Thế giới hôm nay: 20/08/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một ủy ban thượng viện đã trình bày chi tiết các liên hệ sâu rộng giữa chiến dịch tranh cử của Donald TrumpNga hồi năm 2016. Konstantin Kilimnik, một mối quan hệ lâu năm của Paul Manafort, giám đốc chiến dịch, được xác định rõ là một điệp viên Nga, và báo cáo cũng lưu ý ông ta có thể đã tham gia vào một vụ hack Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ. Ủy ban Tình báo Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã đi sâu hơn cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt, mà ông Trump từng bác bỏ là “cuộc săn phù thủy”.

Đạt mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD chỉ hơn hai năm trước, giờ đây Apple lại đạt mức 2 nghìn tỷ USD. Đây là công ty Mỹ đầu tiên có được thành tích cao như vậy. Việc định giá này phản ánh thành công của công ty trong việc tăng cường tập trung vào các thiết bị ngoài điện thoại thông minh, như đồng hồ thông minh và tai nghe không dây.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ra lệnh cho cảnh sát dập tắt các cuộc biểu tình liên quan đến cuộc bầu cử gần đây, nói rằng “không nên còn bất kỳ hình thức mất trật tự nào ở Minsk nữa”. Ông cũng thắt chặt kiểm soát biên giới vì lo ngại những kẻ kích động từ nước ngoài. Ông Lukashenko tuyên bố thắng khoảng 80% số phiếu bầu. Trong khi đó, các lãnh đạo EU nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nước này.

Johnson & Johnson đã đồng ý mua Momenta, một công ty công nghệ sinh học, với giá 6,5 tỷ đô la bằng tiền mặt, khiến giá cổ phiếu của Momenta tăng lên. Gã khổng lồ dược phẩm đặt mục tiêu củng cố mảng dược phẩm của mình với hệ thống thuốc tiềm năng của Momenta, đặc biệt là những loại thuốc điều trị rối loạn tự miễn dịch.

Hy Lạp áp đặt các hạn chế lên đảo Mykonos, một điểm nóng tiệc tùng của khách du lịch, cùng với vùng ven biển Chalkidiki, nhằm kiểm soát covid-19. Các bữa tiệc sẽ bị cấm, với tất cả các cuộc tụ họp bị giới hạn từ chín người trở xuống, trong khi ăn uống tại nhà hàng bị giới hạn chỉ bốn người (hoặc sáu nếu là gia đình). Nước này ghi nhận số ca nhiễm covid-19 trong ngày lớn nhất  từ trước đến nay, 269 ca, hôm thứ Ba.

Những sĩ quan lật đổ tổng thống Mali hứa sẽ giám sát các cuộc bầu cử trong khung thời gian “hợp lý”. Hôm thứ Ba, Ibrahim Boubacar Keita đã bị buộc phải từ chức sau khi bị bắt bởi những binh sĩ nổi dậy. Hôm nay, các lãnh đạo Tây Phi sẽ gặp nhau để thảo luận về cuộc đảo chính; họ lo ngại bất ổn chính trị có thể bị lợi dụng bởi các phần tử nổi dậy Hồi giáo, những kẻ đã gây ra các vụ tấn công bạo lực trong khu vực.

Cháy rừng, bùng phát do sét đánh và bị làm trầm trọng hơn bởi gió khô, đã xé toạc một khu vực rộng lớn ở phía bắc California, khiến một số khu vực lân cận phải  sơ tán. Các quan chức cứu hỏa đã yêu cầu hơn 375 xe chữa cháy từ các bang khác. Trong khi đó, ở Colorado nơi đang bị hạn hán, một đám cháy rừng đã lan rộng lên trên 125.000 mẫu Anh, đám cháy lớn thứ hai mà bang này từng chứng kiến.

TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng Iraq thăm Mỹ

Hôm nay, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Nhà Trắng, một điều hiếm có kể từ khi covid-19 khiến các hoạt động ngoại giao phải chuyển sang trực tuyến. Người tiền nhiệm của ông, Adel Abdul-Mahdi, không bao giờ có cơ hội làm vậy vì bị coi là quá thân Iran. Ông Kadhimi, người đã đến thăm Iran hồi tháng trước, muốn giữ chân cả hai cường quốc, cam kết kiềm chế các lực lượng dân quân hùng mạnh (thân Iran) đã tấn công các căn cứ của Mỹ.

Khi ở Washington, ông hy vọng sẽ thảo luận về các thỏa thuận thương mại và năng lượng rất cần thiết. Giá dầu thấp đã làm tê liệt chính phủ Iraq, vì nước này tạo ra tới 90% doanh thu từ vàng đen. Với khả năng vay mượn hạn chế, họ có thể phải in tiền, cắt giảm chi tiêu và đốt dự trữ ngoại hối chỉ để trả các hóa đơn. Trong khi đó ở quê nhà, ông Kadhimi đang chịu áp lực. Nhiều người Iraq cảm thấy ngột ngạt với những ngày nóng 50 độ nhưng bị cắt điện kéo dài đến 8 giờ. Và số ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt. Một cuộc gặp với Donald Trump gần như có thể là một dịp cho ông xả hơi.

