23/08/1939: Xô–Đức ký hiệp ước bất tương xâm

Print Friendly, PDF & Email

b46c9873421137890a8dd3e1ff2d430d1c8288b6

Nguồn:The Hitler-Stalin Pact,” History.com (truy cập ngày 22/8/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Bài liên quan: Hitler và Stalin: “Liên minh ma quỷ”?

Vào ngày này năm 1939, Đức và Liên Xô đã ký một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau, khiến cả thế giới phải bất ngờ do hai nước vốn có hệ tư tưởng đối nghịch. Tuy nhiên, bất chấp vẻ bề ngoài, cả hai nhà lãnh đạo của hai nước đều lợi dụng hiệp ước này như một con bài chính trị của riêng họ.

Sau khi Đức Quốc xã xâm lược Tiệp Khắc năm 1938, Anh phải quyết định xem liệu nước này nên can thiệp tới đâu nếu như Hitler mở rộng cuộc xâm lược của Đức. Thủ tướng Anh Neville Chamberlain ban đầu thờ ơ trước việc Hitler thôn tín Sudetenland, vùng đất có nhiều người dân nói tiếng Đức của Tiệp Khắc, nay đột nhiên nhận thức được tình hình khi Ba Lan bị đe dọa.

Ông cho rằng Anh có nghĩa vụ trợ giúp Ba Lan nếu Đức tiến hành xâm lược nước này. Nhưng ông cũng muốn và cần có một đồng minh. Đất nước rộng lớn duy nhất có thể ngăn chặn Hitler và có lợi khi làm như vậy chính là Liên Xô. Nhưng Stalin đã lạnh nhạt với Anh sau khi những nỗ lực của ông nhằm tạo liên minh chính trị với Anh và Pháp để chống lại Đức đã bị chối từ trước đó một năm. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Ba Lan cũng chẳng vui vẻ gì với viễn cảnh Liên Xô trở thành người giám hộ của đất nước họ; với họ, điều đó đơn giản chỉ là bị một chế độ ma quỷ khác chiếm đóng.

Phim tài liệu về Hiệp ước Xô – Đức 1939. Nguồn: Youtube.com

Hitler tin rằng Anh sẽ không bao giờ đơn phương chống lại nước Đức, vậy nên ông quyết định dẹp đi nỗi lo sợ và ghê tởm chủ nghĩa cộng sản để làm thân với nhà lãnh đạo độc tài Liên Xô, từ đó làm hỏng các kế hoạch của Anh. Cả Đức và Liên Xô đều nghi ngờ lẫn nhau, và cố gắng tìm ra những động cơ ẩn của nhau. Nhưng Hitler đang vội; ông biết nếu muốn xâm lược Ba Lan thì ông buộc phải hành động nhanh chóng, trước khi phương Tây có thể tạo ra một mặt trận thống nhất.

Về cơ bản, Đức chấp thuận cắt một phần Đông Âu cho Liên Xô và hai bên không can thiệp lẫn nhau trong quá trình này. Ngoại trưởng của Hitler là Joachim von Ribbentrop đã bay tới Moskva để ký một hiệp ước bất tương xâm với người đồng cấp Liên Xô của mình, Vyacheslav Mikhailovich Molotov (đây là lý do tại sao hiệp ước này còn được gọi là Hiệp ước Ribbentrop–Molotov). Cái nhìn lãng mạn của những người ủng hộ chủ nghĩa Bôn-sê-vích trên khắp thế giới về “chủ nghĩa xã hội quốc tế” đã bị hủy hoại; họ cảm thấy bị sỉ nhục trước việc Stalin có thể liên minh với nhà độc tài phát xít.

Nhưng khi Ba Lan đã trở thành lãnh thổ chiếm đóng của Đức, liên minh tồn tại được chẳng bao lâu nữa khi vào ngày 22 tháng 6 năm 1941, Đức mở Chiến dịch Barbarossa, chính thức xâm lược Liên Xô.