Nguồn: Viet Thanh Nguyen, “The Ideas That Won’t Survive the Coronavirus”, The New York Times, 10/04/2020.
Biên dịch: Nguyễn Quý Tâm
Dịch Covid-19 đang đặt dấu chấm hết cho suy nghĩ hoang đường rằng chúng ta là quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất.
Đôi khi có người hỏi tôi cần có những phẩm chất gì để trở thành nhà văn. Tôi nói những gì bạn cần làm là đọc liên tục; bỏ hàng ngàn giờ ra ngồi viết; và phải có khả năng thích thú và chịu đựng vô số lần bị từ chối cùng sự cô lập. Hoá ra, những phẩm chất đó lại giúp tôi sống tốt trong giai đoạn dịch bệnh này.
Thực ra, việc tôi gần như đang tận hưởng quãng thời gian cách ly đã khiến tôi nhận thức rõ đặc ân mình đang có, trừ những khoảnh khắc hoang tưởng âu lo về cái chết cận kề trước mắt và nỗi tức giận trước sự bất lực của lãnh đạo đất nước. Nhờ các mẩu tin trên mạng xã hội tôi mới thấy sự tàn phá đang xảy ra ngoài kia với những người bị mất việc, lo lắng vì không thể trả tiền thuê nhà. Ngày càng xuất hiện nhiều câu chuyện đau thương liên quan tới các bác sĩ, y tá, người nhiễm Covid-19, và những người đã mất người thân vì dịch bệnh này.
Nhiều người trong chúng ta mới chỉ nhìn thoáng thấy sự tồi tệ. Nhưng nhiều người khác đang thật nếm trải qua sự tồi tệ đó.
Nếu có gì tốt đẹp nổi lên từ giai đoạn này, đó chỉ có thể là việc tỉnh ngộ nhận ra những bệnh lý nền của nền chính trị chúng ta. Chúng ta không khoẻ mạnh như mình nghĩ. Con virus sinh học đang gây bệnh cho các cá nhân cũng chính là một virus xã hội. Những triệu chứng của nó, sự bất bình đẳng, sự vô cảm, tính ích kỷ và động cơ lợi nhuận đã coi rẻ mạng sống con người và suy tôn giá trị hàng hoá, chúng từ lâu được che đậy bởi sự cổ vũ hào hứng cho chủ nghĩa biệt lệ Mỹ, một dạng phấn khích làm tăng đường huyết chạm ngưỡng đột quỵ.
Ngay cả khi nước Mỹ mà chúng ta từng biết sống sót qua dịch bệnh này, thì sự sống sót đó cũng không lành lặn. Trong khi ảo tưởng về sự bất khả chiến bại đã bị bầm dập trong mỗi bệnh nhân may mắn vượt qua cơn thập tử nhất sinh, thì thứ sẽ bị khai tử sau đại dịch chính là suy nghĩ hoang đường cho rằng chúng ta là đất nước tốt đẹp nhất quả đất. Niềm tin này không chỉ phổ biến ở những người nghèo, người sống bên lề xã hội, giới cần lao, những người vốn dĩ phải tin vào tính Mỹ của mình nếu họ cần phải tin vào cái gì đó.
Cảm nhận bị cầm tù trong thời gian cách ly có thể khiến chúng ta hình dung ra sự cầm tù thực sự có cảm giác ra sao. Thực tế là có những nhà tù đúng nghĩa là nơi làm kho chứa người, và những người này không hề an toàn trước sự đe doạ của virus corona. Có nhiều trại tị nạn và trại tạm giam ngoài kia vốn thực chất là những nhà tù. Còn đó sự cầm tù kinh tế trong nghèo đói và bấp bênh, khi chỉ cần một tờ hoá đơn không được thanh toán sẽ biến người ta thành vô gia cư, có bệnh mà không có bảo hiểm y tế thì gần như cầm chắc cái chết.
Nhưng đồng thời, những nhà tù và trại giam đó lại là những nơi sản sinh ra nhận thức mới, nơi người tù trở nên cấp tiến, thành những người tích cực vận động xã hội và thậm chí là nhà cách mạng. Liệu có quá đáng không khi hy vọng rằng sự cách ly bắt buộc này của nhiều người Mỹ, và sự lao động ép buộc đối với nhiều người khác, có thể thúc đẩy những hành động cấp tiến mang tính tự ngẫm, tự đánh giá và cuối cùng là sự đoàn kết?
Một cuộc khủng hoảng luôn kéo theo nó sự sợ hãi và hận thù. Đã xuất hiện những vụ tấn công người Mỹ gốc Á và người châu Á vì “con virus Trung Quốc”. Nhưng chúng ta có sự chọn lựa: chấp nhận một thế giới chia rẽ và khan hiếm tài nguyên nơi chúng ta phải giành giật nguồn lực và cơ hội thiếu thốn, hay hình dung một tương lai mà xã hội được đánh giá dựa trên khả năng chăm lo người bệnh, người nghèo, người già và người khác mình?
Là nhà văn, tôi biết có sự chọn lựa như vậy ở đâu đó lưng chừng câu chuyện, gọi là bước ngoặt. Một nhân vật anh hùng, trong trường hợp này là nền chính trị Mỹ, chưa cần nói tới bản thân tổng thống, đang đối mặt với quyết định quan trọng cho thấy mình thật sự là ai.
