Thế giới hôm nay: 30/06/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ấn Độ ghi nhận gần 20.000 ca nhiễm covid-19 mới trong ngày thứ hai liên tiếp. Nước này có số ca cao thứ tư trên thế giới với hơn 500.000 người, chỉ sau Mỹ, Brazil và Nga. Maharashtra, tiểu bang Ấn Độ với số người nhiễm bệnh cao nhất và là nơi có đô thị rộng lớn Mumbai, đã gia hạn phong tỏa đến cuối tháng 7.

Iran đã ban hành lệnh bắt giữ và yêu cầu Interpol hỗ trợ bắt Tổng thống Donald Trump cùng 35 người khác vì cái chết của Qassem Suleimani, lãnh đạo Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Hai quốc gia từng đứng trước bờ vực chiến tranh sau khi Suleimani bị ám sát bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 1. Iran đã trả đũa, bắn tên lửa vào các căn cứ ở Iraq có quân Mỹ.

Chesapeake Energy, một trong những công ty tiên phong lớn nhất trong ngành khai thác đá phiến Mỹ, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Vào năm 2017, hãng đã giúp biến đất nước từ một nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên thành một nhà xuất khẩu. Sau đó, họ loạng choạng khi cung dầu tăng cao và các khoản nợ quá lớn – khoảng 9,5 tỷ đô la trong năm 2020. Công ty đã lỗ 8,3 tỷ đô la trong quý đầu tiên của năm 2020.

Những kẻ có vũ trang tấn công sàn giao dịch chứng khoán Pakistan ở Karachi bằng lựu đạn và súng. Bốn kẻ tấn công đã giết chết ít nhất năm người và làm bị thương những người khác trước khi bị lực lượng an ninh tiêu diệt. Quân đội Giải phóng Baloch, một nhóm sắc tộc ly khai, đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.

Tòa án Tối cao Mỹ ra một loạt phán quyết lớn. Tòa phủ quyết một luật hạn chế phá thai ở Louisiana, với Chánh án John Roberts tham gia cùng bốn thẩm phán theo khuynh hướng tự do. Những người phản đối luật đó cho rằng nó đặt ra gánh nặng không đáng có cho các phụ nữ đang tìm cách phá thai. Trong một quyết định khác, Ủy ban Bảo vệ Tài chính Người Tiêu dùng, cơ quan giám sát của chính phủ, đã sống sót sau một thách thức sống còn từ giới bảo thủ, mặc dù tòa án cho phép tổng thống được quyền sa thải người đứng đầu cơ quan này. Và tòa cho biết sẽ không nghe điều trần vụ kháng án chống lại việc chính phủ liên bang tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Các cuộc thăm dò ý kiến ​​của một tổ chức nhà nước Nga chỉ ra rằng cho đến nay 76% những người đã đi bỏ phiếu đã ủng hộ cải cách hiến pháp cho phép Tổng thống Vladimir Putin tìm cách tái cử thêm. Nếu được thông qua, ông Putin có thể ra tranh cử tổng thống hai lần nữa, giúp ông tại vị đến năm 2036. Bỏ phiếu bắt đầu vào ngày 25 tháng 6 và được tổ chức trong bảy ngày.

Sau khi đảng của ông không giành được bất kỳ thành phố lớn nào trong cuộc bầu cử cấp thành phố hôm Chủ nhật, Tổng thống Emmanuel Macron đã hứa đầu tư 15 tỷ euro (17 tỷ đô la) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi Pháp thành một nền kinh tế xanh hơn. EELV, tức Đảng Xanh, đã đạt được thắng lợi đáng kể trong cuộc bầu cử. Trong khi đó, một tòa án đã kết án François Fillon, một cựu ứng viên tổng thống trung hữu,  năm năm tù vì tội biển thủ công quỹ.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc phục hồi chậm chạp

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc từng được cho là sẽ đạt hết công suất vào thời điểm này. Đã gần năm tháng kể từ đỉnh dịch  và ba tháng kể từ khi 99% các công ty công nghiệp của họ quay lại làm việc. Nhưng dữ liệu công bố hôm nay dự kiến cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn trượt dài trong tháng 6. Chỉ số nhà quản lý mua hàng, thước đo của ngành chế tạo, được dự đoán giảm, cho thấy tốc độ phục hồi chậm lại.

Một nguyên nhân là do bên ngoài. Các nước trên thế giới vẫn còn trong các trạng thái phong tỏa khác nhau, làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Nguyên nhân khác là từ bên trong. Một cụm dịch mới ở Bắc Kinh, dù không quá lớn, đã tăng mức độ cảnh giác ở Trung Quốc về việc quay lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, ngay cả ở một quốc gia đã ngăn chặn đại dịch thành công hơn các nơi còn lại, kinh tế vẫn còn bị thiệt hại.

