Tác giả: Francis Fukuyama | Người dịch: Khắc Giang, Quang Thái, Bảo Linh
Quan niệm hiện đại về bản sắc là sự hợp nhất ba hiện tượng khác nhau. Đầu tiên là thymos, khía cạnh phổ quát về tính cách con người khát khao có được sự thừa nhận. Thứ hai là việc phân biệt được nội ngã và ngoại ngã, và đề cao giá trị đạo đức của nội ngã đối với xã hội bên ngoài. Điều này chỉ xuất hiện ở châu Âu thời kỳ tiền hiện đại. Thứ ba là quan niệm về nhân phẩm ngày càng thay đổi, trong đó sự công nhận không chỉ dành cho một tầng lớp nhỏ, mà còn cho tất cả mọi người. Việc mở rộng và phổ quát hóa phẩm giá đã biến cuộc tự vấn về bản ngã trở thành một đề án chính trị. Trong tư tưởng chính trị phương Tây, sự thay đổi này diễn ra ở thế hệ sau Rousseau, bởi các triết gia Immanuel Kant và đặc biệt là Georg Wilhelm Friedrich Hegel.
Theo Socrates, phẩm giá là thứ mà các chiến binh của cộng đồng chính trị cần có, người thể hiện sự can đảm và sẵn sàng mạo hiểm hy sinh vì việc công. Đó là một cách hiểu về nhân phẩm, nhưng vẫn có những cách hiểu khác. Trong sách Sáng thế của Kinh Thánh, Adam và Eva sống trong hồn nhiên cho đến khi con rắn xúi giục Eva ăn trái cấm từ Cây Nhận thức Thiện – Ác. Khi ăn trái này, họ ngay lập tức nhận thức được bản thân đang trần truồng, cảm thấy xấu hổ và cố gắng che đậy thân thể. Chúa trục xuất họ ra khỏi Vườn Địa đàng vì vi phạm điều răn của ông, và loài người sau đó sống trong tình trạng sa ngã bởi vì tội tổ tông truyền này.
Quan niệm về phẩm giá của Kitô giáo xoay quanh năng lực lựa chọn đạo đức này. Con người có khả năng phân biệt thiện và ác; họ có thể chọn làm điều tốt, ngay cả khi họ thường xuyên không làm như vậy, như Adam và Eva. Biện minh của Luther bằng đức tin chỉ đơn giản là biểu hiện của lựa chọn này. Và mặc dù Adam và Eva đã có lựa chọn sai lầm, nhưng lựa chọn của họ sẽ là vô nghĩa nếu họ không có khả năng phạm tội. Bằng cách ăn trái cấm, họ thiết lập trạng thái đạo đức của họ và con cháu, những người từ đó biết được sự khác nhau giữa thiện và ác và có thể lựa chọn. Động vật không có khả năng biết thiện và ác vì chúng hành động theo bản năng, trong khi Chúa, hiểu theo một cách nào đó, là sự nhân từ thuần khiết và luôn có lựa chọn đúng đắn. Năng lực lựa chọn của con người mang lại cho con người địa vị cao hơn động vật vì năng lực này can dự vào năng lực nhân từ của Chúa, tuy nhiên thấp hơn Chúa vì con người có khả năng phạm tội. Theo nghĩa này, trong truyền thống Kitô giáo, tất cả con người về cơ bản đều bình đẳng: tất cả đều được ban cho một năng lực lựa chọn như nhau.
Trọng tâm của lựa chọn đạo đức đối với nhân phẩm được mục sư dòng Baptist là Martin Luther King Con nhấn mạnh, “tôi có một giấc mơ rằng bốn đứa con nhỏ của tôi một ngày nào đó sẽ sống ở một quốc gia nơi chúng sẽ không bị phán xét bởi màu da mà qua bản chất tính cách của chúng”, nghĩa là qua lựa chọn đạo đức do nội ngã tạo ra, chứ không phải bởi những đặc điểm bên ngoài.
Immanuel Kant đưa ra phiên bản thế tục cho cách hiểu này của Kitô giáo về phẩm giá trong cuốn Phê phán Lý trí Thực hành (Critique of Practical Reason) và các tác phẩm khác như Cơ sở cho Siêu hình học về Đạo đức (Groundwork to a Metaphysics of Morals). Ông khẳng định chúng ta không thể tìm ra điều gì là tốt vô điều kiện ngoài thiện chí – đó là năng lực lựa chọn đạo đức đúng đắn. Nhưng Kant không nhìn nhận điều này dưới thuật ngữ của tôn giáo; lựa chọn có đạo đức, theo ông, bao hàm khả năng tuân theo quy tắc trừu tượng về lý trí vì ích lợi của chính quy tắc đó, chứ không phải vì lý trí là công cụ hướng tới kết quả mong đợi về lợi ích hay hạnh phúc của con người mà lựa chọn đó ngầm theo đuổi. Năng lực của con người đối với lựa chọn đạo đức có nghĩa là con người không phải là cỗ máy tuân theo định luật vật lý, như Hobbes nhận định; mà là chủ thể có đạo đức, có thể đưa ra lựa chọn một cách độc lập với môi trường vật chất quanh họ và, bởi thế, [năng lực ấy] cần phải được coi như là đích đến của chính họ, thay vì là đích đến của những công cụ khác. Quy tắc đạo đức không phải là phép tính hàm lợi ích đưa ra các kết quả nhằm tối đa hóa hạnh phúc của con người, mà là bản thân hành động lựa chọn. Đối với Kant, nhân phẩm xoay quanh ý chí của con người, rằng loài người là chủ thể đích thực hay là nguyên nhân không được tạo ra (uncaused cause).
