Nhật ký Bắc Kinh (31/07/20): Tập và khát vọng của Giải phóng quân Trung Quốc

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 7/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Truyền hình đã chiếu cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một buổi lễ vào chiều thứ Tư (30/07/2020) do Quân ủy Trung ương tổ chức ở Bắc Kinh, nơi ông thăng hàm thượng tướng cho một sĩ quan cấp cao. Vị chủ tịch trông không được vui.

Quân ủy Trung ương, hay CMC, là cơ quan quân sự hàng đầu quản lý Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Ngoài vai trò chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng Cộng sản, ông Tập còn giữ chức vụ quân sự cao nhất, tức chủ tịch quân ủy.

Hôm thứ Tư (29/07/2020), ông Tập đã thăng hàm cho Xu Zhongbo, chính ủy Lực lượng Tên lửa PLA. Vị chủ tịch đến dự sự kiện với một bộ đồ kiểu Mao đặc biệt có tên là junbianfu, một loại “binh phục thường ngày” mà chỉ tổng tư lệnh mới được mặc.

Lễ thăng hàm là một sự kiện thường niên, trùng với ngày kỷ niệm thành lập PLA 1 tháng 8.

Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc nổi dậy vũ trang đầu tiên chống lại Quốc Dân Đảng ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, vào ngày 1 tháng 8 năm 1927, sáu năm sau khi đảng ra đời. Bản chất của PLA vẫn không thay đổi cho đến ngày nay: Nó không phải quân đội quốc gia mà là một “quân đội của đảng”, báo cáo trực tiếp cho Đảng Cộng sản.

Và không quá lời khi nói rằng sứ mệnh lớn nhất của PLA là thống nhất Trung Quốc đại lục và Đài Loan, hòn đảo mà các thành viên Quốc Dân Đảng đã đến lánh nạn hồi năm 1949 sau khi thất bại trong cuộc nội chiến.

Dù vậy, hơn 70 năm sau khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, triển vọng thống nhất đất nước vẫn bất định, và trên thực tế là dường như ngày càng mờ nhạt. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang đưa chính quyền của bà xích lại gần Mỹ trong bối cảnh đối đầu Washington-Bắc Kinh leo thang.

Có lẽ biểu hiện kém vui của ông Tập tại buổi lễ phản ánh sự không hài lòng với tình hình mà ông không thể thay đổi như ý muốn.

Vào đêm thứ Năm (30/07/2020), cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy, người mở đường cho dân chủ hóa [tại Đài Loan], đã qua đời ở tuổi 97. Đối với PLA, ông Lý có thể được coi như một kẻ thù cũ.

Khi Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống trực tiếp lần đầu vào năm 1996 theo sáng kiến ​​của ông Lý, PLA đã bắn tên lửa vào vùng biển xung quanh hòn đảo và tìm cách dùng vũ lực ngăn chặn quá trình dân chủ hóa. Sự kiện này được gọi là cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan.

Đáp lại, quân đội Hoa Kỳ đã gửi hai tàu sân bay đến eo biển Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ tiến trình dân chủ. PLA không có nhiều lựa chọn khi phải đối mặt với sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ.

Sự “sỉ nhục” đó được coi là động lực chính khiến Trung Quốc dồn lực xây dựng hải quân, bao gồm việc đóng tàu sân bay, kể từ sau sự kiện đó.

Chiều thứ Năm, tôi lái xe qua trụ sở CMC, cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 5 km về phía Tây. Được gọi là “Tòa nhà 1 tháng 8” và còn được mệnh danh là “Lầu Năm Góc của Trung Quốc”, một cấu trúc hùng vĩ được khánh thành vào năm 1997, ngay sau vụ khủng hoảng Eo biển Đài Loan.

Bất cứ khi nào ông Tập đến thăm tòa nhà, như trong buổi lễ hôm thứ Tư, ông đều mặc junbianfu. Ông sẽ ra quyết định gì về vấn đề eo biển Đài Loan và Biển Đông trên cương vị tổng tư lệnh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ? Câu trả lời sẽ ảnh hưởng đến tương lai của toàn thế giới./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.