Nhìn lại vụ Nga thảm sát người Trung Quốc trên sông Amur

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Andrew Higgins, “On Russia-China Border, Selective Memory of Massacre Works for Both Sides”, New York Times, 26/03/2020.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Nơi xảy ra tội ác là một bờ sông ở vùng Thượng Blagoveshchensk thuộc nước Nga. Tại đây 120 năm trước những người Cô-dắc Nga đã làm cho hàng nghìn người Trung Quốc chết đuối trên sông Amur. Trên ngọn đồi gần đó có dựng một bức tượng đồng kỷ niệm cùng một cây thánh giá Chính thống giáo bằng bê tông.

Đài tưởng niệm ấy không phải là để tưởng nhớ các nạn nhân. Ngược lại, là để ca ngợi những người Cô-dắc [Cossacks] đã bảo vệ vùng lãnh thổ xưa kia từng là của Trung Quốc, nhưng từ giữa thế kỷ 19 đã trở thành một phần của vùng Viễn Đông nước Nga.

Cả hai nước đều chìm đắm trong ký ức đau khổ về thời kỳ sống dưới ách cai trị của kẻ ngoại xâm, nhưng đối với họ, sự kiện khủng khiếp xảy ra năm 1900 trên sông Amur là một vấn đề khó giải quyết. Ngày nay, Nga và Trung Quốc có mối quan hệ khăng khít về kinh tế và chính trị – xuất phát từ chỗ hai nước cùng cảnh giác đối với phương Tây và cùng có một ký ức chọn lọc về quá khứ đầy rắc rối của mỗi nước.

“Chúng tôi cần họ, và họ cũng cần chúng tôi”, Olga Zalesskaia, một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc và Trưởng khoa của Đại học Sư phạm Blagoveshchensk nói. “Bây giờ chúng tôi đang hợp tác với nhau, việc khuấy động những trang sử đau thương trong quá khứ sẽ không hợp lý.”

Gần đây, hai nước đã cố gắng tránh nhắc lại giai đoạn lịch sử này.

Những tranh cãi gần đây hơn gây ra bởi sự bùng phát dịch coronavirus ở Vũ Hán, Trung Quốc, cũng bị lãng tránh.

Khác với Tổng thống Trump, các quan chức Nga cố tình tránh gọi Coronavirus là “virus Trung Quốc”. Bắc Kinh đã giận dữ phản ứng với lệnh cấm du lịch do Tổng thống Mỹ áp đặt, nhưng cùng thời gian đó, khi Nga cũng hạn chế toàn diện du khách đến từ Trung Quốc thì Bắc Kinh lại không phàn nàn gì.

Thế nhưng lịch sử lại được nhìn qua một lăng kính mù mờ hơn.

Nhà bảo tàng lịch sử và văn hóa địa phương ở Blagoveshchensk, thủ phủ vùng Amur của Nga, không đề cập đến vụ việc hàng ngàn người Trung Quốc bỏ mạng trên sông Amur [Hắc Long Giang trong tiếng Trung], mà chỉ thận trọng đề cập tới “sự kiện quân sự xảy ra trên sông Amur trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 7 năm 1900 “.

Nhà bảo tàng này dành phần lớn không gian để trưng bày nỗi đau khổ mà người Nga từng chịu đựng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, tức Thế chiến II. Đó là một phần của hoạt động cả nước Nga chuẩn bị cho ngày 9 tháng 5 [năm 2020] – ngày kỷ niệm 75 năm Liên Xô chiến thắng chủ nghĩa phát xít năm 1945.

Trong khi đó, một nhà bảo tàng Trung Quốc ở bên kia sông Amur lại trưng bày một bức tranh sơn dầu khổ lớn, vẽ cảnh năm xưa người Nga xua người Trung Quốc xuống dòng sông. Nhưng đồng thời, Trung Quốc đã chủ ý không làm đau đầu người Nga: Bảo tàng này không mở cửa cho người nước ngoài.

Victor Zatsepine, sử gia chuyên về lịch sử Trung Quốc hiện đại tại Đại học Connecticut, đã nghiên cứu sự kiện kể trên. Ông nói “Chắc chắn là đã xảy ra một vụ thảm sát”.