Hạ viện Mỹ nghe điều trần từ chủ tịch Fed

Hôm nay, Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ sẽ nghe điều trần từ Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, và Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính, về phản ứng kinh tế đối với đại dịch coronavirus. Trong nỗ lực bảo toàn việc làm và thu nhập, nước Mỹ đã dồn tổng lực: kích thích tài khóa trị giá khoảng 13% GDP; trong khi bảng cân đối kế toán của Fed phồng lên với hàng nghìn tỷ đô la mua tài sản.

Bằng chứng cho đến nay là đáng khích lệ. Ngoại trừ ngành dầu đá phiến, đến nay không có nhiều bằng chứng về làn sóng phá sản, trong khi vào tháng 4 và tháng 5 số hộ nghèo thực sự giảm, vì mọi người nhận được tiền trợ cấp và thanh toán bảo hiểm thất nghiệp cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nghi vấn về việc liệu Fed, bằng cách giảm lãi suất, có đang mang lại cho các công ty Mỹ một khoản trợ cấp không công bằng hay không. Cũng có những lo ngại rằng kế hoạch trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ đã bị các công ty lớn hơn thao túng.

FedEx buồn nhiều hơn vui vì covid

Các công ty chuyển phát bưu kiện đã phải vật lộn để theo kịp nhu cầu tăng cao kể từ khi covid-19 kích thích mua sắm online. Và vì vậy, cũng dễ hiểu khi các nhà đầu tư mong ngóng tin tốt từ một FedEx vốn từng gặp khó khăn giờ công bố kết quả hàng năm của mình vào hôm nay. Những người mua sắm trực tuyến đã mang lại rất nhiều đơn hàng cho FedEx Ground (đơn vị thực hiện giao hàng tận nơi của họ) khi nhiều cửa hàng trực tiếp vẫn đóng cửa.

Tuy nhiên, tổng cầu tiêu dùng thấp hơn đã làm giảm nhu cầu chuyển hàng hóa từ các nhà máy đến cửa hàng của các doanh nghiệp – loại hình giao hàng mà trước covid-19 là con gà đẻ trứng vàng thực sự của FedEx, vì các lô hàng số lượng lớn có biên lợi nhuận cao hơn so với giao hàng tận nhà. Vấn đề này không mới. FedEx đã từng phải vật lộn để tận dụng thị trường thương mại điện tử đang phát triển, và đã từ bỏ mối quan hệ đối tác với Amazon vào năm ngoái vì không hài lòng với mức giá thấp mà gã khổng lồ ngành bán lẻ yêu cầu. Nhưng covid-19 đã làm cho vấn đề tồi tệ hơn rất nhiều.

Thủ tướng Anh muốn chi lớn cho cơ sở hạ tầng

Boris Johnson muốn xây nhiều thứ cho nước Anh. Hôm nay, ông sẽ cố gắng khởi động lại nhiệm kỳ thủ tướng của mình trong một bài phát biểu tại Dudley, một thị trấn miền trung sa sút, bằng cách vạch ra kế hoạch thúc đẩy kinh tế Anh phục hồi với một khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. “Đây là thời khắc của cách tiếp cận theo kiểu Roosevelt cho Vương quốc Anh”, ông nói hôm qua trong một cuộc phỏng vấn trên Times Radio, một đài kỹ thuật số mới lập, đề cập đến vị tổng thống thường được cho là đã giúp đưa nước Mỹ ra khỏi khủng hoảng bằng chi tiêu cho xây dựng đê đập, đường sá và trường học.

Ông Johnson đã lên kế hoạch chi tiêu lớn cho bệnh viện, đường sắt và băng thông rộng tốc độ cao để củng cố sự ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp lao động ở miền bắc nước Anh, những người đã giúp ông thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12 năm ngoái. Đại dịch coronavirus đã mang lại cho những kế hoạch này mục đích mới khi Anh phải đối mặt với khả năng suy thoái nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhiều năm tới.

Tổng thống Pháp Macron đến châu Phi

Chỉ mới bước ra từ một cuộc bầu cử đáng thất vọng, Tổng thống Emmanuel Macron hôm nay đã bay tới Mauritania ở Tây Phi trong chuyến công du ngoài châu Âu đầu tiên sau phong tỏa. Tổng thống Pháp, cùng với thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G5 khu vực Sahel với lãnh đạo của năm quốc gia trong khu vực, tập trung vào an ninh và chống khủng bố.

Ông Macron muốn nghe những diễn biến mới sau cuộc họp ông tổ chức vào tháng 1 – mà tại đó các nước này, bất chấp biểu tình tại địa phương, xác nhận họ muốn khoảng 5.000 lính Pháp tiếp tục ở lại trong khu vực. Ông vừa muốn các nước trong khu vực tăng cường đóng góp về mặt quân sự, vừa muốn “quốc tế hóa” các hoạt động do Pháp lãnh đạo chống các nhóm thánh chiến. Do đó, sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo châu Âu khác, bao gồm cả Angela Merkel của Đức, người sẽ tham dự online. Tổng thống Pháp có thể có những lý do khác để trở lại đường lối đối ngoại mạnh mẽ. Người Pháp có xu hướng tán thành chính sách ngoại giao của ông. Nhưng về đối nội thì không.