Đảng Dân chủ không nên xem thường khả năng đắc cử của Trump

Nguồn: Gideon Rachman, “Democrats cannot rule out Trump victory”, Financial Times, 24/08/2020.

Biên dịch: Trần Hùng

Có một nỗi lo sợ ngấm ngầm tại đại hội đảng Dân chủ tuần trước. Nhưng sự lo lắng đang ám ảnh đảng này không phải là việc tổng thống đương nhiệm của Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ thực sự giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thay vào đó, nỗi sợ chủ yếu nằm ở chỗ vị tổng thống có thể “đánh cắp” nó – bằng cách phá hoại cuộc bỏ phiếu hoặc từ chối thừa nhận thất bại. Diễn viên hài Sarah Cooper đã tóm tắt quan điểm phổ biến này khi nói “Donald Trump biết rằng ông ta không thể thắng được một cách công bằng và chính trực.”

Nói cho rạch ròi thì tổng thống Trump đã từ chối cam kết chấp nhận kết quả bầu cử. Nhưng, bằng cách tập trung vào nguy cơ của một cuộc bỏ phiếu bị đánh cắp, đảng Dân chủ có nguy cơ đánh giá thấp một rủi ro thông thường hơn – rằng Trump có thể giành chiến thắng mà không cần gian lận.

Đúng là các cuộc thăm dò cho thấy Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ, vượt xa Trump trong nhiều tháng nay. Những người lập luận rằng các cuộc thăm dò cũng từng dự đoán chiến thắng cho bà Hillary Clinton vào năm 2016 nên lưu ý rằng tỷ lệ dẫn trước trung bình hiện tại của Biden là khoảng 9 điểm phần trăm, lớn hơn nhiều so với tỷ lệ của bà Clinton.

Nhưng những lợi thế dẫn đầu như của Biden hiện tại cũng từng bị vượt qua trước đây. Năm 1988, ứng viên Dân chủ Michael Dukakis đã dẫn trước 17 điểm sau đại hội của đảng nhưng vẫn thua vào tháng 11. Về mặt cơ cấu, hệ thống cử tri đoàn cũng có lợi cho đảng Cộng hòa, có nghĩa là Biden có thể cần phải dẫn trước bốn điểm trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc mới chắc chắn giành chiến thắng.

Các thị trường cá cược chắc chắn là không xem thường khả năng Trump chiến thắng. Tỷ lệ cược gần đây đã đặt cơ hội tái đắc cử của tổng thống vào khoảng từ 36 đến 43%.

Ngay cả một số cuộc thăm dò miêu tả Biden đang dẫn đầu cũng chứa các chi tiết cho thấy có thể có sự ủng hộ ngầm dành cho tổng thống. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào giữa tháng 8 cho thấy Biden dẫn trước 7 điểm. Nhưng khi các cử tri được hỏi họ nghĩ hàng xóm của họ đang ủng hộ ai, thì Trump lại dẫn trước 5 điểm. Điều này có thể gợi ý sự tồn tại của một nhóm những người ủng hộ Trump “nhút nhát”, những người không muốn thừa nhận với những người thăm dò ý kiến là họ thực sự ủng hộ ai. Một cuộc khảo sát khác, được thực hiện vào tháng 7, cho thấy 62% người Mỹ đồng ý rằng “không khí chính trị ngày nay khiến tôi khó nói ra những điều tôi tin tưởng”. Trong số các thành viên Đảng Cộng hòa, con số này là 77%.

Một cuộc thăm dò của Monmouth được thực hiện vào tháng 7 ở Pennsylvania – một bang chiến trường quan trọng – cho thấy Biden dẫn trước 13 điểm. Nhưng khi các cử tri được hỏi họ nghĩ ai sẽ giành chiến thắng tại bang này, họ đã chọn Trump với tỉ lệ sát sao 46-45. Và 57% trong số những người được hỏi tin rằng có những “cử tri bí mật” trong cộng đồng của họ, những người sẽ bỏ phiếu cho Trump.