Chúng ta còn chưa đi được nửa vở bi kịch. Phân cảnh đầu tiên còn chưa được diễn xong, khi chúng ta dần thức tỉnh trước nguy cơ đang xảy ra và nhận ra mình phải làm gì đó. Hành động đó cho đến lúc này đơn giản là làm điều cần phải làm để đánh đuổi con virus này và sống sót như một quốc gia nguyên vẹn, dù yếu nhưng vẫn sinh tồn.
Điểm cao trào chỉ hiện ra khi người anh hùng đối mặt với đối thủ xứng tầm, không phải một kẻ yếu ớt xoàng xĩnh, mà là thứ gì đó thật sự ghê gớm. Covid-19, dù kinh khủng, cũng chỉ là một nhân vật phản diện trong phim ảnh. Kẻ thù thật sự của chúng ta không đến từ bên ngoài, mà nó tồn tại ngay bên trong chúng ta. Kẻ thù thật sự của chúng ta không phải là con virus mà là cách chúng ta đối phó với nó, một cách đối phó trở nên kém cỏi và méo mó bởi chính sự bất bình đẳng có tính cấu trúc trong xã hội.
Lịch sử nước Mỹ là quá trình thuộc địa hoá của dân định cư và chủ nghĩa tư bản, hai đặc tính này kết hợp khai thác một cách tàn nhẫn tài nguyên thiên nhiên và con người, đặc biệt là người nghèo, di dân, người da đen, da màu. Lịch sử đó ngày nay thể hiện rõ trong cơn bốc đồng tích trữ của chúng ta, biết rằng mình đang sống trong một nền kinh tế tự túc và khan hiếm; trong sự phụ thuộc vào sức lao động rẻ bèo của phụ nữ và các sắc tộc thiểu số; và trong điều kiện thiếu vắng hệ thống y tế hiệu quả, hệ thống phúc lợi, không đảm bảo thu nhập cơ bản đại trà, và giáo dục phổ quát để chăm sóc cho những người khó khăn nhất trong số chúng ta.
Cơn khủng khoảng này làm lộ ra một điều, đó là mặc dù hầu hết chúng ta đều có thể trở thành đối tượng yếu thế, ngay cả doanh nghiệp lẫn người giàu, nhưng chính phủ lại ưu tiên bảo vệ cho một bộ phận ít có khả năng bị thiệt hại nhất.
Nếu đây là một phim kinh điển Hollywood, thì siêu anh hùng ngoại hạng Mỹ, do dự và mất phương hướng trong hồi đầu, sẽ đưa ra chọn lựa đúng ngay phân đoạn cao trào có tính bước ngoặt. Covid-19 xấu xa sẽ bị khuất phục, trật tự xã hội sẽ được vãn hồi như xưa, như trước khi nhân vật phản diện xuất hiện.
Nhưng nếu xã hội chúng ta được trở lại như cũ sau khi đánh bại dịch bệnh, thì đó sẽ là một chiến thắng điêu tàn. Chúng ta có thể trông chờ tập tiếp theo, không chỉ một mà nhiều tập, cho đến hồi kết: Thảm hoạ khí hậu. Nếu sự lóng ngóng của chúng ta trước con virus này là bằng chứng cho thấy cách nước Mỹ sẽ ứng phó với thảm hoạ khí hậu, thì sự diệt vong là nhãn tiền.
Nhưng trong cái lóng ngóng đó vẫn có những tia hy vọng và lòng quả cảm: người lao động đình công phản đối sự bóc lột; người dân ủng hộ khẩu trang, tiền của và thời gian; nhân viên y tế và bệnh nhân thể hiện lòng quả cảm trước hệ thống y tế bị rút ruột; vị soái hạm hy sinh tiền đồ để bảo vệ thuỷ thủ của mình; ngay cả người lạ cũng chào hỏi nhau trên đường phố. Ở thành phố Los Angles của tôi, những hành động đó thể hiện sự đoàn kết gần như có thể coi là cấp tiến.
Tôi biết mình không phải là người duy nhất có những suy nghĩ này. Có lẽ sự tự cách ly rồi sẽ cho người dân cơ hội làm điều mà các nhà văn vẫn làm: tưởng tượng, đồng cảm, mơ ước. Có được thời gian và sự xa xỉ để làm những điều này xem như đã ở gần ngưỡng cửa của một thế giới không tưởng, mặc dù điều các nhà văn thường làm khi đã ở đó là tưởng tượng ra một thế giới u tối trái ngược. Tôi viết không chỉ vì nó mang lại niềm vui, mà còn viết vì sợ, sợ rằng nếu tôi không kể được một câu chuyện mới, thì tôi không thể sống thật sự.
Người Mỹ rồi cũng thoát ra khỏi tình trạng tự cách ly và nhìn lại những gì đã ra đi mãi mãi, cả con người lẫn những cách nghĩ không thể sống sót được qua cuộc khủng hoảng này. Khi đó chúng ta sẽ phải quyết định câu chuyện nào sẽ cho phép những người còn sống được sống một cách thực sự.
Viet Thanh Nguyen là tác giả của cuốn sách “The Refugees” và là chủ biên của cuốn “The Displaced: Refugee Writers on Refugee Lives.” Ông giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Southern California.