Giang sơn Đại Việt chuyển từ nhà Lý sang nhà Trần

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vào cuối năm 1210, Vua Cao Tông không khỏe, lập Thái tử Sảm lên kế vị, miếu hiệu là Huệ Tông. Nhà Vua tôn mẹ Đàm thị làm Hoàng thái hậu, sai đón vợ là người con gái họ Trần về làm Hoàng hậu:

Mùa đông, tháng 10, năm Trị Bình Long Ứng thứ 6 [1210], vua không khỏe, gọi Đỗ Kính Tu vào nhận mệnh ký thác. Ngày 28 Nhâm Ngọ, vua băng ở cung Thánh Thọ.

Hoàng thái tử Sảm lên ngôi ở trước linh cữu bấy giờ mới 16 tuổi. Tôn mẹ là Đàm thị là Hoàng thái hậu, cùng nghe chính sự. Lại đem thuyền rồng đi đón Trần thị. Anh Trần thị là Trần Tự Khánh cho rằng bấy giờ đương lúc loạn lạc, chưa đưa đi ngay được.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Năm sau Vua chọn niên hiệu là Kiến Gia năm thứ nhất, đón Hoàng hậu họ Trần về, phong cho người anh Hoàng hậu là Trần Tự Khánh làm Chương thành hầu:

Ngày Tân Mùi, mùa xuân, tháng giêng năm Kiến Gia thứ 1 [1211], đổi niên hiệu. Tháng 2, vua lại sai Phụng ngự là Phạm Bố đi đón Trần thị. Tự Khánh bèn sai bọn Phùng Tá Chu đưa Trần thị đi. Gặp khi Tô Trung Từ và Đỗ Quảng đang đánh nhau ở bến Triều Đông [bến phía đông thành Hà Nội], Tá Chu bèn đỗ thuyền ở bến Đại Thông. Đến khi Đỗ Quang bị thua, vua sai Bố và Trung Từ đón Trần thị vào cung, lập làm nguyên phi; cho Trung Từ làm Thái uý phụ chính; phong Thuận Lưu bá Trần Tự Khánh làm Chương Thành hầu.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Triều Tống nhận được tin Vua Cao Tông mất, sai Sứ sang điếu tế, và phong Vua Lý Huệ Tông tước An Nam Quốc vương, giống như Vua cha:

Năm Gia Định thứ 5 [1212] Long Cán mất, chiếu sai Vận phán Quảng Tây Trần Khổng Thạc làm Điếu tế sứ, đặc cách tặng chức Thị trung. Y theo chế độ đối với Quốc vương An Nam trước kia, người con là Hạo Sam thế tập, được phong như Long Cán lúc mới lên ngôi, vẫn được ban chức Thôi thành thuận hoá công thần. Sau đó không thấy biểu cảm tạ, nên kém việc gia ân.”[1] Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

Bấy giờ trong nước giặc giã nổi lên, nhà Vua suy nhược, quan phụ chính Đàm Dĩ Mông thì bất tài, nên chính sự trở nên đổ nát:

Năm Kiến Gia thứ 1 [1211], Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Nhà Vua sai người thân là Đoàn Thượng chiêu mộ dân đinh đi đánh giặc, Thượng tự tiện làm càn, bị bắt rồi trốn thoát; sau đó xây thành tại Hồng Châu [Hải Dương] làm loạn:

Mùa xuân, tháng 2 năm Kiến Gia thứ 2 [1212], sai người cùng một vú nuôi là Đoàn Thượng chiêu mộ dân châu Hồng đi bắt giặc cướp. Bấy giờ thế nước suy yếu, triều đình không có chính sách hay, đói kém luôn luôn, nhân dân cùng khốn, Đoàn Thượng thừa thế tự tiện làm oai làm phúc, không ai dám nói gì. Sau tội trạng tỏ rõ, bị các quan hặc, phải giam vào ngục để hỏi tội. Thượng mới rút gươm, cởi trần chạy về châu Hồng, nhóm họp bè đảng, đắp thành xưng vương, cướp bóc lương dân, triều đình không thể ngăn được.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Kinh thành lúc bấy giờ không được yên ổn, vào năm sau [1213] Trần Tự Khánh xin đón xa giá, nhà Vua nghi ngờ xuống chiếu mang quân đi bắt Tự Khánh; giáng Hoàng hậu họ Trần, em Khánh, làm Ngự nữ:

