Thế giới hôm nay: 09/04/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bernie Sanders rời khỏi cuộc đua giành vị trí ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ. Thượng nghị sĩ theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa từ Vermont là đối thủ cuối cùng của Joe Biden. Đại dịch coronavirus khiến cho việc thay đổi cuộc đua là không thể, khi ông Biden vẫn đang dẫn đầu. Ông Biden trở thành ứng viên tiềm năng nhất để đấu với Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11.

Một ngày sau khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở bảy tỉnh thành, Tokyo ghi nhận 144 ca nhiễm covid-19 mới, mức tăng cao nhất cho đến nay. Thành phố này hiện đã ghi nhận 1.339 trường hợp, nâng tổng số ca trong cả nước lên 4.768. Thống đốc Tokyo dự kiến thứ Sáu này sẽ công bố đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu.

Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học kết luận không quân Syria đã thả vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công ở khu vực Hama vào tháng 3 năm 2017. Tổ chức nói trên kết luận các máy bay phản lực và một máy bay trực thăng đã triển khai sarin và khí mù tạc, lần đầu tiên trực tiếp cáo buộc một chính phủ sử dụng vũ khí hóa học.

Hội đồng Khoa học của Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu (ERC) nói họ đã yêu cầu giám đốc cũ của họ, Mauro Ferrari, nghỉ việc hai tuần trước khi ông này từ chức hôm 7 tháng 4. Ông Ferrari cho biết ông bỏ việc sau khi mất niềm tin vào phản ứng của ERC trước covid-19. ERC phản bác rằng các thành viên của hội đồng đã nhất trí yêu cầu ông này  từ chức do ông “thiếu tích cực”.

Quốc hội Úc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ tiền lương cho khoảng 6 triệu nhân viên tại các công ty bị ảnh hưởng do virus, với sự ủng hộ của cả đảng Tự do cầm quyền và đảng Lao động đối lập. Thành tích kinh tế ấn tượng bấy lâu của nước này có thể bị đại dịch toàn cầu đặt dấu chấm hết; hãng xếp hạng S&P đã hạ cấp triển vọng các trái phiếu chính phủ Úc từ “ổn định” sang “tiêu cực”.

Zoom thuê cựu giám đốc an ninh của Facebook, Alex Stamos, làm cố vấn giữa lúc dấy lên lo ngại về các lỗ hổng an ninh của phần mềm họp trực tuyến này. Đại dịch đã khiến ứng dụng nổi tiếng, nhưng điều này cũng dẫn đến “zoombombing” liên tục, tức hacker bỗng nhiên tham gia vào các cuộc trò chuyện. Bộ Ngoại giao Đức đã hạn chế sử dụng nền tảng này. Chính phủ Đài Loan cũng cấm sử dụng nó.

Tòa án Công lý Châu Âu phán quyết rằng Ba Lan phải đình chỉ phòng kỷ luật của tòa án tối cao nước này. Đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền đã lập phòng này để giải quyết khiếu nại về các thẩm phán. Các chính trị gia đối lập cho rằng điều này nhằm ảnh hưởng đến toà bằng cách đe dọa trừng phạt các thẩm phán. Vào tháng 2, ủy viên hội đồng EU về vấn đề minh bạch đã cáo buộc Ba Lan “ném bom rải thảm” ngành tư pháp nước này.

TIÊU ĐIỂM

Singapore cũng phải phong tỏa

Khi thế giới đóng cửa, Singapore vẫn mở cửa kinh doanh. Cách chống dịch chừng mực nhưng hiệu quả của họ, vốn được khen ngợi bởi Tổ chức Y tế Thế giới, cho phép cửa hàng, nhà hàng và trường học được mở cửa. Song không còn nữa. Đối mặt với số ca nhiễm mới tăng nhanh, mà phần lớn giờ được phát hiện tại địa phương, chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để làm chậm sự lây lan của virus.

Vào ngày 7 tháng 4, tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu đã đóng cửa, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để mua thức ăn và thuốc men, tập thể dục và cắt tóc. “Ngắt cầu dao”, theo cách chính phủ gọi cuộc phong tỏa, sẽ được áp dụng ít nhất một tháng. Những người vi phạm luật cấm tụ họp công cộng và tại gia có nguy cơ bị phạt 7.000 đô la, bị bỏ tù sáu tháng hoặc cả hai. Ngay cả Singapore cũng không còn có thể giữ được một nhịp sống bình thường.

Người Ý trước lễ Phục Sinh

Ý bước vào Thứ Năm tuần Thánh, ngày đầu tiên của lễ Phục sinh, với cảm xúc lẫn lộn: niềm hy vọng rằng covid-19 cuối cùng sẽ dịu đi; tức giận vì các nước châu Âu thiếu hỗ trợ thấy rõ; và thất vọng trước lệnh phong tỏa không hồi kết. Vào thứ Tư, có báo cáo cho thấy chính phủ đang cố gắng tháo gỡ hạn chế cho người dân vào ngày 4 tháng 5. Nhưng một bộ trưởng đã nhanh chóng phủ nhận và một quan chức cấp cao của WHO cho biết đây không phải là lúc để dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở châu Âu.

