Ngoại giao số: Lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với VN

Tác giả: Vũ Lê Thái Hoàng*– Nguyễn Đức Huy**

Tóm tắt: Kỷ nguyên bùng nổ thông tin mà đỉnh cao là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội. Các phương tiện truyền thông hiện đại trở thành những công cụ có sức mạnh to lớn, với khả năng truyền tải thông tin gần như tức thời, tính tương tác cao, phạm vi lan tỏa rộng, mức độ ảnh hưởng sâu sắc. Trong xu thế đó, việc chính phủ các nước đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng xã hội trong quản trị quốc gia và toàn cầu đang trở thành một tất yếu khách quan. Công tác đối ngoại cũng không ngoại lệ. Kể từ đầu thế kỷ XXI, ngoại giao kỹ thuật số (digital diplomacy), thường được gọi tắt là ngoại giao số, đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong tổng thể chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia. Khủng hoảng đại dịch COVID-19 càng chứng minh rõ nét tầm quan trọng của ngoại giao số. Bài viết sẽ tiếp cận ngoại giao số từ cả góc độ lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia, từ đó gợi mở hàm ý chính sách cho phương thức ngoại giao số ở Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0.

Ngoại giao số trong lý thuyết quan hệ quốc tế

“Bill thân mến,

Bên cạnh việc kiểm tra kết nối hệ thống Internet toàn cầu, tôi muốn chúc mừng ông về quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Tôi đang có kế hoạch thăm Việt Nam vào tháng Tư tới và tôi chắc chắn sẽ sử dụng dịp này để thúc đẩy vấn đề tìm kiếm tù binh và quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Thụy Điển đã nỗ lực hỗ trợ trong vấn đề này, và chúng tôi sẽ tiếp tục vận dụng những đầu mối của mình nếu có thể.

Thụy Điển, như ông biết, là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực viễn thông, và thật là phù hợp khi chúng ta là những người đầu tiên trên thế giới sử dụng Internet phục vụ trao đổi và thông tin chính trị.

Kính thư,

CARL”

Trên đây là nội dung bức thư điện tử do Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt gửi Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào ngày 04/02/1994.[1] Đúng như những gì Thủ tướng Bildt viết, đây là bức thư điện tử đầu tiên giữa người đứng đầu chính phủ của hai quốc gia, đánh dấu một cột mốc thú vị có liên quan đến Việt Nam trong lịch sử ngoại giao thế giới, đồng thời mở ra một giai đoạn mới với tác động ngày càng sâu rộng của công nghệ thông tin trong triển khai đối ngoại trên toàn cầu.

Những nghiên cứu sơ khởi về ngoại giao số

Cùng với động thái mang tính bước ngoặt nêu trên của hai nhà lãnh đạo, giai đoạn cuối thế kỉ XX đã xuất hiện một số nghiên cứu về vai trò của công nghệ thông tin trong triển khai đối ngoại. Trong cuốn “Ngoại giao công chúng trong thời đại máy vi tính” xuất bản năm 1984, tác giả Allen Hansen đã phân tích vai trò của Cơ quan Thông tin Mỹ (USIA) trong triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ, cho rằng việc tận dụng được những lợi thế từ kết nối máy tính và mở rộng hoạt động của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã củng cố đáng kể lợi thế của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, nhất là trên mặt trận tuyên truyền.[2] Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đa phần các tài liệu nghiên cứu chủ yếu khai thác tác động của công nghệ thông tin đối với công tác đối ngoại, chưa hình thành khái niệm cụ thể về một lĩnh vực ngoại giao chuyên biệt trên nền tảng công nghệ thông tin.

Đến đầu thế kỷ XXI khi mạng Internet trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, các công trình nghiên cứu sâu hơn về khái niệm ngoại giao số mới bắt đầu xuất hiện và dần trở nên phổ biến trong lý thuyết quan hệ quốc tế. Trong cuốn “Quản lý chính sách đối ngoại trong thế kỷ XXI” xuất bản năm 2002, tác giả Evan Potter lần đầu đưa ra khái niệm “ngoại giao không gian mạng” (cyber-diplomacy), cho rằng mạng Internet đã củng cố vai trò của công chúng trong đời sống chính trị nhờ sự sẵn có và khả năng tiếp cận dễ dàng của thông tin. Theo Potter, điều này có tác động trực tiếp tới triển khai đối ngoại các quốc gia, vốn là chủ thể truyền thống và chủ đạo trong ngoại giao, nay buộc phải điều chỉnh không chỉ để đối phó với áp lực bên ngoài từ các quốc gia đối tác mà cả từ áp lực bên trong của công chúng.[3]

Tương tự, tác giả Nicholas Westcott trong cuốn “Ngoại giao số: Tác động của Internet đối với quan hệ quốc tế” xuất bản năm 2009 đã nêu ra ba tác động chính của Internet đối với quan hệ quốc tế trong thời đại mới. Thứ nhất, Internet mở rộng số lượng và tăng cường tiếng nói của các bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại, làm phức tạp hóa quá trình này và giảm vai trò độc tôn của chủ thể nhà nước trong đối ngoại. Thứ hai, Internet đẩy nhanh quá trình truyền tải và lan tỏa thông tin, dù đúng hay sai, về bất kỳ vấn đề hay sự kiện đối ngoại nào, ảnh huởng tới các biện pháp xử lý của chủ thể nhà nước. Thứ ba, Internet tạo điều kiện để các hình thức trao đổi ngoại giao truyền thống có thể được thực hiện một cách nhanh chóng và tiết kiệm hơn.[4]

Cũng trong giai đoạn này, khái niệm “ngoại giao số” (digital diplomacy) đã lần đầu tiên được định nghĩa bởi học giả Fergus Hanson thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Ô-xtrây-li-a, là “việc sử dụng Internet và công nghệ thông tin truyền thông nhằm triển khai các mục tiêu đối ngoại”.[5] Với sự ra đời và phổ biến nhanh chóng của mạng xã hội, các chủ thể nhà nước có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận trực tiếp với công chúng nước ngoài và từ đó một số khái niệm mới liên quan đến ngoại giao số cũng được hình thành; đáng chú ý có “Ngoại giao Twitter”, hay còn gọi là Twiplomacy, “ngoại giao công chúng 2.0”, “ngoại giao kết nối” (Network Diplomacy), hay “ngoại giao ảnh selfie” (Selfie Diplomacy).

Có thể thấy, các nghiên cứu về khái niệm, tác động và vai trò của công nghệ thông tin đối với ngoại giao ở giai đoạn đầu thế kỷ XXI chủ yếu nhìn nhận khía cạnh “số” như một công cụ hỗ trợ triển khai đối ngoại, tạo điều kiện để các nhà ngoại giao và cơ quan phụ trách đối ngoại các nước có thể chủ động lắng nghe và có phản ứng phù hợp với những thay đổi trong hệ thống quốc tế.[6] Tuy nhiên, giới nghiên cứu trong giai đoạn này đánh giá dù công cụ truyền tải thông điệp đối ngoại đã được nâng cấp, song nội dung thông điệp cơ bản không có gì thay đổi. Nói cách khác, các đường lối đối ngoại truyền thống cơ bản vẫn được duy trì, điểm khác chỉ là được triển khai trên những nền tảng công nghệ mới.

Ngoại giao số – hơn cả một công cụ?

