10/12/1977: Liên Xô bắt người bất đồng chính kiến vào Ngày Nhân quyền LHQ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Soviets arrest dissidents on United Nations Human Rights Day, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1977, tại Moskva, các quan chức Liên Xô đã bắt giữ bốn nhà bất đồng chính kiến, đồng thời ngăn cản ít nhất 20 người khác tham dự một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại đàn áp chính trị của chính quyền cộng sản vào Ngày Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Theo một số người tham dự biểu tình, các quan chức Liên Xô đã đe dọa rằng sẽ sử dụng bạo lực nếu biểu tình được tổ chức. Vụ việc là bằng chứng cho thấy chính phủ Liên Xô đang ngày càng cứng rắn trong việc chống lại bất kỳ cuộc biểu tình chính trị nào.

Khoảng 25 người biểu tình đã gặp nhau tại bức tượng của nhà thơ Pushkin ở Moskva để khẳng định quyền tự do hội họp, vốn đã được bảo đảm bởi hiến pháp mới của Liên Xô, được thông qua vào tháng 10. Hai mươi người bất đồng chính kiến khác đã quyết định không tham dự sau khi bắt gặp cảnh sát Liên Xô mặc thường phục trực bên ngoài căn hộ của mình.

Ngoài ra, giới chức Liên Xô cũng cho giam giữ bốn nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhằm ngăn họ tham gia cuộc biểu tình. Andrei Sakharov, có lẽ là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Liên Xô, từ chối tham dự vì sợ rằng bạo lực sẽ nổ ra. Thế nhưng biểu tình vẫn diễn ra trong hòa bình và đã không có gì bất ổn. Tuy nhiên, các hành động của chính quyền Liên Xô là một lời nhắc nhở lạnh lùng rằng tự do chính trị ở nước này vẫn còn lâu mới trở thành hiện thực. Vi phạm nhân quyền ở Liên Xô tiếp tục là một điểm nhức nhối trong quan hệ Xô-Mỹ dưới thời kỳ Gorbachev trong thập niên 1980.