Lãnh đạo Pháp – Đức gặp nhau ở Địa Trung Hải

Angela Merkel hôm nay tới Riviera của Pháp với tư cách là khách mời của Emmanuel Macron. Những lời mời như vậy rất hiếm. Thủ tướng Đức gần đây nhất đến thăm Pháo đài de Brégançon, nơi nghỉ dưỡng chính thức của tổng thống Pháp, là Helmut Kohl, theo lời mời của François Mitterrand cách đây 35 năm. Nhưng thành công gần đây của ông Macron và bà Merkel trong việc tạo ra một quỹ phục hồi được tài trợ bởi trái phiếu chung trên toàn EU đã củng cố mối quan hệ giữa hai bên.

Điều đó không có nghĩa là họ đồng ý với nhau về mọi thứ, bao gồm cả các cuộc khủng hoảng ở Lebanon và Libya. Đặc biệt gây tranh cãi là câu hỏi làm thế nào để đối phó với sự hung hăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông Địa Trung Hải. Bà Merkel ủng hộ đối thoại, trong khi ông Macron đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Hy Lạp và Cyprus bằng cách tạm thời củng cố sự hiện diện quân sự của Pháp trong khu vực. Mặt biển lấp lánh ở Địa Trung Hải sẽ mang lại bối cảnh yên tĩnh khó cưỡng khi họ thảo luận về một vùng biển rắc rối khác trong khu vực.

Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ vừa làm chính sách vừa lấy lòng Erdogan

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ sẽ họp hôm nay, và có một tin thú vị: tăng lãi suất vay nhưng lại làm như không phải vậy. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phản đối lãi suất cao, cho rằng chúng gây ra lạm phát. Kinh nghiệm trong quá khứ, và hầu hết các nhà kinh tế học, đều tin vào điều  ngược lại. Ngân hàng đã dành một năm để chiều lòng ông Erdogan, cắt giảm lãi suất 15,75%,  đồng thời đốt hàng chục tỷ đô la dự trữ để ngăn đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá.

Nhưng giờ đây dự trữ đã cạn kiệt, đồng lira xuống mức thấp mới và lạm phát ở mức hai con số. Để tránh cơn thịnh nộ của ông Erdogan, ngân hàng gần đây tìm cách thắt chặt qua cửa sau, chỉ đạo các ngân hàng địa phương vay từ ngân hàng này để đảm bảo thanh khoản cuối ngày ở mức lãi suất 11,25%, cao hơn ba phần trăm so với lãi suất chính sách. Các nhà đầu tư nước ngoài không mấy ấn tượng. Đồng lira vẫn yếu. Việc tăng lãi suất sẽ giảm bớt một phần áp lực. Việc  giảm lãi suất (điều ông Erdogan muốn) có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới.

Phiên tòa xử chính trị gia đối lập Ethiopia

Lãnh đạo đối lập nổi bật nhất và gây tranh cãi nhất của Ethiopia, Jawar Mohammed, hôm nay sẽ ra hầu tòa. Ông bị cáo buộc kích động các cuộc biểu tình  và bạo lực lan rộng sau vụ sát hại ca sĩ và nhà hoạt động nổi tiếng người Oromo vào ngày 29 tháng 6, dẫn đến cái chết của hơn 200 người. Ông Jawar, cũng là người Oromo, nhóm dân tộc lớn nhất Ethiopia, là một trong số hơn 9.000 người bị bắt, bao gồm một số chính trị gia đối lập.

Cuộc điều tra sơ bộ hôm nay đã bị trì hoãn nhiều lần theo yêu cầu của cảnh sát, những người nói rằng họ vẫn đang thu thập bằng chứng. Ông Jawar bị giam giữ không tội danh kể từ 30 tháng 6. Ông đã phủ nhận mọi liên quan và nói đang bị ốm. Chính phủ phủ nhận. Đối với nhiều người Ethiopia, Jawar là một kẻ kích động nguy hiểm. Nhưng phiên tòa là một bài kiểm tra các tiêu chuẩn cải cách của thủ tướng Abiy Ahmed, người đã cam kết một nền tư pháp độc lập.

Anh và EU tranh cãi vấn đề vùng đánh bắt cá

Khi Anh và EU nối lại các cuộc đàm phán hậu Brexit trong tuần này, vấn đề nghề cá vẫn là một mảng tranh chấp có khả năng bị mắc kẹt. Chính sách đánh cá chung đảm bảo cho ngư dân EU quyền tiếp cận vùng biển đánh cá của Anh. EU muốn duy trì quyền tiếp cận đó sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31 tháng 12, nhấn mạnh rằng không thể có thỏa thuận thương mại nếu không có thỏa thuận về cá.

Điều này thật khó nuốt đối với những người ủng hộ Brexit – giành lại quyền kiểm soát nghề cá là một trong những động cơ chính để rời khỏi liên minh. Anh muốn quyết định việc tiếp cận các vùng biển của mình trên tư cách một quốc gia có chủ quyền. Đánh bắt cá là một ngành công nghiệp nhỏ  – chưa đến 0,1% GDP của Anh và chỉ 12.000 việc làm – vì vậy, một thỏa hiệp theo đó hạn ngạch đánh bắt của Anh tăng lên nhưng ngư dân EU vẫn được tiếp cận xem ra khả dĩ. Nhưng chính trị giữa đôi bên khiến việc tìm kiếm thỏa hiệp trở nên khó khăn. Xem ra sẽ phải đợi đến những ngày cuối cùng của cuộc đàm phán vào mùa thu.