Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vạch ra những điều kiện mà các nước thành viên cần đạt được trước khi dỡ bỏ phong tỏa. Chúng bao gồm: giảm đáng kể sự lây lan của virus, đủ khả năng chăm sóc y tế và xét nghiệm quy mô lớn. Trong khi đó, thủ tướng Đức Angela Merkel đã đồng ý với các thủ hiến bang gia hạn các biện pháp phong tỏa cho đến ít nhất là đầu tháng 5. Số ca nhiễm covid-19 được xác nhận trên toàn thế giới đã vượt quá 2 triệu.
Số liệu bán lẻ mới nhất của Mỹ cho thấy tác động lớn của đại dịch lên thói quen tiêu dùng. Theo Bộ Thương mại Mỹ, so với tháng 2, chi tiêu của người dân giảm 9% trong tháng 3 đối với một loạt các mặt hàng khác nhau tại các cửa hàng trực tuyến lẫn truyền thống, trong quán bar và nhà hàng, cũng như đối với chi tiêu cho xe hơi và xăng dầu. Đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được công bố từ năm 1992.
Quan chức hàng đầu của Trung Quốc tại Hồng Kông kêu gọi thông qua luật an ninh quốc gia gây tranh cãi để đáp trả các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã tàn phá thành phố năm ngoái. Luo Huining cảnh báo về cái mà ông gọi là sự xói mòn của nền pháp quyền. Một nỗ lực hồi năm 2003 nhằm thông qua một luật tương tự, đặt ra ngoài vòng pháp luật các hành vi “lật đổ” chống lại chính phủ Trung Quốc, đã bị hủy bỏ sau các cuộc biểu tình lớn.
Nhiều ngân hàng Mỹ công bố lợi nhuận trong quý đầu năm giảm đáng kể vì covid-19. Bank of America, Goldman Sachs và Citigroup đều công bố giảm gần 50%, sau những thông báo thậm chí còn tệ hơn nữa hồi thứ Ba từ JPMorgan Chase và Wells Fargo. Tất cả năm ngân hàng đều đã dành sẵn một lượng dự phòng lớn, chuẩn bị cho một cơn lốc vỡ nợ.
Phản ứng toàn cầu trước thông tin Mỹ sẽ ngừng tài trợ cho WHO trong khi họ tiến hành đánh giá tổ chức này là rất tiêu cực. EU nói quyết định của Donald Trump là rất đáng tiếc, Nga “quan ngại sâu sắc”, và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho rằng đây “là một bước đi sai hướng nguy hiểm”. Ông Trump đã cáo buộc WHO thất bại trong việc phản ứng với covid-19.
G20 cho biết họ đã đồng ý ngừng thu nợ các khoản nợ song phương cho các nước nghèo nhất cho đến cuối năm nay. Mohammed al-Jadaan, bộ trưởng tài chính Ả Rập Saudi, bên chủ tọa các cuộc họp G20 năm nay, cho biết động thái hoãn nợ này có thể giải phóng hơn 20 tỷ đô la giúp các nước giải quyết đại dịch covid-19.
Theo một nghiên cứu mới, dải băng Greenland đã tan chảy khoảng 600 tỷ tấn nước vào năm ngoái, khối lượng giảm bề mặt lớn nhất kể từ khi số liệu được thu thập. Dải băng lớn thứ hai thế giới tan chảy khiến mực nước biển tăng 1,5mm.
TIÊU ĐIỂM
Lợi nhuận các ngân hàng Mỹ giảm mạnh
Morgan Stanley, một trong những ngân hàng khổng lồ của Mỹ, hôm nay sẽ công bố thu nhập. Số liệu này đến sau những công bố ảm đạm được công bố trước đó bởi JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs và Wells Fargo. Thu nhập của nhóm này giảm khoảng hai phần ba so với quý đầu năm ngoái do khoản dự phòng trị giá 19 tỷ đô la mà họ phải đặt ra để đối phó với hậu quả của đại dịch. Nhiều khoản dự phòng như vậy có thể sẽ được yêu cầu trong suốt phần còn lại của năm nếu hoạt động kinh tế vẫn suy thoái.
Nợ mất khả năng thanh toán theo kịch bản xấu nhất được mô tả bởi JPMorgan Chase cao hơn năm đến sáu lần so với các khoản dự phòng được tích trữ trong quý đầu năm. Một điểm sáng – doanh thu từ giao dịch – có thể hỗ trợ cho Morgan Stanley, hãng có hoạt động thị trường và ngân hàng đầu tư lớn. Sau một loạt các biến động trên thị trường, doanh thu giao dịch đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, tăng khoảng một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái tại Goldman Sachs và JPMorgan Chase.
