William Thomson: Người phát triển thang đo nhiệt độ Kelvin

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Historic figures, BBC

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

William Thomson (1824 – 1907), tức Nam tước Kelvin xứ Largs, là một nhà toán học và nhà vật lý người Scotland, người đã phát triển thang đo nhiệt độ Kelvin.

William Thomson sinh ngày 26/06/1824 tại Belfast. Ông được dạy dỗ bởi cha, một giáo sư toán học. Năm 1832, gia đình Thomson chuyển đến Glasgow. Tại đây, ông đã bắt đầu học đại học khi lên 10, sau đó học tại các đại học Cambridge và Paris. Năm 1846, Thomson trở thành giáo sư triết học tự nhiên tại Glasgow và chức danh này đã theo ông hơn 50 năm.

Tại Glasgow, Thomson đã thành lập phòng thí nghiệm vật lý đầu tiên ở Anh. Ông là người tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là điện từ và nhiệt động lực học. Cùng với Faraday, ông đã cho ra đời khái niệm về trường điện từ. Về nhiệt động lực học, Thomson đã nghiên cứu và phát triển thành tựu của những người tiên phong trong lĩnh vực này là Nicolas Carnot và James Joule. Một trong những thành quả quan trọng nhất từ công trình của ông là khái niệm về độ không tuyệt đối (absolute zero, tương đương –273,16 °C) – thang đo dựa trên nguyên lý này đã được đặt theo tên ông.

Trong công việc, mục tiêu hàng đầu của Thomson là sử dụng khoa học một cách thực tế. Ông được biết đến qua thành tựu về điện báo ngầm dưới đáy biển, một vấn đề lớn trong đời sống vào thời điểm đó. Ông đã được thuê làm cố vấn khoa học cho việc lắp đặt đường dây cáp điện báo xuyên Đại Tây Dương những năm 1857 – 1858 và 1865 – 1866. Cùng năm, ông được phong tước hiệp sĩ.

Đam mê của Thomson đối với các vấn đề hàng hải đã truyền cảm hứng cho ông phát triển la bàn của thủy thủ và phát minh ra máy dự đoán thủy triều cùng thiết bị đo độ sâu. Ông cũng sáng chế ra nhiều dụng cụ điện, và nhà của ông ở Glasgow là nơi đầu tiên dùng đèn điện để thắp sáng.

Năm 1892, Thomson được nâng lên hàng quý tộc với danh hiệu Nam tước Kelvin xứ Largs (Kelvin là tên một dòng sông nhỏ chảy gần Đại học Glasgow) và trở thành chủ tịch của Hội Khoa học Hoàng gia từ năm 1890 đến 1895. Ngày 17/12/1907, ông qua đời tại Ayrshire, Scotland và được an táng tại Tu viện Westminster.