Về Dương Chấn Ninh, nhà khoa học gốc Hoa đoạt giải Nobel Vật lý

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Trong số 4 người Hoa từng được tặng giải Nobel khoa học,1 Dương Chấn Ninh (Yang Zhen Ning) được chính quyền Trung Quốc (TQ) trọng vọng hơn cả, luôn luôn là nhân vật trung tâm được các nhà báo phỏng vấn, đưa tin. Đó là do ông đã đóng góp sớm nhất, tích cực nhất vào sự nghiệp xây dựng tổ quốc, và có nhiều ý kiến độc đáo trên các mặt KHKT, văn hóa giáo dục của TQ. Chính quyền, báo chí TQ và đặc biệt giới trí thức nước này rất coi trọng các ý kiến, quan điểm của ông, nhất là khi họ có tranh luận chưa ngã ngũ về một vấn đề nào đó.

Các bài viết liên quan của Dương Chấn Ninh được tập hợp trong cuốn sách có tên “Rạng Đông” (“Thử Quang Tập”) –– ấn phẩm đầu tiên in bằng tiếng TQ của ông, dịch từ tiếng Anh, xuất bản năm 2008. Nội dung đề cập các quan điểm KHKT, xã hội nhân văn độc đáo và tình cảm cá nhân phong phú của tác giả. Sách không chỉ là bản tổng kết cuộc đời ông mà còn vẽ nên viễn cảnh buổi bình minh của lịch sử TQ, được dư luận rất chú ý, nhất là giới trí thức TQ; website “Nhân dân” (TQ) ngày 7/1/2008 có bài giới thiệu sách này. Nhân việc xuất bản “Rạng Đông”, giới truyền thông TQ đã nhiều lần phỏng vấn Dương Chấn Ninh, tập trung vào mấy vấn đề riêng tư của ông được công chúng quan tâm nhất. Sau đây xin tóm tắt giới thiệu.

Tại sao vào quốc tịch Mỹ?

Vào quốc tịch Mỹ là một sự kiện quan trọng làm thay đổi cuộc đời Dương Chấn Ninh. Trước đó hầu hết các nhà khoa học TQ sau khi học thành tài ở nước ngoài đều về nước công tác. Năm 1948, Dương Chấn Ninh nhận học vị tiến sĩ tại Mỹ, sau đó ở lại nghiên cứu khoa học; được vài năm thì chiến tranh Triều Tiên nổ ra; Tổng thống Mỹ Truman cấm người TQ có học vị tiến sĩ ở Mỹ được về TQ. Vì thế Dương Chấn Ninh quyết định ở lại Mỹ. Sau khi được phép định cư, ông vẫn chưa muốn đổi quốc tịch vì sợ cha mẹ (đang ở TQ) phản đối. Nhưng việc ông dùng hộ chiếu Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại ở Mỹ, mà công tác nghiên cứu lại cần thường xuyên đi khắp nơi. Năm 1964, tức 7 năm sau khi nhận giải Nobel, ông mới xin vào quốc tịch Mỹ; nhưng mấy năm đầu vẫn giấu cha mẹ việc đó.

Tại sao lại về Trung Quốc?

Tuy đổi quốc tịch nhưng Dương Chấn Ninh lúc nào cũng muốn được về thăm tổ quốc, dù rằng các năm 1957, 1960 và 1964 ông đã gặp cha mẹ, anh chị em tại Geneva và Hong Kong. Nhiều bạn bè can ngăn ông vì sợ nếu về nước thì ông sẽ bị chính quyền TQ giữ lại. Nhưng ông vẫn quyết tâm về và giải thích: đó là do trong huyết quản của tôi có dòng máu TQ. Đầu thập niên 70, quan hệ TQ-Mỹ bắt đầu tan băng, ông lập tức viết thư trình bầy nguyện vọng này với cha mẹ. Cha ông làm bản tường trình gửi chính quyền. Chính phủ TQ trả lời: Hoan nghênh Dương Chấn Ninh về nước.

Năm 1971, Dương Chấn Ninh trở thành nhà khoa học gốc Hoa nổi tiếng đầu tiên về thăm TQ. Tại Bắc Kinh, ông được Chủ tịch Mao và Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp chuyện thân mật. Đặc biệt, ông gặp lại bạn học cũ là Đặng Gia Tiên, người lãnh đạo công trình làm bom nguyên tử của TQ và qua đó được biết công trình này hoàn toàn do người TQ tự thực hiện không có sự tham gia của người nước ngoài. Sự việc đó làm Dương Chấn Ninh ngay lúc ấy đã khóc vì vô cùng hãnh diện cho dân tộc TQ và cho bạn mình.

