Thế giới hôm nay: 10/06/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Gia đình và bạn bè của George Floyd, người đàn ông da đen bị giết bởi một sĩ quan cảnh sát da trắng và làm bùng lên biểu tình hơn hai tuần chống bất công chủng tộc, vừa đến một nhà thờ ở Houston để dự đám tang. Người đàn ông 46 tuổi được nhớ đến như một vận động viên thời sinh viên nổi tiếng và là một người cha. Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, đã phát biểu thông qua một video ghi sẵn; Al Sharpton, một nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng, đọc điếu văn. Floyd sẽ được chôn cất trong một ngôi mộ bên cạnh mẹ mình.

Chính phủ Anh đảo ngược lời hứa trước đó rằng sẽ đưa tất cả trẻ em ở Anh trở lại trường tiểu học trước khi kết thúc học kỳ. Các giáo viên đã phản đối ý kiến ​​này, cho rằng sẽ không thể duy trì giãn cách xã hội. Thay vào đó, các trường sẽ được tự đưa ra đánh giá riêng của họ về việc có nên nhận nhiều trẻ em hơn ngoài số ít trẻ đã được phép trở lại vào tuần trước hay không.

Chính phủ Pháp công bố kế hoạch giải cứu trị giá 15 tỷ euro (17 tỷ USD) cho ngành hàng không vũ trụ, bao gồm bảo lãnh khoản vay và các biện pháp bảo vệ công ăn việc làm, cũng như các khoản vay đã được cam kết cho Air France. Trong khi đó, chính phủ Hồng Kông sẽ nắm sở hữu 6% cổ phần của Cathay Pacific như một phần của gói giải cứu trị giá 5 tỷ đô la. IATA, cơ quan toàn cầu của ngành công nghiệp hàng không, dự đoán ngành này sẽ mất 84 tỷ đô la trong năm nay vì đại dịch.

Nhà chức trách ở Antwerp, Bỉ, đã dỡ bỏ một bức tượng của Vua Leopold II sau khi nó bị phá hoại trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Từ năm 1885 đến 1908, Leopold cai trị Congo như lãnh địa của mình; hàng triệu người được ước tính đã chết dưới chế độ của ông. Tại Anh, Thị trưởng London tuyên bố sẽ đánh giá lại các bức tượng ở thủ đô. Hôm Chủ nhật, những người biểu tình đã lật đổ bức tượng của Edward Colston, một nhà buôn nô lệ, ở Bristol.

Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza chết vì một cơn đau tim. Ông dự kiến sẽ nghỉ hưu vào tháng 8 sau 15 năm nắm quyền, sau khi quyết định sẽ không tham gia cuộc bầu cử tháng trước. Ông từng châm ngòi cho tình trạng bạo loạn khi tuyên bố sẽ ứng cử nhiệm kỳ ba vào năm 2015. Giai đoạn ông cầm quyền bị chỉ trích là xảy ra vi phạm nhân quyền trên diện rộng.

Honda ngưng sản xuất tại các nhà máy và yêu cầu nhân viên nghỉ hết ngày vì một cuộc tấn công mạng. Các máy chủ của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản ở Tokyo đã bị virus tấn công, khiến hãng phải dừng các hoạt động toàn cầu của mình để đề phòng. Công ty, hiện đã khởi động lại nhiều nhà máy, cho biết không có dữ liệu khách hàng hoặc nhân viên nào bị rò rỉ.

Triều Tiên tuyên bố đang cắt đứt mọi liên lạc với nước láng giềng phía nam, bao gồm cả đường dây nóng giữa lãnh đạo hai bên. Miền bắc nói đây là nhằm trả đũa việc Hàn Quốc cho phép những người đào thoát rải truyền đơn vào lãnh thổ của họ, thường là bằng bóng bay. Quan hệ hai nước xấu đi đột ngột sau một thời gian tương đối thân thiện.

TIÊU ĐIỂM

Quốc hội Mỹ xem xét cải cách cảnh sát

Giờ thì đã rõ các chính trị gia Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước cơn thịnh nộ của công chúng về cái chết của George Floyd. Ủy ban Tư pháp Hạ viện bắt đầu phiên điều trần hôm nay về sự tàn bạo của cảnh sát và sẽ lắng nghe, bên cạnh những người khác, Philonise Floyd, anh trai của Floyd. Đầu tuần này, đảng Dân chủ đã đề xuất một đạo luật “Công lý trong Cảnh sát”, cấm các sĩ quan bóp cổ và giúp quá trình truy tố hành vi sai trái của họ dễ dàng hơn. Đó là một khoảnh khắc nhạy cảm đối với các nhà lãnh đạo Dân chủ.

Donald Trump tự gọi mình là người bảo vệ cho luật pháp và trật tự. Ông đánh giá rằng các cử tri trung lập quan tâm đến việc bảo vệ các sở cảnh sát hơn là cải tổ chúng. Đảng Cộng hòa, những người kiểm soát Thượng viện, không có nhiều khả năng sẽ thông qua cải cách lớn trong ngành cảnh sát. Một số người cực tả của đảng Dân chủ thậm chí còn nói về việc “cắt ngân sách” cho cảnh sát, điều mà ứng cử viên tổng thống Joe Biden phản đối. Nhưng cuối cùng, những gì các chính trị gia đề ra ở Washington, DC có thể không quan trọng bằng các điều chỉnh của từng thành phố và các sở cảnh sát.