Triết gia Hegel đồng thuận với mối liên hệ này, giữa lựa chọn đạo đức và nhân phẩm; con người là chủ thể tự do về mặt đạo đức, không chỉ là cỗ máy duy lý đơn thuần tìm cách tối đa hóa việc thỏa mãn ham muốn của bản thân. Nhưng không giống như Rousseau hay Kant, Hegel đặt việc chủ thể đạo đức đó muốn được thừa nhận là trọng tâm trong các phân tích của ông về thân phận con người. Trong tác phẩm Hiện tượng học Tinh thần (The Phenomenology of Spirit), ông lập luận rằng lịch sử loài người bị chi phối bởi cuộc đấu tranh cho sự công nhận. Nhu cầu ban đầu đến từ chiến binh sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho một trận chiến đẫm máu, không phải vì bảo vệ lãnh thổ hay của cải, mà đơn giản bởi chính sự công nhận. Nhưng sự công nhận này cuối cùng không được thỏa mãn bởi vì đó là sự công nhận cho một nô lệ, tức là của người không có phẩm giá. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi nô lệ có được phẩm giá thông qua lao động, thông qua khả năng biến thế giới thành một nơi phù hợp với con người. Cuối cùng, dạng thức duy lý duy nhất của sự công nhận là sự công nhận lẫn nhau giữa chủ và nô lệ với nhân phẩm mà họ cùng đồng thuận.
Những cuộc đấu tranh này, theo Hegel, không tự phát triển và kết thúc chủ yếu theo cách thức cá nhân truy tìm bản ngã, như đã diễn ra với Rousseau, mà mang tính chính trị. Cuộc xung đột lớn trong thời đại của ông là Cách mạng Pháp, và tôn chỉ bảo vệ Quyền Con người (the Rights of Man). Chàng trai trẻ Hegel chứng kiến Napoléon cưỡi ngựa qua khu phố trường đại học của ông sau Trận Jena năm 1806 và thấy được trong hành động đó tính phổ quát hóa về sự công nhận chớm hình thành, theo những nguyên tắc của Cách mạng Pháp. Đây là yếu tố khiến Hegel tin rằng lịch sử sẽ đi đến hồi kết: lịch sử lên đến đỉnh điểm trong ý tưởng về sự công nhận mang tính phổ quát; các sự kiện về sau đơn giản chỉ là nhằm truyền bá nguyên tắc này đến những nơi xa xôi nhất của địa cầu.
Một chế độ dân chủ tự do dựa trên quyền cá nhân sẽ coi vấn đề phẩm giá bình đẳng là điều cần được pháp luật bảo vệ thông qua việc thừa nhận công dân là chủ thể đạo đức, có năng lực tham gia vào quyền tự quyết của họ. Trong thời đại của Hegel, nguyên tắc này bị một vị tướng trên lưng ngựa áp đặt cho nhiều quốc gia, nhưng với Hegel, đây là tình tiết nhỏ trong câu chuyện lớn hơn về sự phát triển tự do của con người.
Đến đầu thế kỷ 19, hầu hết các thành tố trong quan niệm hiện đại về bản sắc đã xuất hiện: sự phân biệt nội ngã và ngoại ngã, đặt giá trị của nội tính cao hơn các đồng thuận tồn tại trong xã hội, hiểu rằng phẩm giá của nội ngã dựa trên sự tự do đạo đức, quan điểm rằng tất cả con người đều chia sẻ sự tự do đạo đức này, và nhu cầu cho việc nội ngã tự do cần được thừa nhận. Hegel đưa ra sự thật nền tảng về chính trị hiện đại, rằng những khát vọng lớn lao được thể hiện thông qua các sự kiện như Cách mạng Pháp là cuộc đấu tranh nền cho phẩm giá. Nội ngã không chỉ là vấn đề tự soi xét bản thân; sự tự do của nội ngã nên được thừa nhận trong quyền và pháp luật. Sự trỗi dậy của nền dân chủ, điều đã diễn ra hai thế kỷ sau khi có Cách mạng Pháp, được thôi thúc bởi việc các dân tộc đòi hỏi tính nhân vị chính trị (political personhood) của họ cần được thừa nhận, họ là chủ thể đạo đức có năng lực chia sẻ quyền lực chính trị.
Nói cách khác, nô lệ sẽ nổi dậy chống lại giới chủ; thế giới nơi chỉ thừa nhận phẩm giá của số ít sẽ bị thay thế bởi một thế giới mà nguyên tắc nền tảng là thừa nhận phẩm giá của tất cả mọi người.
Bài viết lấy từ chương 4 cuốn Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ (Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment) của tác giả Francis Fukuyama, do Omega+ ấn hành tại Việt Nam.
Francis Fukuyama là nhà triết học, chuyên gia kinh tế chính trị và tác giả người Mỹ, nổi tiếng với luận đề “Sự cáo chung của lịch sử“. Ông từng đạt giải Sách hay nhất năm 2018 của tờ The Times (Anh) và Sách chính trị hay nhất năm 2018 do Financial Times bình chọn.