Nguồn: Christopher J. Levesque, “The Truth Behind My Lai”, The New York Times, 16/03/2018.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ngày 16/03/1968, Đại úy Ernest Medina dẫn dầu một đại đội bộ binh trong cuộc tấn công vào Sơn Mỹ, một ngôi làng nằm dọc bờ biển miền trung của Nam Việt Nam. Đây là một phần trong nhiệm vụ tìm diệt một tiểu đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn gọi là Việt Cộng. Một trong bốn thôn của làng là Mỹ Lai.
Chiến dịch được tiến hành dựa trên giả định rằng dân làng Mỹ Lai sẽ đi chợ vắng nhà. Đại úy Medina đã lên kế hoạch càn quét khắp khu vực, ra lệnh cho người của mình phá hủy mọi thứ và giết bất cứ ai chống cự. Đến cuối ngày, lính Mỹ đã giết khoảng 349 đến 504 phụ nữ, trẻ em và người già Việt Nam không được vũ trang, đồng thời hãm hiếp 20 phụ nữ và trẻ em gái, một vài trong số đó chỉ mới 10 tuổi.
Thảm sát Mỹ Lai không phải là lần duy nhất quân đội Mỹ phạm tội ác chiến tranh với thường dân Việt Nam, nhưng đó là ví dụ tồi tệ nhất; mức độ nghiêm trọng, việc cố gắng che đậy bao biện và phiên tòa sau cùng chỉ xét xử một số ít sĩ quan chỉ huy đơn vị đã biến sự kiện này trở thành một từ đồng nghĩa với toàn bộ cuộc chiến của người Mỹ tại Việt Nam. Dù ngày nay vụ thảm sát thường được mô tả là do một đơn vị toàn những kẻ mất nhân tính gây ra, nguyên nhân sâu xa nằm ở thất bại của hàng ngũ lãnh đạo, từ vị chỉ huy sư đoàn của Đại úy Medina, Thiếu tướng Samuel W. Koster, cho đến chỉ huy trung đội có liên quan chặt chẽ đến vụ thảm sát, Trung úy William Calley.
Thật ra, thảm họa Mỹ Lai bắt đầu từ trước khi lực lượng của Đại úy Medina đổ bộ vào sáng ngày 16/03. Đại đội Charlie, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 20 đã đến Việt Nam từ năm 1967. Khi còn ở Hawaii, những cá nhân này từng nhận được điểm đánh giá rất cao về mức độ sẵn sàng chiến đấu và trình độ huấn luyện.
Nhưng đơn vị đã được thành lập quá vội vã, nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan giàu kinh nghiệm từng phục vụ trong nước nay bị buộc phải chuyển đi nơi khác khi đơn vị chuẩn bị triển khai, bởi vì các quy định của Quân đội Hoa Kỳ không cho phép họ quay trở lại chiến đấu trong thời gian quá ngắn như vậy.
Kết quả là các binh nhất và hạ sĩ nghiệp vụ – những sĩ quan cấp thấp chưa từng chinh chiến – đột nhiên bị đẩy vào vai trò lãnh đạo. Đại úy Medina sau đó đã làm chứng rằng những chuyển đổi nhân sự như thế đã khiến đại đội mất đi 70% sức mạnh của họ.
Về mặt thống kê, Đại đội Charlie vẫn nhỉnh hơn trung bình một chút so với các đại đội bộ binh phục vụ ở Đông Nam Á trong thời kỳ chiến tranh. 87% số hạ sĩ quan đã tốt nghiệp trung học, cao hơn 20% so với mức trung bình của các đại đội bộ binh. 70% những người lính cấp hàm thấp đã tốt nghiệp trung học, cũng cao hơn mức trung bình những người lính phục vụ tại Việt Nam.
Đơn vị này cũng đa dạng về mặt nhân khẩu học, với một nửa quân số là người Mỹ gốc Phi, và những người này lại đến từ các vùng đất đa dạng về địa lý. Ngoài việc để cho những người thiếu kinh nghiệm nắm giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt, cùng với các trải nghiệm của đơn vị trong những tháng trước khi xảy ra thảm sát Mỹ Lai, chẳng gì có thể giải thích được tại sao nhóm binh sĩ này lại gây ra tội ác chiến tranh kinh hoàng nhất của quân đội Mỹ trong toàn bộ lịch sử cuộc xung đột.
