Khía cạnh địa chính trị của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan

Nguồn: Kate Sullivan-Walker, “The semiconductor industry is where politics gets real for Taiwan”, The Interpreter, 09/07/2020.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Các sản phẩm nhỏ bé nhưng mang vai trò chiến lược này có thể thay đổi mạnh mẽ thế giới khi Mỹ và Trung Quốc đấu đá nhau để giành lấy “bộ não” của ngành điện tử.

Người ta có thể tự hỏi vì sao mà một thứ có kích chỉ cỡ 5 nanomét, bằng chiều rộng của 2 đoạn DNA, lại có ảnh hưởng quan trọng đến mối quan hệ chính trị phức tạp giữa Mỹ, Trung Quốc, và Đài Loan đến vậy.

Chíp bán dẫn là bộ não của tất cả các thiết bị điện tử, từ điện thoại di động đến xe hơi và máy bay chiến đấu. Và các chíp tiên tiến nhất trên thị trường ngày nay có hàng tỷ các vi mạch cỡ 5 nanomét.

Đài Loan có vị thế áp đảo trong chuỗi cung ứng thế giới các sản phảm nhỏ bé nhưng mang tầm quan trọng chiến lược này. Cùng với Samsung ở Hàn Quốc và Intel ở Mỹ, Đài Loan đang ở thế dẫn đầu trong ngành công nghệ bán dẫn. Họ cũng có sự hiện diện quan trọng trong quá trình sản xuất, vì chỉ riêng một công ty Đài Loan, Taiwan Semiconductor Manufacturing Corporation (TSMC), sản xuất khoảng một nửa tổng sản lượng chíp toàn cầu mỗi năm.

Ngành chíp bán dẫn là một lợi thế ngoại giao của Đài Loan vì nó giúp củng cố sự quan tâm của Mỹ lẫn Trung Quốctrong việc đảm bảo sự ổn định và tự chủ của Đài Loan.

Ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan có các mối liên kết sâu sắc với Mỹ. Đây không phải là một điều bất ngờ khi nhìn về lịch sử. Ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan cất cánh vào thập niên 1970 và 1980 khi Đài Bắc tìm kiếm một lối thoát khỏi suy thoái kinh tế bởi cú sốc giá dầu năm 1973. Sự kết hợp giữa chính sách công nghiệp và các mối quan hệ cá nhân không ngờ đến với các lãnh đạo của Tập đoàn Radio Corporation of America dẫn đến việc một thế hệ kỹ sư người Đài Loan đã được đào tạo ở Mỹ. Ngày nay, gần như tất cả các công ty công nghệ lớn của Mỹ đều có sự hiện diện ở Đài Loan. Mỹ mua các chíp tân tiến nhất cho các hệ thống vũ khí của họ từ TSMC, những chíp họ không thể sản xuất trong nước. Đài Loan cũng là thị trường lớn thứ 2 của các dụng cụ sản xuất chíp bán dẫn từ Mỹ.

Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành thị trường chíp bán dẫn lớn nhất thế giới đã thúc đẩy Đài Loan thiết lập các mối quan hệ ở đó. Từ đầu thập niên 2000, các công ty bán dẫn Đài Loan đã bán rất nhiều hàng cho Trung Quốc. Mối quan hệ này có lợi cho cả hai bên bởi vì hệ thống sản xuất của Trung Quốc chỉ đáp ứng được chưa đến một phần năm nhu cầu chíp và đi sau “tiền tuyến công nghệ” 5 năm. Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào năng lực sản xuất của Đài Loan cho các chíp đóng vai trò quan trọng trong ngành điện tử Trung Quốc, bao gồm một số các sản phẩm xuất khẩu có lãi nhất của họ.

Lợi ích của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan ở thị trường Mỹ và Trung Quốc dẫn đến việc họ lẳng lặng vận động chính phủ Đài Bắc giữ mối quan hệ tốt với cả hai bên. Nhưng việc duy trì vai trò trung lập của Đài Loan ngày càng khó khăn hơn. Với căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng gia tăng, cả hai bên đều lo ngại ảnh hưởng của đối phương lên nguồn cung chíp.

