Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Tác giả: Đinh Lê Hồng Giang

Quan hệ Việt-Nga hiện nay đang có những bước phát triển tích cực với việc thiết lập mô hình đối tác chiến lược toàn diện và thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Trong nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa liên kết kinh tế và thương mại song phương, lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu cuối năm 2020 phải đưa kim ngạch thương mại Việt-Nga đạt 10 tỷ USD. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến cho mục tiêu này khó có thể trở thành hiện thực.

Tác động của đại dịch Covid-19

Đại dịch coronavirus bùng phát tại Vũ Hán của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2019 và đã nhanh chóng lây lan ra mọi châu lục, tạo nên một khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Liên hợp quốc đã cảnh báo: “Đại dịch không chỉ gây ra khủng hoảng y tế mà trọng tâm hơn là những ảnh hưởng sâu sắc về kinh tế và xã hội. Mặc dù mức độ tác động của đại dịch sẽ khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng nó có thể làm gia tăng sự nghèo đói và bất bình đẳng ở quy mô toàn cầu, khiến cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững càng trở nên cấp bách hơn. Nếu không có những phản ứng nhanh về kinh tế-xã hội, nỗi thống khổ toàn cầu sẽ leo thang, đe doạ đến tính mạng và sinh kế của nhân loại trong nhiều năm tới”.

Nước Nga chỉ mới dần ổn định sau những căng thẳng do khủng hoảng Ukraine, gần đây lại phải đối đầu với những cú sốc kinh tế gây ra bởi chiến tranh giá dầu và giờ là đại dịch SARS-CoV-2. Đồng rúp mất giá, tỉ lệ thất nghiệp tăng, mức sống và các điều kiện xã hội của người dân Nga đang ngày càng xấu đi; trong khi thu nhập ngân sách của chính quyền liên bang sẽ tiếp tục giảm. Điều này có nghĩa là, lãnh đạo điện Kremlin sẽ gặp khó khăn về tài chính nhằm xoa dịu những hậu quả của đại dịch ở trong nước cũng như thúc đẩy các dự án phục vụ chính sách đối ngoại của quốc gia.

Việt Nam được các truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia chống dịch hiệu quả nhất, song cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội. Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng GPD của Việt Nam sẽ chỉ ở mức 3-4%, nghĩa là thấp kỷ lục trong hơn hai thập niên qua. Việt Nam rất có thể sẽ rơi vào “bẫy kinh tế do Covid-19” vì hai động lực tăng trưởng truyền thống là nhu cầu nước ngoài và tiêu dùng tư nhân đều đang giảm mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương Việt-Nga trong bốn tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 1,4 tỉ USD, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì Hà Nội và Moskva khó có thể hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 10 tỷ USD vào cuối năm 2020. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế yếu đã làm giảm đi chất lượng của mô hình hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga.

Sự suy giảm của nền kinh tế dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu quốc phòng của Việt Nam trong khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga. Theo Sách trắng của Bộ quốc phòng, năm 2018, Hà Nội đã chi khoảng 2,36% GDP cho quốc phòng, tương đương với 5,8 tỷ USD.

Kể từ năm 2012, Nga thuộc danh sách 10 thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam với các mức tăng trưởng ổn định. Chỉ riêng trong quý I năm 2020, đã có khoảng 120 ngàn lượt khách Nga đến thăm Việt Nam. Lệnh cấm nhập cảnh tạm thời và gián đoạn đường bay quốc tế Việt-Nga từ cuối tháng 3 đã khiến ngành công nghiệp du lịch chịu nhiều thiệt hại.

Tuy vậy, đại dịch cũng mang lại một số lợi ích. Thứ nhất, Việt Nam và Nga khẳng định được mô hình quản lý nhà nước của mình, sự hợp tác giữa người dân và chính quyền trong cuộc chiến chống Covid-19 là hiệu quả hơn so với các nước theo mô hình dân chủ phương Tây. Thứ hai, việc theo “chủ nghĩa biệt lập” và bận rộn với khủng hoảng xã hội trong nước của chính quyền Mỹ sẽ tạo cơ hội cho Nga khoả lấp các khoảng trống quyền lực ở các khu vực chiến lược như Trung Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi và Trung Đông. Thứ ba, Covid-19 góp phần đẩy nhanh mức độ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Hợp tác đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống mới

Việt Nam và Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012, theo đó họ xem nhau như những ưu tiên chính trị hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác chính trị hai nước là đấu tranh tập thể chống lại những nguy cơ và thách thức an ninh mới, nhằm đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định và phát triển bền vững.

