Đòn rồng: Khi Trung Quốc muốn cai trị Hồng Kông bằng sự sợ hãi

Nguồn: China has launched rule by fear in Hong Kong”, The Economist, 28/05/2020.

Biên dịch: Trần Hùng

Người dân Hồng Kông muốn hai điều: được chọn cách chính quyền quản lý họ, và nền pháp quyền. Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy cả hai ý tưởng này đều đáng sợ đến mức nhiều người nghĩ họ sẽ cho quân đội vào nghiền nát cuộc biểu tình lớn ở Hồng Kông năm ngoái. Thay vào đó, đảng đã kiên nhẫn chờ thời cơ. Bây giờ, trong khi thế giới bị phân tâm bởi Covid-19 và các cuộc biểu tình rầm rộ khó xảy ra vì giãn cách xã hội, đảng đã chọn một cách âm thầm hơn để thể hiện ai là ông chủ thực sự của Hồng Kông. Điều đó mang lại một mối đe dọa rộng lớn hơn cho thế giới, và không chỉ ở Hồng Kông, mà còn ở Biển Đông và Đài Loan.

Vào ngày 21 tháng 5, Trung Quốc tuyên bố trên thực tế rằng người Hồng Kông nào được coi là gây ra mối đe dọa cho đảng sẽ trở thành đối tượng trừng phạt của đảng. Một luật an ninh mới, được viết tại Bắc Kinh, sẽ tạo ra những tội danh sẽ được định nghĩa cụ thể sau, như lật đổ và ly khai, những thuật ngữ được sử dụng ở những nơi khác của Trung Quốc để bỏ tù những người bất đồng chính kiến, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng. Hồng Kông sẽ không có tiếng nói trong việc soạn thảo luật, vốn sẽ cho phép Trung Quốc đưa cảnh sát mật nằm vùng ở đó. Thông điệp là rất rõ ràng. Nền cai trị thông qua sự sợ hãi của người dân sắp bắt đầu.

Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Khi thuộc địa cũ của Anh này được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Trung Quốc đã đồng ý rằng Hồng Kông sẽ được hưởng “một mức độ tự trị cao”, bao gồm các tòa án độc lập và tự do ngôn luận. Nhiều người Hồng Kông đang phẫn nộ. Một số nhà đầu tư cũng sợ hãi. Thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm 5,6% vào ngày 22 tháng 5, mức giảm lớn nhất trong năm năm qua. Hồng Kông là một trung tâm thương mại toàn cầu không chỉ bởi vì nó nằm cạnh Trung Quốc đại lục mà còn bởi nó được hưởng nền pháp quyền. Tranh chấp kinh doanh được giải quyết một cách không thiên vị, theo các quy tắc được biết trước. Nếu những người thi hành án không chịu trách nhiệm giải trình của Trung Quốc có thể tự do áp đặt ý muốn của đảng ở Hồng Kông, thì nó sẽ trở thành một nơi kém hấp dẫn hơn cho các công ty toàn cầu hoạt động.

Động thái của Trung Quốc cũng có ý nghĩa vượt ra ngoài Hồng Kông. Một quốc gia, hai chế độ được cho là mô hình dành cho Đài Loan, một hòn đảo dân chủ của 24 triệu dân mà Trung Quốc cũng coi là lãnh thổ của mình. Mục đích là để cho thấy rằng thống nhất với đại lục không có nghĩa là mất đi quyền tự do. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc dường như đã mệt mỏi với trò chơi giả bộ này. Thay vào đó, họ đang đưa ra các lời đe dọa thẳng thừng. Việc vị tổng thống Đài Loan hoài nghi Trung Quốc, Thái Anh Văn, tái đắc cử hồi tháng Giêng đã khiến các nhà cầm quyền Trung Quốc tin rằng cơ hội tái thống nhất một cách hòa bình là rất nhỏ. Vào ngày 22 tháng 5, tại lễ khai mạc quốc hội Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường đã loại bỏ một cách đáng ngại từ “hòa bình” khỏi cách đề cập lâu nay về nhiệm vụ tái thống nhất Đài Loan. Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan và những người theo chủ nghĩa dân tộc đã hô hào trên mạng về việc tiến hành một cuộc xâm lược.

Trung Quốc cũng đang bất hòa với các nước khác. Khi xây dựng các pháo đài đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc bỏ qua cả luật pháp quốc tế lẫn yêu sách của các nước láng giềng nhỏ hơn. Tuần này, hàng trăm, có lẽ hàng ngàn binh lính Trung Quốc đã vượt qua biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở dãy Hymalaya. Những vụ ẩu đả nhỏ dọc biên giới này là khá phổ biến, nhưng vụ đột nhập mới nhất xảy ra khi một tờ báo quốc doanh của Trung Quốc đưa ra yêu sách mới đối với một khu vực mà lâu nay Ấn Độ coi là của mình. Và tất cả những điều này diễn ra trong một bối cảnh ảm đạm của việc quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trở nên tồi tệ nhất trong mấy thập niên qua, đầu độc mọi thứ từ thương mại cho đến đầu tư và hợp tác khoa học.

