Pythagoras: Nhà toán học và triết gia Hy Lạp cổ đại

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Historic figures, BBC

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Pythagoras (580 TCN – 500 TCN) là một nhà toán học và triết học nổi tiếng người Hy Lạp, người được biết đến với định lý mang tên ông.

Người ta biết rất ít về cuộc đời của Pythagoras. Ông được cho là đã sinh ra ở đảo Samos thuộc Hy Lạp, và thời trẻ đã đi đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Ai Cập và Ba Tư. Ông định cư ở thành phố Crotone, miền nam nước Ý. Tại đây, ông bắt đầu công việc giảng dạy và sớm đào tạo ra những môn đồ với cách sống dựa trên những quy tắc khắt khe về học tập và rèn luyện – được lấy cảm hứng từ một lý thuyết toán học. Các môn đồ của ông thường được gọi là “Pythagoreans”.

Thế hệ môn đồ đầu tiên của Pythagoras là những nhà hoạt động chính trị thuộc tầng lớp thượng trung lưu. Họ là nhóm người tinh hoa về đạo đức, luôn cố gắng hoàn thiện bản thể của mình trong cuộc sống hiện tại để đạt được sự bất tử vào kiếp sau. Để giải thoát linh hồn và đạt đến sự bất tử, thân xác phàm trần phải trải qua kỷ luật nghiêm ngặt để giữ cho mình trong sạch, không vướng bận những bản năng thấp hèn. Trước khi đạt được điều này, linh hồn sẽ được tái sinh nhiều lần, hay “luân hồi”, cho đến khi được tự do vì đã rèn luyện đủ.

Các môn đồ của Pythagoras cũng tin vào trật tự của vạn vật, tức quan điểm coi vũ trụ là một chiếc đồng hồ được chúa tạo ra và chuyển động theo thuyết cơ học (thuyết đồng hồ). Trong khi vẫn tin vào thuyết đa thần cổ điển của Hy Lạp, những người này tôn thờ một đấng toàn năng hơn cả. Họ có nhiều điều cấm kỵ, bao gồm việc không ăn thịt và đậu, đồng thời sống theo một loạt các quy tắc áp dụng cho mọi mặt của đời sống. 

Vào khoảng năm 500 TCN, nhiều khả năng đã có một cuộc nổi dậy chống lại ảnh hưởng của nhóm môn đồ Pythagoras. Pythagoras đã bỏ chạy và được cho là đã bị giết hoặc chết không lâu sau đó.