Tóm lược lịch sử Nghĩa sĩ miếu ở Paris

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Văn Nghệ

Ngày 09/06/2020 tới đây sẽ đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành Nghĩa sĩ miếu tại Paris (Pháp). Khi Thế chiến I nổ ra, nhiều người Việt Nam tùng chinh sang giúp nước Pháp chống lại quân Đức và có hơn 1.500 người vừa lính vừa thợ hy sinh. Sau khi chiến tranh chấm dứt, Chính phủ Pháp nghĩ quân sĩ nước ta tùng chinh trận vong, tiếng thơm việc nghĩa không thể mai một nên mới bàn dựng một ngôi miếu để thờ  binh sĩ Việt Nam trận vong trong cuộc chiến. Địa điểm được dựng là Nogent sur Marne và miếu được đặt tên là “Nghĩa sĩ miếu” (có người gọi là “Nghĩa sĩ từ”). Bên trên mái trước ngôi miếu và bên trên bình phong trước miếu đều có ba chữ Hán “Nghĩa sĩ miếu”. Người Pháp gọi là Temple du Souvenir Indochinois (Đền Tưởng niệm người Đông Dương).

Kiến trúc Nghĩa sĩ miếu

Chính phủ Pháp giao việc xây dựng miếu cho Thống sứ Bắc Kỳ[1] cùng thu xếp đồ vật thờ cúng và các hạng biển ngạch, liễn đối để trần thiết. Thống sứ Bắc Kỳ báo cho Tòa Khâm sứ, viên Khâm sứ[2] mới bàn với bề tôi Cơ mật viện dâng tờ tâu xin giao cho bộ Lễ bàn bạc thi hành, lại xin ban cho một đạo sắc văn gởi tới đặt trong Nghĩa sĩ miếu để an ủi hồn thiêng.

Nghĩa sĩ miếu được xây dựng theo quy chế đền thờ ở nước ta (khung nhà từ Bắc Kỳ chế tác gởi qua). Miếu gồm ba gian, hai chái rất to lớn và tráng lệ. Bàn thờ gian giữa đặt di ảnh của Anh Duệ hoàng thái tử (Hoàng tử Cảnh), bàn thờ gian bên trái thờ lính chiến trận vong (đều có danh sách), có ảnh chân dung của phi tướng Đỗ Hữu Vị[3] đặt ở đó. Ngoài ra người Cao Miên, Ai Lao trận vong cũng được thờ chung phía dưới. Bàn thờ gian bên phải thờ lính thợ trận vong.

Trước án thờ chính giữa treo một biển ngạch với bốn chữ Hán: “Cảm khái hệ chi”, bốn phía có chấn song nghi trượng. Có hai cặp liễn đối sơn son thếp vàng treo trên cột miếu, cặp thứ nhất: “Dự liệt cường tứ hải đằng danh, xả sanh thủ nghĩa/ Cử toàn Việt tam kỳ ứng mệnh, hứa quốc dĩ thân (Bốn năm cùng liệt quốc vang danh, bỏ mình giữ nghĩa/ Ba kỳ khắp Việt Nam ứng mệnh, vì nước trao thân); Cặp liễn thứ hai: “Nghĩa trọng giao lân, tráng chí tại sinh tử tồn vong chi ngoại/ Thân quy dị vực, trung hồn do huân cao thê sản kỳ gian” (Nghĩa trọng bang giao, chí mạnh ngoài việc mất còn sống chết/ Thân về cõi lạ, hồn trung còn nơi cúng tế tiếc thương).[4]

Cạnh Nghĩa sĩ miếu lại xây Nghĩa sĩ đài để kỷ niệm những người Đông Dương theo Thiên Chúa giáo trận vong, trên đó có ghi tên họ rõ ràng, có thể đọc được. Trên Nghĩa sĩ đài có dòng chữ Pháp: “ AUX INDOCHINOIS CHRÉTIENS MORTS POUR LA FRANCE” (Tưởng niệm những người Công giáo Đông Dương chết vì nước Pháp).

