Thế giới hôm nay: 07/09/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ấn Độ ghi nhận hơn 90.000 ca nhiễm coronavirus mới trong ngày Chủ nhật, con số kỷ lục toàn cầu. Với tổng số 4,1 triệu ca, nước này đang trên đà vượt Brazil để trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai sau Mỹ. Tàu điện ngầm của Delhi sẽ khởi động lại từ hôm nay sau 5 tháng ngưng chạy. Trong khi đó, Melbourne, thủ phủ của bang Victoria, tâm dịch ở Úc, đã kéo dài thời hạn phong tỏa cho đến 28 tháng 9.

Hàng chục nghìn người Belarus đã xuống đường trong cuối tuần thứ tư liên tiếp để phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko, người đã gian lận trong cuộc bầu cử tháng trước để tiếp tục nắm quyền. Hôm thứ Bảy, cảnh sát bắt giữ 30 người ở thủ đô Minsk vì biểu tình bất hợp pháp. Trong khi đó tại Hồng Kông, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 290 người trong các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ trì hoãn bầu cử được lên lịch cho hôm qua.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh, David Frost, cho biết chính phủ không ngại rời khỏi đàm phán với EU mà không đạt được thỏa thuận thương mại. Trợ cấp nhà nước và quyền đánh bắt cá vẫn là những điểm mấu chốt ngăn cản một thỏa thuận trước khi giai đoạn chuyển tiếp của Anh kết thúc ngày 31 tháng 12. Pha nói thách của ông Frost đến trước thềm vòng đàm phán mới vào thứ Ba.

Một thỏa thuận giữa Nhà Trắng và Quốc hội sẽ chi ngân sách để chính phủ liên bang Mỹ hoạt động đến tháng 12, tránh tình trạng đóng cửa chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói dự kiến ​​sẽ có thông tin chi tiết về dự luật chi tiêu mới vào cuối tuần. Các cuộc đàm phán riêng rẽ về các biện pháp kích thích hơn nữa để bù đắp thiệt hại do đại dịch đang diễn ra, trong bối cảnh Thượng viện sẽ họp lại vào thứ Ba.

Một thẩm phán liên bang đã ra lệnh cho văn phòng điều tra dân số của Hoa Kỳ tạm dừng kế hoạch tổng kết sớm dữ liệu năm nay. Tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy văn phòng hoàn thành điều tra dân số vào tháng 9, bất chấp đại dịch gây khó khăn. Một liên minh các thành phố, quận và các nhóm dân quyền đang yêu cầu văn phòng làm việc cho đến cuối tháng 10 như dự định ban đầu, nhằm tránh tình trạng đếm sai người thiểu số.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas thúc giục Nga hợp tác điều tra vụ đầu độc Alexei Navalny, một chính trị gia đối lập người Nga. Ông Maas nói với một tờ báo rằng sự cố chấp của Nga gây nguy hiểm cho Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí đốt chung đang được xây dựng dưới Biển Baltic. Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận thông tin ông Navalny, người vẫn hôn mê trong bệnh viện ở Berlin, bị đầu độc.

Amazon đã cấm bán các loại hạt giống nước ngoài ở Mỹ sau khi hàng nghìn khách hàng nhận được các gói hàng không mong muốn, nhiều gói được gửi từ Trung Quốc. Sự việc được cho là một phần của trò lừa đảo do người bán thực hiện trên trang thương mại điện tử nhằm được nhận những đánh giá tích cực. Bộ Nông nghiệp cảnh báo không nên trồng những hạt giống có thể mang bệnh hoặc sâu bệnh.

TIÊU ĐIỂM

Taliban và chính phủ Afghanistan bắt đầu đàm phán

Sau nhiều năm ngoan cố và gặp nhiều trở ngại, sự kiện chính cuối cùng cũng có thể sắp bắt đầu. Tuần này, Taliban và các đặc phái viên của chính phủ Afghanistan sẽ gặp nhau tại Doha để tìm cách chấm dứt 40 năm đổ máu của Afghanistan. Thỏa thuận hồi tháng 2 giữa Mỹ và Taliban chỉ đề cập đến các vấn đề giữa họ, trong khi chính phủ Afghanistan của Ashraf Ghani bị ra rìa. Mỹ đồng ý rút quân và Taliban hứa sẽ từ bỏ quan hệ với những nhóm khủng bố như al-Qaeda.

Bất kỳ bước đột phá nào cũng cần họ phải ngồi lại với các lãnh đạo Afghanistan. Một cuộc đàm phán trao đổi tù nhân đã hoàn tất vào tuần trước, phái đoàn Taliban đã đến Qatar vào cuối tuần và đặc phái viên Hoa Kỳ, Zalmay Khalilzad, đang trên đường hỗ trợ. Các nhà ngoại giao cho rằng còn đó một con đường dài và gập ghềnh phía trước. Không rõ Taliban muốn gì. Viễn cảnh cuộc họp có thể nhanh chóng dẫn tới một lệnh ngừng bắn trông có vẻ xa vời. Nhưng chỉ cần gặp nhau thôi cũng đã là một cột mốc quan trọng.