Kể từ thời điểm virus corona bùng phát như một thách thức an ninh phi truyền thống đối với cả Việt Nam lẫn Nga, hai bên đã nhanh chóng hợp tác để đối phó dịch bệnh. Ngày 21/4/2020, trong buổi điện đàm với thủ tướng Nga, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ và sát cánh cùng Liên bang Nga trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Chính phủ Việt Nam đã tặng Nga khoảng 150.000 khẩu trang y tế ngay khi dịch bệnh bắt đầu lan nhanh ở nước này. Về phần mình, Nga đã cung cấp cho Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga một phòng thí nghiệm lưu động có khả năng xét nghiệm virus cũng như hỗ trợ thuốc điều trị chúng. Khi đường bay quốc tế Việt-Nga bị gián đoạn, chính quyền hai nước đã có những điều chỉnh chính sách đối với các công dân đã hết hạn thị thực, đồng thời tạo điều kiện để các bên tổ chức các chuyến bay nhân đạo đưa công dân của mình về nước.

Sự hợp tác Việt-Nga không chỉ ở mức độ song phương mà còn thể hiện rõ ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Trong năm 2020, Việt Nam vừa đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN, vừa là Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, do vậy đối thoại Việt-Nga sẽ được tăng cường. Ngày 7/7/2020 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+), trong đó có sự tham gia của Nga đã xác định: “Đại dịch Covid-19 là thách thức an ninh phi truyền thống vô cùng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội trên toàn thế giới; cho rằng không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được, mà phải có sự chung tay của các quốc gia”. Trước đó, ngày 17/6/2020, dưới sự chủ trì của bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, ngoại trưởng các nước ASEAN và Liên bang Nga tổ chức hội nghị trực tuyến đặc biệt về đại dịch Covid-19. Kết quả là, các bên đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng trong đại dịch, trao đổi các thông tin dịch tễ, mô hình dự báo, hướng dẫn các giải pháp phòng ngừa và ứng phó với coronavirus. Liên bang Nga quyết định sẽ hỗ trợ các nước Đông Nam Á thông qua Quỹ tài chính đối tác đối thoại ASEAN-Nga, phối hợp y tế với các nước này để sớm tìm ra vaccine và thuốc điều trị.

Quan hệ Nga-Việt trong thế giới hậu đại dịch

Hiện chưa biết chắc chắn khi nào có thể kết thúc đại dịch Covid-19 và điều gì đang chờ đợi thế giới sau đó. Việc hình thành một trật tự quốc tế mới sau đại dịch còn là một vấn đề mở vì thực tế các tác động của đại dịch dù nặng hơn rất nhiều so với khủng hoảng tài chính 2008-2009 song chưa đủ sức làm sụp đổ trật tự cũ, các quốc gia có thể nhanh chóng vượt qua được khó khăn để tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Tuy nhiên, như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger dự đoán: “Sau đại dịch, thế giới sẽ không bao giờ như cũ”.

Xu hướng ngày càng rõ ràng trong quan hệ quốc tế: Liên hợp quốc ngày càng suy yếu (WHO đã thất bại trong việc ngăn chặn đại dịch bùng phát toàn cầu), trong khi sự cạnh tranh chiến lược của các đại cường quốc ngày càng tăng lên, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Sức mạnh siêu cường của Mỹ suy giảm không chỉ trên quy mô toàn cầu mà ngay cả cấp độ quốc gia khi nước này đang không thể điều chỉnh tình trạng khủng hoảng xã hội nội địa. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D. Trump, Washington đã tạo ra những khoảng trống quyền lực ở nhiều khu vực quan trọng và làm yếu đi các thể chế quốc tế trong trật tự thế giới tự do. Còn Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã kiểm soát được đại dịch, bắt đầu phục hồi nền sản xuất từ cuối tháng 3, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng một cấu trúc an ninh toàn cầu mới do nước này lãnh đạo. Chiến dịch “Ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc được thực hiện ở Tây Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi, thậm chí cả Trung Đông và Đông Âu.

  1. Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng các nước đang đứng trước thách thức từ việc hình thành hệ thống trật tự hai cực mới. Mặc dù sự đối đầu giữa Washington với Bắc Kinh sẽ khác so với Moskva thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn đến quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia.