Ngày Quý Du tháng 2 năm Kiến Gia thứ 3 [1213], Trần Tự Khánh đem quân xâm phạm cửa khuyết xin đón xa giá. Vua lấy làm ngờ, xuống chiếu lấy quân các đạo đi bắt Tự Khánh, giáng nguyên phi làm Ngự nữ.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Trần Tự Khánh lại đến đón xa giá thêm 2 lần nữa, nhà Vua vẫn chưa tin; tiếp tục trốn tránh:

Ngày Giáp Tut tháng giêng năm Kiến Gia thứ 4 [1214], Trần Tự Khánh đem quân đến bến Triều Đông, tự vào quân môn tạ tội, lại xin đón xa giá. Vua càng ngờ, bèn cùng với thái hậu và ngự nữ chạy đến núi Trĩ Sơn ở châu Lạng [Lạng Sơn]. Tự Khánh nghe tin xa giá long đong mà ngự nữ thì lâu nay bị thái hậu làm khổ, lại đem quân đến xin đón xa giá như trước. Vua cũng chưa tin, lại cùng với thái hậu và ngự nữ chạy sang huyện Binh Hợp.

Mùa hạ, tháng 5, Tự Khánh đánh Đinh Khả và Bùi Đô ở châu Đại Hoàng [tây Nam Định], phá tan được.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4

Sau khi Trần Tự Khánh mang quân dẹp được bọn giặc Đinh Khả và Bùi Đô khiến nhà Vua có phần tin tưởng; lại nhân Thái hậu rắp tâm giết Phu nhân họ Trần, người Vua thương yêu, nên nhà Vua tự nguyện đi tìm Tự Khánh để được phò giúp:

Mùa xuân năm Kiến Gia thứ 6 [1216], sách phong ngự nữ làm Thuận Trinh phu nhân. Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua đuổi bỏ đi; lại sai người nói với phu nhân bảo phải tự sát. Vua biết mới ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân. Mỗi bữa ăn vua chia cho phu nhân một nữa và không lúc nào cho rời bên cạnh. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải chết. Vua lại ngăn không cho, rồi đêm ấy cùng với phu nhân lẻn đi đến chổ quân của Tự Khánh; gặp khi trời đã sáng, phải nghĩ lại ở nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện Yên Duyên, gặp tướng của Tự Khánh là Vương Lê đem binh thuyền đến đón. Vua mới đỗ lại ở bãi Cửu Liên. Truyền cho Tự Khánh đến chầu.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Sau khi Phu nhân sinh Công chúa, nhà Vua tái phong Phu nhân làm Hoàng hậu, rồi phong cho 2 người anh ruột Hoàng hậu là Trần Tự Khánh, và Trần Thừa làm quan to. Hai người lo xếp đặt quân ngũ, đánh bại quân Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp phá châu Nghệ An:

“Mùa hạ, tháng 6 năm Kiến Gia thứ 6 [1216], hoàng trưởng nữ sinh ở bãi Cửu Liên, sau phong làm công chúa Thuận Thiên.

Mùa đông, tháng 12, sách phong Thuận Trinh phu nhân làm hoàng hậu, phong Tự Khánh là Thái uý phụ chính, cho anh trai Tự Khánh là Trần Thừa (tức Thượng hoàng nhà Trần) làm Nội thị phán thủ. Tự Khánh cùng với Thượng tướng quân Phan Lân xếp đặt quân ngũ, chế tạo binh khí, luyện tập võ nghệ, quân thế dần dần phấn chấn.

Vua có bệnh trúng phong, chữa thuốc không khỏi mà chưa có thái tử, trong cung chỉ sinh công chúa mà thôi.”

Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, châu bá là Lý Bất Nhiễm đánh phá được.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4

Bấy giờ nhà Vua bị bệnh tâm thần, không điều hành được việc nước, nên quyền lực dần dần chuyển về tay họ Trần:

Ngày Đinh Su, Mùa xuân, tháng 3 năm Kiến Gia thứ 7 [1217], vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là Thiên tướng giáng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Chính sự không quyết đoán, giao phó cả cho Trần Tự Khánh. Quyền lớn trong nước dần dần về tay kẻ khác.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Vào năm 1218, Công chúa thứ 2 ra đời, đặt tên là Chiêu Thánh, sau được Vua nhường ngôi, tức Lý Chiêu Hoàng. Cũng vào năm này ra lệnh bắt viên Cư sĩ chùa Phù Đổng[2] Nguyễn Nộn, gây nên mối loạn kéo dài mãi đến hơn 10 năm sau; Trần Tự Khánh mang quân đánh dân tộc thiểu số tại huyện Chương Mỹ, Hà Tây, nhưng không dẹp được. Riêng tại Nghệ An; Chiêm Thành và Chân Lạp mang quân đến đánh phá lần thứ hai, đều bị Bá trưởng Lý Bất Nhiễm đánh tan:

Ngày Mu Dn mùa thu, tháng 8 năm Kiến Gia thứ 8 [1218], xuống chiếu bắt cư sĩ ở chùa Phù Đổng [Từ Sơn, Bắc Ninh] là Nguyễn Nộn, vì bắt được vàng ngọc mà không đem dâng.