Ngay sau khi được triển khai tại Việt Nam, Đại đội Charlie đã hứng chịu tổn thất nặng nề từ bẫy treo và súng bắn tỉa. Trung úy Calley trở nên căm ghét và sợ hãi người dân địa phương sau khi chứng kiến sĩ quan liên lạc vô tuyến của mình, William Weber, bị hạ gục bởi một viên đạn bắn tỉa khi Calley bất cẩn dẫn quân của mình đi dọc con đê giữa cánh đồng lúa, để tránh cho họ không bị ướt chân. Sau sự kiện ấy, tất cả người Việt Nam đều trở thành du kích Việt Cộng trong mắt Calley, và chẳng mấy chốc, phần còn lại của đại đội đã chấp nhận thái độ hà khắc của anh ta.
Đại úy Medina và các sĩ quan của anh ta đã dung túng cho hành động bạo lực chống lại thường dân Việt Nam của Đại đội Charlie từ nhiều tuần trước khi xảy ra vụ thảm sát. Sau khi Binh nhất Herbert Carter đánh một người nông dân không vũ trang rơi xuống giếng, Trung úy Calley đã bắn người đàn ông đáng thương ấy. Medina còn cho phép lính của mình sử dụng tù nhân làm “máy dò mìn” và đích thân tra tấn tù binh trong các cuộc thẩm vấn.
Hiếp dâm trở thành một vấn đề khác ở Đại đội Charlie đến nỗi một thành viên của Trung đội 2, Michael Bernhardt, nói rằng mọi phụ nữ bị trung đội của Calley bắt gặp sẽ bị hãm hiếp ngay lập tức. Sau khi một cái bẫy treo giết chết Trung sĩ George Cox, những người lính còn sống đã lấy trộm một chiếc radio của một phụ nữ địa phương và đá cô này đến chết vì dám phản đối.
Cái chết của Trung sĩ Cox đã trở thành tiền đề cho vụ thảm sát Mỹ Lai. Ngày 15/03, đại đội cho tổ chức một tang lễ tưởng niệm trong đó Đại úy Medina đã nhắc nhở mọi người về thương vong của họ. Đại đội đã mất một nửa sứcmạnh chỉ trong vòng hai tháng. Sĩ số Trung đội 1 của Calley đã giảm từ 45 lúc ban đầu xuống còn 27 người.
Medina lập luận rằng Đại đội Charlie không thể có thêm thương vong, vì vậy họ cần phải sốc lại tinh thần và trở nên quyết liệt hơn trong việc truy đuổi kẻ thù. Ngay sau tang lễ, Đại úy Medina đã thông báo cho đại đội về nhiệm vụ tiếp theo: một cuộc tấn công vào Mỹ Lai nhằm tiêu diệt tàn quân của một trong những đơn vị mạnh nhất của Việt Cộng, Tiểu đoàn 48.
Cuộc họp về đợt tấn công vào Mỹ Lai khiến nhiều thuộc cấp của Medina tin rằng nhiệm vụ của họ là giết chết tất cả mọi người trong thôn, bắn sạch mọi gia súc, phá hủy giếng nước và san bằng các tòa nhà, bởi vì kẻ nào sống ở Mỹ Lai cũng là thành viên Việt Cộng, hoặc đồng cảm với Việt Cộng.
Đại úy Medina nói với binh lính của mình rằng đây là cơ hội để trả thù cho những đồng đội đã ngã xuống. Một binh nhì, Dennis Bunning, sau đó thú nhận rằng Medina đã ra lệnh cho họ giết hết dân làng; báo cáo tình báo nói rằng tất cả phụ nữ và trẻ em ở Mỹ Lai sẽ có mặt ở chợ sáng hôm đó. Một người khác, James Bergthold, đã tóm tắt nội dung cuộc họp: “Dù Đại úy Medina không nói cụ thể là giết tất cả mọi người trong làng, tôi nghe được mọi người nói chuyện và họ cho rằng sẽ giết những ai còn ở lại làng.”
Cuộc thảm sát đã bắt đầu như một nhiệm vụ tìm diệt thông thường, mở đầu với cuộc tấn công bằng đạn pháo nhắm vào cánh đồng lúa phía tây bắc ngôi làng. Những quả đạn pháo đường kính 105 mm được tin là đã rơi xuống cách Mỹ Lai 400 mét, nhưng một vài trong số chúng đã rơi gần nhà dân. Pháo kích là nhằm đánh động Việt Cộng; nhưng chẳng có Việt Cộng nào ở Mỹ Lai cả, chí ít là không còn nữa, nên hành động này chỉ làm hư hại nhà cửa, đê điều và buộc dân làng phải trốn xuống hầm mà thôi.
