Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Các nhà chức trách Tây Ban Nha, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi covid-19, đã đặt lại các hạn chế ở hai vùng sau khi phong tỏa được dỡ bỏ hôm 21 tháng 6. Catalonia phong tỏa El Segriá vào thứ Bảy, ảnh hưởng khoảng 200.000 người, sau khi số ca nhiễm tăng vọt. Galicia làm theo vào Chủ nhật, ngăn 70.000 người tại một khu vực rời khỏi nhà. Khi châu Âu mở cửa lại cho kỳ nghỉ lễ, các chính phủ lo ngại về các vụ bùng dịch ở địa phương như vậy.
Iran ghi nhận 163 trường hợp tử vong mới do covid-19 vào Chủ nhật, mức tăng trong ngày cao nhất cho tới nay. Nước này hiện đã có 240.438 ca nhiễm được ghi nhận và 11.571 trường hợp tử vong liên quan đến covid, dù vẫn còn lo ngại rằng con số thực tế có thể cao hơn. Đáp lại sự tăng đột biến, nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố đeo khẩu trang giờ là bắt buộc.
Air France-KLM tuyên bố cắt giảm hơn 7.500 việc làm từ các cơ sở ở Pháp trong ba năm tới. Air France sẽ sa thải 6.560 nhân viên, một nửa dự kiến là nghỉ hưu hoặc nghỉ tự nguyện, trong khi hãng hàng không khu vực Hop! của hãng cũng sẽ mất 1.020 việc làm. Công ty lấy lý do phục hồi kinh tế chậm chạp do covid-19.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát động chiến dịch tái tranh cử của mình trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 19 tháng 9. Nhờ một phần vào cách xử lý khéo léo trước đại dịch covid-19, giúp nước này vượt qua dịch bệnh toàn vẹn, bà Ardern đạt tỷ lệ ủng hộ cao. Để giúp nền kinh tế phục hồi sau lệnh phong tỏa sớm và nghiêm ngặt, bà hứa sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.
Cảnh sát Ethiopia cho biết ít nhất 166 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn sau khi ca sĩ Hachalu Hundessa bị giết vào thứ Hai tuần trước. Ông là một biểu tượng cho khát vọng và quyền lợi của người dân Oromo, nhóm sắc tộc lớn nhất và đến từ miền nam đất nước. Ông Hundessa nói ông đã nhận được những lời dọa giết, mặc dù động cơ giết ông vẫn chưa rõ ràng.
Thống đốc Ngân hàng Pháp cho biết nền kinh tế Pháp đang thoát khỏi suy thoái do đại dịch nhanh hơn dự kiến. Vào tháng 6, ngân hàng từng dự đoán nền kinh tế có thể đã suy thoái tới 15% trong quý hai, nhưng Francois Villeroy de Galhau (thống đốc ngân hàng trung ương Pháp) cho rằng kết quả thực tế có thể là “khá hơn một chút”.
Các cuộc thăm dò sau bỏ phiếu cho thấy thống đốc Tokyo Koike Yuriko đã được bầu lại sau cuộc bầu cử hôm Chủ nhật. Là người phụ nữ đầu tiên điều hành thủ đô Nhật Bản, bà được khen ngợi vì cách xử lý đại dịch coronavirus, mặc dù số ca nhiễm có tăng gần đây. Bà Koike đang được đồn đoán sẽ là một người kế vị tiềm năng cho thủ tướng Abe Shinzo.
TIÊU ĐIỂM
Hội nghị toàn cầu về HIV khai mạc
Đại dịch coronavirus không thể ngăn được cuộc họp thường xuyên trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa virus cũ: HIV. Hội nghị AIDS Quốc tế, tổ chức hai năm một lần, đáng lẽ gặp ở San Francisco vào hôm nay. Thay vào đó, mọi người sẽ họp online. HIV hiện lây nhiễm cho khoảng 38 triệu người và đã giết chết hơn 32 triệu kể từ khi được công nhận vào đầu những năm 1980. Các loại thuốc khác nhau có thể giúp một cá nhân nhiễm bệnh sống tiếp, nhưng không có thuốc chữa cũng như vắc-xin.
Tiến trình hướng tới việc có thuốc chữa và vắc-xin sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị hiện có, đối phó với các tác động phức tạp của covid-19, và chắc chắn, là làm thế nào để chi trả cho tất cả những điều trên khi rất nhiều người mắc bệnh lại sống ở các nước nghèo, đặc biệt là Châu Phi. Sẽ không có thảo luận mặt đối mặt giữa các nhà nghiên cứu, bác sĩ lâm sàng và các nhà hoạt động từ khắp nơi trên thế giới vốn mang đến cho các hội nghị về AIDS một hương vị đặc biệt. Hãy chờ xem liệu điều đó có còn quan trọng.
Thành phố New York bước vào giai đoạn mở cửa tiếp theo
“Câu chuyện của thành phố New York quá hay”, thị trưởng Bill de Blasio khoe khoang hồi tuần trước. Số người nhiễm và tử vong do covid-19 đã chậm lại kể từ tháng 4 xuống chỉ còn vài trường hợp. Số người nhập viện chỉ còn nhỏ giọt. Nhờ vậy, thành phố sẽ bước vào giai đoạn ba của quá trình mở cửa lại trong hôm nay. Các tiệm làm móng, tiệm xăm, sân bóng rổ và tennis, cũng như các cuộc đua chó, sẽ được mở để kinh doanh trở lại.