Quan hệ với Lý Chính Đạo

Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo là đồng tác giả của lý thuyết vũ trụ không đối xứng đề xuất năm 1956 và cùng được tặng giải Nobel vật lý 1957. Đây là kết quả của sự cộng tác chặt chẽ nghiên cứu khoa học suốt 16 năm giữa hai người (1946-1962), nhưng từ năm 1962 trở đi, mối quan hệ đó đã hoàn toàn cắt đứt. Dương Chấn Ninh cho rằng đây là một bi kịch của họ, là điều đáng tiếc lớn trong lịch sử phát triển khoa học của TQ. Oppenheimer (Giám đốc Viện nghiên cứu Princeton) từng nói: Điều mong muốn nhất của tôi là thấy Dương và Lý sánh vai nhau đi trên bãi cỏ Viện Princeton, thế nhưng từ sau năm 1962 chúng ta không thấy cảnh ấy nữa. Cho tới nay chưa ai biết nguyên nhân sự việc này, cả Dương lẫn Lý đều không đề cập chuyện đó; mặc dù hai ông vẫn tiếp tục cộng tác nghiên cứu với nhiều người khác và gặt hái không ít thành tựu lớn. Dương Chấn Ninh nói sau này sẽ có người nghiên cứu vấn đề đó và sẽ có kết luận.

“Xa rời đạo lý thánh hiền”

Trong số các quan điểm của Dương Chấn Ninh, người TQ rất quan tâm tới việc ông từng công kích sách “Kinh Dịch” được họ tôn sùng hết mức. Tháng 9/2004, tại “Diễn đàn đỉnh cao văn hóa 2004”, Dương Chấn Ninh đọc tham luận “Ảnh hưởng của Kinh Dịch đối với văn hóa TQ”. Trong đó ông đưa ra nhận xét: Kinh Dịch đã có ảnh hưởng tới phương thức tư duy của người TQ, và đó là một trong các nguyên nhân làm cho khoa học cận đại không nảy mầm được trên đất TQ. Bài nói này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong thế giới người Hoa, nhất là các nhà Dịch Học, một số người cho rằng Dương Chấn Ninh “nổ súng” vào Kinh Dịch tức là đã trở thành kẻ “ly kinh phản đạo”, xa rời đạo lý của nền văn minh Trung Hoa.

Đáp lại, Dương Chấn Ninh thanh minh: 80% nội dung tham luận trên là ca ngợi mặt tích cực, 20% nói về mặt tiêu cực của Kinh Dịch, nhưng thiên hạ lại chỉ nhìn vào 20% ấy. TQ ngày xưa có nhiều người tài, từng đóng góp rất lớn về KHKT, thế mà khoa học cận đại lại không thể nảy mầm ở TQ. Tại sao vậy?

“Vấn đề này đã bàn nhiều. Tôi suy nghĩ và nhìn thấy một lý lẽ người khác trước đây ít để ý. Đó là TQ không có phương pháp quy nạp.” –– ông nói. Theo ông, kể từ Kinh Dịch trở đi, người TQ đã không còn dùng phương pháp quy nạp nữa; hơn nữa phương pháp của Kinh Dịch ngược với phương pháp quy nạp, do đó nó làm cho người TQ coi suy diễn là phương pháp tư duy duy nhất. “Nếu nói tôi có một quan điểm có tính cách mạng nào, thì đó là tôi đã vạch ra vết thương chí mạng ấy. Cho nên người ta không thích… Phương Tây có thái độ đối với học thuật khác với TQ: người TQ quá tôn sư trọng đạo. Tiền nhân nói gì, Khổng Tử, Mạnh Tử nói gì thì không được bình luận mà phải coi là tuyệt đối đúng. Lời thầy giáo cũng tuyệt đối đúng … Thái độ ấy quá ư thâm căn cố đế”, ông nói.