Dưới chính quyền Trump, nước Mỹ đã ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ hơn bất kỳ giai đoạn nào khác từ khi họ chuyển sang công nhận Bắc Kinh về mặt ngoại giao vào năm 1979. Chính sách này bắt nguồn từ sự cộng hưởng nhiều lợi ích khác nhau hơn là một tầm nhìn chiến lược rõ ràng. Với việc Nhà Trắng nhìn ngược hướng và thái độ bài Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, các thành phần ủng hộ Đài Loan ở Mỹ quan tâm đến sự tự chủ của Đài Loan vì lý do lịch sử và chính trị đã đóng vai trò ngày càng lớn trong việc định hình chính sách. Và họ nhận được sự ủng hộ từ các thành phần trong bộ máy an ninh quốc gia Mỹ vốn muốn gây ảnh hưởng lên ngành công nghệ Đài Loan và chechắn họ trước Trung Quốc.

Cuộc chiến công nghệ của Mỹ với Trung Quốc, thông qua sự kết hợp tự nhiên và nhân tạo, đang kéo Đài Loan gần hơn vào quỹ đạo của Mỹ. Từ lâu đã có những báo cáo về sức ép của Mỹ lên các công ty bán dẫn Đài Loan để hạn chế bán hàng cho Trung Quốc và sản xuất ở Mỹ nhiều hơn. Vào tháng 5, điều này dẫn đến việc TSMC tuyên bố họ sẽ chi 12 tỷ đôla để xây dựng một nhà máy ở Mỹ (với hỗ trợ từ Mỹ dù không được công bố cụ thể) cùng các thay đổi kỹ thuật đối với quy định xuất khẩu.

Các quy định xuất khẩu mới ở Mỹ, được nhắm đến Huawei, sẽ có tác động quan trọng đến các công ty sản xuất vật liệu bán dẫn như là TSMC. Trong quá khứ, một phần năm tổng doanh thu của TSMC đến từ Trung Quốc. Nhưng phần lớn doanh thu này giờ gần như bị mất. Vì TSMC dùng thiết bị sản xuất bán dẫn từ Mỹ, giờ đây họ đối mặt với những hạn chế về nơi mà họ có thể bán hàng. Quy định này dẫn đến việc TSMC sẽ ngày càng phụ thuộc hơn vào thị trường Mỹ.

Với Trung Quốc, các quy định mới này sẽ không gây ảnh hưởng ngay lập tức. Huawei được cho là đã dự trữ chíp đủ dùng trong 1 năm. Cũng có một số đồn đoán từ giới truyền thông về việc lách luật, rằng khoản đầu tư 12 tỷ đôla ở Mỹ có thể cho phép họ đi đường vòng không. Cũng nên nhớ rằng một năm là một khoảng thời gian dài trên chính trường và trong thế giới công nghệ. Việc Trung Quốc có thể thương lượng hoặc sáng tạo kịp để thoát khỏi tình thế khó xử hiện tại hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Khả năng của các công ty vật liệu bán dẫn xây dựng mối quan hệ thân thiện với cả Mỹ và Trung Quốc cũng trở nên khó khăn hơn vì tư duy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Đài Loan. Chúng ta có thể nghĩ rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc đối với Đài Loan về chíp sẽ làm họ dễ chấp nhận hiện trạng hơn. Nhưng Tập không phải là một người thực dụng đến vậy trong vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh nhìn Đài Loan dưới góc nhìn chính trị, họ bịám ảnh bởi “xu thế lịch sử vĩ đại” hướng đến sự thống nhất như tuyên bố của Tập trong bài diễn văn vốn làm rung chuyển quan hệ hai bờ vào tháng 1 năm 2019. Đó là bởi vì tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc gắnliền với sự kiểm soát lãnh thổ Trung Quốc và chủ quyền lịch sử đối với Đài Loan. Trừ việc thu hút nhân tài Đài Loan bằng cách trả lương hậu hĩnh, chính sách ngày càng thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan mâu thuẫn với lợi ích thương mại của họ.

Cuộc chiến công nghệ, chính sách thương mại ngày càng mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa ở Mỹ có nghĩa là khả năng giữ bình tĩnh và tiếp tục mọi thứ của Đài Loan ngày càng khó khăn hơn. Và ngành bán dẫn là nơi khía cạnh chính trị ngày càng thể hiện rõ tác động tới Đài Loan. Ngành công nghiệp này chiếm 15% GDP của Đài Loan, và vì thế có nhiều lợi ích bị đe dọa. Sự thống trị của Đài Loan đối với các sản phẩm công nghệ nhỏ bé nhưng có tầm quan trọng chiến lược này đang trở thành một tầng nấc phức tạp mới trong tam giác quan hệ Mỹ – Trung Quốc -Đài Loan.