Trung đội 1 của Calley, và một phần của Trung đội 2, do Trung úy Stephen Brooks chỉ huy, đã đáp xuống Mỹ Lai trên những chiếc trực thăng đầu tiên và nhanh chóng rà soát khu vực. Dù không gặp bất kỳ hỏa lực nào của kẻ thù, luồng hơi từ súng máy và hỏa tiễn mà trực thăng liên tục bắn vào các túp lều gần đó khiến lính Mỹ cảm giác rằng họ đang bị tấn công. Calley và Brooks dẫn người của họ vào làng sau khi đợt trực thăng thứ hai đưa phần còn lại của đại đội đến nơi.
Khi di chuyển sâu hơn vào Mỹ Lai, các trung đội bắt đầu chia thành các nhóm nhỏ hơn không có sĩ quan giám sát liên tục. Hai binh nhì, Dennis Conti và Paul Meadlo, đã đứng canh giữ những thường dân mà họ gặp phải cho đến khi một sĩ quan đến nơi để đánh giá nhóm người này. Khi Trung úy Calley tìm thấy họ, anh ta lạnh lùng ra lệnh cho Conti và Meadlo “xử chúng” rồi bỏ đi.
Dưới áp lực của Đại úy Medina nhằm nhanh chóng hoàn thành chiến dịch ở Mỹ Lai, Trung úy Calley trở lại vài phút sau đó và hỏi tại sao họ không “chăm sóc”[1] dân làng. Binh nhì Meadlo trả lời rằng mình đang làm theo lệnh của chỉ huy, nhưng Trung úy Calley nhấn mạnh rằng ông muốn dân làng bị giết. Buộc cấp dưới của mình phải nổ súng, Trung úy Calley thực sự đang ra lệnh cho họ bắn dân làng.
Meadlo vâng lời, trong khi Conti quan sát quanh những lùm cây, canh chừng nguy hiểm. Sau khi bắn được ba phát đạn, Meadlo òa lên khóc mà nói với Conti: “Nếu họ phải bị giết, tôi không thể là kẻ làm được việc ấy. Hãy để anh ta làm đi.”
Tiếp tục tiến vào Mỹ Lai, Trung úy Calley, cùng với Binh nhì Conti, Binh nhì Meadlo và Hạ sĩ Ronald Grzesik, đến một mương thoát nước nơi các thành viên khác của đại đội đang canh giữ khoảng 50 dân làng, bao gồm cả phụ nữ, trẻ nhỏ và một nhà sư. Khi nhà sư không thể trả lời câu hỏi của Calley Việt Cộng đã đi đâu, ông bị đẩy xuống mương và bị Calley bắn chết. Sau khi những người lính khác mang thêm người Việt đến mương, Calley tiếp tục ra lệnh cho người của mình bắn họ.
Thảm sát cuối cùng kết thúc khi một phi đoàn do Chuẩn úy Hugh Thompson chỉ huy đến can thiệp. Tức giận vì những vụ giết người mà ông quan sát được từ chiếc trực thăng trinh sát của mình, Thompson đã cho hạ cánh khi thấy những người lính di chuyển về phía một nhóm dân làng đang trốn trong hầm ngầm. Khi rời khỏi trực thăng, Thompson nhờ tay súng Lawrence Colburn yểm trợ mình và cho ông này quyền bắn vào thành viên Đại đội Charlie nếu họ nổ súng vào những người Việt Nam trong hầm.
Sau khi đối chất với Calley, người bảo Thompson rằng “đây không phải là việc của anh”, Thompson đã thuyết phục các phi công trên những chiếc trực thăng khác hạ cánh và sơ tán dân thường. Các cuộc gọi vô tuyến của ông cuối cùng đã thu hút sự chú ý của Trung tá Frank Barker, người đã ra lệnh cho Đại úy Medina phải ngừng ngay việc giết chóc.
Thất bại của lãnh đạo vẫn tiếp tục sau khi vụ nổ súng dừng lại. Khi Hugh Thompson báo cáo về lượng tử vong dân sự rất lớn xảy ra tại Mỹ Lai, chỉ huy của ông, Thiếu tá Fred Watke, đã hạ thấp con số trong báo cáo, bởi niềm tin rằng phi công này không đủ kinh nghiệm để biết được thường dân Việt Nam đã thiệt mạng như thế nào. Khi nộp báo cáo về cho trợ lý chỉ huy sư đoàn, Chuẩn tướng George Young, Watke nói rằng chỉ có 25 người không liên quan đã thiệt mạng, và tập trung nhiều hơn vào cuộc chạm trán giữa Thompson và Calley. Chính việc này cho phép Trung tá Barker sau đó tuyên bố rằng không có bằng chứng nào hỗ trợ cho lời khai của Thompson, và cho rằng thường dân bị chết thực ra là vì kẹt giữa hai làn đạn.
