05/09/1958: “Dr. Zhivago” của Pasternak xuất bản ở Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Pasternak’s Dr. Zhivago appears in the United States, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1958, tiểu thuyết lãng mạn của tác giả Boris Pasternak, Dr. Zhivago, đã chính thức được xuất bản tại Mỹ. Dù bị cấm ở Liên Xô nhưng cuốn sách vẫn giành được giải thưởng Nobel Văn chương năm 1958.

Pasternak sinh ra ở Nga vào năm 1890, bước sang thời kỳ Cách mạng Nga, ông trở thành một nhà thơ tiên phong nổi tiếng. Tuy nhiên, tác phẩm của ông đã không được ủng hộ trong thập niên 1920 và 1930 khi chế độ cộng sản của Joseph Stalin áp đặt kiểm duyệt chặt chẽ đối với nghệ thuật và văn học Liên Xô. Trong thời gian này, Pasternak kiếm sống bằng nghề dịch giả. Năm 1956, ông hoàn thành cuốn sách sẽ giúp mình nổi tiếng toàn thế giới.

Dr. Zhivago là một câu chuyện tình yêu sử thi lấy bối cảnh Cách mạng Nga và Thế chiến I. Cuốn sách gây phẫn nộ cho các quan chức Liên Xô, đặc biệt là nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev. Liên Xô cho rằng cuốn sách đã lãng mạn hóa tầng lớp thượng lưu Nga trước Cách mạng và hạ thấp giai cấp nông dân và công nhân đã chiến đấu chống lại chế độ Nga hoàng. Báo chí chính thức của Liên Xô từ chối xuất bản cuốn sách và Pasternak dần trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích không ngớt. Tuy nhiên, những người hâm mộ tác phẩm của Pasternak bắt đầu bí mật tuồn từng phần của bản thảo ra khỏi Liên Xô. Đến năm 1958, rất nhiều bản dịch của cuốn sách bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới, bao gồm cả một ấn bản tại Mỹ xuất hiện vào ngày 05/09/1958. Cuốn sách ngay lập tức được liệt vào hàng tác phẩm kinh điển, còn Pasternak thì được trao giải Nobel Văn chương năm 1958.

Dù vậy, chẳng có sự khen ngợi nào có thể giúp Pasternak. Chính phủ Liên Xô đã từ chối cho phép ông nhận giải Nobel, đồng thời xóa tên ông khỏi Hội Nhà văn Liên Xô. Hành động thứ hai này đã chấm dứt sự nghiệp viết lách của Pasternak. Ông qua đời vào tháng 05/1960 bởi căn bệnh ung thư kết hợp với bệnh tim. Nhưng sức ảnh hưởng của Dr. Zhivago vẫn còn mãi. Năm 1965, sách được dựng thành phim điện ảnh với sự tham gia của Omar Sharif trong vai chính. Năm 1987, trong cuộc cải cách dân chủ của Mikhail Gorbachev, Pasternak, mặc dù đã qua đời gần 30 năm, đã được tái gia nhập Hội Nhà văn và cuốn sách của ông cuối cùng cũng đã được xuất bản ở Nga.