Pakistan quay cuồng vì dịch
Pakistan đã gia hạn phong tỏa thêm hai tuần nữa để giải quyết đại dịch, nhưng cũng dỡ bỏ hạn chế đối với một số ngành công nghiệp. Quốc gia đông dân thứ sáu thế giới nói họ phải chọn giữa ngăn chặn coronavirus hoặc nhìn người nghèo chết đói. Một loạt các ngành công nghiệp đã được gỡ bỏ những hạn chế trước đó. Xây dựng, sản xuất, khai thác mỏ, bán sách, văn phòng phẩm và vườn ươm cây có tên trong danh sách.
Đó là các ngành được miễn, còn những người phải ở nhà sẽ thấy quyết tâm của họ bị thử thách. Thật vậy, vài giờ sau khi các quy định mới được công bố, đường phố ở các thành phố lớn đông đúc hơn đáng kể. Các giáo sĩ hàng đầu và các đảng phái tôn giáo nói họ sẽ không tiếp tục tuân theo lệnh cấm cầu nguyện cộng đồng. Trong khi đó, thủ tướng Imran Khan đã xin xóa nợ từ các chủ nợ chính. “Chúng tôi không có đủ tiền để chi cho các dịch vụ y tế đã quá tải và thứ hai là để cứu mọi người khỏi chết đói,” ông nói.
Thất nghiệp ở Mỹ tăng chóng mặt
Trong vòng ba tuần, hơn 15 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, mức tăng chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Điều này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp, vốn ở mức thấp nhất trong 5 thập niên là 3,5% tại thời điểm trước dịch, hiện có thể đã ở mức 10% hoặc cao hơn nhiều. Số liệu cho tuần trước, được công bố hôm nay, xem ra cũng sẽ chẳng mang lại tin tốt: thêm hàng triệu người Mỹ đã nộp đơn xin bảo hiểm thất nghiệp.
Các nhà kinh tế đang tự hỏi thất nghiệp sẽ lên tới đâu. Một số ước tính cho thấy con số này sẽ lên mức 30% trở lên. Có lẽ không tệ đến thế; một số công ty đang tuyển dụng và các biện pháp khuyến khích công ty nhỏ giữ chân nhân viên đang được triển khai. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất quanh 15% có vẻ là khả dĩ. Ngay cả con số này cũng cho thấy nhiều người Mỹ mất việc hơn bất cứ thời điểm nào từ sau cuộc Đại Khủng hoảng 1929.
Đàm phán Brexit có nguy cơ trễ hạn
Các nhà đàm phán chính của Brexit, Michel Barnier của EU và David Frost của Anh, đã nối lại các cuộc đàm phán về mối quan hệ trong tương lai. Tuy nhiên, không còn nhiều thời gian để thu hẹp khoảng cách giữa hai bên trước khi tháng 12 kết thúc, khi giai đoạn quá độ hiện tại kết thúc và Anh bắt đầu đàm phán với EU về các điều khoản WTO nếu không đạt được thỏa thuận song phương. Điều này đang thúc đẩy ý kiến cho rằng cần gia hạn, điều mà hiệp ước rút khỏi EU cho phép tới hai năm.
EU rất vui khi làm vậy, nhưng Anh thì ngược lại. Nhiều chuyên gia thương mại hy vọng rằng với việc covid-19 chiếm gần như toàn bộ thời gian của các bộ trưởng, chính phủ sẽ phải nhượng bộ vào cuối tháng 6, thời điểm đưa ra quyết định. Tuy nhiên, chính phủ của ông Boris Johnson ghét khái niệm gia hạn Brexit, tức những điều khoản mà người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May, nhiều lần buộc phải chấp nhận. Đó là lý do tại sao chính phủ đã cấm các bộ trưởng không được yêu cầu điều này.
Nội chiến Yemen vẫn tiếp diễn bất chấp covid-19
Một tuần trước Ả Rập Saudi tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong chiến dịch kéo dài 5 năm của họ ở Yemen, nhưng hoạt động chiến tranh xem ra vẫn tiếp diễn như thường. Các máy bay phản lực Saudi đã oanh tạc trở lại lực lượng Houthi, nhóm phiến quân người Shia được vũ trang bởi Iran, trong nỗ lực giành ưu thế trên nhiều mặt trận. Can thiệp thay mặt chính phủ Yemen, Ả Rập Saudi từng hy vọng sẽ ngừng được xung đột bằng lời kêu gọi cùng đoàn kết chống covid-19.
Song lực lượng Houthi, hiện cố thủ ở thủ đô Sana’a, muốn ngã giá. Họ đe dọa “leo thang lớn” trừ khi Ả Rập Saudi chấm dứt phong tỏa trên biển và trên không, trả tiền bồi thường chiến phí và công nhận họ là bên cai trị hợp pháp. Họ đã nỗ lực gấp đôi để chiếm Marib, một thành phố giàu dầu mỏ và là thành trì của các đồng minh địa phương thân Saudi. Họ cũng cảnh báo điều tồi tệ hơn sẽ đến, có thể bao gồm một cuộc tấn công xuyên biên giới nhắm vào một thành phố phía nam Saudi. Có virus hay không, một phát ngôn viên của Houthi nói, cuộc chiến vẫn tiếp diễn.