Thế giới hôm nay: 01/06/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Biểu tình bùng nổ ở Minneapolis vào cuối tuần qua đã lan khắp nước Mỹ xoay quanh cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen không vũ trang qua đời sau khi bị một sĩ quan cảnh sát da trắng quỳ đè lên cổ hơn tám phút. Vài thành phố đã thiết lập lệnh giới nghiêm và một số thống đốc đã triển khai Vệ binh Quốc gia.

Quốc hội Thái Lan phê duyệt gói hỗ trợ kinh tế trị giá 58 tỷ đô la được thiết kế để giảm thiểu tác động của covid-19. Hơn một nửa số tiền sẽ được huy động bằng các khoản vay của chính phủ. Hai đảng trong liên minh cầm quyền đã quyết định tham gia cùng phe đối lập kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn cách tiêu tiền. Thái Lan hôm nay bước vào giai đoạn ba của kế hoạch kết thúc phong tỏa kéo dài bốn giai đoạn.

Hai phi hành gia vừa hoàn thành hành trình kéo dài 19 giờ đến Trạm Vũ trụ Quốc tế sau khi khởi hành từ Mũi Canaveral hôm thứ Bảy. Đây là một nhiệm vụ của NASA nhưng được tiến hành bằng tên lửa chế tạo bởi hãng SpaceX của Elon Musk, đánh dấu lần đầu tiên các phi hành gia đi lên quỹ đạo bằng một tàu vũ trụ tư nhân. Tàu sẽ kết nối với trạm từ một đến bốn tháng trước khi đưa phi hành đoàn trở lại Trái đất.

Donald Trump hoãn hội nghị thượng đỉnh G7 theo dự kiến diễn ra vào tháng tới, đồng thời cam kết mời thêm một số quốc gia, bao gồm Nga, khi nhóm họp chính thức. Ông mô tả nhóm bảy nước hiện tại là một “nhóm các quốc gia rất lỗi thời”, và không đại diện cho những gì “đang diễn ra trên thế giới”. Nga đã bị trục xuất khỏi G8 hồi năm 2014 vì sáp nhập Crimea.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội, Muhammad Bagher Ghalibaf, tân chủ tịch quốc hội theo đường lối cứng rắn của Iran, gọi các cuộc đàm phán với Mỹ là “có hại và vô ích”, và thề trả thù cho tướng Qassem Soleimani, vị tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo bị Mỹ giết chết trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái hồi tháng 1. Ông Ghalibaf, từng là một cựu tướng lực lượng Vệ binh Cách mạng, đã cam kết “trục xuất toàn bộ quân đội khủng bố của Mỹ ra khỏi khu vực”.

Brazil ghi nhận gần 1.000 trường hợp tử vong mới do coronavirus, khiến nước này có số người tử vong cao thứ tư (28.834) trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, Anh và Ý. Hơn nữa, không giống như các quốc gia châu Âu, số ca nhiễm mới và tử vong ở Brazil vẫn đang tăng mạnh. Trên toàn cầu, hơn 6 triệu ca nhiễm coronavirus đã được xác nhận.

Tôn giáo sắp thoát phong tỏa. Các nhà thờ Hồi giáo ở Ả Rập Saudi đã mở cửa trở lại lần đầu tiên sau hai tháng. Các tín hữu phải đeo khẩu trang, sử dụng thảm cầu nguyện riêng và thực hiện nghi thức tắm rửa tại nhà. Dù vậy, haj (hành hương đến Mecca), cuộc hành hương linh thiêng nhất của Hồi giáo, vẫn bị đình chỉ. Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem cũng mở cửa trở lại, và Đức Giáo hoàng đã ban phước cho các tín hữu ở Quảng trường Thánh Peter lần đầu tiên kể từ tháng Ba.

TIÊU ĐIỂM

Mỹ chìm trong biểu tình và bạo loạn

Người Mỹ đang căng mình đón xem liệu tình trạng bất ổn dân sự lan rộng và kéo dài nhất kể từ những năm 1960 có bước vào tuần thứ hai hay không. Thứ hai tuần trước, George Floyd, một người đàn ông da đen không vũ trang, đã thiệt mạng ở Minneapolis sau khi bị một sĩ quan cảnh sát da trắng, Derek Chauvin, đè lên cổ trong hơn tám phút, với gần ba phút sau khi đã xác định không còn nghe được mạch. Kể từ đó, các cuộc biểu tình đã lan đến ít nhất 75 thành phố. Tại một số nơi lệnh giới nghiêm đã được áp đặt và Vệ binh Quốc gia được triển khai.

Cơn tức giận không chỉ là về Floyd. Đám đông trên khắp đất nước đã hô vang “Hands up, don’t shoot” (Giơ tay lên, đừng bắn), một khẩu hiệu được dùng để thu hút sự chú ý vào số vụ giết người cao bất thường của cảnh sát Mỹ (1.099 người năm ngoái), đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Phi, những người có khả năng chết vì hành động của cảnh sát hơn gấp ba lần so với người da trắng. Chauvin bị buộc tội giết người cấp độ ba và ngộ sát cấp độ hai, và có thể xuất hiện lần đầu tại tòa vào hôm nay. Truy tố thành công trong những trường hợp như vậy là rất hiếm.