Trong nhiều năm trở lại đây, các tài liệu nghiên cứu về ngoại giao số dần được hệ thống hóa, mang tính tổng hợp cao hơn. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những đánh giá cho rằng với triển vọng phát triển không giới hạn của công nghệ, ngoại giao số sẽ đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong tổng thể chính sách đối ngoại của các nước trong tương lai.

Trong cuốn sách “Quá trình số hóa của ngoại giao công chúng” xuất bản năm 2019, tác giả Ihan Manor cho rằng tất cả những khái niệm trước đây như “ngoại giao số” (digital diplomacy), “ngoại giao không gian mạng” (cyber-diplomacy), “ngoại giao Twitter” (Twiplomacy)… hoặc còn quá mơ hồ, hoặc chỉ tập trung vào một nền tảng, một công cụ triển khai chính sách cụ thể, chưa phản ánh đầy đủ sự giao thoa, tương tác giữa công nghệ số và ngoại giao. Do đó, Manor giới thiệu khái niệm mới mang tên “số hóa ngoại giao” (digitalization of diplomacy) với ba đặc điểm chính. Thứ nhất, số hóa trong ngoại giao là một quá trình, không phải một trạng thái tĩnh. Thứ hai, công nghệ số không chỉ mang lại những công cụ mới, mà còn thúc đẩy những chuẩn mực hành vi mới trong công tác đối ngoại. Thứ ba, công nghệ số có tác động tới nhiều khía cạnh của ngoại giao, bao gồm đối tượng tiếp nhận (audience), thể chế (institution), chủ thể triển khai (practitioner) và hình thức triển khai (practice). Theo Manor, với tầm ảnh hưởng lớn như vậy và triển vọng phát triển không giới hạn trong tương lai, công nghệ thông tin không thể chỉ được coi như một công cụ hỗ trợ triển khai chính sách đối ngoại như đánh giá của những nghiên cứu trước đây.[7]

Tương tự như Manor, một số nghiên cứu khác cũng cho rằng ngoại giao số mang nhiều ý nghĩa hơn là một công cụ triển khai đối ngoại đơn thuần. Học giả Tyler Owen trong bài viết “Nhà nước kết nối và sự chấm dứt của ngoại giao thế kỷ XX” cho rằng triển khai ngoại giao số có thể mở rộng thành chiến lược, tạo điều kiện để các nước có thể điều chỉnh thông điệp chính sách đối ngoại và quảng bá hình ảnh tùy theo đặc trưng văn hóa, giá trị và lịch sử của đối tượng tiếp nhận; đồng thời tạo ra nền tảng thúc đẩy trao đổi hai chiều, tạo điều kiện để các nhà ngoại giao và cơ quan phụ trách đối ngoại các nước có thể chủ động lắng nghe và có phản ứng phù hợp, nhanh chóng với những thay đổi trong hệ thống quốc tế.[8] Còn theo học giả Craig Hayden, ngoại giao số có tiềm năng định nghĩa lại và mở rộng bản chất của ngoại giao, thông qua việc tạo ra những phương thức mới để tạo lợi thế đòn bẩy trong các cuộc đàm phán phức tạp, cũng như thiết lập những kênh trao đổi bổ sung để qua đó thúc đẩy lợi ích ngoại giao.[9]

Mặt trái và hạn chế của ngoại giao số

Song song với những lợi ích to lớn, một số nghiên cứu cũng chỉ ra các mặt trái của việc áp dụng công nghệ thông tin trong môi trường đối ngoại. Học giả Evgeny Morozov trong cuốn sách “Ảo tưởng mạng: Mặt tối của tự do Internet” cho rằng chính sách ngoại giao số áp dụng trong xu thế toàn cầu hóa đã làm mờ đi ranh giới giữa chính phủ và các tập đoàn tư nhân, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong thông điệp và thậm chí là trốn tránh trách nhiệm giữa hai chủ thể này.[10] Công cụ thông tin truyền thông phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố đẩy mạnh hoạt động. Vấn đề bảo mật và an ninh mạng được đánh giá là một trong những mặt trái hàng đầu của ngoại giao số trong nghiên cứu của học giả Viona Rashica. Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng gia tăng về cả số lượng cũng như mức độ tinh vi, mối đe dọa không chỉ đến từ các chủ thể nhà nước đối địch mà cả các chủ thể phi nhà nước, đặc biệt là các tổ chức tin tặc, khủng bố, khiến an ninh mạng đang trở thành một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.[11]

Có nghiên cứu khác cho rằng công nghệ thông tin cũng tạo điều kiện cho một số chủ thể nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm soát nội bộ. Nhóm tác giả Naazneen Barma, Brent Durbin và Andrea Kendall – Taylor giới thiệu khái niệm “chủ nghĩa độc đoán số” (digital authoritarianism). Cụ thể, trong khi những người theo chủ nghĩa tự do tin rằng công nghệ thông tin phát triển sẽ thúc đẩy các xã hội mở, thì một số chính phủ độc đoán đang tận dụng chính công cụ này để thắt chặt kiểm soát, tuyên truyền.[12] Mặt khác, cũng có nghiên cứu cho rằng việc các nước lớn thúc đẩy công nghệ số tiếp cận công chúng trên thực tế là một âm mưu lợi dụng áp đặt các giá trị, văn hóa, đặc biệt là của phương Tây, nhằm từng bước can thiệp, gây bất ổn từ bên trong các nước khác vì mục đích chính trị.[13]

Một số nghiên cứu cũng xác định giới hạn của ngoại giao số, tiêu biểu trong số đó là bài phân tích của học giả Corneliu Bjola về ba quan niệm sai lầm phổ biến nhất trong đánh giá vai trò của ngoại giao số.[14] Theo đó, quan niệm sai lầm thứ nhất cho rằng chỉ cần áp dụng công nghệ số sẽ tạo ra sức mạnh vượt bậc, giúp các quốc gia nâng tầm năng lực đối ngoại vượt trên năng lực sẵn có của mình. Trên thực tế, ngoại giao số không có tác dụng “biến không thành có”, mà chỉ hỗ trợ các quốc gia phát huy một cách hiệu quả hơn những sức mạnh sẵn có. Quan niệm sai lầm thứ hai cho rằng “số hóa” chỉ đơn giản như bật nút công tắc, khi mà mọi cán bộ ngoại giao và hầu hết công chúng đều đã được tiếp cận với công nghệ. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số trong đối ngoại mà không có một chiến lược bao trùm sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng ngoại giao số không đồng nhất với chính sách đối ngoại chung, thậm chí đi ngược đường lối. Nói cách khác, ngoại giao số phải được triển khai trên cơ sở phục vụ những mục tiêu đối ngoại rõ ràng. Quan niệm sai lầm thứ ba và cũng là một quan niệm đang ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại CMCN 4.0 ngày nay, cho rằng ngoại giao số sẽ dần thay thế hoặc khiến một số công tác ngoại giao truyền thống trở nên lỗi thời. Đã xuất hiện không ít những nghiên cứu về việc Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ sớm thay thế cán bộ ngoại giao trong công tác dịch thuật[15] hay thậm chí viết diễn văn; tương tự là một số đề xuất về việc dần thay thế các cơ quan đại diện bằng các “đại sứ quán ảo” (virtual embassy).[16] Tuy không thể phủ nhận công nghệ số có triển vọng tạo ra những cuộc cách mạng trong phương thức triển khai đối ngoại, song cần phải ghi nhớ rằng chức năng cốt lõi của ngoại giao là xây dựng và củng cố quan hệ và chức năng này không thể được thực hiện hiệu quả nếu không có tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.

