Cách Viktor Orban qua mặt EU xây dựng nền chuyên chế Hungary

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: How Hungary’s leader, Viktor Orban, gets away with it”, The Economist, 02/04/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Giống như nhân vật phản diện trong phim Điệp viên 007, Viktor Orban không thể cưỡng lại được việc tiết lộ kế hoạch của mình. Vị thủ tướng Hungary chưa bao giờ giấu diếm mong muốn gia tăng quyền lực. Trước khi nhậm chức vào năm 2010, ông phát biểu một cách đáng quan ngại: “Chúng tôi chỉ cần đắc cử một lần, rồi sau đó đâu vào đấy”. Quả đúng như vậy. Sau khi được các cử tri Hungary trao cho một thế đa số đủ lớn, Orban đã khiến bộ máy nhà nước Hungary suy yếu, viết lại hiến pháp theo ý mình, thanh trừng các tòa án và bóp miệng truyền thông.

Năm 2013, ông nói với một nhà báo rằng “Trong khủng hoảng, bạn không cần quản trị bằng các thể chế”. Một lần nữa, ông đã làm đúng như vậy. Một đạo luật được ban hành vào ngày 30 tháng 3 cho phép Orban cai trị bằng các sắc lệnh – qua mặt quốc hội – cho đến khi cuộc khủng hoảng coronavirus kết thúc. Trong phim, nhân vật phản diện bị chặn đứng sau khi để lộ ý đồ của mình. Nhưng vì Orban chống lại Liên minh châu Âu chứ không phải James Bond, ông ta đã thành công.

Không ai có thể nói là việc này xảy ra mà không có cảnh báo trước. Sự nghiệp của Orban, vốn bao gồm tất cả mọi thứ, từ chủ nghĩa tự do chống Liên Xô cho đến chủ nghĩa dân tộc cánh hữu thông qua tư tưởng Dân chủ Cơ đốc giáo – đã tập trung vào việc tích lũy và duy trì quyền lực thay vì theo đuổi các nguyên tắc. Những người biết rõ ông ta biết trước những gì sẽ đến. Năm 2009, Jozsef Debreczeni, tác giả của một tiểu sử mang tính phê bình, đã cảnh báo: “Một khi ông ta sở hữu đa số theo hiến pháp, ông ta sẽ biến nó thành một pháo đài quyền lực bất khả xâm phạm”. Một sự kết hợp giữa chiến lược cẩn thận, sự xảo quyệt chính trị và một chút may mắn đã khiến dự đoán này trở thành hiện thực.

Trước sự thất vọng của những người cố gắng ngăn chặn ông ta thông qua các biện pháp pháp lý hàng chục năm qua, Orban thông minh hơn họ nghĩ. Những “cải cách” của ông ta có xu hướng đạt đến gần mức độ “chấp nhận được về mặt pháp lý”, nhưng chỉ vậy thôi. Nếu Orban gặp phải một trở ngại nào đó, ông ta sẽ chấp nhận từ bỏ một số lợi ích, trong khi vẫn giữ phần lớn những lợi ích còn lại. (Orban thậm chí còn có một tên gọi cho chiến lược pháp lý này: điệu nhảy con công.)

Các nhân vật đối lập, giám sát viên dân quyền và các nhà bình luận trên toàn cầu đã tố cáo động thái gần đây nhất như một bước tiến lớn hướng tới chế độ độc tài. Tuy nhiên, cho đến nay, Ủy ban châu Âu mới chỉ cam kết sẽ kiểm tra chuyện đó. Câu trả lời có vẻ khó hiểu này xuất phát từ thực tế là các luật sư của EU nhận thấy đạo luật của Orban rất kín kẽ về mặt pháp lý. Trên giấy tờ, quốc hội Hungary có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp nếu chính phủ quá đà. Nhưng trong thực tế, điều này có lẽ sẽ không xảy ra. Đảng Fidesz của Orban, nơi ông có quyền kiểm soát gần như tuyệt đối trong gần ba thập niên qua, chiếm hai phần ba số ghế trong quốc hội. Chính nhờ khoảng cách giữa lý thuyết pháp lý và thực tế chính trị này mà Orban đã “thăng hoa”.

May mắn cũng đóng vai trò trong sự thành công của Orban. Hungary là một quốc gia nhỏ. Đối với các quan chức EU, sự xói mòn của nhà nước pháp quyền ở Ba Lan, với 40 triệu dân, quan trọng hơn trên thực tế cũng như về mặt nguyên tắc. Do đó, Orban đã được tự do tấn công các thể chế EU vốn tài trợ cho Hungary có khi lên tới 6% GDP trong một số năm mà không tạo ra phản ứng dữ dội từ phía Brussels. Hungary đã tranh thủ ra chiêu khi các nhà lãnh đạo EU đang bận rộn với những thứ khác, chẳng hạn như đại dịch.

