Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Anh vạch ra con đường cấp quyền công dân cho gần 3 triệu cư dân Hồng Kông đủ điều kiện và gia đình của họ, nhằm đáp trả việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới. Ngọai trưởng Anh Dominic Raab mô tả đạo luật mới là “một sự vi phạm nghiêm trọng và rõ ràng” hiệp định mà theo đó Anh đã trao trả lãnh thổ này cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo đó, những người Hồng Kông đủ điều kiện sẽ được phép sống và làm việc ở Anh trong 5 năm, và cuối cùng có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch.
BioNTech, một hãng nghiên cứu y tế, và Pfizer, một nhà sản xuất thuốc, thông báo kết quả tích cực từ một thử nghiệm nhỏ về vắc-xin phòng covid-19 mới. Những người được tiêm chủng đã có kháng thể “tăng cao đáng kể” trong vòng bốn tuần kể từ khi bắt đầu điều trị. Các công ty hy vọng sẽ thực hiện một nghiên cứu lớn hơn nhiều trong vòng vài tuần tới, và có khả năng sản xuất tới 100 triệu liều vào cuối năm nay.
Người Nga dường như đã đồng ý cho Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền đến năm 2036 bằng cách bỏ phiếu ủng hộ một loạt thay đổi hiến pháp. Ủy ban Bầu cử Trung ương cho biết hơn 70% phiếu bầu ủng hộ thay đổi hiến pháp, trong đó có cả việc bảo vệ lương hưu và một lệnh cấm trên thực tế đối với hôn nhân đồng giới. Nhiệm kỳ thứ ba của ông Putin kết thúc vào năm 2024.
Airbus tuyên bố cắt giảm 15.000 việc làm trong tổng số 90.000 người của bộ phận máy bay thương mại. Nhà sản xuất máy bay này có kế hoạch giảm 40% sản lượng trong hai năm tới do nhu cầu đi lại bằng hàng không xuống thấp vì đại dịch. Trong khi đó ở Anh, SSP Group, chủ sở hữu 570 cửa hàng bánh sandwich, sẽ cắt giảm khoảng 5.000 trong số 9.000 việc làm tại các cửa hàng ở Anh.
Hãng phim đã phá sản của Harvey Weinstein, một tội phạm tình dục bị kết án từng là nhà sản xuất phim, đã đồng ý trả 24 triệu đô la để dàn xếp cho những kẻ buộc tội ông. Thỏa thuận cũng phân bổ hơn 12 triệu đô la để chi trả phí pháp lý cho các nhân viên công ty đứng ra bào chữa trong các vụ kiện và 7 triệu đô la cho các chủ nợ. Các khoản thanh toán sẽ được thực hiện bởi các công ty bảo hiểm của hãng phim.
Những đánh giá cho rằng Nga bí mật hứa thưởng tiền cho việc tiêu diệt quân đội liên minh (do Mỹ dẫn dắt) ở Afghanistan càng trở nên đáng tin hơn sau khi có bằng chứng về các giao dịch tài chính được phát hiện bởi các cơ quan tình báo Mỹ, theo New York Times. Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của Donald Trump đã tham gia cùng các đảng viên Dân chủ trong việc kêu gọi trừng phạt Nga, nếu các cáo buộc này được chứng minh. Tổng thống gọi chúng là “trò lừa”.
Số liệu việc làm từ ADP, một nhà cung cấp dịch vụ trả lương, cho thấy thị trường việc làm của Mỹ đã bật lại. Con số của tháng 5 đã được điều chỉnh từ chỗ mất việc làm sang tăng việc làm đáng kể. Song số liệu của tháng 6 – trong đó bảng lương tư nhân tăng thêm 2,4 triệu – không đạt kỳ vọng của các nhà kinh tế. Số liệu thất nghiệp chính thức cho tháng 6 sẽ có vào cuối ngày hôm nay.
TIÊU ĐIỂM
Sắp công bố báo cáo việc làm của Mỹ
Số liệu kinh tế thường niên quan trọng nhất thế giới sẽ được công bố vào hôm nay. Báo cáo việc làm của Mỹ dự kiến cho thấy việc làm tăng 3 triệu trong tháng 6, đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn nữa. Việc tiếp tục nới lỏng phong tỏa trong tháng 5 và tháng 6 có thể đã giúp nhiều người được tuyển dụng lại. Nhưng các báo cáo việc làm khó dự đoán hơn bình thường, đặc biệt là với quy mô gián đoạn kinh tế do virus gây ra.
Các nhà dự báo đã quá bi quan trước báo cáo tháng trước. Họ đã dự đoán có tới 8 triệu việc làm bị mất trong tháng 5; trong khi trên thực tế có thêm 2,5 triệu việc làm mới khi các nhà tuyển dụng cho nhân viên đi làm lại. Câu hỏi đặt ra là liệu việc làm có tiếp tục tăng từ tháng 7 trở đi hay không – vì dù nói thế nào đi nữa thì tỷ lệ thất nghiệp cũng đang rất cao. Số ca nhiễm coronavirus tăng mạnh ở nhiều nơi trên nước Mỹ đang thúc đẩy các biện pháp phong tỏa mới. Sự phục hồi kinh tế của Mỹ cho đến nay là rất ấn tượng, nhưng cũng rất mong manh.