Thị trường lao động Mỹ trước thềm bầu cử

Ngày Lao động ở Mỹ năm nay sẽ buồn vui lẫn lộn. Số lượng người Mỹ hiện tại có việc làm ít hơn 11 triệu so với trước đại dịch covid-19. Mặc dù có một số dấu hiệu hồi phục, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 8,4% (trước đại dịch là 3,5%). Những số liệu thống kê này thể hiện khó khăn thực sự của hàng triệu gia đình — trong khi Quốc hội mãi không thể gia hạn trợ cấp thất nghiệp bổ sung và lệnh cấm trục xuất người thuê nhà, vốn đã hết hạn từ tháng 7.

Nước Mỹ hiện chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là bầu tổng thống mới. Triển vọng kinh tế thường rất có tương quan với lựa chọn của cử tri. Tổng thống Donald Trump đang hy vọng cử tri sẽ đánh giá ông về thành tựu trước đại dịch của mình. Còn Joe Biden, ứng viên của đảng Dân chủ, lập luận rằng cách phản ứng hỗn loạn của ông Trump trước covid-19 đã làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế. Ông đang vận động cho một chương trình dạng New Deal huy động 100.000 nhân viên y tế công cộng mới, bên cạnh các ý tưởng khác. Có thể dự đoán cả hai người sẽ tìm cách lôi cuốn người lao động Mỹ tại cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên vào cuối tháng này.

Đức hào phóng kích thích kinh tế

Những ngày cứng rắn với thâm hụt của Đức dường như đang tạm dừng. Hai gói kích thích kinh tế của đất nước được thiết kế để bù đắp các thiệt hại kinh tế của covid-19 lên tới hơn 250 tỷ euro. Ngoài ra, chương trình Kurzarbeit hiện tại, theo đó cho phép những người lao động bị cắt giảm giờ làm và tiền lương được hưởng quyền lợi thay thế thu nhập, tháng trước đã được gia hạn thêm một năm đến 2022.

Những người hưởng lợi mới nhất từ sự hào phóng của nhà nước là các gia đình trẻ, những người hôm nay sẽ bắt đầu nhận khoản đầu tiên trong số hai khoản thanh toán 150 euro (177 đô la) cho mỗi đứa con của họ. Khoản tiền Kinderbonus được giới thiệu như một lời cảm ơn gửi đến các bậc cha mẹ đảm nhận nhiệm vụ dạy học và chăm sóc con trẻ trong thời gian phong tỏa. Khoản thanh toán thứ hai sẽ đến vào tháng tới, và còn nhiều hơn nữa. Mức trợ cấp của chính phủ cho mỗi trẻ em được áp dụng từ trước đại dịch sẽ tăng từ 219 euro lên 250 euro mỗi tháng vào năm 2021.

Phiên tòa dẫn độ Julian Assange

Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, đã sống mòn mỏi trong phòng giam ở Anh suốt 515 ngày, sau khi bị bắt vì bị Mỹ buộc tội hack máy tính vào tháng 4 năm 2019. Hôm nay, một tòa án sẽ bắt đầu xét xử liệu ông có nên bị dẫn độ hay không. Mặc dù ông Assange ban đầu bị buộc tội cấu kết với một nhà phân tích tình báo quân đội để đánh cắp thông tin mật, nhưng kể từ đó Mỹ đã tuyên thêm cho ông 17 cáo buộc hà khắc khác — tất cả đều theo Đạo luật Gián điệp — vốn sẽ dẫn đến án phạt hàng chục năm tù.

Ông Assange đã xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London vào năm 2012 để tránh các cáo buộc hiếp dâm của Thụy Điển, về sau được huỷ vào tháng 11 năm ngoái. Những người bảo vệ ông cho rằng các cáo buộc tấn công mạng và gián điệp có động cơ chính trị và sẽ hình sự hóa báo chí hợp pháp. Còn đối với những người phản đối, chính hành vi vi phạm pháp luật mà ông bị buộc tội khiến ông trở nên khác với các nhà báo thực thụ.

Boeing vẫn chưa thể đưa 737 MAX trở lại bầu trời

Nỗ lực của Boeing để đưa 737 MAX, phiên bản mới nhất của dòng máy bay đường dài của hãng, quay lại hoạt động thương mại hôm nay sẽ đối mặt với một thử thách. Các nhà quản lý châu Âu sẽ tiếp bước những người đồng cấp Mỹ trong việc trao chứng nhận lại cho dòng máy bay bị cấm bay suốt 16 tháng sau hai vụ tai nạn chết người. Nhưng Boeing có những trở ngại khác cần phải giải quyết bao gồm các thay đổi thiết kế theo ý Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ, bên đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm của riêng mình vài tháng trước.

Boeing hy vọng sẽ tiếp tục giao máy bay trong quý 4. Nhưng khi ấy họ quay lại đúng lúc ngành công nghiệp đang bị vùi dập bởi đại dịch toàn cầu, đồng nghĩa với tỷ lệ sản xuất thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó của công ty – Boeing có kế hoạch cắt giảm khoảng một nửa sản lượng máy bay đường dài. Mặc dù kinh doanh quốc phòng tương đối khởi sắc, Boeing đã lỗ 2,4 tỷ USD trong quý 2 năm nay và sẽ gặp khó khăn trong một vài năm trước khi các hãng hàng không quay lại mức kinh doanh như thời trước covid.