Tóm lại, có thể rút ra một số đặc điểm lớn về ngoại giao số trong lý thuyết quan hệ quốc tế như sau:

Thứ nhất, về khái niệm, tuy chưa có một định nghĩa thống nhất và còn tồn tại nhiều trường phái phân tích khác nhau trong giới học thuật về khái niệm ngoại giao số, song tất cả đều bao gồm bốn thành tố sau: (i) Đường lối của chủ thể nhà nước; (ii) Can dự, tương tác với công chúng nước ngoài; (iii) Hướng tới lợi ích quốc gia; (iv) Tận dụng công cụ công nghệ thông tin truyền thông. Như vậy, có thể rút ra khái niệm về ngoại giao số là “một dạng quyền lực mềm và là phương thức ngoại giao mới bổ trợ, tạo thêm đòn bẩy cho ngoại giao nhà nước, sử dụng công cụ công nghệ thông tin truyền thông/công nghệ số/Internet (CMCN 4.0) để thúc đẩy can dự, tương tác với nhà nước, các chủ thể phi nhà nước và công chúng nước ngoài nhằm triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại của một quốc gia”.

Thứ hai, về tầm quan trọng, ngoại giao số vừa là công cụ, vừa là nội dung chính sách, mang lại nhiều giá trị đối với triển khai đối ngoại của các nước ở những khía cạnh sau:

(i) Nâng tầm hiệu quả của ngoại giao công chúng, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, điều chỉnh thông điệp chính sách và quảng bá hình ảnh đất nước tùy theo đặc trưng văn hóa, giá trị và lịch sử của đối tượng tiếp nhận;

(ii) Tạo nền tảng thúc đẩy trao đổi hai chiều, tạo điều kiện để các nhà ngoại giao và cơ quan phụ trách đối ngoại các nước có thể chủ động lắng nghe và có phản ứng phù hợp, nhanh chóng với những thay đổi trong hệ thống quốc tế.

(iii) Cải thiện, nâng cao tốc độ liên lạc, phối hợp và xử lý tình huống của các cơ quan đại diện, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp;

(iv) Giảm chi phí, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương; phát huy vai trò, sáng kiến, tăng cường đan xen lợi ích, khai thác thế mạnh về khoa học công nghệ của các nền kinh tế đi đầu trong CMCN 4.0.

Thứ ba, ngoại giao số cũng có một số mặt trái, bao gồm nguy cơ bị các phần tử cực đoan, khủng bố, các chính quyền độc tài, chuyên chế lợi dụng vào các mục đích xấu và đặc biệt là vấn đề an ninh mạng, bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, ngoại giao số không thể được xem là một loại “thần dược”, mà chỉ hỗ trợ các quốc gia phát huy một cách hiệu quả hơn những sức mạnh sẵn có. Chức năng cốt lõi của ngoại giao là xây dựng và củng cố quan hệ và chức năng này không thể được thực hiện hiệu quả nếu không có tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Do đó ngoại giao số tuy sẽ còn phát triển vượt bậc trong tương lai với những thành tựu mới của công nghệ, nhưng chủ yếu mang tính bổ trợ và không thể thay thế hoàn toàn ngoại giao truyền thống.

Thực tiễn triển khai ngoại giao số của một số quốc gia

Việc áp dụng công nghệ trong công tác đối ngoại đã trở thành xu thế tất yếu trên khắp thế giới, song tùy theo năng lực và nhu cầu, mỗi quốc gia lại có cách thức triển khai ngoại giao số khác nhau.

Mỹ

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai cũng như trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lợi thế về công nghệ và kéo theo đó là khả năng thu thập và phát tán thông tin vượt trội đã giúp Mỹ duy trì lợi thế với tất cả các đối thủ cạnh tranh.[17] Ngày nay, trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ thông tin, với vị thế siêu cường đồng thời là quốc gia đặt nền móng cho sự phát triển của Internet và là nơi khai sinh những nền tảng mạng xã hội được công chúng ưa chuộng, Mỹ tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực ngoại giao số, sớm thiết lập và đưa vào vận hành một bộ máy triển khai ngoại giao số quy củ nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh, mở rộng phạm vi tiếp cận của hệ giá trị, văn hóa Mỹ.

Năm 2002, dưới thời Ngoại trưởng Colin Powell, Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan phụ trách đối ngoại cấp quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập một bộ phận chuyên biệt dành riêng cho ngoại giao số, với tên gọi “Nhóm đặc trách ngoại giao điện tử” (Taskforce on eDiplomacy), sau đổi tên thành “Văn phòng ngoại giao điện tử” (Office of eDiplomacy). Sau khi nhậm chức vào năm 2005, trong triển khai chiến dịch “Ngoại giao Biến đổi” (Transformational Diplomacy)[18] do mình phát động, Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã mở rộng quy mô Văn phòng ngoại giao điện tử từ 8 lên 60 nhân sự và áp dụng một số sáng kiến mới. Nổi bật trong số đó là sáng kiến thiết lập “Cơ quan đại diện ảo” (Virtual Presence Post) tại các địa điểm Mỹ chưa thể xây dựng văn phòng đại diện cũng như phân bổ nhân sự.

Đến thời Ngoại trưởng Hillary Clinton (2009-2013), ngoại giao số của Mỹ có bước nhảy vọt về cả nhận thức cũng như triển khai. Trên nền tảng chiến lược “Điều hành đất nước trong thế kỷ XXI”,[19] Ngoại trưởng Clinton đặt mục tiêu bao trùm là bổ trợ cho các công cụ đối ngoại truyền thống bằng những công cụ được cải tiến và thích nghi với bối cảnh mới, sử dụng đầy đủ những lợi thế mà thế giới kết nối đem lại. Trong đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là tận dụng công nghệ thông tin để tiếp cận đối tượng ở những khu vực quan trọng chiến lược trên thế giới mà trước đây Mỹ vốn gặp nhiều khó khăn trong can dự. Như vậy, có thể thấy Mỹ không chỉ dùng công nghệ thông tin như một công cụ để triển khai những chính sách sẵn có, mà đã thực hiện điều chỉnh chính sách trên cơ sở vận dụng ngoại giao số như một thành tố mới.

Một minh chứng cụ thể là việc Mỹ dưới Chính quyền Obama đã vận dụng mạng xã hội một cách tương đối hiệu quả để tiếp cận, cải thiện hình ảnh tại Trung Đông sau gần một thập kỷ chiến tranh tại khu vực. Giai đoạn từ 2009 đến 2013, Trung Đông là khu vực được nhắc tới nhiều nhất trong nội dung các đoạn “tweet” do tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải, tập trung vào những ưu tiên chính sách của Mỹ khi đó như cải thiện quan hệ với I-ran, thúc đẩy tiến trình hòa bình I-xra-en – Pa-le-xtin… Bên cạnh mục tiêu cải thiện hình ảnh, Mỹ đã có những động thái thể hiện điều chỉnh chính sách thông qua mạng xã hội. Ngày 23/12/2013, tài khoản Bộ Ngoại giao Mỹ trên Twitter đăng nội dung: “Nước Mỹ quan ngại sâu sắc về mức phạt tù đối với người biểu tình ôn hòa, thể hiện tình trạng ngày càng xấu đi của quyền tự do hội họp tại Ai Cập”. Thông qua nội dung tweet này, Bộ Ngoại giao Mỹ muốn thể hiện với công chúng rằng Mỹ không ủng hộ các chế độ quân phiệt, chuyên chế tại Trung Đông, thay vào đó cam kết ủng hộ nguyện vọng dân chủ của người dân Ai Cập cũng như trong tổng thể chiến dịch Mùa xuân Ả-rập những năm đầu thập kỷ 2010.[20]