Tuy nhiên, ông nói “Những gì người Trung Quốc nhìn thấy rất khác với những gì người nước ngoài nhìn thấy.” Ông chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có truyền thống lâu đời thao túng ký ức [của người dân Trung Quốc] cho phù hợp nhu cầu chính trị, ngoại giao và kinh tế hiện nay.

Trong một nghiên cứu về vụ thảm sát kể trên, Zatsepine viết rằng vụ đó xảy ra không ngẫu nhiên, cũng không phải là kết quả của sự hỗn loạn thời chiến – như quan điểm của Nga đối với bi kịch này – mà là một vụ “trình diễn sức mạnh của đế quốc [Nga] theo một kịch bản được dày công thiết kế” bởi thái độ của người Nga trong thời kỳ họ có “cảm giác trội hơn về văn hóa và chủng tộc”.

Ngày nay, Trung Quốc có ưu thế hơn hẳn Nga, ít nhất là về mặt kinh tế. Những tòa nhà cao tầng rực sáng ánh đèn chạy dọc các đường phố trên đất phía Trung Quốc của Hắc Long Giang như thể chế giễu bờ sông đổ nát bên phía Nga, nơi có nhiều tòa nhà xây dựng từ thế kỷ 19 (xem hình).

Nhưng Bắc Kinh không còn dùng quá khứ làm vũ khí chống lại Moskva nữa, như họ từng làm vào những năm 1960, khi mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi, dẫn đến xung đột vũ trang ở biên giới.

Khi liên hệ nước Nga với những hành vi xấu xa trong quá khứ, người ta thường gọi nước Nga ấy là nước Nga Sa hoàng [Tsarist Russia] – nhằm giữ khoảng cách an toàn với đất nước do Vladimir V. Putin cai trị.

Trong khi tập trung chú ý vào cuộc cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn thường xuyên lên án sự xâm lược thực dân của Nhật và các nước phương Tây trong quá khứ. Chẳng hạn nước Anh đã liên tục bị đả kích vì chiếm Hong Kong, hòn đảo hiện đã được trả lại cho Trung Quốc.

Nhưng hòn đảo Hong Kong chỉ bằng cái móng tay so với lãnh thổ rộng lớn mà Nga đã chiếm và nay vẫn còn giữ.  Một báo cáo về sự bành trướng của Nga dọc theo sông Hắc Long Giang (tức sông Amur) do Ủy ban Dân tộc của Trung Quốc đưa ra năm 2015 lên án nước Nga đã chiếm hơn 386.000 dặm vuông “lãnh thổ của chúng ta”.

Gần đây, Nga đã sửa đổi hiến pháp nhằm cấm bất cứ sự bóp méo “sự thật lịch sử” nào đối với các hành động từng được thực hiện “để bảo vệ tổ quốc”. Nhằm chuẩn bị cho ngày kỷ niệm Thế chiến II chấm dứt, khắp nước Nga nơi nào cũng treo biểu ngữ tuyên truyền “Tất cả chúng ta đều ghi nhớ” [We all remember].

Tuy vậy sự kiện năm 1900 lại rơi vào loại sự kiện lịch sử mà Moskva muốn quên lãng, tương tự như hiệp định bí mật do Nga ký với Adolf Hitler năm 1939. Trong hiệp định đó, Moskva và Berlin đã chia chác Ba Lan và các quốc gia Baltic với nhau.

Và tại hai bờ sông Amur, hầu hết ký ức đều đã bị lãng quên.

“Tại đây chẳng ai còn nhớ những gì đã xảy ra vào năm 1900,” ông Andrey V. Druzyaka, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Sư phạm Blagoveshchensk nói.

Ông mô tả vụ thảm sát làm người Trung Quốc chết đuối là một “sai lầm khủng khiếp và đáng xấu hổ”, nhưng chẳng ai nên khoét sâu sai lầm ấy, bởi lẽ nó sẽ chỉ mở ra chiếc hộp Pandora chứa đầy những oan khuất lịch sử dễ gây bức xúc.

Trước khi người Nga đến đây, Trung Quốc chưa bao giờ cai quản chặt chẽ lãnh thổ rộng lớn này. Hầu hết cư dân ở đây là thổ dân, hoặc người dân tộc Mãn [Manchus] hoặc những tộc người khác không thuộc dân tộc Hán – nhóm chủng tộc chính của Trung Quốc. Cho đến năm 1644 khi thành lập đế chế nhà Thanh do người Mãn lãnh đạo, họ mới được thu nhận vào Đế quốc Trung Hoa.