Một trật tự lưỡng cực lại không phải là điều mà cả Việt Nam lẫn Nga mong muốn. Trong Tuyên bố chung về đối tác chiến lược toàn diện, hai bên đã thống nhất xây dựng một trật tự thế giới đa cực, ổn định và công bằng hơn. Tầm nhìn chung vào các nhiệm vụ mà Hà Nội và Moskva cần đặt ra cho mình trong bối cảnh tăng cường sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh ở khu vực hiện nay là duy trì sự cân bằng để không biến mình thành một bên trong thế lưỡng cực.

Tuy nhiên, để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, cả Việt Nam và Nga đều có những chiến lược riêng. Sự ngưng trệ giao thương không tạo ra những rủi ro nghiêm trọng cho cả hai vì Nga không phải là bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam và tỉ trọng thương mại của Việt Nam trong nền kinh tế Nga là rất nhỏ. Các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ và các nước EU, do vậy mà Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các hoạt động trao đổi thương mại với các nước này. Tháng 5/2020, quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) – thoả thuận được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 2,18-3,25% trong năm năm tới.

Về phần mình, nước Nga, theo các nhà phân tích A. Gabuev và T. Umarov, có thể sẽ càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Kể từ khi Nga thực hiện chính sách hướng Đông, tỉ trọng xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong nền kinh tế Nga không ngừng tăng lên, từ 10,5% (88,8 tỷ USD) năm 2013 đến 16,6% (110,9 tỷ USD) năm 2019. Sự sụt giảm nhu cầu dầu và khí đốt, cấm vận kinh tế và giờ là khủng hoảng bởi đại dịch sẽ khiến cho thương mại với các thị trường châu Âu truyền thống của Nga suy giảm. Trong khi đó, Trung Quốc lại là nước lớn duy nhất có nền kinh tế đang dần phục hồi, do vậy nhu cầu năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng. Ngay từ tháng 3, Trung Quốc đã mua của Nga đến 1,6 triệu tấn dầu. Trong tầm trung, Moskva không có lựa chọn nào khác ngoài tiến gần hơn tới Bắc Kinh. Nhưng nếu sự gần gũi này diễn ra quá nhanh chóng thì rất dễ làm tăng sự ngờ vực lẫn nhau cũng như các vấn đề liên quan từ quần chúng hay giới tinh hoa hai nước.

Sự bất cân xứng ngày càng tăng về tiềm năng với Trung Quốc buộc Nga phải tìm cách để giảm thiểu sự lệ thuộc của mình, nếu không sẽ trở thành “đối tác đàn em” của họ. Ngoài ra, việc hình thành một trật tự lưỡng cực sẽ đem đến nhiều rủi ro mang tính hệ thống cho nước Nga khi khả năng hợp tác của Nga với các đối thủ thực sự hoặc tiềm năng của Trung Quốc (như Ấn Độ, Việt Nam hay Nhật Bản) sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Vấn đề biển Đông với Trung Quốc luôn là thách thức chính trị lớn nhất của Việt Nam. Các phương tiện truyền thông Việt Nam sau các sự kiện gồm tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam cũng như việc Trung Quốc thành lập các cơ quan hành chính quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng dịch bệnh để hiện thực hoá các yêu sách chủ quyền của mình trên biển Đông khi các bên liên quan sẽ phản ứng yếu ớt trong bối cảnh bận đối phó với đại dịch khởi nguồn từ nước này.

Hoa Kỳ đã chuyển đổi quan điểm trung lập thành quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, khẳng định những yêu sách ở biển Đông cũng như các hành động bắt nạt các nước láng giềng của Bắc Kinh là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Đồng thời, Mỹ cũng hỗ trợ quân sự để các nước Đông Nam Á để đối phó với Trung Quốc. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam-Mỹ đang có những phát triển vượt bậc, yếu tố Trung Quốc đã tạo động lực để hai nước trở nên gần gũi với nhau hơn. Trong ba năm kể từ thời điểm Mỹ dỡ bỏ cấm vận buôn bán vũ khí với Việt Nam năm 2016, thông qua chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) trong khuôn khổ Sáng kiến an ninh hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương và Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á, Washington đã hỗ trợ 150 triệu USD cho Hà Nội, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực huấn luyện đào tạo máy bay tuần tra biển, hệ thống may bay không người lái, radar duyên hải. Trước những hành động trong đại dịch của Trung Quốc ở biển Đông, Lầu Năm góc quyết định sẽ sớm chuyển giao thêm hai tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton cho cảnh sát biển Việt Nam.