Bên cạnh một chính sách mang tính hệ thống, vai trò cá nhân lãnh đạo cũng được thể hiện rõ trong triển khai ngoại giao số của Mỹ. Tổng thống Obama là nguyên thủ quốc gia đương chức đầu tiên trên thế giới lập tài khoản Twitter. Các nội dung chia sẻ của ông Obama luôn nhận được lượng tương tác lớn, trong đó đoạn tweet với nội dung “4 năm nữa” kèm hình ảnh ông và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đăng ngày 6/11/2012 sau khi tái cử Tổng thống, khi đó là tweet có lượng tương tác cao nhất thế giới.[21] Ngoại trưởng John Kerry cũng thường xuyên sử dụng Twitter cập nhật các hoạt động đối ngoại và đặc biệt đề cao ngoại giao số. Ông Kerry chính là người đăng bài viết đầu tiên lên “DipNote” – một trang blog viết về những trải nghiệm của các cán bộ ngoại giao Mỹ, với chủ đề “Ngoại giao số: Điều chỉnh can dự ngoại giao để thích ứng”, trong đó nhấn mạnh: “Ngoại giao số là một thuật ngữ có vẻ hơi thừa – đơn giản nó chính là ngoại giao thôi”.[22]

Đến thời Tổng thống Trump, song song với việc chính sách ngoại giao số được bộ máy đối ngoại Mỹ tiếp nối triển khai, phương thức sử dụng Twitter của Tổng thống Trump đã và đang đem lại cho ngoại giao số Mỹ một màu sắc mới.[23] Một số nghiên cứu đánh giá cách dùng Twitter của Tổng thống Trump đi ngược lại với ngôn ngữ ngoại giao truyền thống mà theo học giả Christer Jonsson và Martin Hall bao gồm bốn thành tố chính là lịch thiệp, tích cực, ôn hòa và ẩn ý.[24] Ngược lại, câu từ của Tổng thống Trump được đánh giá là thiếu lịch thiệp, không mang tính xây dựng tích cực, quá thẳng thắn và có tính khoa trương. Có ý kiến cho rằng phong cách của Tổng thống Trump gây nhiều khó khăn cho Mỹ trong triển khai chính sách đối ngoại, đồng thời là một trong những nguyên nhân chính tác động tiêu cực tới hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế, khiến Mỹ tụt xuống vị trí thứ 5[25] trong bảng xếp hạng “Quyền lực mềm” (Soft Power)[26] toàn cầu, sau nhiều năm liên tiếp đứng đầu dưới thời Chính quyền Tổng thống Obama. Mặt khác, cũng có nghiên cứu cho rằng phong cách trao đổi thẳng thắn, bộc trực của Tổng thống Trump nhằm phản ánh sự đối lập với tư tưởng chính trị truyền thống, phù hợp với nền tảng cử tri ủng hộ vốn bất bình với giới lãnh đạo Washington D.C, đồng thời là kênh thông tin trực tiếp với công chúng trong bối cảnh nhiều hãng truyền thông có xu hướng đưa tin tiêu cực về Tổng thống Trump.[27]

Tóm lại, với vị thế của một siêu cường cùng lợi thế đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, Mỹ đã xây dựng và vận hành một bộ máy ngoại giao số hiệu quả, bao trùm cả về lĩnh vực cũng như vị trí địa lý. Tính đến hết năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đang dẫn đầu các cơ quan phụ trách đối ngoại trên thế giới với 344 trang Facebook, 351 tài khoản Twitter và 173 kênh YouTube[28] của các lãnh đạo, đơn vị và cơ quan đại diện của Mỹ trên khắp thế giới, hỗ trợ Mỹ trong công tác cải thiện, quảng bá hình ảnh, cũng như thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ ở quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, tương tác của cá nhân lãnh đạo Mỹ trên không gian mạng cũng có vai trò quan trọng, tăng tính gần gũi với công chúng. Dưới thời Tổng thống Trump, lối tương tác thẳng thắn, thiếu lịch thiệp, đi ngược với phong cách ngoại giao truyền thống đang có tác động hai mặt: một mặt tăng tính gần gũi, phù hợp với nền tảng cử tri ủng hộ trong nước, song mặt khác đang ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh và triển khai sức mạnh mềm của Mỹ trên toàn cầu.

Trung Quốc

Với vị thế một cường quốc toàn cầu đang vươn lên mạnh mẽ, toàn diện, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh vận dụng hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số trong triển khai chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, nếu như Mỹ đã có lợi thế ngay từ giai đoạn đầu triển khai nhờ công nghệ phát triển và nền tảng ngoại giao công chúng vững chắc, thì Trung Quốc lại tương đối “chậm chân” về công nghệ và thiếu nền tảng ngoại giao công chúng sẵn có làm bệ phóng triển khai ngoại giao số. Do đó, để phân tích đầy đủ thực tiễn triển khai ngoại giao số của Trung Quốc, trước hết cần nhìn lại giai đoạn Trung Quốc điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng chú trọng hơn ngoại giao công chúng.

Trước năm 2004, Trung Quốc chưa có một cơ quan chuyên trách ngoại giao công chúng và không có chức danh tương đương với Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách ngoại giao công chúng và quan hệ công chúng như tại Mỹ. Thay vào đó, công việc này được chia sẻ và có phần chồng chéo giữa nhiều cơ quan như Văn phòng Giao tiếp quốc tế thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Văn phòng Thông tin Liên lạc quốc tế của Nhân đại, Cục Văn hóa đối ngoại thuộc Bộ Văn hóa và Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại truyền thống của Trung Quốc đề cao ngoại giao cấp cao nhưng lại bỏ qua cấp cơ sở. Nhiều quan chức và công dân Trung Quốc lầm tưởng rằng nếu quan hệ của Trung Quốc với một chủ thể nhà nước tốt đẹp thì tất cả người dân nước đó cũng sẽ có cảm tình với Trung Quốc. Hệ quả là Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng “bá quyền diễn ngôn”, trong đó hầu hết thông tin tuyên truyền trên thế giới đều được thể hiện trong khuôn khổ khái niệm và ý thức hệ của phương Tây và bị các phương tiện truyền thông tiếng Anh chi phối.[29]

Trước thực tiễn trên, vào tháng 3/2014, Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thành lập Phòng Ngoại giao công chúng. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thẩm Quốc Phóng định nghĩa ngoại giao công chúng là một “lĩnh vực rất quan trọng trong công tác ngoại giao”, có nhiệm vụ thay đổi cách nhìn của quốc tế đối với Trung Quốc, khắc phục cái được gọi là mối đe dọa Trung Quốc và làm cho thế giới chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 cũng chủ trương “đề cao văn hóa như một phần quyền lực mềm của quốc gia nhằm đảm bảo hơn cho lợi ích và quyền lợi văn hóa cơ bản của người dân”.[30] Đây là lần đầu tiên cơ quan quyền lực nhà nước cấp cao nhất nêu khái niệm “quyền lực mềm” và thông thường  rất hiếm khi thuật ngữ quan hệ quốc tế phương Tây lại được xuất hiện trong một sự kiện chính thức.