Năm 1858 chính quyền nhà Thanh ký “Hiệp ước Ái Huy” [Treaty of Aigun瑷珲条约], chính thức cắt nhượng cho Nga lãnh thổ trên bờ bắc sông Amur.

Tương tự như hiệp ước ký năm 1842 nhượng Hong Kong cho Anh Quốc, “Hiệp ước Ái Huy” bị Bắc Kinh lên án là “bất bình đẳng” và vì thế là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, dù Trung Quốc chưa hề bỏ qua mọi cơ hội nào để đe dọa Nhật vì năm 1895 Nhật từng thôn tính một số đảo nhỏ của mình, nhưng Trung Quốc lại không đưa ra bất kỳ yêu sách chính thức nào về vùng lãnh thổ từng nhượng cho Nga.

Ông Aleksandr Tyurik, người đứng đầu một tổ chức thay mặt cho người Cô-dắc ở khu vực Amur nói rằng tốt nhất không nên nhìn về quá khứ, bởi vì “điều đó chẳng giúp ích gì cho chúng ta trong tương lai”.

Ông nói người Cô-dắc xua đuổi dân Trung Quốc xuống sông Amur không nhằm mục đích giết chết họ, chẳng qua người Cô-dắc chỉ cố gắng đảm bảo an ninh biên giới của Nga trong thời kỳ Trung Quốc bị rối loạn do phong trào Nghĩa Hòa Đoàn chủ trương chống ngoại bang gây ra.

Không rõ có bao nhiêu người Trung Quốc đã chết trong sự kiện năm 1900. Các nhà sử học ước tính con số này trong khoảng từ 3.000 đến 9.000. Nhưng có một sự đồng thuận là hàng ngàn người Trung Quốc đã chết đuối sau khi bị người Cô-dắc buộc phải xuống sông Amur và bị bắt bơi về Trung Quốc. Trên thực tế, điều này tương tự như một vụ đại thảm sát chống người Hoa.

Nghiên cứu của Zatsepine về vụ thảm sát này phát hiện thấy người Cô-dắc còn thiêu hủy một số xóm làng của người Mãn; và “nhiều người Trung Quốc đã bị giết hại dã man trước khi bị quẳng xuống sông”.

Angelika Zvereva, người phụ trách Bảo tàng Blagoveshchensk, thừa nhận rằng năm 1900 từng xảy ra “những điều tồi tệ”, nhưng bà nói rằng mình không biết các chi tiết. Bà nói điều quan trọng hơn cần nhớ là ngay sau khi bạo lực lắng xuống, nhiều người Trung Quốc đã trở lại Blagoveshchensk sinh sống và làm việc.

“Một tháng sau khi kết thúc xung đột, mọi thứ đã trở lại như trước”, Zvereva nói. Bà coi vụ thảm sát như là một khúc nhạc dạo đầu ngắn ngủi không may mắn, và mối quan hệ [giữa người Trung Quốc với người Nga] trên các mặt khác vẫn hài hòa.

Đôi khi Trung Quốc cũng viết về các sự kiện từng xảy ra trên sông Amur và kể lại sự bành trướng lãnh thổ của Nga đối với Trung Quốc trước đây.

Trong những năm 1950, khi Trung Quốc chấp nhận Liên Xô là đồng minh thân thiết và là “ông anh cả” của khối Cộng sản, họ hầu như chưa bao giờ nhắc tới sự kiện năm 1900. Đến thập niên 1960, tình hình đã thay đổi khi hai nước trở nên xa cách nhau. Vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử các nhà nghiên cứu đi phỏng vấn những người già còn sống sót sau vụ thảm sát trên sông Hắc Long Giang và lên án hành động của Nga.

Về sau, cùng với việc bắt đầu cải thiện quan hệ Trung- Nga, những câu chuyện lịch sử mang tính lên án Nga đã dần bị phai nhạt. Việc ký hiệp định biên giới năm 1991 và mối quan hệ chặt chẽ được thiết lập giữa Putin với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp tục làm suy yếu những ký ức đó.

“Lịch sử quả thật là chuyện nan giải,” bà Angelika Zvereva nói.