Theo Đại Nam thực lục thì khung sườn Nghĩa sĩ miếu “từ Bắc Kỳ chế tác gởi qua”. Nhưng theo Phạm Quỳnh: “Nguyên khi Đấu xảo Thuộc địa ở Marseille năm 1906 có làm một cái nhà gỗ An Nam để đấu xảo, gọi là “cái nhà Thủ Dầu Một”, xong cuộc Đấu xảo thì nhà ấy đem từ Marseille về đây [Công viên Thuộc Địa- Jarrdin Coloniale- trong khu rừng Vincennes thuộc thị trấn Nogent sur Marne bên bờ sông Marne- TG] dựng ở giữa vườn để làm như một cái phòng thí nghiệm về thực vật học. Kịp khi đến chiến tranh, bộ Thuộc địa định sửa sang lại, làm một nơi để kỷ niệm các quân sĩ Việt Nam đi tòng chinh mà chẳng may bị chết trận ở bên này, giao cho Hội “Đông Pháp kỷ niệm” (Le Souvenir Indochinois) có quan Nguyên Học chánh Gourdon[5] đứng đầu trông nom. Bây giờ thời nghiễm nhiên là một cái đền thờ vậy”[6]

Lễ khánh thành Nghĩa sĩ miếu

Sau khi công việc xây dựng hoàn tất, Bộ Thuộc địa gửi điện văn cho Phủ Toàn quyền Đông Pháp chuyển cho Tòa Khâm sứ Trung Kỳ hội thương báo cho Cơ mật viện biết để tâu lên vua xin chỉ. Vua Khải Định sai Thự Tổng đốc lãnh Tuần phủ Quảng Ngãi là Đặng Ngọc Oánh làm Khâm mệnh qua nước Pháp dự lễ khánh thành Nghĩa sĩ miếu. Khi đi ông còn mang theo một đạo sắc văn của vua Khải Định ban cho các hương hồn chiến sĩ trận vong vì nước Pháp. Sắc văn có nội dung: “Đại Nam hoàng đế sắc ban cho lính chiến, lính thợ qua Tây: Ngày trước vâng lời dụ của trẫm ứng mộ qua quý quốc, có người làm việc lập công không nề lao khổ, có người cầm gươm khoác giáp dũng cảm xông lên, nhiệt thành với lân bang, hết lòng trong nghĩa vụ, không may mà chết. Người đời từ trước ai không chết, chết vì việc nước chết cương thường là chết được đúng chỗ, chết có tiếc gì. Nhưng hồn côi đất lạ, thân quyến ngóng trông, nhắc tới việc ấy, trẫm rất thương xót. Nay võ công cáo thành, lập đền kỷ niệm ở quý quốc để thờ cúng, linh sảng ngàn thu nhờ đó được cúng tế tiếc thương. Anh hùng muôn thuở ngang qua nơi ấy ngẫm nghĩ nhớ nhung, nếu có thiêng thì nơi chín suối cũng được an ủi. Kính thay!”[7] Sắc văn được rước vào đặt trong Nghĩa sĩ miếu để an ủi hồn thiêng. Ngoài Khâm mệnh Đặng Ngọc Oánh còn có đại biểu xứ Nam Kỳ là Lê Quang Liêm.

Tham dự lễ khánh thành, đại diện Chính phủ Pháp có Bộ trưởng Thuộc địa là Albert Sarraut,[8] Thống chế Joffre,[9] Đại tướng Berdoulat[10] và nhiều yếu nhân khác.[11]

Trước Nghĩa sĩ miếu dựng thêm rạp hoa, bên trong miếu bày đủ hương đèn tự khí,  ngoài đặt chuông trống và treo cờ các màu, lễ nhạc có một nửa tham chước tục lệ Á Đông.

Đại biểu Nam Kỳ là Lê Quang Liêm – người phát ngôn cho những người lính thợ Đông Dương- đã đọc diễn văn khai mạc buổi lễ. Kế đến là bài phát biểu của Khâm mệnh Đặng Ngọc Oánh, hai vị đều nói qua việc người Việt hy sinh trong chiến tranh và qua đó tuyên cáo tình cảm của Chính phủ Pháp với những người đã hy sinh. Kế đến Hội chủ hội Kỷ niệm là Henri Gourdon lên diễn đàn tuyên bố việc xây dựng đền kỷ niệm, lại mong hương khói ở miếu kéo dài ngàn năm.

Tiếp đến Tổng trưởng Bộ Thuộc địa là Albert Sarraut chủ tọa tuyên đọc điếu văn, đại ý nói: “Than ôi những người tùng chinh tận tiết có khôn thiêng chăng! Các ông vì tai họa chiến tranh mà hồn về nơi xa xôi, tình trạng thê thảm có thể nói hết sao! Xa rời quê cũ để qua giúp mẫu quốc, điều lo nghĩ nhất là cái chết, mà một cái chết đối với các ông đã coi tựa lông hồng. Tuy nhiên tục lệ xưa phần nhiều lấy việc người chết không được chôn cất ở quê hương làm điều nuối tiếc, đại khái vì tục lệ ấy nên khiến người ta tin lời nhà Phật nói: Sống sống chết chết sẽ có luân hồi muôn kiếp. Về quan niệm huyền bí ấy, bản hội xin mong cầu chư tiên linh đều được siêu thăng tịnh thổ,  mà tên thơm cũng có thể sánh với vĩ nghiệp anh danh xưa nay, phô bày trên tấm biển vàng rực rỡ”. Đọc xong ông Sarraut lại nói: “ Hôm nay bản chức thắp một nén hương thành kính cắm trước linh tòa của các ông để biểu lộ tấm lòng thành kính của toàn thể người Đại Pháp đối với những người trận vong”. Người nghe có kẻ sa nước mắt.[12]

Sau bài phát biểu của Albert Sarraut là nghi thức rước sắc vua ban vào an vị trong Nghĩa sĩ miếu. Kế đến là nghi thức tế lễ cổ truyền.