Diễn biến vụ án liên quan chủ tịch Samsung

Lee Jae-yong, sếp thực tế của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, sẽ không bị cảnh sát giam giữ trong tuần này sau khi một thẩm phán ở Seoul từ chối đưa ra lệnh bắt giữ ông. Nhưng dù Lee còn tự do, ông và Samsung vẫn chưa thoát khỏi vụ này. Các công tố viên đã yêu cầu lệnh này như một phần của cuộc điều tra vào cáo buộc ông Lee đã thao túng cổ phiếu và vi phạm các quy tắc kiểm toán để tạo điều kiện cho việc sáp nhập hai chi nhánh của Samsung vào năm 2015, trong nỗ lực củng cố quyền kiểm soát của ông đối với tập đoàn (ông Lee và Samsung phủ nhận mọi hành vi sai trái).

Ông có thể bị truy tố về các cáo buộc vào cuối tháng này cùng với hai giám đốc điều hành khác của Samsung. Ông cũng phải đối mặt khả năng tái thẩm một vụ án hối lộ có liên quan, vốn từng đưa ông vào tù trước đây. Cả hai vụ có khả năng sẽ còn kéo dài vài năm tới. Nếu bị kết án, ông Lee phải đối mặt với án tù nhiều năm nữa – và thêm vài năm bất định cho Samsung.

Kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi

Báo cáo việc làm tốt bất ngờ của tuần trước cho thấy kinh tế Mỹ đã đảo ngược nghịch cảnh. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 13,3%, từ mức kỷ lục sau những năm 1930 là 14,7%, khi nền kinh tế có thêm 2,5 triệu việc làm vào tháng 5. Fed, họp hôm nay và sẽ đưa ra một bản cập nhật về nền kinh tế, có thể nhận công cho thành tích này. Kể từ khi đại dịch khởi phát vào tháng 3, Fed đã hành động quyết liệt, cắt giảm lãi suất và cung cấp nhiều thanh khoản cho hệ thống tài chính và nền kinh tế thực.

Nhưng chắn chắn hôm nay Fed sẽ không nói “công việc đã hoàn thành”, hay thậm chí gợi ý rằng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Thay vào đó sẽ là lời hứa giúp đỡ, nếu được yêu cầu. Việc làm vẫn giảm 20 triệu so với trước khi xảy ra đại dịch, và GDP thấp hơn nhiều. Cho đến bây giờ, nền kinh tế cần tất cả sự giúp đỡ mà nó có thể nhận được.

Manchester City trình kháng cáo

Năm 2008, hoàng thân Sheikh Mansour đến từ Abu Dhabi đã mua Manchester City, một đội bóng Anh không mấy thành công. Kể từ đó câu lạc bộ này đã giành chiến thắng bốn lần tại giải Ngoại hạng Anh. Song, điều đó vẫn bị coi là chưa thỏa mãn. Kể từ khi tiếp quản, chi tiêu ròng cho chuyển nhượng của City (chênh lệch giữa mua và bán cầu thủ) là 1,2 tỷ bảng (1,5 tỷ đô la) – nhiều hơn 422 triệu bảng so với Manchester United, câu lạc bộ xa hoa thứ hai của Anh.

Hồi tháng Hai, UEFA, cơ quan quản lý bóng đá Châu Âu, phán quyết rằng trong giai đoạn 2012-16, City đã vi phạm luật công bằng tài chính, theo đó cấm các CLB chi nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Bên cạnh đó, UEFA nói Etihad Airways, hãng hàng không quốc doanh của Abu Dhabi, đã trả cao hơn giá trị thị trường để tài trợ cho CLB này. UEFA tuyên bố cấm Man City dự giải Champions League danh tiếng trong hai mùa, hình phạt khắc nghiệt nhất họ từng đưa ra. Hôm nay CLB, vốn luôn bác bỏ hành vi sai trái, sẽ trình kết luận kháng cáo của mình lên Tòa án Trọng tài Thể thao. Danh tiếng của họ và có lẽ là cả khoản thu nhập 200 triệu bảng đang gặp rủi ro. Phán quyết sẽ được đưa ra vào tháng 7.

Triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa của Thổ Nhĩ Kỳ

Đại dịch đã đánh đòn đau vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không phải tất cả dữ liệu đều cho thấy điều này. GDP trong ba tháng đầu năm 2020 cao hơn 4,5% so với một năm trước đó và tỷ lệ thất nghiệp mới nhất (tháng 2) là 13,6%, thấp hơn một chút so với một tháng trước. Thống kê được công bố hôm nay về số liệu thất nghiệp tháng 3 sẽ gần giống với thực tế hơn. Để giảm nhẹ thiệt hại cho các hộ gia đình, chính phủ đã cấm các công ty sa thải công nhân cho đến tháng 10 và trợ giúp những người phải nghỉ việc không lương một khoản 170 đô la một tháng.

Họ cũng đã bơm tín dụng, giảm lãi suất chuẩn và dùng các ngân hàng quốc doanh để bơm vào thị trường  các khoản vay giá rẻ. Điều này sẽ giúp giảm nhẹ cuộc suy thoái sắp tới, nhưng gây thiệt hại cho đồng lira, vốn đã mất gần 13% giá trị so với đồng đô la trong năm nay. Ngay cả với các biện pháp này, thất nghiệp vẫn có thể tăng lên một mức cao mới.