Thế giới hôm nay: 01/07/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Anh, EU và NATO bày tỏ lo ngại sau khi quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Luật này, được chính quyền Hồng Kông thông qua vào tối muộn, cấm hoạt động lật độ, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài, đồng thời có hiệu lực ngay lập tức. Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ sẽ phản đối vào hôm nay. Demosisto, một đảng chính trị ủng hộ dân chủ, tuyên bố ngừng mọi hoạt động. Theo luật mới, các nhà hoạt động có thể đối mặt với án tù chung thân hoặc dẫn độ về đại lục.

27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý về danh sách 14 quốc gia “an toàn” trên thế giới, những nước mà đi lại không  thiết yếu sẽ được phép, bao gồm Úc, Canada và Nhật Bản. Trung Quốc cũng sẽ được đưa vào, miễn là du khách từ EU được phép đến Trung Quốc. Mỹ, Brazil và Nga, những nơi đang có số ca nhiễm tăng cao, không nằm trong danh sách.

Anthony Fauci, một thành viên hàng đầu của tổ công tác covid-19 của Nhà Trắng, cảnh báo Mỹ có thể chứng kiến số ca nhiễm tăng từ 40.000 lên 100.000 mỗi ngày. Ông nói trong một phiên điều trần ở Thượng viện rằng một sự gia tăng đột biến ở miền Nam “đưa cả đất nước vào tình thế rủi ro”. Ông đặc biệt quan tâm đến bốn tiểu bang chiếm khoảng một nửa số ca nhiễm mới: Arizona, California, Florida và Texas.

Boris Johnson trình bày một “thỏa thuận mới” trị giá 5 tỷ bảng (6 tỷ đô la) để giúp đưa nền kinh tế Anh qua đại dịch. Số tiền này sẽ tài trợ cho các dự án xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng, song những người phản đối cho rằng bấy nhiêu là quá ít. Thông báo của ông Johnson xuất hiện cùng lúc với tin thành phố Leicester sẽ áp dụng lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt sau khi số ca nhiễm covid-19 mới tại đây tăng mạnh.

Royal Dutch Shell, công ty dầu khí khổng lồ Anh-Hà Lan, và là công ty lớn nhất châu Âu về doanh thu, tuyên bố sẽ ghi giảm tài sản của mình tới 22 tỷ đô la do giá dầu tuột dốc sau covid-19. Nhà bán lẻ nhiên liệu lớn nhất thế giới nói họ dự kiến  mức  giảm 40% doanh số bán nhiên liệu so với cùng kỳ năm ngoái trong quý hai vì những hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch.

Dữ liệu sửa đổi từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh thể hiện mức giảm theo quý lớn nhất của GDP nước này kể từ năm 1979. Sản lượng giảm 2,2% trong quý đầu tiên so với ba tháng trước đó, điều chỉnh so với mức ước tính 2% trước đây. Điều chỉnh này là do sụt giảm trong tiêu dùng hộ gia đình, giảm 2,9% trong quý đầu.

Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm TikTok, WeChat và một loạt các công cụ tổng hợp tin tức và widget năng suất. Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho biết họ đang bảo vệ “chủ quyền” đất nước bằng cách bảo vệ dữ liệu của chính mình. Kể từ sau cuộc xung đột đẫm máu ở dãy Hymalaya hồi đầu tháng, vốn giết chết 20 binh sĩ Ấn Độ, nước này đã phải vật lộn để tìm cách trả đũa.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc chính thức thông qua luật an ninh mới cho Hồng Kông

Ngày 1 tháng 7 năm 1997, ngày Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc, thường được đánh dấu bằng cả các lễ kỷ niệm chính thức lẫn các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Điều đó giúp giải thích tại sao Trung Quốc hôm qua đã thông qua một đạo luật an ninh quốc gia mới cho lãnh thổ này. Luật này sẽ có những tác động sâu sắc lên chính trị nội bộ và quan hệ quốc tế của Hồng Kông. Joshua Wong, một nhà hoạt động hàng đầu, hôm qua đã tuyên bố giải thể Demosisto, một đảng ủng hộ dân chủ.

Luật này bị lên án bởi nhiều quốc gia phương Tây vì vi phạm lời hứa của Trung Quốc về đảm bảo quyền tự trị cho Hồng Kông theo cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”. Mỹ cảnh báo sẽ đáp trả bằng cách loại bỏ quy chế thương mại đặc biệt của Hồng Kông. Ngay cả trước khi dự luật được thông qua, cảnh sát đã từ chối đơn xin biểu tình vào ngày 1 tháng 7. Một số sẽ bất chấp lệnh cấm. Song bất chấp điều gì đang xảy ra trên đường phố, viễn cảnh “một quốc gia, một chế độ” đang ngày càng gần hơn.