Vua Khải Định đến viếng Nghĩa sĩ miếu

Năm 1922 vua Khải Định nhân chuyến dự Đấu xảo Marseille có đến viếng Nghĩa sĩ miếu. Ngày vua Khải Định đến viếng là Thứ hai 26/06/1922, nhưng trước đó vào  lúc 3 giờ chiều Thứ bảy ngày 17/06/1922 Phạm Quỳnh và một số người sang dự Đấu xảo Marseille đã đến viếng Nghĩa sĩ miếu: “Trong anh em có ông khéo kiếm được một thẻ hương và nhớ mua được bao nến đem từ Paris đi, mỗi bàn thờ thắp mấy nén hương, đốt một cây nến, rồi cúi vái, gọi là tỏ tấm lòng mỗi người thương tiếc đồng bào… Xem hết trong đền xem đến ngoài vườn, có dựng một tấm bia kỷ niệm riêng cho những chiến sĩ theo đạo Da tô không thờ trong đền, trong lòng vơ vẩn như thế. Mãi đến chiều anh em thơ thẩn mới ra về”.

Vào Thứ hai 26/06/1922, “ Hoàng thượng cùng quan Sarraut đến thăm Nghĩa sĩ từ ở Nogent sur Marne, sẵn có ô tô, anh em cùng đánh bộ “gia két”, đội mũ “mơ lông” chạy xe về Nogent xem lễ. Quan nguyên Học chính Gourdon làm Hội trưởng Hội “Đông Pháp kỷ niệm” (Le Souvenir Indochinois) đọc diễn thuyết chúc mừng. Hoàng thượng đáp lại mấy câu, chắc là những lời hùng biện cả, nhưng đứng xa chẳng nghe thấy chi hết. Xong rồi vào thắp hương trong đền, ra đặt vòng hoa sắt ở cái đài kỷ niệm những chiến sĩ theo đạo Thiên Chúa ở ngoài vườn, dạo quanh vườn một lượt, rồi lên xe, vua quan trẩy về Paris hết”.[13]

Nhân dịp này vua Khải Định tặng biển ngạch bằng bạc cho Nghĩa sĩ miếu. Trong biển ngạch khắc 5 đại tự chữ Hán thếp vàng: “Việt nghĩa hách Âu thiên” (Nghĩa Việt sáng trời Âu).[14]

Cảm tưởng của người đến viếng Nghĩa sĩ miếu

Mỗi khi đến Lễ Các thánh Nam Nữ (vào ngày 01/11 hằng năm), Chính phủ Pháp phái đại viên tới đặt vòng hoa, lại đọc điếu văn truy điệu, hàng năm lấy đó làm lệ thường. Đến ngày Nguyên đán nước ta thì du học sinh ba kỳ và những binh lính thợ thuyền ngụ ở Paris nối nhau tới thắp hương lễ bái.[15]

“Dưới trời Tây mà phảng phất có một nơi miếu mạo như bên ta, nhác trông thấy lòng quê luống những  bồi hồi. Giá được vài cây đa, cây đề, cây muỗm, hay một lũy tre nữa ở đàng sau thời hệt như ngôi đình bên mình. Hồn tử sĩ ở miền minh mạc, ví còn quanh quất đâu đây, tưởng cũng hay đi lại chốn này để mơ màng trước cái hình ảnh tổ quốc ở nơi khách địa cho bớt nỗi thương nhớ nước nhà. Vào trong đền, thời hương án chỉnh tề, hương hoa ngào ngạt, trướng đối rủ rê. Lại kia bức hoành của Hội Khai Trí gửi tặng năm xưa, bốn chữ Hán nét vàng còn chói lọi mà mặt gỗ đã nứt rạn”.[16]

Số phận bi thương của Nghĩa sĩ miếu

Theo Đại Nam thực lục cho biết: “Sau khi miếu xây xong hơn mười năm, có nguyên Thủ hiến Nha Học chính Đông Pháp Gourdon làm Hội chủ thường xuyên giám sát đôn đốc và đặt miếu phu (binh lính hoặc thợ người nước ta) ở đó coi giữ”.[17]

Ngày 21/04/1984 hỏa hoạn đã thiêu rụi Nghĩa sĩ miếu. Trên nền cũ chỉ còn lối đi tam cấp có tạc hình rồng đá. Năm 1992 người ta cho dựng ngay trung tâm nền ấy một kiến trúc mới đơn sơ nhỏ hơn trước và có vẻ giống như mô típ đền của Nhật Bản. Phương đình này được dựng lên để tiếp tục làm nhiệm vụ là Đài Tưởng niệm các tử sĩ người Đông Dương.

Ngoài Nghĩa sĩ miếu ở Paris, trên đất Pháp còn có 6 công trình Ký ức Đông Dương (Souvenir Indochinois), còn gọi là tượng “người lính An nam chiến thắng” (Soldat annamite victorieux) được dựng ở Marseille, Aix-en Provence, Montpellier, Tabes, Bergerac và Toulouse.[18]

Lòng biết ơn mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Lòng biết ơn trở thành chuẩn mực nền tảng đạo đức con người. Lòng biết ơn không chỉ nói suông mà cần phải thể hiện bằng hành động. Ngay sau khi Thế chiến I chấm dứt, Chính phủ Pháp nghĩ ngay đến việc xây dựng một nơi thờ tự những tử sĩ người Đông Dương để “thân về cõi lạ, hồn trung còn nơi cúng tế tiếc thương”.

——–

[1] Thống sứ Bắc Kỳ giai đoạn 1917-1921 là Jean Baptiste Édouard Bourcier Saint- Gaffray.

[2] Khâm sứ Trung Kỳ giai đoạn 1913- 1920 là Jean Francois Eugène Charles.

[3] Đỗ Hữu Vị (1883-1916) là người Nam Kỳ, con Tổng đốc (hàm) Đỗ Hữu Phương. Ông là phi công người Việt đầu tiên trong quân đội Pháp. Năm 1916, do sức khỏe không cho phép, ông bắt buộc từ bỏ sự nghiệp phi công, chuyển sang bộ binh, thăng hàm Đại úy. Ông hy sinh ngày 9/7/1916 trong một cuộc tấn công với quân Đức ở vùng Somme nước Pháp.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, tr. 227.

[5] Henri Gourdon sang Việt Nam năm 1902, giữ chức Tổng Giám đốc đầu tiên của Tổng Nha Học chính Đông Dương (Direction Générale de l’Instruction Publique de l’Indochine). Năm 1918 được điều động về Pháp giữ chức Giám đốc Trường Cao đẳng Thuộc địa ở Paris.

[6] Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh , tr. 74/124             vietnamvanhien.org/PhapDuHanhNhatKy.pdf  Theo một số tài liệu thì lịch sử Nghĩa sĩ miếu bắt đầu vào năm 1905, khi quan đầu tỉnh Thủ Dầu Một là Ernest Outrey đã ra lệnh cấp tốc làm một ngôi nhà bằng gỗ theo kiến trúc đình Bà Lụa, sau đó chuyên chở bằng tàu thủy qua Pháp để tham dự cuộc Đấu xảo Colonial Exhibition Marseille tổ chức năm 1906.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr 226-227.

[8] Albert Sarraut (1872-1962), hai lần làm Toàn quyền Đông Dương, lần 1: (cuối năm 1911-1914); lần 2 (1917-1919).

[9] Thống chế (Maréchal) Joffre (1852-1931): Tháng 7/1885 ông theo đoàn quân viễn chinh Pháp sang Hà Nội, tháng 1/1887 Đại úy công binh Joffre tham gia chiến dịch công phá căn cứ Ba Đình ở Thanh Hóa, tháng 1/1888 ông rời khỏi Việt Nam.

[10] Đại tướng (Général) Berdoulat (1861-1930): ông từng tham gia quân viễn chinh chiến đấu ở Việt Nam. Ngày 18/2/1919 ông được thăng Thống đốc quân đội Paris (Gouverneur militaire de Paris).

[11] Tin tức về lễ khánh thành le Temple du Souvenir Indochinois đăng trên tờ Le Monde Illustré 19 Juin 1920. Xem Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, tr. 278.

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr. 276, 279.

[13] Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, tr.74-75 ; 84             vietnamvanhien.org/PhapDuHanhNhatKy.pdf

[14] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr. 385.

[15] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr. 227-228.

[16] Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, tr. 74        vietnamvanhien.org/PhapDuHanhNhatKy.pdf

[17] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr. 228.

[18] rfi.fr/vi/viet-nam/20181112-chan-dung-nguoi-linh-viet-nam-trong-the-chien-thu-nhat-1914-1918