Nhưng để đối phó với sự gia tăng trường hợp covid-19 ở các bang khác, ông de Blasio đã hoãn vô thời hạn việc kinh doanh ăn uống trong nhà, một quyết định được đưa ra cùng với thống đốc New York Andrew Cuomo. Thật vậy, thành phố vẫn chưa trở lại bình thường. Người dân New York đổ xô đến các bãi biển thành phố, những nơi mở cửa lại hôm 1 tháng 7, nhưng đeo khẩu trang. Rất ít nhân viên văn phòng trở lại bàn làm việc. Số khách đi tàu điện ngầm vẫn thấp hơn 80% so với mức trung bình của năm 2019. Du khách từ 16 tiểu bang trên khắp nước Mỹ [đến New York] bị yêu cầu cách ly trong 14 ngày. Hoboken, một thành phố của bang New Jersey cách New York một con sông, có số ca nhiễm tăng đột biến vào tuần trước vì các bệnh nhân đã đi du lịch đến các điểm nóng về dịch.
Thành viên Hiệp ước Bầu trời Mở bàn về quyết định rút lui của Mỹ
Các đại diện của 34 quốc gia thành viên Hiệp ước Bầu trời Mở hôm nay sẽ họp trực tuyến để thảo luận về quyết định rút khỏi khối của Mỹ, với lý do Nga đã bẻ cong các quy tắc. Hiệp ước cho phép các thành viên thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ của nhau, nhằm đảm bảo các đối thủ không làm điều gì bất thường. Có hai câu hỏi treo lơ lửng trên các cuộc họp. Đầu tiên, liệu Mỹ có thực sự ra đi? Nga đã thể hiện sự linh hoạt đối với một số khiếu nại – nới lỏng hạn chế đối với các chuyến bay trên vùng Kaliningrad của Nga, nơi đóng quân của Hạm đội Baltic, và trong các cuộc tập trận quân sự – và các đồng minh NATO muốn Mỹ ở lại một hiệp ước mà theo quan điểm của họ sẽ tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau thông qua sự minh bạch.
Các thượng nghị sĩ dân chủ nói chính quyền Trump không hề thông báo cho Quốc hội trước 120 ngày (vì vậy một chính quyền mới của Biden trong tương lai có thể lập luận rằng Mỹ chưa bao giờ rút khỏi hiệp ước một cách hợp pháp). Thứ hai, giả sử Mỹ rút, liệu hiệp ước có thể tồn tại mà không cần nước này? Nga lo ngại các nước NATO có thể chia sẻ hình ảnh từ các chuyến bay qua lãnh thổ Nga với Mỹ. Nhưng cho đến hiện tại, Nga rất vui khi được chứng kiến Mỹ và các đồng minh cãi nhau.
Brazil vẫn xem nhẹ virus
Các nhà hàng và quán bar sẽ mở cửa trở lại vào hôm nay tại thành phố lớn nhất Brazil, São Paulo, mặc dù 12 trong số 18 thủ phủ tiểu bang có nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội đều chứng kiến số ca nhiễm covid-19 gia tăng lại. Brazil đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm và 64.000 trường hợp tử vong, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Bị phản đối từ cả bên ngoài và ở trong nước vì cách xử lý kém cỏi của ông đối với đại dịch, Tổng thống Jair Bolsonaro còn phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra nhắm vào gia đình ông.
Một cựu phụ tá của thượng nghị sĩ Flávio Bolsonaro, con trai cả của ông, đã bị bắt vào tháng trước trong một cuộc điều tra về hoạt động rửa tiền; hai người con trai khác đang bị điều tra vì cáo buộc điều hành một mạng trực tuyến phát tán thông tin sai lệch. Nhưng luận tội tổng thống là không thể, vì ông vẫn nhận được sự ủng hộ vững chải xuyên suốt đại dịch. Những người cùng chia sẻ thái độ bất cần của tổng thống trước virus đã uống say mèm tại các quán bar Rio de Janeiro vào tuần trước. Để tránh điều tương tự, São Paulo sẽ đóng của các hàng quán vào 5 giờ chiều.
Những điều bất thường về covid-19 ở Ấn Độ
Ấn Độ tham gia câu lạc bộ các nước có tỷ lệ lây nhiễm mới theo ngày rất cao: hơn 24.000 người Ấn Độ dương tính vào ngày hôm qua, tệ hơn bất cứ lúc nào trước hoặc trong thời gian phong tỏa. Giờ đây họ đã vượt Nga để trở thành nước có số ca nhiễm cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil. Một số tiểu bang Ấn Độ có số trường hợp ngang với cả các bang tồi tệ nhất ở Mỹ, với Tamil Nadu gần tương đương Arizona và Maharashtra tương đương Texas.
Nhưng tình trạng khó khăn của Ấn Độ trông có vẻ bất thường. Với gần 675.000 trường hợp nhiễm bệnh nhưng chưa tới 19.000 ca tử vong, tỷ lệ tử vong ở nước này dường như chỉ bằng 62% của những nơi khác, mặc dù thiếu giường chăm sóc đặc biệt. Hoặc là bệnh này diễn tiến khác ở đây, hoặc con số tử vong bị báo cáo thiếu nhiều lần. Thậm chí còn lạ lùng hơn, một cơ quan chính phủ tuyên bố một loại vắc-xin sản xuất trong nước sẽ được tung ra vào ngày 15 tháng 8 – Ngày Độc lập của Ấn Độ. Các viện nghiên cứu được cho là sẽ thực hiện thử nghiệm trên người vào ngày mai, trong một tiến trình nhanh đến vô lý cho một loại thuốc thậm chí còn chẳng biết có tồn tại hay không.