Trên cơ sở thay đổi về nhận thức, Trung Quốc từng bước thúc đẩy ngoại giao công chúng, tận dụng những lợi thế sẵn có như nhân lực và nguồn lực kinh tế dồi dào. Bên cạnh đó, tuy chưa đề ra một khái niệm riêng biệt về ngoại giao số, song Trung Quốc đã bước đầu đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong thúc đẩy ngoại giao công chúng. Theo nghiên cứu của học giả Weijin Wang thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, điều này được thể hiện qua ba cấp độ triển khai. Thứ nhất là cấp độ nhà nước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thiết lập và liên tục cập nhật thông tin trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các trang vệ tinh của các cơ quan đại diện Trung Quốc ở nước ngoài. Bên cạnh các nội dung công việc như thông cáo về các hoạt động đối ngoại, biên bản họp báo, các website cũng chú trọng đăng tải nhiều bài viết về văn hóa – xã hội Trung Quốc bằng nhiều thứ tiếng. Một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng có trang mạng xã hội riêng (nội địa Trung Quốc sử dụng Sina Weibo tương tự như Twitter, WeChat như Facebook), trong đó có tài khoản Weibo của Văn phòng Ngoại giao công chúng Trung Quốc mang tên “Ngoại giao tiểu linh thông” với hơn 7,5 triệu người theo dõi. Ngoài ra, các bộ ngành khác của Trung Quốc như Bộ Giáo dục hay Cục Du lịch quốc gia cũng sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác với công chúng. Thứ hai là cấp độ truyền thông chính thống, trong đó các hãng thông tấn lớn như Tân Hoa Xã, CCTV, China Daily đóng vai trò chủ đạo, mở rộng quảng bá hình ảnh của Trung Quốc tới công chúng nước ngoài. Các hãng truyền thông Trung Quốc cũng là thành tố chính trong sáng kiến “Ngoại giao gấu trúc”[31] nhằm thể hiện hình ảnh một Trung Quốc thân thiện, gần gũi hơn với hàng loạt những tin bài, chia sẻ trên mạng xã hội liên quan đến gấu trúc. Thứ ba là cấp độ người dân. Văn phòng Ngoại giao công chúng Trung Quốc thường xuyên tổ chức các chương trình trao đổi trực tuyến với cư dân mạng Trung Quốc về đối ngoại mang tên “Hãy cùng thảo luận về ngoại giao”, trong đó lãnh đạo cấp Vụ/Cục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trực tiếp trả lời thắc mắc của cư dân mạng. Thông qua mô hình trao đổi này, cư dân mạng Trung Quốc sẽ nắm được quan điểm, lập luận chính thống của Nhà nước về đối ngoại, từ đó phổ biến, chia sẻ cho đông đảo công chúng trong và ngoài nước.[32]

Một cột mốc quan trọng trong triển khai chính sách ngoại giao công chúng nói chung và ngoại giao số nói riêng của Trung Quốc là chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Tuyên truyền quốc gia và Công tác Tư tưởng năm 2013 tại Bắc Kinh về tầm quan trọng của việc “kể những câu chuyện về Trung Quốc thật hay” nhằm củng cố hình ảnh và tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc.[33] Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các cơ quan truyền thông đã đẩy mạnh sử dụng các nền tảng mạng xã hội nước ngoài với tiêu chí “đa tiếng nói, nhưng cẩn trọng”, theo đó các hoạt động truyền thông được phép triển khai từ nhiều góc độ, tiếng nói, song cần phải được kiểm duyệt.Mục tiêu là để thể hiện, tiếp cận các sự kiện đối ngoại từ nhiều cách nhìn khác nhau, qua đó xây dựng một hình ảnh trên mạng khoan dung, dân chủ và có trách nhiệm của một cường quốc đang lên. Mặc dù các cơ quan ngoại giao và cán bộ ngoại giao Trung Quốc chỉ vận hành một số lượng nhỏ tài khoản Twitter, song việc trích dẫn lại, trả lời và các hình thức tương tác khác giúp phân phối nội dung trên một hệ thống rộng lớn, giúp Trung Quốc thúc đẩy hình ảnh thiện chí qua việc kể chuyện. Các nội dung đăng tải tập trung vào ba chủ đề chính: (i) Thể hiện Trung Quốc là nước ủng hộ tự do thương mại và hợp tác quốc tế, minh chứng cho sự cởi mở và chân thành của Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại; (ii) Tăng sức hút của Trung Quốc thông qua đăng tải cảnh quan du lịch, văn hóa truyền thống, cuộc sống thường nhật của người dân; (iii) Quảng bá các thành tựu phát triển của Trung Quốc, thể hiện cho thế giới thấy một Trung Quốc hấp dẫn và thịnh vượng.

Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đang dần định hình và triển khai một chính sách ngoại giao số song hành cùngngoại giao công chúng. Nếu như Mỹ triển khai ngoại giao số ở thế “công”, tức là quảng bá, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của văn hóa, hệ giá trị tự do – dân chủ của Mỹ, thì Trung Quốc do một số bất lợi mang tính nền tảng như ngôn ngữ hay bộ máy ngoại giao công chúng, vẫn đang ở thế “thủ”, tức là phải tìm cách thay đổi cách nhìn, thậm chí là định kiến của quốc tế đối với Trung Quốc, khắc phục cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc” và làm cho thế giới chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong triển khai ngoại giao công chúng đã giúp Trung Quốc cải thiện tình hình, vươn lên nằm trong Top 30 quốc gia đứng đầu thế giới về “Quyền lực mềm”.

Một số nước vừa và nhỏ

Học giả Stuart Murray trong cuốn “Tiến hóa, không phải cách mạng” xuất bản năm 2016 cho rằng việc số hóa ngoại giao sẽ cùng lúc đẩy nhanh tốc độ triển khai và giảm thiểu chi phí. Như vậy, với những nước vừa và nhỏ, việc áp dụng ngoại giao số một cách hiệu quả sẽ giúp “cân bằng sân chơi” phần nào so với các nước lớn.[34] Khác với các nước lớn với nguồn lực dồi dào có nhu cầu mở rộng ảnh hưởng quy mô toàn cầu, các nước vừa và nhỏ nhìn chung tiếp cận ngoại giao số ở góc độ trọng tâm, trọng điểm hơn, trong đó chú trọng quảng bá hình ảnh và đóng vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác.

Một ví dụ điển hình là Thụy Điển. Với chính sách chú trọng đầu tư công thúc đẩy kết nối, bao gồm áp dụng trợ cấp Nhà nước đối với máy tính cá nhân và dây cáp quang băng thông rộng, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ thông tin trong triển khai đối ngoại, thể hiện qua bức thư của Thủ tướng Carl Bildt nêu ở phần đầu bài viết. Bên cạnh cột mốc mang tính bước ngoặt này, Thụy Điển cũng là tác giả của nhiều sáng kiến khác trong lĩnh vực ngoại giao số. Năm 2011, Viện Thụy Điển và trang quảng bá du lịch VisitSweden thuộc Chính phủ Thụy Điển đã công bố sáng kiến “Người phát ngôn của Thụy Điển” (Curators of Sweden), theo đó trang Twitter chính thức của Thụy Điển (@Sweden) được trao cho một công dân Thụy Điển bất kỳ quản lý trong một tuần, sau đó chuyển sang cho một công dân Thụy Điển khác.[35] Sáng kiến được triển khai nhằm mục tiêu quảng bá hình ảnh và thể hiện sự đa sắc tộc cũng như đa dạng về trải nghiệm của người dân Thụy Điển, nhận được nhiều đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế. Ở cấp độ Bộ Ngoại giao, năm 2014, Thụy Điển tổ chức Hội nghị Sáng kiến Stockholm cho Ngoại giao số, hội nghị quốc tế đầu tiên với chủ đề ngoại giao số, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, I-ta-li-a, Thổ Nhĩ Kỳ, Bra-xin… cùng đại diện các công ty công nghệ hàng đầu. Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt[36] nhấn mạnh, thông qua việc tập hợp một nhóm các chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực ngoại giao số, Thụy Điển mong muốn đặt nền móng cho những mạng lưới hợp tác chặt chẽ hơn và đề ra những đường hướng mới cho ngoại giao của tương lai. Việc thúc đẩy những sáng kiến trên cho thấy Thụy Điển đã tận dụng triệt để lợi thế từ sự phát triển công nghệ để thể hiện vai trò là một quốc gia năng động, sáng tạo, luôn có những ý tưởng đột phá; đồng thời ở góc độ đối ngoại luôn nhạy bén, thức thời, sẵn sàng hợp tác xử lý những thách thức của tương lai.