Món quà cuối cùng của Thượng Đế

Dương Chấn Ninh cho rằng mình suốt đời gặp may, tại mỗi bước ngoặt đều chọn được con đường đúng đắn, rất ít người được may mắn như thế; và rốt cuộc Thượng Đế đã tặng ông món quà cuối cùng –– đó là người vợ mới cưới. Đây là một may mắn lớn sau khi bà vợ đầu từng chung sống với ông hơn nửa thế kỷ (1950-2003) qua đời.

Ngày 24/12/2004, Dương Chấn Ninh 82 tuổi đăng ký kết hôn với cô Ông Phàn (Weng Fan), nữ nghiên cứu sinh thạc sĩ người huyện Sán Đầu (Quảng Đông) 28 xuân xanh, kém Dương 54 tuổi và còn kém con gái út của ông 15 tuổi. Cuộc hôn nhân này gây xôn xao dư luận TQ, khiến đôi tình nhân không thể không bận tâm. Dương Chấn Ninh nói với Phàn: Sau đây ba bốn chục năm nữa, nhất định mọi người sẽ cho rằng sự kết hợp của chúng mình là một chuyện tình lãng mạn đẹp. Ông cho rằng Phàn yêu quý tính ngay thẳng chân thành của ông. Nhiều người lo Dương Chấn Ninh bị Phàn lừa. Ngược lại, ông cho rằng thiên hạ đều nghĩ ông đã làm một việc thiếu đạo đức là lừa bịp cô gái trẻ. “Thực ra hai chúng tôi đã suy nghĩ rất chín chắn về cuộc hôn nhân này”, ông nói.

Dương Chấn Ninh cho rằng cuộc hôn nhân đó trên một cách nào đấy sẽ kéo dài cuộc sống của ông. “Nếu không lấy Phàn thì tôi sẽ cảm thấy các sự việc trong ba bốn chục năm tới chẳng can hệ gì đến mình; còn bây giờ tôi biết rằng qua cuộc sống của Phàn, những sự việc ấy sẽ liên quan khăng khít với tôi. Một cách bản năng, suy nghĩ ấy đã ảnh hưởng rất quan trọng tới tôi”, ông nói, và bảo cô vợ trẻ: “Một số việc tôi sẽ không được thấy, nhưng sau đây ba bốn chục năm em sẽ thấy thay cho tôi.” Dương Chấn Ninh cho rằng cuộc hôn nhân này rất thành công; hiện nay ông còn khỏe mạnh, còn có thể chăm sóc vợ. Vì Phàn học chuyên ngành tiếng Anh nên cô dễ dàng giao lưu với các con và bạn của ông. Rất may là gia đình hai bên đều đồng thuận. Các bạn của Dương Chấn Ninh cho rằng đây là việc ông nên làm. Trước khi cưới, ông bảo Phàn: “Tôi tán thành sau này khi tôi không còn trên đời nữa, em có thể tái hôn.” Cô Phàn không đồng ý ý kiến đó.

Cống hiến lớn nhất trong đời

Nhiều năm về trước, Dương Chấn Ninh từng nói cống hiến lớn nhất của ông không phải là giải Nobel khoa học, mà là ở chỗ đã giúp người TQ thay đổi được một quan điểm của họ –– quan điểm cho rằng người TQ thua kém các dân tộc khác. Sự thật là xã hội TQ đầu thế kỷ XX vô cùng lạc hậu, chỉ có dăm người TQ biết toán vi tích phân; vì vậy người TQ, nhất là các nhà trí thức có mặc cảm tự ty rất mạnh. Năm 1957, khi Dương Chấn Ninh 35 tuổi cùng Lý Chính Đạo (31 tuổi) được tặng giải Nobel, người Hoa trên toàn thế giới vô cùng phấn khởi, tự tin. Đúng là hai ông đã giúp họ thay đổi được tâm lý tự cảm thấy mình thua kém người nước ngoài.

Dương Chấn Ninh cho biết: sau năm 1957, ông còn cùng một số nhà khoa học Mỹ đưa ra các lý thuyết khoa học khác có tầm quan trọng theo ông không kém gì thuyết vũ trụ bất đối xứng.