Số ca tử vong và nhập viện tại Ý đã bắt đầu giảm, nhưng vẫn có hơn 3.000 người nhiễm mới mỗi ngày. Tỉ lệ tử vong ở các nhân viên y tế đặc biệt cao, và mọi người vẫn tức giận vì Đức ngưng xuất khẩu trang thiết bị bảo hộ giữa lúc Ý cần nhất. Nhưng sự chú ý đang chuyển sang tìm lý do tại sao các quan chức Ý không thể đảm bảo cung cấp đủ khẩu trang.

EU bàn cách hỗ trợ kinh tế

Mười sáu giờ đàm phán trong hai ngày 7-8 tháng 4 là không đủ để các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro đạt một thỏa thuận về cách chống lại sự tàn phá kinh tế của Covid-19. Chiều nay họ sẽ lên Zoom và thử lại. Hai vấn đề cản trở thỏa thuận. Đầu tiên là các điều kiện đi kèm với bất kỳ khoản vay nào từ quỹ cứu trợ của khu vực đồng euro. Ý đặc biệt muốn giữ chúng ở mức tối thiểu, trong khi Hà Lan khăng khăng yêu cầu các quy tắc cứng rắn.

Thứ hai là làm thế nào để hoàn trả tiền cho các gói cứu trợ sau khi phong tỏa kết thúc. Chín quốc gia, bao gồm Pháp, Ý và Tây Ban Nha, muốn có các trái phiếu được bảo đảm chung “coronabonds”, nhằm chia sẻ gánh nặng, nhưng Đức và các nước khác dị ứng với các hình thức gán nợ chung cho các nước khác. Các bộ trưởng rất tự tin về một bước đột phá, song trong tâm trạng căng thẳng và thiếu tin tưởng – và trong bối cảnh không có sự gần gũi và cách đạt thỏa thuận vào giờ chót sở trường của châu Âu – thật không rõ tại sao họ lại tự tin như vậy.

Sức khỏe kinh tế Anh

Các số liệu GDP luôn đánh giá tình hình trong quá khứ, nhưng bản số liệu tháng Hai công bố hôm nay của Anh thậm chí còn lỗi thời hơn bình thường. Tác động của đại dịch và cuộc phong tỏa kinh tế bắt đầu vào cuối tháng 3, do đó chưa được thể hiện bởi các số liệu thống kê chính thức trong vài tuần. Các chỉ dấu hướng tới tương lai nhiều hơn, như các chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI), chỉ ra việc kinh tế chậm lại nhiều nhất từ trước tới nay.

Chỉ số PMI tháng 3 của giảm từ 53,0 trong tháng 2 xuống còn 37,1: giá trị thấp nhất và giảm theo tháng lớn nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1998. Chỉ số dưới 50 điểm đồng nghĩa với suy thoái. Người ta hy vọng rằng sự sụp đổ nhanh chóng sẽ được tiếp nối bởi sự bật tăng trở lại mạnh không kém. Nhưng mặc dù chính sách tiền tệ và tài khóa đã được nới lỏng mạnh mẽ, thất nghiệp gia tăng và các công ty đổ vỡ có nguy cơ gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế. Mọi chuyện còn phụ thuộc vào việc phong tỏa hiện tại sẽ kéo dài bao lâu, điều vẫn chưa rõ ràng.

Trạm ISS thay phiên nhân lực

Covid-19 có thể đã lan rộng trên toàn cầu, nhưng chưa vượt ra ngoài phạm vi trái đất. Điều đó có lẽ sẽ vẫn đúng ngay cả sau khi chuyến tàu mới nhất đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) khởi hành hôm nay. Những người tham gia, một phi hành gia người Mỹ và hai nhà du hành vũ trụ người Nga, đã được cách ly trong nhiều tuần như một phần của quy tắc hàng thập niên trước khi phóng tàu. NASA, cơ quan vũ trụ Mỹ, và Roscosmos, đối tác Nga, cũng đã thực hiện các quy trình vệ sinh nâng cao trước nhiệm vụ kéo dài sáu tháng này.

ISS sẽ có một mùa xuân bận rộn, ngay cả khi phần lớn thế giới bên dưới vẫn ngừng hoạt động. SpaceX, một công ty Mỹ, vẫn muốn tiếp tục chuyến bay có người lái đầu tiên được điều hành bởi một hãng tư nhân cho ISS vào tháng 5. Cú sốc thực sự là đối với ba người hiện ở ISS, những người vào thứ Sáu tới sẽ về lại mặt đất đầy biến động do covid-19. Có lẽ họ hiểu hơn ai hết về việc sống dài ngày trong cô đơn – song có lẽ cũng hy vọng họ không phải sống cô đơn lâu hơn.