Trong các nước ASEAN, tuy trình độ phát triển và mức độ phổ cập công nghệ thông tin không thể so sánh với Thụy Điển, song các nước như In-đô-nê-xi-a và Xin-ga-po đang tương đối chủ động trong việc thúc đẩy vai trò cầu nối hợp tác khu vực trong lĩnh vực ngoại giao số.

Năm 2019, Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị khu vực về Ngoại giao số, với sự tham gia của đại diện 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Hội nghị kêu gọi các nước khu vực tận dụng triệt để lợi ích từ thời đại số hóa, phối hợp với các tập đoàn công nghệ vạch ra những đường hướng hữu hiệu nhất trong triển khai ngoại giao số, với các trọng tâm như truyền bá những thông điệp hòa bình chống lại chủ nghĩa khủng bố, quản lý thông tin trong xử lý khủng hoảng và phát triển kinh tế số. Hội nghị cũng công bố Thông điệp Jakarta về Hợp tác khu vực trong ngoại giao số, trong đó công nhận tầm quan trọng của ngoại giao số, cam kết chung xây dựng thông điệp và hợp tác ngoại giao số giữa các bên liên quan. Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a Retno Marsudi cho rằng Thông điệp Jakarta sẽ là văn bản định hướng các mô hình hợp tác củng cố ngoại giao số trong tương lai ở cấp độ khu vực cũng như trên toàn thế giới.[37]

Trong khi đó, Xin-ga-po tập trung thúc đẩy hợp tác giảm thiểu mặt trái của ngoại giao số thông qua triển khai “ngoại giao an ninh mạng” (cyber-security diplomacy).[38] Ở tầm quốc tế, Cơ quan An ninh mạng Xin-ga-po (CSA) tính đến nay đã ký thỏa thuận hợp tác song phương với Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ và Hà Lan, trong đó thỏa thuận với Mỹ ký kết năm 2016 là thỏa thuận hợp tác an ninh mạng song phương đầu tiên giữa Mỹ và một quốc gia ASEAN. Thông qua những thỏa thuận ký kết với các nước lớn, Xin-ga-po sẽ có tiếng nói mạnh hơn trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang định hình luật chơi không gian mạng toàn cầu. Ở góc độ khu vực, Xin-ga-po đã tổ chức hội nghị đầu tiên giữa các Bộ trưởng ASEAN phụ trách an ninh mạng vào năm 2016, công bố gói ngân sách 7 triệu USD hỗ trợ các nước thành viên ASEAN củng cố năng lực chống lại các mối đe dọa an ninh mạng.

Qua phân tích thực tiễn triển khai ngoại giao số của một số quốc gia tiêu biểu nêu trên, có thể thấy tuy công nghệ đã có nhiều bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, song nhìn chung ngoại giao số vẫn là một lĩnh vực tương đối mới trong công tác đối ngoại của các quốc gia. Ngoại trừ Mỹ đã thiết lập một bộ máy triển khai ngoại giao số quy củ, có tính hệ thống trên nền tảng chiến lược “Ngoại giao Thế kỷ XXI”, có thể nói hiện chưa một quốc gia nào trên thế giới đạt đến hay thậm chí tiệm cận một chiến lược ngoại giao số chuyên biệt, mà mới chỉ dừng lại ở vận dụng công nghệ trong triển khai đường lối đối ngoại sẵn có tùy theo nguồn lực và nhu cầu của từng nước.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các nước bứt phá, phát triển mạnh mẽ nếu biết tận dụng, thích ứng thành công. Trong đó, cách mạng thông tin và cách mạng số mở ra phương thức Ngoại giao số như một lĩnh vực ngoại giao chuyên biệt đang trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều nước trong khu vực, trên thế giới.

Với vị thế của một quốc gia tầm trung đang vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam tuy có xuất phát điểm thấp và muộn hơn nhưng được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh về công nghệ thông tin, công nghệ số. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước (thuê bao di động đạt 125,6 triệu năm 2018), trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đang được thử nghiệm và đưa ra thị trường từ năm 2020. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh và ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; Việt Nam hiện xếp thứ ba trong ASEAN về quy mô nền kinh tế số. Công nghệ số ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Mô hình chính phủ điện tử, chính phủ số, thành phố thông minh đang được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực; chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia trên thế giới.[39] Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp thứ 42/129 quốc gia/nền kinh tế, xếp thứ 4 trong ASEAN.[40]

Với khát vọng và tầm nhìn vươn lên những thứ bậc cao hơn về công nghệ, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặt ra những nhiệm vụ mới đòi hỏi Ngoại giao Việt Nam phải có những điều chỉnh, thích ứng, đồng hành cùng các bộ ngành và cả hệ thống chính trị cùng đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Cụ thể một số nội dung đáng chú ý:

Mục tiêu tổng quát: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết 52

Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức. Chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Phát huy tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Có 8 nhóm giải pháp, trong đó liên quan đến đối ngoại, hội nhập quốc tế: Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.[41]

Theo tinh thần Nghị quyết 52, bài viết đề xuất, gợi mở một số hàm ý chính sách mang tính tham khảo về Ngoại giao số, cụ thể như sau:

Thứ nhất, ngành Ngoại giao cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết 52 thông qua xây dựng Chiến lược/kế hoạch hành động về Ngoại giao số trong thời đại CMCN 4.0 đến 2030, tầm nhìn đến 2045, lồng ghép với xây dựng Chiến lược Đối ngoại đến 2030 và triển khai các Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đối ngoại đa phương…

Thứ hai, cần có những điều chỉnh, cập nhật toàn diện về nhận thức, bộ máy, phương thức, nguồn lực, con người cho việc hình thành, triển khai Ngoại giao số. Đặc biệt, cần nhận thức Ngoại giao số là xu thế lớn trong khu vực, trên thế giới, có nhiều tiềm năng, lợi thế, mở ra nhiều cơ hội và sẽ trở thành một phương thức ngoại giao mới, chuyên biệt, tạo động lực, đòn bẩy mới cho Ngoại giao Việt Nam, song về bản chất vẫn mang: (i) Tính bổ trợ cho Ngoại giao truyền thống, không thể thay thế giá trị của Ngoại giao truyền thống (cốt lõi vẫn là thông điệp đối ngoại/câu chuyện Việt Nam, là vai trò then chốt của cán bộ ngoại giao, của nghệ thuật ngoại giao), và (ii) Tính đồng hành cùng các phương thức ngoại giao khác phục vụ mục tiêu đối ngoại chung, phục vụ lợi ích quốc gia – dân tộc.

