là chính quyền Tưởng sẽ bại trận trước lực lượng của Mao Trạch Đông. Khi Trung Quốc rơi vào tay những người cộng sản vào năm 1949, dân Mỹ trong cơn sốc đã tìm kiếm vật tế thần để đổ lỗi cho thất bại này. Những cá nhân như Lattimore, người đã không ngớt lời chỉ trích chế độ của Tưởng, liền trở thành những mục tiêu dễ dàng.

Tháng 03/1950, Thượng nghị sĩ McCarthy đã bị yêu cầu mạnh mẽ phải công bố cái gọi là “những người cộng sản nổi tiếng” mà ông đã đề cập trong bài phát biểu tháng Hai. Ông chuyển sự chú ý của mình sang những người trong Bộ Ngoại giao, những người có liên quan đến các vấn đề Trung Quốc, và cái tên Owen Lattimore cứ thế tự nhiên xuất hiện. Ngay sau đó, McCarthy đã buộc tội Lattimore là gián điệp cao cấp của Liên Xô tại Mỹ.

Tất nhiên, Lattimore vô cùng giận giữ phủ nhận và phiên điều trần trước một ủy ban quốc hội đã giúp ông xóa bỏ mọi cáo buộc. Nhưng McCarthy cứng đầu không chịu bỏ cuộc. Năm 1951-1952, Tiểu ban An ninh Nội bộ Thượng viện đã xem xét lại các cáo buộc chống lại Lattimore. Trong lời khai của mình, vị học giả thừa nhận rằng lời khai năm 1950 của ông có một số điểm không chính xác. Điều này là đủ để Tiểu ban buộc tội Lattimore khai man. Những cáo buộc này cuối cùng cũng bị loại bỏ vì thiếu bằng chứng, nhưng sự nghiệp của Lattimore đã bị tổn hại nghiêm trọng. Năm 1963, ông rời Mỹ để đến giảng dạy và viết lách tại Anh. Ông trở lại vài năm sau đó và qua đời vào năm 1989.

Owen Lattimore chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân trong cơn cuồng loạn của tay săn phù thủy McCarthy. Cũng như với các nạn nhân bị gọi là “cộng sản” khác, McCarthy đã không hề có bất cứ bằng chứng nào đủ để chống lại Lattimore.