Tuy nhiên, dù sự khoa trương cơ bắp ở khu vực như thế làm thế giới kinh sợ, đó là điều Đảng Cộng sản Trung Quốc thấy là hợp lý. Ở Hồng Kông, đảng muốn ngăn chặn một cuộc “cách mạng màu”, điều mà họ cho rằng có thể giúp các nhà dân chủ lên nắm quyền bất chấp mọi nỗ lực của Trung Quốc để thao túng hệ thống. Nếu việc làm xói mòn các quyền tự do của Hồng Kông gây thiệt hại về kinh tế thì đảng vẫn chấp nhận. Lãnh thổ này vẫn là một nơi quan trọng để các công ty Trung Quốc huy động vốn quốc tế, đặc biệt là kể từ khi đối đầu Trung – Mỹ khiến họ khó khăn và rủi ro hơn nếu gọi vốn ở New York. Nhưng GDP Hồng Kông hiện chỉ tương đương 3% của Trung Quốc đại lục, giảm từ mức 18% vào năm 1997, bởi vì nền kinh tế Đại lục đã tăng gấp 15 lần kể từ thời điểm đó. Các nhà cầm quyền Trung Quốc cho rằng các công ty và ngân hàng đa quốc gia sẽ duy trì cơ sở ở Hồng Kông, đơn giản vì nó gần thị trường Trung Quốc rộng lớn. Họ có lẽ sẽ đúng.

Bức tranh đơn giản mà Tổng thống Donald Trump vẽ nên về cảnh Mỹ và Trung Quốc bị khóa chặt trong các cuộc đối đầu phù hợp với tính toán của các lãnh đạo Trung Quốc. Đảng cho rằng cán cân quyền lực đang thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Những lời lăng mạ của ông Trump làm phẫn nộ những người dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc, một điều đảng muốn khai thác – tưng tự như khi xảy ra bất kỳ căng thẳng nào giữa Mỹ và các đồng minh. Đảng miêu tả phong trào dân chủ ở Hồng Kông như một âm mưu của Mỹ. Điều đó thật vô lý, nhưng nó giúp giải thích cho thái độ khinh miệt người biểu tình Hồng Kông của nhiều người dân Đại lục.

Phần còn lại của thế giới nên chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc. Ở biên giới Trung – Ấn, hai bên nên đàm phán để tránh các tính toán sai lầm, như các nhà lãnh đạo hai nước đã hứa hẹn vào năm 2018. Trung Quốc nên nhận ra rằng nếu họ thử các chiến thuật mà họ đã sử dụng ở Biển Đông, xây dựng các công trình tại khu vực tranh chấp và thách người khác dám đẩy lùi, Trung Quốc sẽ khiến mọi nước láng giềng ngày càng nghi ngờ họ nhiều hơn.

Trong trường hợp Đài Loan, Trung Quốc phải đối mặt với một sự răn đe mạnh mẽ: một quy định trong luật pháp Mỹ rằng Mỹ có thể đến cứu giúp Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công. Có một nguy cơ ngày càng tăng là Trung Quốc có thể quyết định thử phản ứng thực tế của Mỹ ra sao. Mỹ nên làm rõ rằng làm như vậy sẽ cực kỳ nguy hiểm. Các đồng minh của Mỹ cũng nên lặp lại điều đó một cách rõ ràng.

Các lựa chọn của Hồng Kông ảm đạm hơn. Đạo luật Chính sách Hồng Kông yêu cầu Mỹ xác nhận hàng năm rằng lãnh thổ này đủ tiêu chuẩn được đối xử khác biệt với Trung Quốc về thương mại và các vấn đề khác. Tuần này, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố rằng “các sự kiện trên thực tế” cho thấy Hồng Kông không còn tự trị. Điều này cho phép Mỹ áp dụng thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Hồng Kông như họ đã từng làm đối với đại lục. Đó là một vũ khí mạnh mẽ, nhưng phạm vi xảy ra tính toán sai lầm là rất lớn, vì nó có khả năng gây hại cho người Hồng Kông và khiến các công ty và ngân hàng toàn cầu rời đi. Sẽ tốt hơn nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức vi phạm quyền con người ở Hồng Kông, như luật cũng đề xuất. Ngoài ra, Anh nên cấp quyền cư trú đầy đủ cho hàng trăm ngàn người Hồng Kông đang giữ một loại hộ chiếu Anh “hạng hai”, tương tự như việc bà Thái trong tuần này đã mở cửa Đài Loan cho công dân Hồng Kông. Nhưng không việc nào trong số đó có thể ngăn được Trung Quốc áp đặt ý chí của mình lên Hồng Kông. Lợi ích của đảng sẽ luôn luôn được đặt cao hơn lợi ích của người dân.