Thế giới hôm nay: 20/12/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết bà có thể trì hoãn việc chuyển giao các hồ sơ luận tội, đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua hôm thứ Tư, lên Thượng viện để phục vụ xét xử. Bà cho rằng lãnh đạo đa số của Thượng viện, Mitch McConnell, sẽ bỏ qua các thủ tục xét xử. “Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy sự công bằng”, bà nói.

Airbnb thắng trong một cuộc chiến pháp lý khi Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) phán quyết rằng công ty này không thể được quản lý như một đại lý môi giới bất động sản trực tuyến. Vụ tranh chấp bắt nguồn từ Pháp, nơi nhà chức trách tìm cách áp đặt các quy định chặt chẽ hơn đối với dịch vụ cho thuê nhà ở, có thể bao gồm các hình phạt hình sự cho các vi phạm. Thay vì chờ tòa, Pháp đã tự đặt ra các quy định khác để áp dụng cho Airbnb.

Một phán quyết khác của ECJ đã dẫn đến việc kêu gọi thả Oriol Junqueras, một lãnh đạo ly khai xứ Catalan, bị cầm tù hồi tháng 10 vì vai trò của ông trong một cuộc trưng cầu dân ý trái phép về nền độc lập của xứ Catalan. Tòa phán quyết ông có quyền miễn trừ của một thành viên Nghị viện châu Âu ngay sau cuộc bầu cử vào tháng Năm. Chính phủ Tây Ban Nha nói ông này chưa bao giờ tuyên thệ theo quy định của hiến pháp Tây Ban Nha.

Ba người chết trong các cuộc biểu tình ở hai thành phố khác nhau nhằm chống lại luật quốc tịch mới của Ấn Độ. Các cuộc tuần hành vẫn tiếp diễn trên khắp đất nước bất chấp lệnh cấm biểu tình, cắt internet và tin nhắn và các nỗ lực ngăn trở khác. Cảnh sát đã bắt giữ hàng trăm người, trong đó có Ramowderra Guha, một nhà sử học nổi tiếng. Luật mới này cho phép công dân một số nước láng giềng đạt được quyền công dân Ấn Độ, nhưng không bao gồm người Hồi giáo.

Tổng thống Lebanon đã chọn Hassan Diab, một nhà nghiên cứu, làm thủ tướng, và yêu cầu ông này thành lập chính phủ. Nước này ở trong tình trạng không có lãnh đạo kể từ các cuộc biểu tình lật đổ thủ tướng Saad Hariri hồi tháng 10. Ông Diab được hỗ trợ bởi Hizbullah, một nhóm dân quân và đảng chính trị của người Shia, cùng một số đồng minh của ông Aoun, một người Kito giáo; nhưng ông không nhận được sự ủng hộ của ông Hariri.

Cơ quan quản lý tài chính của Anh sẽ điều tra các cáo buộc rằng các bản ghi các tuyên bố về chính sách tiền tệ của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh đã được chuyển đến các nhà giao dịch tần suất cao ngay trước khi được công bố. Những lời tuyên bố của Mark Carney, thống đốc ngân hàng, thường tác động đến tỷ giá hối đoái và giá chứng khoán.

TIÊU ĐIỂM

Điều chỉnh dự báo dân số toàn cầu

Trong những năm gần đây, Liên Hợp Quốc có xu hướng sửa đổi các dự báo dân số toàn cầu của họ theo hướng tăng lên. Năm nay họ lại giảm dự báo. Liên Hợp Quốc hiện cho rằng thế giới sẽ có 9,7 tỷ người vào năm 2050 và 10,9 tỷ vào năm 2100, lần lượt thấp hơn 37 triệu và 309 triệu so với dự báo của hai năm trước. Tỷ lệ sinh đang giảm nhanh hơn dự kiến ở một số nước đang phát triển.

Tỷ lệ sinh ở Kenya hiện được kỳ vọng sẽ giảm xuống còn 2,1 (mức mà dân số gần như không thay đổi) trong thập niên 2060 – một thập niên sớm hơn so với lần dự đoán trước đây. Mức sinh giảm nhẹ của Ấn Độ cũng có ảnh hưởng lớn đến dự báo dân số toàn cầu do quy mô lớn của dân số của nước này. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong cũng có tác động. Hầu hết mọi người đang sống thọ hơn. Song ở Mỹ, dịch opioid đã đẩy tỷ lệ tử vong lên cao. Xác suất để một bé trai 15 tuổi ở Mỹ qua đời ở tuổi 50 hiện cao hơn ở Bangladesh.

Dự báo dân số thế giới.

Tranh cãi về bản sắc của người Hồng Kông

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, khởi đầu vào tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ, đã phát triển thành một phong trào rộng lớn chống lại ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. Cốt lõi của nó là vấn đề bảo vệ bản sắc riêng của Hồng Kông, với các quyền tự do tương đối mà nhiều người cho rằng đang bị đe dọa. Bản sắc này đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Vào năm 1997, khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc sau 156 năm cai trị của thực dân Anh, một cuộc khảo sát của Đại học Hồng Kông cho thấy khoảng 1/5 người dân địa phương tự coi mình là “người Trung Quốc”, còn lại là “người Hồng Kông” và “bản sắc pha trộn”.

Trong thập niên tiếp theo, con số này tăng lên hơn một phần ba. Tuy nhiên, kể từ 2006, nó đã giảm liên tục. Vào tháng 6, chưa tới một phần mười coi họ hoàn toàn là người Trung Quốc, một mức thấp lịch sử. Sự thay đổi này được thể hiện rõ nhất trong giới trẻ. Toàn bộ ba phần tư cư dân từ 18 đến 29 tuổi của lãnh thổ này hiện tự coi mình là người Hồng Kông.

Nhận thức về bản sắc của người Hong Kong.

Tỉ lệ dân số Hồi giáo ở các nước phương Tây

Nếu không tính Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu hiện có khoảng 26 triệu người Hồi giáo, chiếm 5% dân số, và họ thường trẻ hơn nhiều so với dân địa phương. Ở nhiều thành phố châu Âu, Muhammad (theo nhiều cách viết khác nhau) đã trở thành cái tên phổ biến nhất cho trẻ em. Song, trải nghiệm của người Hồi giáo ở phương Tây là rất khác nhau. Người Hồi giáo Pháp có xu hướng ít sùng đạo hơn ở Anh, và những người không theo Hồi giáo ở Pháp sẽ thoải mái hơn khi có người Hồi giáo làm hàng xóm và có nhiều khả năng kết hôn với người Hồi giáo hơn.

Người Hồi giáo ở Mỹ cho đến gần đây vẫn tự coi mình ở một mức cao hơn người châu Âu. Họ thuộc tầng lớp trung lưu nhiều hơn, hòa nhập hơn và có mối quan hệ hài hòa hơn với đất nước họ chọn. Nhưng trong một cuộc khảo sát năm 2017, 42% học sinh Hồi giáo ở Mỹ cho biết họ bị bắt nạt vì đức tin. Và một phần năm người Mỹ – có lẽ được khuyến khích bởi giọng điệu thù địch của Tổng thống Donald Trump – phản đối quyền bầu cử của công dân theo Hồi giáo.

Tỉ lệ dân số Hồi giáo ở các nước châu Âu.

Khác biệt về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trên thế giới

Ở tuổi nào thì hành động bất hợp pháp của một đứa trẻ trở thành tội phạm? Câu hỏi này được đặt ra trước một vụ giết người ghê rợn của một cậu bé 13 tuổi ở miền đông bắc Trung Quốc hồi đầu năm nay. Trong nhiều năm, Liên Hợp Quốc đã khuyến nghị các quốc gia đặt tuổi chịu trách nhiệm hình sự (MACR) không dưới 12. Hơn 40 quốc gia chọn mức 14. Nhưng Ấn Độ, Pakistan và một số quốc gia châu Phi chọn mức 7 tuổi, trong khi ở Mỹ, có 33 tiểu bang không hề có tuổi tối thiểu.

Trong hầu hết các hệ thống pháp luật, người phạm tội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ không hiểu rằng họ đã làm sai điều gì đó. Việc xác định một đứa trẻ có khả năng mang ý định phạm tội hay không có thể khó khăn. Và những người phản đối việc trừng phạt trẻ em cho rằng trẻ em thường chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh. Nhiều đứa trẻ đến từ các gia đình nghèo hoặc bị người lớn thao túng và bóc lột. Tội phạm hóa chúng chỉ có thể làm trầm trọng thêm những tác hại này.

Vấn đề kiểm soát súng ở Mỹ bế tắc

Nước Mỹ chứng kiến trung bình hơn một vụ nổ súng hàng loạt mỗi ngày trong năm nay, theo Gun Violence Archive, một tổ chức phi lợi nhuận. Sau những sự kiện như vậy, đảng Dân chủ thường kêu gọi áp dụng luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn; đảng Cộng hòa thì khuyên cải cách hệ thống sức khỏe tâm thần hoặc cấm các trò chơi video bạo lực. Trung hòa một điểm chung đã chứng minh là gần như không thể. Các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ có xu hướng ủng hộ cách tiếp cận của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, Quốc hội đã không thông qua một luật kiểm soát súng có ý nghĩa nào trong 25 năm, vì ít nhất hai lý do. Đầu tiên, những người đam mê súng rất nhiệt thành: các chủ sở hữu súng thường có khả năng cao hơn sẽ liên hệ với các quan chức làm chính sách về súng hoặc quyên góp cho các tổ chức vận động hành lang hơn là những người không sở hữu súng. Thứ hai, thái độ ăn sâu đã dẫn đến sự bế tắc về mặt lập pháp, và những vụ xả súng hàng loạt càng làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Nghiên cứu từ Đại học Massachusetts Amherst và Đại học Tufts cho thấy sau các vụ xả súng, dư luận lại trở nên phân cực hơn.