Orban cũng đã gặp may nhờ các đối thủ của mình. Năm 2006, trong khi  Orban vẫn còn thuộc phe đối lập, thủ tướng Hungary lúc đó đã được ghi âm chỉ trích chính phủ của mình rằng “Rõ ràng là chúng ta đã nói dối trong một năm rưỡi, hai năm qua”. Một chiến thắng vang dội với thế đa số lớn đã đến với Orban sau đó. Còn giờ các đảng đối lập Hungary chưa thể hợp lực với nhau. Nếu họ bắt tay được với nhau, họ sẽ thành công. Ví dụ, các đảng đối lập đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương tại Budapest năm ngoái.

Nếu Orban gặp may với các kẻ thù của mình, ông thậm chí còn may mắn hơn với các đồng minh. Fidesz vẫn là một đảng thành viên của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) hùng mạnh, một nhóm các đảng trung hữu trên khắp châu Âu, giờ chiếm các vị trí hàng đầu trong EU. Chủ tịch EU, Ursula von der Leyen, cũng thuộc nhóm này, tương tự là Angela Merkel. Dưới chiếc ô của EPP, Orban được coi như một thiếu niên ngang bướng trong việc sắp xếp lại nhà nước Hungary, chứ không phải một thứ ung nhọt phải loại bỏ trong cơ thể chính trị Châu Âu. (Tại một hội nghị thượng đỉnh, chủ tịch EU lúc đó là Jean-Claude Juncker đã gọi đùa Orban là “nhà độc tài”).

Đảng Fidesz đã bị đình chỉ tư cách thành viên vào năm 2019 khi sự xem thường nền pháp quyền của Orban đã trở nên quá trắng trợn, nhưng các lãnh đạo của EPP vẫn chưa khai trừ ông. Sự sụp đổ của các đảng trung hữu ở Ý và Pháp có nghĩa là nhóm nghị sĩ Châu Âu của Đảng Fidesz trở thành nhóm lớn thứ ba của EPP. Những cơn gió chính trị đang thổi theo hướng có lợi cho Orban. Nói trắng ra, Orban đã không bị khai trừ vì phần lớn trong EPP muốn giữ ông ta lại. Chỉ những người tự do đang ngày càng suy yếu trong EPP là giận dữ với các hành động của Orban. Bây giờ họ bị áp đảo bởi nhóm theo chủ nghĩa dân tộc, những người nhìn chung đồng ý với Orban về những chính sách như đóng cửa đối với người tị nạn. Giờ trong EPP, nhà lãnh đạo người Hungary ít ngoại lệ hơn so với những gì người ta tưởng trước kia.

Kết thúc không có hậu?

Hàng loạt những lời chỉ trích quốc tế, trong đó Orban bị gọi là một kẻ chuyên chế cho đến một Hitler ngày nay, đều không làm phiền lòng nhà lãnh đạo Hungary hay những người ủng hộ ông. Đó là một cuộc chiến mà họ muốn có. Trong suy nghĩ của họ, cuộc khủng hoảng sắp tới là một cơ hội khác để chứng minh những người chỉ trích Orban đã sai. Họ coi những lập luận chỉ trích như vậy tương tự như những lời chỉ trích chính phủ Orban đã dựng hàng rào và đánh trả – theo đúng nghĩa đen – những người di cư và người tị nạn dọc biên giới Hungary trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Kể từ đó, các chính sách cứng rắn tương tự đã được áp dụng trên khắp EU (trừ chuyện đánh đập người di cư). Ông Orban không ngại bị gọi là một kẻ độc tài. Chỉ cần không áp dụng một chế độ chuyên chế hoàn toàn, ông có thể tố cáo các kẻ thù là huyễn hoặc hay quá lời. Ông cũng có thể chỉ ra rằng các nền dân chủ khác cũng trao thêm quyền lực cho chính quyền trong trường hợp khẩn cấp, và giả vờ rằng ý định của ông cũng không khác là bao.

Kiểm soát Orban sẽ khó khăn, nhưng không phải là không thể. “Thứ ngôn ngữ duy nhất ông ta hiểu là quyền lực và tiền bạc”, theo lời Andras Biro-Nagy tại Policy Solutions, một viện nghiên cứu. Brussels có ít quyền lực pháp lý để ngăn chặn Orban, nhưng họ có tiền. Ngăn dòng tiền EU dành cho chính phủ Orban sẽ khiến ông ta thấy đau. Vì vậy, EU nên làm điều đó. Và sau một thập niên phớt lờ mọi tội lỗi của ông ta, EPP nên ngừng cung cấp một tấm màn chính danh cho nhân vật phản diện ở Budapest.