Thế giới hôm nay: 05/06/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sau một đêm biểu tình ôn hòa ở Mỹ, người ủng hộ và người thân của George Floyd – người đàn ông da đen không vũ trang bị giết bởi một sĩ quan cảnh sát da trắng ở Minneapolis hôm 25 tháng 5 – đã tham dự lễ tưởng niệm đầu tiên trong số nhiều buổi lễ khác nhau để tưởng niệm ông. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lisa Murkowski từ Alaska cho biết bà đồng ý với cựu bộ trưởng quốc phòng James Mattis, người đã chỉ trích gay gắt cách Tổng thống Donald Trump giải quyết biểu tình. Bà nói bà phải “đấu tranh” với câu hỏi liệu có nên ủng hộ tổng thống vào tháng 11 hay không.

Gần 1,9 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, ít nhất trong hơn hai tháng và là dấu hiệu nền kinh tế có thể đang phục hồi sau khủng hoảng covid-19. Tuy nhiên, tổng số đơn xin trợ cấp kể từ giữa tháng 3 đến nay là 42,6 triệu, con số tồi tệ nhất kể từ thời Đại Suy thoái.

Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng cường chương trình mua trái phiếu của mình thêm 600 tỷ euro (681 tỷ đô la) và gia hạn thêm sáu tháng đến tháng 6 năm 2021. Điều này nâng tổng giá trị mua vào của ECB để hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng euro lên tới 1,35 nghìn tỷ euro. Chủ tịch ngân hàng Christine Lagarde cho biết khối này đang trải qua một “đợt suy thoái chưa từng thấy”, và phục hồi cho đến nay vẫn “yếu ớt”.

Chính phủ Angela Merkel đồng ý về gói kích thích trị giá 130 tỷ euro (146 tỷ USD) để giúp nền kinh tế Đức vượt qua đại dịch. Chính phủ sẽ giảm thuế VAT đến hết năm, trợ cấp 300 euro mỗi trẻ em cho các gia đình và tăng gấp đôi khoản trợ cấp cho việc mua ô tô điện. Thông báo được đưa ra sau 21 giờ đàm phán trong liên minh cầm quyền.

Hội đồng Lập pháp Hồng Kông thông qua dự luật cấm xúc phạm quốc ca Trung Quốc. Châm chọc “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” có thể bị phạt ba năm tù hoặc 50.000 đô la Hồng Kông (6.450 đô la). Đại lục có một luật tương tự. Những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã phản đối quyết liệt luật này. Các nhà lập pháp đối lập tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Một tòa phúc thẩm liên bang đã cấm đại gia hóa chất Bayer bán XtendiMax, một loại thuốc diệt cỏ nông nghiệp, ở Mỹ. Tòa phán quyết rằng Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã xem nhẹ những rủi ro liên quan đến dicamba, một hóa chất được dùng trong sản phẩm. Vụ kiện này là một trong số các vấn đề họ thừa kế sau khi Bayer mua Monsanto, một công ty hóa chất khổng lồ vào năm 2018. Họ còn đối mặt với những cáo buộc khác rằng thuốc diệt cỏ dại dựa trên glyphosate, Roundup, gây ung thư.

Chính phủ Hòa hợp Quốc gia (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận của Lybia đã giành lại toàn quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Các lực lượng của Tướng Khalifa Haftar, một lãnh chúa được UAE, Ai Cập và Nga hậu thuẫn, đã bao vây thành phố trong hơn một năm. Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ mạnh mẽ GNA trong những tháng gần đây. Đầu tuần này, hai phia đã đồng ý thảo luận việc ngừng bắn.

TIÊU ĐIỂM

Mỹ-Trung tranh cãi về hàng không

Trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, nước Mỹ đã chứng kiến nhiều xung đột thương mại. Song không có lần xung đột nào lại sai thời điểm như cuộc cãi vã mới nhất với Trung Quốc về quyền bay. Tuần này, chính quyền Trump đã đề xuất lệnh cấm các chuyến bay đến Mỹ của bốn hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc từ ngày 16 tháng 6. Nhà Trắng cho rằng các quy tắc do Trung Quốc áp đặt vào tháng 3 phân biệt đối xử với các hãng hàng không Mỹ. Những hạn chế đó – với ý định giảm khả năng nhập khẩu ca nhiễm covid-19 – giới hạn các chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc của các hãng hàng không nước ngoài xuống mức của ngày 12 tháng 3.

Tuy nhiên, các hãng hàng không Mỹ đã đình chỉ các chuyến bay của họ từ tháng 2. Trung Quốc hy vọng sẽ làm dịu tranh chấp bằng cách nới lỏng các quy tắc của mình. Nếu ông Trump vẫn tiến hành lệnh cấm, doanh nghiệp Mỹ có thể bị tổn thương. Boeing đã dự báo rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của họ đối với các máy bay phản lực mới trong 20 năm tới. Điều này có thể khiến Trung Quốc phải dỡ bớt hạn chế.