EU cũng công bố số liệu việc làm
Cũng cùng mức độ quan trọng, hôm nay Eurostat công bố số liệu thất nghiệp mới nhất của khối trong tháng 5. Chúng sẽ phản ánh số việc làm mất đi do phong tỏa để kiềm chế covid-19 lây lan. Tuy nhiên, những mất mát này không thảm khốc như một số người dự báo. Hầu hết các nước châu Âu đang thực hiện các chương trình làm việc thời gian ngắn hào phóng bao gồm việc nhà nước trả phần lớn lương của những người tạm thời mất việc, trong nỗ lực giúp họ giữ việc.
Thất nghiệp ở khu vực đồng euro tăng lên 7,3% trong tháng 4 (và 6,6% trong toàn bộ EU) so với 7,1% và 6,4% tương ứng của tháng 3, thời điểm bắt đầu phong tỏa. Những người trẻ tuổi, đặc biệt là ở miền nam châu Âu, chịu thiệt hại nặng nhất. Thất nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới khi nghỉ phép hết hạn và phá sản xuất hiện. Mức độ của nó còn phụ thuộc vào việc liệu chính phủ có áp đặt làn sóng phong tỏa thứ hai vì covid vào mùa thu và mùa đông này hay không.
Facebook đối phó làn sóng tẩy chay
Microsoft, Pfizer, Starbucks: đâu sẽ là hãng tiếp theo rút quảng cáo khỏi mạng xã hội lớn nhất thế giới? Chiến dịch #StopHateForProfit, khởi động hai tuần trước bởi các nhóm dân quyền Mỹ, đã có hơn 200 công ty tham gia. Họ yêu cầu kiểm duyệt chặt chẽ hơn các bài viết thù địch, hoặc không đặt quảng cáo nữa. Facebook không hề thích tẩy chay.
Nhưng cũng không tệ lắm. Mảng quảng cáo trị giá 70 tỷ đô la của họ dựa trên 8 triệu nhà quảng cáo, hầu hết đều nhỏ. 100 thương hiệu hàng đầu chiếm ít chưa tới 20% doanh thu, ít hơn so với các phương tiện truyền thông khác. Tuy nhiên, Facebook đã công bố một số nhượng bộ, bao gồm việc dán nhãn lên bài viết vi phạm các quy tắc của các chính trị gia. Các công ty công nghệ khác, bao gồm YouTube, Reddit và Twitch, đã đưa ra các quyết định tương tự. Tẩy chay là một. Nhưng yếu tố lớn hơn là chính trị. Những người Dân chủ ủng hộ quy định chặt chẽ hơn những người Cộng hòa – và giờ đây họ là phe dẫn đầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.
Kết quả trưng cầu ý dân ở Nga
Người Nga hôm nay thức dậy thấy báo đài đăng tin ba phần tư trong số họ đã bỏ phiếu ủng hộ gói sửa đổi hiến pháp cho phép tổng thống Vladimir Putin nắm quyền sau năm 2024. Họ không nên ngạc nhiên. Tỉ lệ này, được soạn sẵn trong điện Kremlin, lưu hành trên các phương tiện truyền thông từ tháng 2 và được công khai trước cả khi các trạm bỏ phiếu đóng cửa. Nhưng không rõ có bao nhiêu người thật sự đi bỏ phiếu và bỏ phiếu như thế nào.
Cuộc trung cầu dân ý – kéo dài hơn một tuần và tiến hành online một phần – trông giống hội chợ hơn là một cuộc bỏ phiếu nghiêm trang. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò ý kiến thực hiện bởi chiến dịch “KHÔNG” cho thấy ở Moskva hơn một nửa cử tri và ở St Petersburg là gần hai phần ba đã bỏ phiếu chống lại các sửa đổi hiến pháp. Và theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây, chỉ 25% dân số ủng hộ ông Putin ở lại. Sự khác biệt giữa những con số này và kết quả chính thức có thể là dấu hiệu tốt nhất cho thấy tỉ lệ ủng hộ suy giảm của ông Putin.
Mùa hè bận rộn khác thường của Tòa án Tối cao Mỹ
Lần đầu tiên kể từ 1996, Tòa án Tối cao vẫn còn ra phán quyết trong tháng 7. Với tám quyết định chưa được đưa ra trong một nhiệm kỳ vốn bị covid-19 xen ngang, các thẩm phán đang gác lại một số vụ kiện được theo dõi kĩ lưỡng. Tòa sẽ quyết định liệu chính quyền Trump có thể cho các tổ chức muốn phản đối vì lý do tôn giáo được miễn quy định là họ phải chi trả chi phí kiểm soát sinh sản (như nạo phá thai) cho nhân viên theo quy định của Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) hay không.
Các thẩm phán cũng sẽ giải quyết tranh chấp về tình trạng đất đai của bộ lạc Creek ở Oklahoma, về việc liệu các trường tôn giáo có được phép phân biệt đối xử với giáo viên, và liệu lệnh cấm gọi điện thoại tự động (robocall) có vi phạm tự do ngôn luận hay không. Quan trọng nhất, tòa sẽ giải quyết hai vấn đề liên quan mệnh hệ đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 này. Một là liệu các bang có thể trừng phạt hay không những đại cử tri “không trung thành” của đại cử tri đoàn, những người theo lý thuyết cam kết bầu cho một ứng viên nhưng lại bỏ phiếu cho người khác. Hai là việc liệu các nghị sĩ Dân chủ và một công tố viên New York có thể được xem hồ sơ thuế của Tổng thống Donald Trump hay không.