Thế giới hôm nay: 23/04/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sáu bang miền Nam nước Mỹ bắt đầu cho mở cửa trở lại nhiều cơ sở kinh doanh hơn, bao gồm phòng gym và tiệm làm tóc. Tổng thống Donald Trump đã khuyến khích các bang dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, nhưng các quan chức y tế vẫn thận trọng. Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, cảnh báo số ca nhiễm covid-19 có thể tăng trở lại và nhấn mạnh cần phải giãn cách xã hội.

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất lần thứ tám liên tiếp nhằm giúp nền kinh tế ốm yếu vượt qua cuộc khủng hoảng coronavirus. Lãi suất cơ bản đã giảm từ 9,75% xuống 8,75%, sâu hơn dự đoán. Động thái này gia tăng áp lực lên đồng lira. IMF dự đoán ​​nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy thoái 5% trong năm nay.

Một phân tích về bệnh nhân covid-19 tại các bệnh viện cựu chiến binh Mỹ đã dội một gáo nước lạnh lên những người trông đợi vào thuốc chống sốt rét. Trong nghiên cứu này (chưa được bình duyệt), nhóm bệnh nhân được điều trị bằng hydroxychloroquine có tỷ lệ tử vong cao hơn so với những người không dùng thuốc. Donald Trump đã quảng bá nó, cùng với thuốc kháng sinh, như một giải pháp điều trị bệnh covid-19. Song, cơ quan y tế công của chính quyền ông lại cảnh báo về các tác dụng phụ gây chết người.

Khi một nửa thế giới bị phong tỏa, với rất ít việc phải làm ngoại trừ xem Netflix-và-thư-giãn, không bất ngờ khi gã khổng lồ phát trực tuyến công bố kết quả quý đầu tiên đầy tin tốt. Netflix cho biết họ có thêm gần 16 triệu thuê bao mới trong quý, nhiều hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ròng cũng tăng hơn gấp đôi, lên 709 triệu đô la so với cùng kỳ.

Delta lỗ ròng 534 triệu đô la trong quý đầu năm, lần đầu tiên trong năm năm qua. Delta là hãng hàng không lớn đầu tiên công bố thu nhập kể từ khi coronavirus khiến ngành vận tải bị đình trệ. Các ông chủ dự đoán kết quả quý hai thậm chí còn tệ hơn, cảnh báo doanh thu giảm 90%.

Donald Trump tweet rằng ông đã nói với Hải quân Hoa Kỳ “bắn hạ và tiêu diệt” bất kỳ tàu pháo Iran nào “quấy rối tàu của chúng ta trên biển”. Cảnh báo được đưa ra một tuần sau cuộc chạm trán giữa 11 tàu Iran và tàu chiến Mỹ ở vùng Vịnh. Trong khi đó, Iran tuyên bố đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên lên quỹ đạo.

Các phiến quân Hồi giáo đã giết chết hơn 50 người ở tỉnh Cabo Delgado miền bắc Mozambique. Các nạn nhân bị chặt đầu hoặc bắn sau khi một số người từ chối gia nhập nhóm chiến binh, theo cảnh sát. Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công, song có một nhóm tự xưng là al-Shabab đang hoạt động trong khu vực.

TIÊU ĐIỂM

Lệnh cấm nhập cư của ông Trump gây hoang mang

Vẫn là cơ chế quen thuộc: Donald Trump ra quyết định cực đoan nhất; mọi người bắt đầu la ó; rồi ông nhượng bộ một phần. Vào tối thứ Hai, Trump tweet rằng ông sẽ “đình chỉ nhập cư” để bảo vệ người lao động Mỹ và cứu người Mỹ khỏi “Kẻ thù Vô hình” (covid-19). Thông báo khiến nhiều người trong chính quyền ông hoang mang, và vẫn chưa rõ liệu tổng thống có quyền đơn phương chặn nhập cư hay không.

Tối thứ Ba cho chúng ta một số thông tin: chính quyền Trump sẽ ngưng cấp hầu hết visa cư trú vĩnh viễn trong vòng 60 ngày. Song visa vẫn sẽ được cấp cho lao động nước ngoài, chẳng hạn như những người làm việc trong ngành nông nghiệp; cũng như cho các lao động thiết yếu, bao gồm những người trong ngành y tế, và người thân của những người nhập cư đã ở Mỹ. Việc tạm ngưng cấp thẻ xanh có thể có ít tác động rõ rệt lên các con số nhập cư. Nhưng nó báo hiệu ông Trump sắp sẵn sàng một lần nữa biến nhập cư trở thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.

Kinh tế Hàn Quốc: Liệu có phép màu giữa đại dịch?

Phép lạ nổi tiếng nhất của Hàn Quốc chính là kinh tế: đi từ nghèo nàn lên giàu có chỉ trong một thế hệ. Phép lạ gần đây nhất của họ là dịch tễ học: giảm số ca nhiễm coronavirus từ mức cao nhất là hơn 900 ca một ngày vào cuối tháng 2 xuống chỉ còn 11 ca vào hôm qua. Thật không may, họ không thể đạt được thành công dịch tễ học đó mà không chịu thiệt hại kinh tế. Các dữ liệu hôm nay có thể cho thấy GDP đã giảm hơn 1% trong ba tháng đầu năm nay so với ba tháng trước đó.