Về phần mình, Moskva vẫn giữ thái độ trung lập trong vấn đề biển Đông, cố gắng duy trì sự hợp tác của mình với cả Bắc Kinh và Hà Nội, không muốn căng thẳng leo thang giữa các đồng minh của mình ở khu vực. Nga có thể đóng vai trò trung gian nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong việc giải quyết xung đột. Trước đó, việc Nga tham gia tổ chức tập trận chung với Trung Quốc ở biển Đông vào năm 2016 đã khiến Việt Nam có cái nhìn thiếu tích cực, dẫn tới quyết định huỷ việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận-1 trị giá hơn 8 tỷ USD, vốn được kỳ vọng là biểu tượng cho sự hợp tác Việt-Nga trong thời đại mới.[1] Do vậy, việc Nga trở nên quá gần gũi với Trung Quốc sẽ khiến cho quan hệ với Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tương lai. Còn Việt Nam dù đang cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ, song việc hình thành liên minh quân sự là điều khó có thể xảy ra do hai bên thiếu niềm tin chiến lược. Moskva vẫn sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội trong hợp tác chính trị-quốc phòng.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt-Nga. Liên kết yếu kém về mặt kinh tế không chỉ chưa xứng tầm với tiềm năng hợp tác mà còn làm giảm đi giá trị của đối tác chiến lược toàn diện đang được xây dựng giữa hai nước. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EAEU đi vào hiệu lực tháng 10/2016, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa các bên tham gia đã tăng đáng kể, trung bình khoảng gần 30%/ năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt-Nga, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Nga, đã đạt tới 6,1 tỷ USD vào năm 2018, cao nhất trong ba thập niên qua. Tuy nhiên, con số này sau đó đã giảm xuống chỉ còn 4,9 tỷ USD, nguyên nhân chính là do dự sự suy giảm liên tiếp các chỉ số quan trọng trong xuất khẩu của nước Nga.

Trong bối cảnh nước Nga cần phải hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ và châu Âu đang chưa thể hồi phục do đại dịch thì Moskva và Hà Nội có thể tính đến khả năng đẩy mạnh khai thác thị trường của nhau. Với dân số trên 180 triệu người, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho Việt Nam, có thể trở thành địa điểm xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, dệt may, giày dép; trong khi Nga có thể xuất khẩu sang Việt Nam các thiết bị máy móc, hoá chất, các sản phẩm công nghệ cao và năng lượng. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Nga có thể thâm nhập vào thị trường khu vực các nước ASEAN, tiến tới xây dựng Khu vực mậu dịch tự do EAEU-ASEAN và xa hơn là hình thành “Đối tác Đại Á-Âu”.

Kết luận

Đại dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng đáng kể tới Việt Nam và Liên bang Nga, song về cơ bản, nó không làm thay đổi cấu trúc hay các xu hướng hợp tác trong quan hệ Nga-Việt. Sự hợp tác quốc tế hiệu quả trong việc đẩy lùi dịch bệnh như một thách thức an ninh phi truyền thống mới đã khẳng định hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Mặc dù có những tác động tiêu cực nhưng cả hai nước sẽ nhanh chóng vượt qua để phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Thế giới sau đại dịch sẽ có nhiều biến động, đặc biệt bởi sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, đặt các nước trước thách thức của việc có thể sẽ hình thành hệ thống an ninh lưỡng cực mới. Quan hệ tứ giác Việt Nam-Nga-Mỹ-Trung vốn rất phức tạp, cả Hà Nội lẫn Moskva vẫn sẽ cố gắng duy trì thế cân bằng trong mối quan hệ với cả Washington và Bắc Kinh. Tuy vậy, cả hai bên cần đẩy mạnh hợp tác không chỉ về mặt chính trị, an ninh-quốc phòng mà còn các lĩnh vực khác, đặc biệt là thương mại song phương, tạo điều kiện để phục hồi nền kinh tế quốc gia sau đại dịch cũng như cải thiện chất lượng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Tác giả Đinh Lê Hồng Giang hiện là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Sevastopol, Liên bang Nga.

—————

[1] Е. Канаев. Всеобъемлющее стратегическое партнерство РФ и Социалистической Республики Вьетнам: взгляд из России [E. Kanaev. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt: góc nhìn từ phía Nga] // Россия и АТР. 2019. №1. С. 154-164.