Tháng 9, hoàng thứ nữ sinh, sau phong làm công chúa Chiêu Thánh. Mùa đông, tháng 10, Trần Tự Khánh đi đánh người Man ở Quảng Oai [huyện Chương Mỹ, Hà Tây]  không dẹp được.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Lý Bất Nhiễm giữ chức bá trưởng châu Nghệ An. Năm Kiến Gia thứ 6 (1216), Chiêm Thành và Chân Lạp vào cướp, Bất Nhiễm đã đánh bại rồi; đến đây lại đánh được lần nữa. Vì có công như thế, Bất Nhiễm được phong tước hầu, ban thái ấp, được hưởng lộc đúng với thực số 1.500 hộ.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 5.

Trần Tự Khánh xin tha cho Nguyễn Nộn, rồi sai đi đánh giặc tại Quảng Oai. Sau đó Nộn mang quân về giữ đất Phù Đổng, tự xưng Vương, lại xin mang quân xin đi đánh giặc chuộc tội, thế lực ngày một lớn triều đình không chế ngự được:

Ngày K Mão tháng 2 năm Kiến Gia thứ 9 [1219], Trần Tự Khánh tâu xin tha cho Nguyễn Nộn, cho đi theo quân đánh giặc để chuộc tội. Vua y cho. Mùa đông, tháng 10, sai Nguyễn Nộn đem quân đi đánh người Man ở Quảng Oai.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Ngày Canh Thìn tháng 3 năm Kiến Gia] năm thứ 10 [1220], Nguyễn Nộn giữ hương Phù Đổng, tự xưng là Hoài Đạo Vương, dâng biểu xưng thần, xin đi dẹp loạn để chuộc tội. Vua sai người đem sắc thư đến tuyên dụ. Song vì vua có bệnh phong, không thể chế ngự được.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Nhà Vua bị bệnh nặng, triều đình lo tìm thầy thuốc giỏi khắp nơi để trị bệnh nhưng không hiệu nghiệm; bên ngoài thì giặc cướp khắp nơi, khiến dân chúng rất cực khổ:

Ngày Tân Tỵ tháng giêng năm Kiến Gia thứ 11 [1221], tìm khắp thầy thuốc trong nước để chữa bệnh cho vua, nhưng không hiệu nghiệm gì. Vua thì ở tít trong cung, giặc cướp bừa bãi, nhân dân ở ngoài thành lưu ly cực khổ lắm.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Đối phó với loạn lạc, cho làm thêm ghe thuyền và đúc thêm binh khí; bấy giờ đất nước được chia thành 24 lộ, bèn đem chia cho các Công chúa:

Ngày Nhâm Ngọ tháng 2 năm Kiến Gia thứ 12 [1222], chia trong nước làm 24 lộ, lộ chia cho công chúa ở, lấy các hoành nô thuộc lệ và quân nhân bản lộ, chia nhau làm giáp. Làm đồ binh khí và ghe thuyền để tuần bắt giặc cướp.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Vào năm 1223 Trần Tự Khánh mất, dùng người anh là Trần Thừa làm Phụ quốc thái úy, quyền lực lớn vào chầu không phải xưng tên. Bên ngoài thì thế lực giặc Nguyễn Nộn ngày mỗi mạnh, dân đói khổ vì thiên tai hạn hán và nạn sâu keo:

Ngày Quý Mùi tháng 10 năm Kiến Gia thứ 13 [1223], hạn hán, lúa bị sâu cắn. Tháng 12, thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh. Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương; lấy Trần Thừa làm Phụ quốc Thái uý, khi vào chầu không xưng tên. Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Riêng về mặt quân sự, ủy cho người em họ Hoàng hậu là Trần Thủ Độ nắm hết quyền lực. Tháng 10 năm Kiến Gia thứ 14 [1224], xuống chiếu truyền ngôi Vua cho Công chúa Chiêu Thánh; cũng vào tháng này đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ nhất, tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Riêng nhà Vua thì xuất gia, trụ trì tại chùa Chân Giáo trong thành:

Năm Kiến Gia thứ 14 [1224], (Từ tháng 10 về sau là niên hiệu của Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1; Tống Gia Định năm thứ 17). Bệnh của vua ngày càng tăng mà không có con trai để nối nghiệp lớn, các công chúa đều được chia các lộ làm ấp thang mộc, uỷ nhiệm cho một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình.

Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Lý Chiêu Hoàng tên huý là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, con gái thứ của Huệ Tông. Huệ Tông không có con trai nối dõi, lập nàng làm Hoàng thái tử để truyền ngôi, ở ngôi được 2 năm [1224-1225] rồi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Bấy giờ Cảnh tuổi còn nhỏ tuổi, nên các quan mời người cha là Trần Thừa nhiếp chính:

Ngày Ất Du tháng 10 năm Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2 [1125], xuống chiếu tuyển con em của quan viên trong ngoài sung vào các sắc dịch trong nội, như lục hỏa thị cung ngoại, Chi hậu Nội nhân thị nội,[3] ngày đêm thay phiên nhau chầu hầu. Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài thành thị. Cháu gi Thủ Độ bằng chú là Trần Bất Cập làm Cận thị thự lục cục chi hậu,[4] Trần Thiêm làm Chi ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ (Cảnh sau là Trần Thái Tông). Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói:

‘Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?’.

Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói:

 ‘Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh’.

Chiêu Hoàng cười và nói:

 ‘Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó’.

 Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng:

 ‘Bệ hạ đã có chồng rồi’.

Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng:

 ‘Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói “Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay!”

Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết’.

Tháng 12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân.

Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng,[5] sau đổi là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế. Phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước. Thủ Độ nói:

‘Hiện nay giặc cướp đều nổi, họa loạn ngày tăng. Đoàn Thựợng giữ mạn đông, Nguyễn Nộn giữ mạn bắc, các châu Quảng Oai, Đại Viễn[6] cũng chưa dẹp yên. Nhà Lý suy yếu, thế nước nghiêng nguy, nữ chúa Chiêu Hoàng không gánh vác nổi, mới uỷ thác cho Nhị lang [Chàng Hai]. Nhưng Nhị lang chưa am hiểu việc nước, chính sự nhiều chổ thiếu sót, vận nước mới mở, lòng dân chưa phục, mối họa không phải là nhỏ. Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang’.

 Các quan đều cho là phải, mời thánh phụ Trần Thừa nhiếp chính.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 4.

Sử Trung Quốc, Tục Tư Trị Thông GiámTống Sử cũng chép tương tự, nhưng vắn tắt hơn:

Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 159. Ngày Quí Dậu tháng 5 Tống Ninh Tông năm Gia Định thứ 5 [28/6/1212], Vương nước An Nam Lý Long Cán mất, con là Hạo Sam nối ngôi; đến lúc chết không có con trai, cho con gái là Chiêu Thánh làm chủ nước. Người rể là Trần Nhật Cảnh được nhường ngôi. Họ Lý từ Công Uẩn truyền đến 8 đời, hơn 220 năm.”[7]

Hạo Sam mất, không có con trai; cho con gái Chiêu Thánh làm chủ việc nước, rồi người rể Trần Nhật Cảnh giành được ngôi. Họ Lý có được nước từ Công Uẩn đến Hạo Sam, truyền ngôi 8 lần, được hơn 220 năm thì mất[8] Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

—————–

[1] 嘉定五年,龍榦卒。詔以廣西運判陳孔碩充弔祭使,特贈侍中。依前安南國王制,以其子昊旵襲封其爵位,給賜如龍榦始封之制,仍賜推誠順化功臣。其後謝表不至,遂輟加恩。

[2] Phù Đổng: nay là xã Phù Đổng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

[3] Lục hỏa thị cung ngoại: sáu hỏa có lẽ là sáu đội lính hầu ngoài cung; Chi hậu, Nội nhân thị nội: các chức chi hậu và nội nhân hầu bên trong.

[4] Cận thị thự lục cục chi hậu: chức chi hậu ở sáu cục của cận thị thự là thự giữ việc hầu cận vua.

[5] Thiện Hoàng: Hoàng đế được nhường ngôi.

[6] Đại Viễn: Cương Mục chép là Đại Hoàng, tên một châu thuộc phía tây Nam Định.

[7] 癸酉,安南國王李龍幹 卒,子昊旵嗣;尋卒,無子,以女昭聖主國事,其婿陳日煚因襲取之。李氏自公蘊八傳,凡二百二十餘年。

[8] 昊旵卒,無子,以女昭聖主國事,遂爲其婿陳日煚所有。李氏有國,自公蘊至昊旵,凡八傳,二百二十餘年而國亡。