Về các vấn đề tồn tại của Trung Quốc

Dương Chấn Ninh nói: Ngày nay TQ tiến bộ rất nhanh, nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề. Rất nhiều người phê phán tôi chỉ biết ca ngợi TQ. Họ không hiểu rằng các vấn đề ấy đâu phải do chính quyền TQ ngày nay [chính quyền cộng sản] tạo ra, mà là do lịch sử để lại. Muốn TQ trong 3-50 năm xây dựng nên một xã hội mà người phương Tây mất 4-500 năm mới tạo ra được, như thế thì không thể không nảy sinh các vấn đề. Cho nên thành tích hiện nay của TQ là rất giỏi rồi. Nhiều người chửi bới nền giáo dục đại học của TQ; họ chửi như thế có phần có lý, chỉ có điều họ chưa nghĩ thấu. Ngày nay các trường ĐH tốt nhất của TQ như ĐH Bắc Kinh, Thanh Hoa, và Phúc Đán đóng góp cho TQ còn lớn hơn đóng góp cho nước Mỹ của các trường ĐH Mỹ tốt nhất như Harvard, Yale. Sự phát triển nhanh của TQ 20 năm nay có công sức lớn của các sinh viên tốt nghiệp ĐH. Chính phủ TQ đã mấy lần gặp Dương Chấn Ninh nói họ khiêm tốn chuẩn bị tiếp thu cải cách giáo dục ĐH. Nhiều việc không thể ngày một ngày hai giải quyết xong, chẳng hạn gần đây hàng năm chính phủ cấp cho ĐH Bắc Kinh, Thanh Hoa 600 triệu NDT làm nghiên cứu khoa học, nhưng vẫn chưa có thành tích nào.

Quan tâm nhất là mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ

Dương Chấn Ninh nói: “Tôi ở Mỹ 60 năm, hiện nay 3 con tôi đều ở Mỹ. Tôi hiểu khá nhiều về cả hai nước và có tình cảm sâu sắc với cả hai. Rất tự nhiên tôi quan tâm nhất là mối quan hệ TQ-Mỹ. Theo tôi, mối quan hệ ấy 2-30 năm nay sẽ không có vấn đề gì lớn, cứ cho là có lúc va chạm nhau nhưng vẫn có nhiều chỗ cần hợp tác với nhau, tôi rất lạc quan. Nhưng sau đây 4-50 năm thì tôi không dám dự kiến. Chủ yếu vì loài người đang phải đứng trước nhiều vấn đề phức tạp, nhất là vấn đề tài nguyên, năng lượng, ô nhiễm. Tới lúc ấy vì hai nước có ảnh hưởng quá lớn với thế giới nên xung đột sẽ có xu hướng tập trung vào hai nước này.”

Tiểu sử tóm tắt của Dương Chấn Ninh

Sinh năm 1922 tại thành phố Hợp Phì tỉnh An Huy; cha ông là người TQ đầu tiên đỗ tiến sĩ toán ở Mỹ rồi làm chủ nhiệm khoa tại ĐH Thanh Hoa. Dương Chấn Ninh tốt nghiệp ĐH Liên hợp Tây nam rồi nhận bằng thạc sĩ tại ĐH Thanh Hoa khi 22 tuổi. Năm 1946 nhận học bổng du học Mỹ. Năm 1948 nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Chicago, ở lại Mỹ nghiên cứu khoa học. Năm 1957 cùng Lý Chính Đạo nhận giải Nobel vật lý. Từ 1971 về TQ nhiều lần để thăm thân và giúp TQ đưa người sang Mỹ nghiên cứu, học tập, đồng thời giảng dạy tại TQ. Năm 1994 được Viện Khoa học TQ bầu làm viện sĩ quốc tịch nước ngoài; 1998 được ĐH Thanh Hoa tặng danh hiệu Giáo sư danh dự. Năm 1950 kết hôn với bà Đỗ Chí Lễ (con một quan chức cao cấp của Quốc Dân Đảng TQ) và có 3 con (1 gái). Sau khi vợ chết, cuối 2003 về TQ định cư và giảng dạy tại ĐH Thanh Hoa. Sau đó Dương Chấn Ninh tặng trường này 10 triệu USD./.

———————

1 Bốn người này đều có quốc tịch Mỹ: Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo (Tsung-dao Lee) giải Nobel vật lý 1957; Đinh Triệu Trung (Samuel C.C.Ting; cùng Burton Richter Mỹ): Nobel vật lý 1976; Lý Viễn Triết (Yuan T, Lee; cùng 2 người khác) Nobel hóa 1986. Ông Triết về sau có tham gia chính quyền Đài Loan do đó không được người TQ đại lục ưa chuộng.