Một số chính trị gia Dân chủ giàu kinh nghiệm ở các bang chiến trường tỏ ra lo lắng. Debbie Dingell, một nữ dân biểu Michigan, nói với tờ The Atlantic hồi tháng Bảy rằng cuộc thăm dò cho thấy Biden dẫn trước 16 điểm ở Michigan là “nhảm nhí”. Như Dingell đã chỉ ra, các cuộc thăm dò ở Michigan cũng dự đoán chiến thắng cho Clinton hồi năm 2016. Hồi đó, Trump đã thắng sít sao – lần đầu tiên một ứng viên Cộng hòa giànhđược bang này kể từ năm 1988.

Vị nữ dân biểu cũng chỉ ra số lượng các khẩu hiệu “Blue Lives Matter” (Sinh mạng cảnh sát cũng quan trọng) mà bà nhìn thấy ở quận của mình – bày tỏ sự ủng hộ của cử tri đối với cảnh sát chống lại phong trào “Black Lives Matter”. Bà tóm gọn quan ngại của mình về tình cảm của cử tri bằng cách trích dẫn một bài đăng lan truyền trên mạng xã hội phàn nàn rằng: “Tôi từng nghĩ rằng mình cũng chỉ là một người bình thường. Nhưng tôi sinh ra là người da trắng trong một gia đình có hai bố mẹ, nhưng giờ đây họ coi tôi là người có đặc quyền, phân biệt chủng tộc và phải chịu trách nhiệm về chế độ nô lệ ”.

Ngay cả việc trích dẫn những lời như vậy cũng có thể gây tranh cãi trong các cộng đồng Dân chủ – vì một số người ủng hộ có thể coi đó là sự xác tín và ủng hộ ngầm cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đảng Dân chủ ban đầu phản ứng trước thất bại hồi năm 2016 bằng quyết tâm đối phó với những khó khăn của tầng lớp lao động da trắng. Nhưng trọng tâm đó đã bị thay thế bởi sự phẫn nộ đối với hành vi của tổng thống – và sự tập trung quá mức vào bất công chủng tộc.

Điều đó có khả năng mang đến cho Trump một cơ hội. Chiến lược bầu cử của ông là nhằm khơi dậy sự tức giận và bất bình của cử tri da trắng. Ông sẽ hoan nghênh một cuộc bầu cử tập trung vào các vấn đề về chủng tộc.

Mặc dù vậy, Trump phải đối mặt với những trở ngại ghê gớm – nhiều trong số đó do chính ông tạo ra. Đại dịch coronavirus và tỷ lệ tử vong cao ở Mỹ đã bộc lộ một cách tàn nhẫn sự kém cỏi trong quản lý của ông. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề có lợi cho Đảng Dân chủ, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và nghỉ phép có lương. Trump muốn điều hành một nền kinh tế mạnh mẽ – nhưng Covid-19 đã ảnh hưởng tới điều đó. Các cựu trợ lý của Trump, chẳng hạn như cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, đã tố cáo ông. Steve Bannon, người điều hành chiến dịch tranh cử năm 2016 của tổng thống, vừa bị buộc tội gian lận. (Ông đã không nhận tội.)

Nhiều đảng viên Dân chủ vẫn không hiểu được tại sao người ta lại bỏ phiếu cho Trump – họ cho rằng đó phải là vì thái độ phân biệt chủng tộc hoặc cử tri có vấn đề về tâm thần. Nhưng chính việc không có khả năng đồng cảm hoặc thấu hiểu những người đang cân nhắc bỏ phiếu cho Trump mới là điểm yếu tiềm ẩn lớn nhất của Đảng Dân chủ. Chiến dịch tranh cử của Trump sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục các cử tri cốt lõi của mình rằng, theo cách nói của bà Clinton, họ vẫn là “những kẻ đáng thương” – một nhóm bị áp bức và bị khinh thường. Chiến lược khơi dậy sự phẫn nộ đó đã phát huy tác dụng trước đây. Nó mang lại cho Trump cơ hội chiến thắng lần thứ hai.