Thứ ba, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác, học tập kinh nghiệm về Ngoại giao số nói riêng, về hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ, kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nói chung với các nước đối tác lớn, quan trọng có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu về công nghệ số, kinh tế số, đổi mới sáng tạo trong CMCN 4.0.

Thứ tư, phối hợp thúc đẩy chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn cầu; chủ trì, đăng cai các sự kiện về Cách mạng 4.0, tích cực đóng góp ý tưởng, sáng kiến về kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, xây dựng đô thị thông minh, chính phủ điện tử tại các diễn đàn đa phương, khu vực, ASEAN (ví dụ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 tại Hà Nội đã đưa ra các sáng kiến xây dựng các Quy tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu, hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia vào mạng lưới khu vực, kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời trong ASEAN nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0[42]), đóng góp vào xây dựng luật lệ, tiêu chuẩn về kinh tế số.

Thứ năm, ngành Ngoại giao, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Thứ sáu, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ; thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet.

Thứ bảy, phát triển phương thức Ngoại giao số gắn với Ngoại giao công chúng, Ngoại giao văn hóa, Ngoại giao kinh tế, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, tăng cường sử dụng truyền thông đa phương tiện, công nghệ số, mạng xã hội (đặc biệt là Twitter) để chuyển tải hiệu quả các thông điệp đối ngoại, xây dựng hình ảnh quốc gia/lãnh đạo, tập hợp, đấu tranh dư luận; tương tác rộng rãi với công chúng, tăng cường sử dụng hình thức hội nghị/hội thảo trực tuyến hoặc diễn đàn/đối thoại định kỳ với công chúng trên nền tảng mạng xã hội…

Thứ tám, chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao đáp ứng yêu cầu của Ngoại giao số, thạo về công nghệ, Internet, vững vàng bản lĩnh về chính trị, tư tưởng, tinh thông nghiệp vụ; mỗi cán bộ ngoại giao phải là một blogger, một twitter, một facebooker chuyên nghiệp, hiệu quả; nghiên cứu vận dụng mô hình Đại sứ quán ảo, mở rộng hình thức Đại sứ lưu động thực hiện ngoại giao chuyên biệt, tập trung vào một vấn đề/lĩnh vực cụ thể (ví dụ như Đại sứ khoa học công nghệ/đổi mới sáng tạo).

Cuối cùng, cần chú trọng công tác an toàn thông tin, an ninh mạng, xử lý tin giả, tin xấu, độc trên mạng xã hội; cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ số, mạng Internet và mạng xã hội để xuyên tạc, kích động, chống phá Việt Nam; có cơ chế phát hiện sớm và xử lý khủng hoảng trên không gian mạng, mạng xã hội./.

Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, số tháng 6/2020.

————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Carl Bildt. “I sent the first email between two heads of state”. Quartz (2016). https://qz.com/861001/i-sent-the-first-email-between-two-heads-of-state-but-the-new-era-of-connectivity-will-change-the-world/.
    2. Allen Hansen. Public Diplomacy in the Computer Age. USIA, 1984.
    3. Evan Potter. Cyber Diplomacy: Managing Foreign Policy in the 21st Century. McGill-Queen’s University Press, 2002.
    4. Nicholas Westcott. Digital Diplomacy: The Impact of the Internet on International Relations. Oxford Internet Institute, 2009.
    5. Fergus Hanson. “A Digital DFAT: Joining the 21st century”, Lowy Institute Policy Briefs, 2012.
    6. Corneliu Bjola và Marcus Holmes. Digital Diplomacy: Theory and Practice, Routledge. 2015.
    7. Ilan Manor. The Digitalization of Public Diplomacy, Palgrave Macmillan, tr. 5-9, 2019.
    8. Taylor Owen. The networked state and the end of 20th century diplomacy, Global Affairs, 2:3, 2016.
    9. Craig Hayden. Digital Diplomacy. The Encyclopedia of Diplomacy, Wiley Blackwell, 2018.
    10. Evgeny Morozov. The Net Delusion: The Dark Side of Internet Freedom. Public Affairs, 2012.
    11. Viona Rashica. “The Benefits and Risks of Digital Diplomacy”, South East European University, 2018.
    12. Naazneen Barma, Brent Durbin và Andrea Kendall-Taylor. “Digital Authoritarianism: Finding our way out of the darkness” (2020). https://warontherocks.com/2020/digital-authoritarianism-finding-our-way-out-of-the-darkness/
    13. Sabrina Elena Sotiriu. “Pro/con arguments with respect to Digital Diplomacy”, University of Ottawa,
    14. Corneliu Bjola. “Misconceptions of Digital Diplomacy”. Medium, https://medium.com/@CBjola/conceptions-and-misconceptions-of-digital-diplomacy-701aa9d65666.
    15. Kim Arin. “Age of AI anxiety: Will human translators survive automation?”. Korea Herald, năm 2019. http://www.koreaherald. com/view.php?ud=20190311000528
    16. Radu Cucos. “Virtual diplomacy – a new way of conducting international affairs”. Năm 2012. https://blogs.worldbank.org/digital-development/virtual-diplomacy-a-new-way-of-conducting-international-affairs.
    17. Bộ Ngoại giao Mỹ. Transformational Diplomacy, https://2001-2009.state.gov/secretary/rm/59306.htm
    18. Bộ Ngoại giao Mỹ. 21st Century Statecraft. (2009). https://2009-2017.state.gov/statecraft/overview/index.htm.
    19. Stan Schroeder. “Obama’s ‘Four More Years’ Tweet is Most Popular of All Time”. Mashable (2012). https://mashable.com /2012/11/07/obama-four-more-years-tweet/
    20. John Kerry. Digital Diplomacy: Adapting Our Diplomatic Engagement. United States State Department (2013). http://2007-2017-blogs.state.gov/stories/2013/05/06/digital-diplomacy-adapting-our-diplomatic-engagement.html
    21. Christer Jonsson và Martin Hall. Essence of Diplomacy, Palgrave Macmillan UK, 2005.
    22. Sara Ahmadian, Sara Azarshahi và Delroy L. Paulhus. Explaining Donald Trump via Communication Style: Grandiosity, informality, and dynamism, Personality and Individual Differences 107(1), tr. 49-53, 2017.
    23. Mary Dejevsky. “In defence of Donald Trump’s Twitter diplomacy”, The Guardian, 2017 https://www.theguardian.com/commentisfree/2017/feb/05/indefence-of-twitter-diplomacy.
    24. United States Department of State. “Global Social Media Presence” tại https://www.state.gov/global-social-media-presence/.
    25. Wang Yi Wei. Public Diplomacy and the Rise of Chinese Soft Power, 616 (1), 2018.
    26. Toàn văn báo cáo của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 17. China Daily, ngày 24/10/2007. https://www.chinadaily.com.cn/china/2007-10/24/content_6204564.htm
    27. Zhao Huang, Rui Wang. Panda engagement’ in China’s digital public diplomacy. Asian Journal of Communication 30(2), 2020.
    28. Wang Weijin. Analysis on China’s Cyber Diplomacy, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, 2015.
    29. An Baijie. “Xi: Spreading China’s story key mission”. China Daily (2013). http://www.chinadaily.com.cn/a/201808/23/WS5b7de97310add14f387392.html.
    30. Stuart Murray. “Evolution, not revolution: The digital divide in American and Australian contexts” in trong C. Bjola, & M. Holmes, Digital diplomacy: Theory and Practice (tr. 127-144). Oxon, UK: Taylor & Francis, 2015.
    31. Jakarata Globe. “Foreign Ministry steps up game in digital diplomacy” (2019). https://jakartaglobe.id/news/foreign-ministry-steps-up-game-in-digital-diplomacy.
    32. Straits Times. “Singapore’s weapon: cyber diplomacy”, (2016). https://www.straitstimes.com/singapore/spores-weapon-cyber-diplomacy.
    33. Bích Ngọc. “Việt Nam: Mức độ sẵn sàng tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0”. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2019). http://www.ciem.org.vn/Content/files/2018/vnep2018.

