24/05/1917: Anh đưa vào sử dụng hệ thống hộ tống tàu biển

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: British naval convoy system introduced, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, trước thành công ngoạn mục của tàu ngầm U-boat của Đức và các cuộc tấn công của chúng nhắm vào các tàu phe Hiệp Ước và các nước trung lập trên biển, Hải quân Hoàng gia Anh đã đưa vào sử dụng một hệ thống hộ tống mới, theo đó tất cả các tàu buôn đi qua Đại Tây Dương sẽ đi thành từng nhóm dưới sự bảo vệ của Hải quân Anh.

Trong hơn ba năm trong Thế chiến I, các lãnh đạo Hải quân Hoàng gia Anh kiên quyết chống lại việc tạo ra một hệ thống hộ tống, tin rằng họ không nên chuyển tàu biển và các nguồn lực khác ra khỏi hạm đội hùng mạnh của mình, do chúng có thể được cần đến trong các trận chiến. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các tàu ngầm U-Boat và các cuộc tấn công của chúng vào các tàu buôn – của nước tham chiến lẫn trung lập – thực sự rất tàn khốc.

Khi Mỹ tham chiến vào tháng 04/1917, nhu cầu bảo vệ lợi ích của phe Hiệp Ước trên biển càng lớn hơn, vì một lượng lớn binh lính và vũ khí sẽ cần phải được vận chuyển qua Đại Tây Dương đến châu Âu. Đầu tháng 05/1917, báo cáo cho thấy tháng trước đó đã chứng kiến tổn thất vận chuyển cao nhất trong cuộc chiến đối với các nước Hiệp Ước và trung lập: 373 tàu, tương đương tổng trọng tải 873.754 tấn.

Do đó, vào ngày 24/05/1917, Anh đã đưa vào sử dụng hệ thống hộ tống của mình. Theo sắp xếp mới, một đoàn tàu gồm 10 đến 50 tàu buôn – cùng với một tàu vận chuyển mang theo vũ khí và binh lính  – có thể được hộ tống bởi một tàu tuần dương, sáu tàu khu trục, 11 tàu đánh cá có vũ trang và một cặp tàu ngư lôi với thiết bị trinh sát trên không có khả năng phát hiện sự chuyển động của tàu ngầm dưới nước. Các điểm tập hợp hộ tống được thiết lập dọc theo bờ biển Đại Tây Dương ở Bắc và Nam Mỹ, từ Halifax, Nova Scotia, đến Hampton, Virginia, đến tận Rio de Janeiro, Brazil, để xử lý việc vận chuyển không chỉ binh lính và vũ khí, mà còn cả thực phẩm và ngựa, nguồn tiếp tế cơ bản cho các nỗ lực chiến tranh của phe Hiệp Ước.

Sự ra đời của hệ thống hộ tống vận tải biển cuối cùng đã đánh dấu bước khởi đầu dẫn tới sự sụt giảm mạnh về quy mô thiệt hại của tàu ngầm Đức, cũng như dập tắt hy vọng của nước Đức nhằm buộc người Anh phải chết đói. Từ tháng 05/1917 đến tháng 11/1918, tổng cộng 1.100.000 lính Mỹ đã được đưa qua Đại Tây Dương bằng tàu hộ tống và chỉ có 637 người trong số đó bị chết đuối bởi các cuộc tấn công của Đức.