Để giúp bảo vệ việc làm và các doanh nghiệp, chính phủ đã thông qua một gói chi tiêu bổ sung (trị giá khoảng 0,6% GDP) và đề xuất một gói khác (trị giá khoảng 0,4%). Có thể có nhiều gói kích thích hơn nữa nhờ vào cuộc bầu cử quốc hội gần đây vốn mang lại cho đảng của Tổng thống Moon Jae-in và đồng minh một thế đa số lớn cần thiết để nhanh chóng thông qua các dự luật. Bất chấp đại dịch, tỷ lệ đi bầu vượt quá 66%, cao nhất trong 28 năm qua. Lại một phép lạ nữa.

EU họp bàn cách phục hồi kinh tế

Đầu tháng này, các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro đã thức cả đêm để hoàn chỉnh kế hoạch trị giá 540 tỷ euro (587 tỷ đô la) nhằm giúp các chính phủ và các công ty vượt qua cuộc khủng hoảng coronavirus. Đó là phần dễ. Chiều nay, 27 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của EU, gặp nhau (qua video) trong khuôn khổ Hội đồng châu Âu, sẽ cố gắng giải quyết vấn đề nhức nhối hơn nhiều là lấy tiền đâu để giúp Châu Âu phục hồi. Pháp, Ý và Tây Ban Nha đều kêu gọi Đức từ bỏ thái độ nhất quyết nói không với việc chia sẻ nợ.

Nhưng thủ tướng Đức Angela Merkel lo ngại trái phiếu “coronabond” do các nước cùng nhau bảo đảm sẽ mất quá nhiều thời gian để thiết lập và đối mặt khó khăn pháp lý ở nước bà và các nước khác. Nếu có thỏa hiệp, nó có thể liên quan đến việc tái thiết kế ngân sách bảy năm tới của EU để phát hành trái phiếu tài trợ cho các khoản đầu tư xanh, kỹ thuật số và các khoản đầu tư khác trị giá khoảng 2 nghìn tỷ euro. Song không có gì đảm bảo sẽ thành công.

Người Hồi giáo bắt đầu tháng Ramadan một cách khác thường

Tối nay, 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới bước vào tháng Ramadan, tháng cầu nguyện và nhịn ăn từ sáng đến tối. Đây sẽ là một Ramadan kỳ lạ. Các Imam ở Ai Cập sẽ không gặp mặt tập trung cho một lễ kỷ niệm truyền thống sau khi trăng lưỡi liềm xuất hiện, đánh dấu tháng âm lịch mới. Các nhà thờ Hồi giáo sẽ trống rỗng: các buổi cầu nguyện taraweeh hàng đêm đã bị hủy. Iftar, bữa ăn nhanh vào lúc hoàng hôn, sẽ được thu nhỏ – không có đám đông lớn hay những bữa tiệc xa hoa.

Điều này sẽ gây khó cho người nghèo Trung Đông, những người thường phải dựa vào các iftar cộng đồng miễn phí. Thay vào đó, các tổ chức từ thiện đang cố gắng tổ chức giao hàng tận nhà. Có lẽ một điều mang lại cảm giác bình thường chính là TV. Các kênh tiếng Ả Rập phát sóng hàng chục bộ phim hoành tráng trong tháng Ramadan, mỗi đêm một tập. Các đạo diễn đã phải vật lộn để hoàn thành việc quay phim giữa phong tỏa. Ai Cập đặt các chương trình này ngoài lệnh giới nghiêm, gọi chúng là một dịch vụ thiết yếu. Người xem đang mắc kẹt ở nhà chắc chắn không phản đối gì.

Unilever vừa vui vừa buồn vì dịch bệnh

Kết quả quý đầu tiên của Unilever sẽ được công bố hôm nay, và chúng có khả năng là một mớ hỗn hợp. Lợi nhuận của nhà sản xuất xà phòng lớn nhất thế giới có thể sẽ tăng vọt do nhu cầu rửa tay bùng nổ vì covid-19. Mặc dù vậy, chỉ có một vài trong số hơn 400 nhãn hiệu của người khổng lồ hàng tiêu dùng Anh-Hà Lan là đang hoạt động tốt; các nhãn hiệu khác đã phải vật lộn vất vả như những nhãn hiệu khác vì các biện pháp cách ly của chính phủ.

Bán hàng thực phẩm cho các nhà hàng có khả năng đã giảm; tương tự là tiêu thụ ở ngoài gia đình của Ben&Jerry, Magnum và các nhãn hiệu kem khác; doanh số bán các sản phẩm làm đẹp đắt tiền cũng gặp khó vì người tiêu dùng đang lo lắng phải ở nhà. “Coronavirus không phải là tin tốt cho Unilever,” CEO Alan Jope nói. Nhưng tập đoàn lâu đời này có lợi thế là sụt giảm doanh thu từ một dòng sản phẩm ít nhất có thể được bù đắp một phần bởi dòng sản phẩm khác.