Đại úy Medina bắt đầu che đậy bằng cách đưa ra tuyên bố giả mạo rằng ngôi làng thực sự có đầy Việt Cộng khi cuộc tấn công bắt đầu, nhưng tất cả họ đã bỏ trốn, thế nên chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em. Khi được hỏi về sự chênh lệch giữa số thương vong cao nhưng lượng vũ khí thu được lại quá thấp (Đại đội Charlie chỉ tìm thấy ba khẩu súng trường M1 Garand cũ), Đại úy Medina liền nói dối chỉ huy sư đoàn, Tướng Koster, rằng pháo binh đã giết chết khoảng 20 đến 28 thường dân.
Báo cáo sai lệch của Medina cho Tướng Koster đã khởi đầu cho nỗ lực mà Trung tá Barker và chỉ huy lữ đoàn, Trung tá Oran Henderson, khởi xướng nhằm che giấu vụ thảm sát.
Tham vọng của các sĩ quan cấp cao trong Sư đoàn Bộ binh 23 đã góp phần khiến vụ thảm sát bị giấu kín trước cơ quan điều tra. Tướng Koster xem vị trí chỉ huy của mình chỉ là điểm dừng tạm thời trên con đường binh nghiệp – chỉ huy một sư đoàn tác chiến chỉ là một ô kinh nghiệm phải đánh dấu trong lý lịch. Sĩ quan phụ trách công vụ sư đoàn, Trung tá Charles Anistranski, nhớ lại việc Tướng Koster đã rất tức giận sau vụ Mỹ Lai bởi số lượng chính thức là 128 lính Việt Cộng bị giết, nhưng chỉ có ba khẩu súng được thu giữ, đã đánh giá khả năng lãnh đạo của Koster là yếu kém.
Trong khi Tướng Koster hiếm khi tương tác với cấp dưới của mình, ông ta lại thường xuyên nhắc nhở họ tuân theo các quy tắc giao chiến, và luôn đánh đồng số lượng vũ khí thu được với số lượng kẻ thù bị giết. Mặc dù ông nói với cấp dưới rằng họ không thể đơn giản bắn chết toàn bộ dân của một ngôi làng để tăng số lượng thương vong(của kẻ thù), Tướng Koster cũng không yêu cầu phải biết chính xác số lượng người chết tại Mỹ Lai.
Khi trợ lý chỉ huy sư đoàn, George Young, thông báo cho Tướng Koster về cáo buộc của Hugh Thompson rằng những người dưới quyền Medina đã giết thường dân tại Mỹ Lai, cả hai đều tập trung vào cuộc đối đầu của vị phi công với Trung úy Calley. Khi tập trung vào cuộc cải vã giữa Thompson và Calley, Tướng Young và Tướng Koster đã bỏ qua các chỉ thị của Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam rằng các cáo buộc về tội ác chiến tranh cần phải được chuyển đến các nhân viên đánh giá tại Sài Gòn.
Khát vọng sự nghiệp cũng là một động lực của Trung tá Barker, người chưa bao giờ có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu trên chiến trường. Hiểu rằng kinh nghiệm chỉ huy tiểu đoàn là cần thiết để giúp bản thân thăng lên cấp đại tá, ông ta nhận thấy chiến dịch hiện tại, trong đó cuộc tấn công vào Mỹ Lai chỉ là một phần, là cơ hội tốt nhất của mình. Muốn ghi điểm nhờ thành công chống lại Việt Cộng, ông ta thúc giục Đại đội Charlie phải mạnh tay trong cuộc tấn công vào Mỹ Lai để rồi sau đó thừa nhận rằng những lời hô hào của mình có thể đã góp phần vào suy nghĩ sai lầm rằng lính của Medina nên giết tất cả mọi người trong làng.
Dù nhấn mạnh việc cần phải quyết liệt trong đợt tấn công ấy, cả Trung tá Barker và Đại úy Medina đều khônghướng dẫn cách đối xử với thường dân. Khi được phân công điều tra hành động của thuộc cấp, Trung tá Barker đã viết một bản báo cáo hời hợt nhằm xoá tội cho những hành động sai trái của Đại đội Charlie.
Sự kiện Mỹ Lai cuối cùng đã được công khai một năm sau đó. Một số sĩ quan đã bị đưa ra xét xử vào năm 1971, nhưng chỉ có duy nhất Trung úy Calley bị kết án. Anh ta được ra tù vào năm 1974.
Christopher J. Levesque là giảng viên tại Đại học Pensacola.
———
[1] Nguyên văn “take care of them.” Hiểu theo nghĩa thường, take care là chăm sóc/bảo vệ người khác, nhưng ở đây Calley đang ra lệnh xử tử dân làng.