Viễn cảnh thị trường lao động Mỹ

Trong đại dịch covid-19, tin tức về nền kinh tế Mỹ không ngừng ảm đạm. Nhưng không gì thể hiện cụ thể điều này hơn báo cáo việc làm tháng 5, được công bố  hôm nay. Các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên khoảng 20%. Ngay cả con số đó, cao nhất kể từ Đại Suy thoái (1929), cũng không thể hiện hết thiệt hại mà coronavirus gây ra. Nhiều người đã hoàn toàn rời bỏ lực lượng lao động và do đó không được tính vào số liệu thất nghiệp.

Thất nghiệp có lẽ sẽ không tăng mạnh hơn. Nhiều phần của đất nước đã bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa trong tháng 5, và bằng chứng cho thấy phục hồi kinh tế đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lo ngại một phần lớn số việc làm đã mất vĩnh viễn, do đó ngay cả khi nền kinh tế phục hồi, tình trạng thất nghiệp khó có thể giảm nhanh chóng. Các vấn đề kinh tế của Mỹ không còn “ác tính” nữa. Giờ chúng trở nên “mãn tính”.

Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Liên Hợp Quốc

Hôm nay, Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu đã khởi động “Cuộc đua đến Không” (Race to Zero), để đánh dấu Ngày Môi trường Thế giới. Ý tưởng là khuyến khích giảm thiểu khí thải nhà kính xuống còn “không” vào giữa thế kỷ này – tức là cân bằng lượng tiêu thụ và lượng phát thải. Sẽ có một loạt các cam kết của các công ty và lời kêu gọi tạo ra các việc làm thân thiện với môi trường. Những cử chỉ quan hệ công chúng này cũng trùng khớp với một số đề xuất đầy hứa hẹn của các chính phủ nhằm thúc đẩy sự phục hồi thân thiện với môi trường sau covid.

Rishi Sunak, bộ trưởng tài chính Anh, được cho là đang chuẩn bị thúc đẩy việc làm “xanh” trong một gói kích thích kinh tế vào tháng tới. Kế hoạch phục hồi của EU sẽ bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực giảm phát thải, như hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có các kế hoạch tương tự. Tuy nhiên, một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Brazil, đang sử dụng đại dịch như một cái cớ để đẩy lùi các quy tắc môi trường. Trước covid-19, các quy định môi trường trên thế giới đã có dấu hiệu chia rẽ. Đại dịch có thể đẩy nhanh xu hướng đó.

Công viên Universal Studios mở cửa lại

Công viên chủ đề ở Orlando, Florida hôm nay mở cửa cho công chúng lần đầu tiên sau gần ba tháng. Việc công viên phải đóng cửa không phải là nỗi bất hạnh duy nhất do covid-19 gây ra cho chủ sở hữu, Comcast. Giảm doanh thu quảng cáo và trì hoãn công chiếu phim, cũng như phải đóng cửa bốn công viên, đã làm  giảm 40% lợi nhuận sau thuế quý đầu năm của công ty truyền thông và giải trí này.

Disney World lân cận có kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng tới. Trước khi coronavirus tấn công, cả hai công viên đều là những cỗ máy in tiền. Nhưng đại dịch sẽ tiếp tục làm giảm lượng khách hàng không, siết chặt dòng du khách. Các gia đình có ngân sách eo hẹp hơn, hoặc không có việc làm, khó có thể bỏ tiền ra để đi chơi. Và các công viên dù sao cũng phải giới hạn công suất, để thực thi giãn cách xã hội. Đây là tin tốt cho khách tham quan: sẽ không phải xếp hàng quá lâu.

Tranh cãi sau bầu cử ở Burundi

Burundi đang phải chờ đợi. Agathon Rwasa, lãnh đạo đảng đối lập chính của Burundi, thách thức kết quả cuộc tổng tuyển cử tổ chức hôm 20 tháng 5 lên tòa án hiến pháp, tuyên bố đó là một “vụ lừa đảo lớn”. Hôm qua các thẩm phán ra phán quyết chống lại ông, trên thực tế là công nhận chiến thắng cho người kế nhiệm do tổng thống hiện tại, Evariste Ndayishimiye, lựa chọn.

Mặc dù điều này không có gì đáng ngạc nhiên –tòa án không độc lập – song thật đáng lo ngại. Ông Rwasa cáo buộc các thùng phiếu được nhét đầy giấy trước khi các khu vực bỏ phiếu được mở cửa và hàng ngàn phiếu bầu đã được thêm vào khi chúng đóng cửa. Các cử tri cho biết họ bị buộc chọn ông Ndayishimiye bởi các thành viên đoàn thanh niên của đảng cầm quyền CNDD-FDD. Các cơ quan giám sát nhân quyền cho biết các đảng viên đã tăng số phiếu bằng cách thêm phiếu của những người đã chết. Cuộc bầu cử gần nhất vào năm 2015 đã gây ra biểu tình trên khắp đất nước và dẫn đến cuộc đàn áp tàn bạo của lực lượng an ninh nhà nước. Burundi sẽ còn bất ổn.