Các nhà máy Trung Quốc mở lại nhưng nhu cầu giảm

Khởi động lại khu vực chế tạo lớn nhất thế giới trong đại dịch là một thách thức lớn. Các công ty phải đưa nhân viên của họ trở lại làm việc từ khắp Trung Quốc trong bối cảnh các lựa chọn đi lại bị hạn chế, và sau đó phải đảm bảo rằng tất cả đều đeo khẩu trang khi làm việc. Thật ấn tượng, 99% các doanh nghiệp công nghiệp lớn đã nối lại sản xuất vào giữa tháng 4. Nhưng một cuộc khảo sát chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) cho tháng 5 cho thấy tìm đủ đơn hàng khó khăn hơn nhiều.

PMI hiện tại là 50,6, chỉ suýt soát trong vùng tăng trưởng (dưới 50 cho thấy suy thoái) và phục hồi yếu ớt. Và kinh doanh lại gần như hoàn toàn là trong nước. Một thước đo các đơn đặt hàng xuất khẩu chỉ ra rằng nhu cầu toàn cầu đã giảm sâu, và giảm tháng thứ năm liên tiếp. Với điểm yếu từ bên ngoài này, chính phủ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn để kích thích nền kinh tế trong nước. Nếu không thể, các nhà máy vừa mở cửa có thể đóng cửa trở lại.

Đàm phán hậu Brexit bế tắc

Các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu hôm nay họp lại qua video, cuộc đàm phán cuối cùng trước khi hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 18-19 tháng 6 đánh giá lại tiến trình đàm phán. Vì cả Michel Barnier, nhà đàm phán của EU và David Frost, người đồng cấp Anh, đều có lập trường đối lập kiên quyết dựa trên nhiệm vụ tương ứng của họ, nên đến nay có rất ít tiến triển trong các vấn đề gây tranh cãi như yêu cầu của EU về một sân chơi bình đẳng các quy định xã hội, lao động, môi trường và trợ cấp nhà nước, hay vấn đề vai trò của Tòa án Công lý Châu Âu và vấn đề đánh cá.

Cả hai bên đều nói rằng cách tiếp cận của phía bên kia phải thay đổi nếu thật sự muốn các cuộc đàm phán tạo ra được một thỏa thuận thương mại tự do trước khi giai đoạn quá độ hiện tại kết thúc vào cuối năm. Tuần này sẽ không có nhiều tiến triển. Trừ khi Anh đồng ý kéo dài thời gian quá độ, điều dường như không thể xảy ra, khả năng cao sẽ không có thỏa thuận, đồng nghĩa với thuế quan, hạn ngạch và các rào cản thương mại khác sẽ tái xuất hiện từ tháng 1.

Tranh cãi pháp lý xoay quanh báo cáo của Robert Mueller

Mặc dù báo cáo của Robert Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 đã là chuyện cũ, hôm nay dấy lên một cuộc tranh cãi pháp lý về việc Ủy ban Tư pháp Hạ viện có thể xem được hay không những phần báo cáo đã bị lược bỏ trước khi nó được công bố vào tháng 4 năm 2019. Ủy ban với số đông đảng viên Dân chủ đã đấu tranh để được xem các phần đã bị lược bỏ đó – cũng như lời khai của bồi thẩm đoàn và các tài liệu khác – kể từ tháng 7 năm ngoái, trong cuộc điều tra đang tiến hành đối với hành vi của Donald Trump.

Vào tháng 10, một tòa án quận đã phê chuẩn yêu cầu của họ, và tương tự là một phiên tòa phúc thẩm vào tháng 3. Nhưng vào ngày 8 tháng 5, Tòa án Tối cao đã tạm thời chặn việc công bố thông tin, cho phép Bộ Tư pháp có cơ hội yêu cầu tòa án xem xét lại. Nếu chính quyền Trump làm như vậy vào chiều nay, các thẩm phán có thể sẽ ra phán quyết về vụ việc này trước khi kỳ nghỉ hè của tòa bắt đầu trong vài tuần nữa.

Các giáo viên Anh chưa muốn mở cửa lại trường học

Kể từ 20 tháng 3, các trường học ở Anh hoạt động chưa đến 3% công suất, với chỉ con cái của các lao động thiết yếu và những người được phân loại là “dễ bị tổn thương” vì coronavirus là được đến trường. Hôm nay, cổng trường mở rộng hơn – nhưng chỉ một chút. Tuần trước, chính phủ tuyên bố đã an toàn để trẻ mẫu giáo, lớp 1 và lớp 6 đi học lại. Nhưng giáo viên, công đoàn và phụ huynh thì e ngại.

Một số trường sẽ vẫn đóng cửa vì khó khăn trong việc đảm bảo các biện pháp phòng ngừa bắt buộc của chính phủ; số khác là vì họ không tin rằng các biện pháp phòng ngừa là đủ để ngăn chặn virus lây lan. Nhiều trường sẽ chỉ chào đón trở lại một hoặc hai trong ba nhóm tuổi chính phủ cho phép đi học lại. Và còn phải xem có bao nhiêu phụ huynh thực sự sẽ cho con cái đi học: phần lớn giáo viên chủ nhiệm tiểu học dự đoán một phần ba hoặc hơn vẫn sẽ ở nhà.