California cấm bán dữ liệu người dùng

Đạo luật Bảo mật Người Tiêu dùng California (CCPA) hôm nay bắt đầu có hiệu lực, vốn từ 1 tháng 1 đã hạn chế các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu doanh nghiệp và đặc biệt là bán dữ liệu cá nhân. Nhiều công ty, viện dẫn đại dịch, đã xin một thời gian ân hạn dài hơn, nhưng không có kết quả. CCPA áp dụng cho các công ty trên toàn thế giới cung cấp dịch vụ ở California và đáp ứng các điều kiện khác nhau, chẳng hạn như có doanh thu hàng năm trên 25 triệu đô la, hoặc xử lý dữ liệu cá nhân từ ít nhất 50.000 người hoặc thiết bị trở lên ở California.

Mặc dù vậy, rất nhiều công ty, đặc biệt là bên ngoài nước Mỹ, đã bám vào một niềm tin sai lầm rằng họ không phải tuân theo luật này. Các doanh nghiệp tuân thủ Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung của Liên minh châu Âu đã đáp ứng sẵn 60% các yêu cầu của CCPA. Điều này có thể làm một số ông chủ phấn khởi. Nhưng một nghiên cứu cho tổng chưởng lý California lại chỉ ra rằng riêng chi phí cho việc tuân thủ ban đầu chỉ riêng ở California sẽ khiến các công ty phải tốn một khoản đáng kinh ngạc là 55 tỷ đô la. Tiền phạt cho các vi phạm sẽ còn làm chi phí này tăng thêm nữa.

Đức trở thành chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu

Hôm nay, Croatia trao quyền chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu cho Đức. Các kế hoạch của Angela Merkel trong sáu tháng tới bao gồm việc tạo ra một thỏa thuận Brexit, giải quyết một cuộc tranh luận đang bế tắc về các quy tắc tị nạn và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tại Leipzig. Song phần lớn trong số này đang bế tắc vì covid-19, bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh Leipzig hiện bị hoãn lại vô thời hạn.

Thay vào đó, Đức sẽ chuyển sự chú ý sang một thỏa thuận ngân sách EU giai đoạn 2021-27, bao gồm một quỹ phục hồi tiềm năng trị giá 750 tỷ euro (tương đương 840 tỷ đô la) cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Vai trò của Đức trong việc thúc đẩy quỹ này sẽ rất quan trọng, và không chỉ từ vị trí chủ tịch hội đồng. Đó là một đề xuất của Pháp-Đức rằng EU nên phát hành khoản trái phiếu chung trị giá 500 tỷ euro để tài trợ cho việc phục hồi vốn đã được nhen nhóm bởi kế hoạch trước kia. Bây giờ Paris và Berlin cần phải thuyết phục phần còn lại của liên minh, đặc biệt là “những kẻ tằn tiện” như Áo và Hà Lan.

Bắc Mỹ có thỏa thuận thương mại mới

Hôm nay Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ sẽ được cập nhật. Sau nhiều năm bị chính quyền Trump đe dọa rút khỏi, từ giờ ở Mỹ nó sẽ được gọi là Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada. Đối với một số người, bản cập nhật trên thực tế là một sự xuống cấp. Các hãng ô tô đang phải tổ chức lại chuỗi cung ứng của mình nhằm đáp ứng các điều kiện mới để được miễn thuế vào thị trường Mỹ, một nhiệm vụ vốn đã đủ khó nhằn nếu không có đại dịch.

Những người hy vọng thỏa thuận này sẽ xoa dịu quan hệ thương mại Bắc Mỹ có thể là đã quá ngây thơ. Trong phiên điều trần trước quốc hội vào ngày 17 tháng 6, Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, đã hứa trước các nhà lập pháp rằng sẽ thực thi cứng rắn các quy tắc lao động mới của thỏa thuận. Thông thường thỏa thuận thương mại là một dấu hiệu cho thấy các nước muốn tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao. Nhưng thỏa thuận này thì lại nhằm thách thức các mối quan hệ ấy.

Lời hứa sáp nhập Bờ Tây của Netanyahu

Binyamin Netanyahu hứa với những người ủng hộ ông trong hơn một năm qua rằng sau khi được bầu lại làm thủ tướng Israel, ông sẽ tiến hành sáp nhập các bộ phận của Bờ Tây, vốn bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. Hôm nay là thời hạn cuối cho việc sáp nhập mà ông từng đưa vào thỏa thuận liên minh. Được thúc đẩy bởi cái gọi là “thỏa thuận thế kỷ”, tức kế hoạch hòa bình do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi tháng 1, Netanyahu dự tính sẽ sáp nhập tới 30% Bờ Tây.

Nhưng khi thời hạn đến gần, rõ ràng người Mỹ không muốn đẩy mạnh việc sáp nhập ngay lập tức trước sự phản đối của người dân Palestine. Thậm chí còn không có sự đồng thuận về vấn đề này trong nội các mới [của Israel]. Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz nói ngày 1 tháng 7 không phải là một ngày thiêng liêng, và vấn đề này không phải là ưu tiên của hàng triệu người Israel đang phải mất việc làm vì covid-19.