———

CHÚ THÍCH

* TS, Bộ Ngoại giao

** Bộ Ngoại giao

[1] Carl Bildt (2016), “I sent the first email between two heads of state,tại https://qz.com/861001/i-sent-the-first-email-between-two-heads-of-state-but-the-new-era-of-connectivity-will-change-the-world/.

[2] Allen Hansen (1984), Public Diplomacy in the Computer Age, USIA.

[3] Evan Potter (2002), Cyber Diplomacy: Managing Foreign Policy in the 21st Century, McGill-Queen’s University Press, tr. 12-14.

[4] Nicholas Westcott (2009), Digital Diplomacy: The Impact of the Internet on International Relations, Oxford Internet Institute, tr 2-8.

[5] Fergus Hanson (2012), “A Digital DFAT: Joining the 21st century”, Lowy Institute Policy Briefs.

[6] Corneliu Bjola và Marcus Holmes (2015), Digital Diplomacy: Theory and Practice, Routledge, tr. 13-32.

[7] Ilan Manor (2019), The Digitalization of Public Diplomacy, Palgrave Macmillan, tr. 5-9.

[8] Taylor Owen (2016), The networked state and the end of 20th century diplomacy, Global Affairs, 2:3, tr. 305

[9] Craig Hayden (2018), Digital Diplomacy, The Encyclopedia of Diplomacy, Wiley Blackwell.

[10] Evgeny Morozov (2012), The Net Delusion: The Dark Side of Internet Freedom, Public Affairs.

[11] Viona Rashica (2018), “The Benefits and Risks of Digital Diplomacy”, South East European University.

[12] Naazneen Barma, Brent Durbin và Andrea Kendall-Taylor (2020), “Digital Authoritarianism: Finding our way out of the darkness” tại https://warontherocks.com/2020/digital-authoritarianism-finding-our-way-out-of-the-darkness/

[13] Sabrina Elena Sotiriu (2013), “Pro/con arguments with respect to Digital Diplomacy”, University of Ottawa.

[14] Corneliu Bjola (2018), “Misconceptions of Digital Diplomacy” tại https://medium.com/@CBjola/conceptions-and-misconceptions-of-digital-diplomacy-701aa9d65666

[15] Kim Arin (2019), “Age of AI anxiety: Will human translators survive automation?” tại http://www.koreaherald. com/view.php?ud=20190311000528

[16] Radu Cucos (2012), “Virtual diplomacy – a new way of conducting international affairs” tại https://blogs. worldbank.org/digital-development/virtual-diplomacy-a-new-way-of-conducting-international-affairs

[17]Corneliu Bjola và Marcus Holmes (2015), Digital Diplomacy: Theory and Practice, Routledge, tr. 131-132.

[18] Bộ Ngoại giao Mỹ (2006), Transformational Diplomacy tại https://2001-2009.state.gov/secretary/rm/59306.htm

[19] Bộ Ngoại giao Mỹ (2009), 21st Century Statecraft tại https://2009-2017.state.gov/statecraft/overview/index.htm.

[20]Corneliu Bjola và Marcus Holmes (2015), Digital Diplomacy: Theory and Practice, Routledge, tr. 87-88.

[21] Stan Schroeder (2012), “Obama’s ‘Four More Years’ Tweet is Most Popular of All Time” tại https://mashable.com /2012/11/07/obama-four-more-years-tweet/

[22] John Kerry (2013), Digital Diplomacy: Adapting Our Diplomatic Engagement, United States State Department tạihttp://2007-2017-blogs.state.gov/stories/2013/05/06/digital-diplomacy-adapting-our-diplomatic-engagement.html

[23]Twitter là mạng xã hội và blog ngắn do người Mỹ sáng lập năm 2006, đứng thứ 44 về lượng truy cập, hiện có hơn 300 triệu người sử dụng, chủ yếu là giới tinh hoa, trí thức, doanh nghiệp, truyền thông.

[24] Christer Jonsson và Martin Hall (2005), Essence of Diplomacy, Palgrave Macmillan UK, tr. 67-97.

[25] The 2019 Soft Power 30 Report tại https://softpower30.com/wp-content/uploads/2019/10/The-Soft-Power-30-Report-2019-1.pdf

[26] Nhà nghiên cứu Joseph Nye định nghĩa “quyền lực mềm” là năng lực giúp một quốc gia đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước.

[27] Sara Ahmadian, Sara Azarshahi và Delroy L. Paulhus (2017), Explaining Donald Trump via Communication Style: Grandiosity, informality, and dynamism, Personality and Individual Differences 107(1), tr. 49-53; Mary Dejevsky (2017), “In defence of Donald Trump’s Twitter diplomacy”, The Guardian tại https://www.theguardian.com/commentisfree/2017/feb/05/in-defence-of-twitter-diplomacy.

[28] Global Social Media Presence, United States Department of State tại https://www.state.gov/global-social-media-presence/

[29] Wang Yi Wei (2008), Public Diplomacy and the Rise of Chinese Soft Power, 616 (1), tr. 257-273

[30] Toàn văn báo cáo của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 tại https://www.chinadaily.com.cn/china/2007-10/24/content_6204564.htm

[31] Zhao Huang, Rui Wang (2020), ‘Panda engagement’ in China’s digital public diplomacy, Asian Journal of Communication 30(2), tr. 118–140.

[32] Wang Weijin (2015), Analysis on China’s Cyber Diplomacy, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

[33] An Baijie (2013), “Xi: Spreading China’s story key mission” tại http://www.chinadaily.com.cn/a/201808/23 /WS5b7de976a310add14f387392.html

[34] Stuart Murray (2015), “Evolution, not revolution: The digital divide in American and Australian contexts” in trong C. Bjola, & M. Holmes, Digital diplomacy: Theory and Practice (tr. 127-144). Oxon, UK: Taylor & Francis.

[35]https://curatorsofsweden.com/

[36]Ông Carl Bildt giữ chức Thủ tướng Thụy Điển giai đoạn 1991-1994 và Ngoại trưởng Thụy Điển giai đoạn 2006-2014.

[37]Jakarta Globe (2019), “Foreign Ministry steps up game in digital diplomacy” tại https://jakartaglobe.id/news/foreign-ministry-steps-up-game-in-digital-diplomacy

[38]Straits Times (2016), “Singapore’s weapon: cyber diplomacy” tại “https://www.straitstimes.com/singapore/spores-weapon-cyber-diplomacy

[39]Phát biểu của Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Diễn đàn cấp cao về Công nghệ 4.0 năm 2019 tại Hà Nội (2-3/10/2019).

[40] Bích Ngọc, “Việt Nam: Mức độ sẵn sàng tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0”, ngày 24/9/2019. Truy cập tạihttp://www.ciem.org.vn/Content/files/2018/vnep2018.

[41]Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính Trị, ngày ngày 27 tháng 9 năm 2019

[42]Phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội.