Tác giả: William A. Degregorio
HỌ VÀ TÊN:
George Washington. Có lẽ ông được đặt tên theo luật sư George Eskridge – người đã nuôi nấng mẹ Washington khi bà mồ côi.
NGOẠI HÌNH:
Washington là một người to béo, khỏe mạnh – cao khoảng 1,88m, thời kỳ sung sức nhất ông nặng gần 80kg, sau tăng lên hơn 90kg. Ông có dáng đứng thẳng, vai rộng, vạm vỡ, bàn tay và bàn chân to (giày cỡ 13), khuôn mặt dài, gò má cao, mũi to, thẳng, cằm cương nghị, cặp mắt màu xanh xám bên dưới hàng lông mày rậm và mái tóc màu nâu sẫm; trong những dịp trang trọng, ông rắc phấn bột lên tóc và buộc gọn phần đuôi tóc. Làn da trắng có những vết sẹo của bệnh đậu mùa mà ông mắc phải khi còn trẻ. Ông bị rụng răng, có lẽ do bệnh viêm nướu, và mang hàm răng giả.
Theo Tiến sĩ Reidar Sognnaes – cựu hiệu trưởng trường nha khoa Đại học California, Los Angeles, người đã nghiên cứu cặn kẽ cầu răng giả của Washington – nói rằng Washington trồng rất nhiều bộ răng giả được làm bằng các chất liệu khác nhau: chì, ngà, răng người, răng bò và các động vật khác, chứ không phải gỗ như mọi người nghĩ. Hơn nữa, ông cũng không rụng hết sạch răng. Trong lễ nhậm chức Tổng thống, Washington còn một chiếc răng thật bên cạnh những chiếc răng giả. Ông bắt đầu đeo kính đọc sách trong cuộc cách mạng Mỹ. Ông ăn mặc hợp thời trang.
TÍNH CÁCH:
Là một người kín đáo, khiêm tốn, ông chỉ thổ lộ tâm tình với vài người bạn. Những người không ưa ông cho rằng tính dè dặt trang nghiêm của ông là sự tự cao tự đại. Đối với Washington, cuộc đời là một sứ mệnh quan trọng, một công việc cần được thực hiện một cách nghiêm túc, không ngừng nghỉ. Ông có ít thời gian để vui đùa. Mặc dù về cơ bản ông là người hòa nhã và thân thiện, nhưng ông đã phải đấu tranh để kiềm chế tính nóng nảy và đôi khi củng nếu không có bài diễn văn chuẩn bị trước. Ông thích viết những điều mình nghĩ ra giấy hơn. Tuy nhiên, khi đã nói, ông nói thẳng, bộc trực và nhìn thẳng vào mắt đối phương. Nhà viết tiểu sử Douglas Southall Freeman thừa nhận rằng, “tham vọng giàu sang đã biến Washington thành một người hám lợi và đôi khi hay gây gổ”. Thậm chí sau khi đã ổn định kinh tế – Freeman nói – “Washington vẫn nhất định yêu cầu thanh toán chính xác từng đồng fađinh nợ ông”, và quyết tâm “có mọi thứ mà ông có thể kiếm được một cách lương thiện”. Tuy nhiên, cả tham vọng thành công và tính hám lợi đều chưa bao giờ đe dọa bản tính chính trực của ông.
TỔ TIÊN:
Theo lời bà nội Mildred Warner Washington của Washington, ông thuộc dòng dõi vua Edward III (1312-1377) của Anh. Kỵ của ông – Đức Cha Lawrence Washington (khoảng 1602-1653) – từng là mục sư nhà thờ All Saints, giáo xứ Purleigh, Essex, Anh, nhưng bị sa thải khi một số thành viên Thanh giáo cáo buộc ông là “khách hàng thường xuyên của các quán rượu, không những bản thân ngày ngày đến đó uống rượu mà còn khuyến khích những người khác làm việc cực kỳ xấu đó”. Khoảng năm 1656, cụ của Washington – John Washington – đi thuyền buồm đến Mỹ, dự định ở lại một khoảng thời gian chỉ vừa đủ để kiếm được một lô hàng thuốc lá. Song, khi quay về, ngay sau khi bấm nút khởi động, thuyền bị chìm. Vì thế, John đã ở lại Virginia; tại đây, ông gặp và kết hôn với bà Anne Pope – cụ của Tổng thống Washington.
CHA:
Augustine Washington (1694?-1743) là một chủ đồn điền. Bạn bè gọi ông là Gus, ông dành phần lớn thời gian để có được và trông nom khoảng 10.000 mẫu đất (40km2) ở vùng Potomac, quản lý một xưởng đúc sắt và giải quyết công việc kinh doanh ở Anh. Chính lần trở về sau một trong những chuyến đi giải quyết công việc kinh doanh vào năm 1730, ông biết được vợ mình – Jane Butler Washington – đã mất khi ông vắng nhà. Ngày 6/3/1731, 11 tháng sau đó, ông kết hôn với Mary Ball – người sinh ra George Washington. Augstine Washington qua đời năm George 11 tuổi. Công việc kinh doanh khiến ông Washington rất hay xa nhà, nên George chỉ nhớ mang máng cha là một người cao ráo, nhã nhặn và tốt bụng.
MẸ:
Mary Ball Washington (khoảng 1709-1789). Mồ côi cha lúc 3 tuổi và mồ côi cả mẹ lúc 12 tuổi, Mary thuộc quyền giám hộ của luật sư George Eskridge, theo các điều khoản trong chúc thư của mẹ bà. Quan hệ của Washington với mẹ luôn luôn căng thẳng. Dù không hề nghèo, bà vẫn thường hỏi xin và luôn nhận được tiền và đồ đạc từ George. Tuy nhiên, bà thường phàn nàn với người ngoài rằng, bà túng thiếu và bị con cái bỏ rơi, George rất xấu hổ. Năm 1765, trong lúc con trai bà đang đi phục vụ đức vua trong cuộc chiến tranh với Pháp và người Da đỏ (Chiến tranh Chinh phạt), chịu đựng không một lời ca thán những khó khăn gian khổ của cuộc sống lều trại, bà lại viết thư cho George xin thêm bơ và người giúp việc nhà mới. Sự thù hằn giữa mẹ và con trai tồn tại dai dẳng cho tới khi bà qua đời vì bệnh ung thư vào năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của George.
ANH CHỊ EM:
Trong cuộc hôn nhân đầu tiên của cha mình, George Washington có hai người anh trai cùng cha khác mẹ – Lawrence Washington, người nhận nhiệm vụ chăm sóc George sau khi cha qua đời – và Augustine “Austin” Washington. Ông còn có ba em trai và một em gái – bà Betty Lewis; Samuel Washington; John Augustine “Jack” Washington, cha của thẩm phán Tòa án Tối cao Bushrod Washington; và Charles Washington, người thành lập thị trấn Charles, West Virginia.
HỌ HÀNG:
Washington là bác của Tổng thống James Madison, ông họ bảy đời của Nữ hoàng Elizabeth II (sinh năm 1926) của Vương quốc Anh, cụ họ hai đời của Đại tướng quân đội Liên minh Robert E. Lee, và cụ họ xa sáu đời của Winston Churchill.
CON CÁI:
Washington không có con; vì thế, ông không có con cháu dòng dõi trực hệ. Ông nuôi hai người con riêng của vợ với người chồng trước: John Parker Custis và Martha Dandridge Custis. Cháu gái Mary Custis của John kết hôn với Robert E. Lee.
NGÀY SINH, NƠI SINH:
Washington sinh ra tại điền trang của gia đình trên bờ nam sông Potomac, gần cửa sông Pope’s Creek, hạt Westmoreland, Virginia, lúc 10 giờ sáng ngày 22/2/1732. (Lịch cũ là ngày 11/2 – ngày Washington kỷ niệm sinh nhật; năm 1752, Anh và các nước thuộc địa áp dụng lịch mới, còn gọi là lịch Gregorian, thay cho lịch cũ, còn gọi là lịch Julian). Ông được đặt tên thánh vào ngày 5/4/1732.
THỜI THƠ ẤU:
Người ta chỉ biết chút ít về tuổi thơ của Washington. Sự kiện cây anh đào huyền thoại và việc ông không có khả năng nói dối, tất nhiên, bắt nguồn từ trí tưởng tượng của Parson Weems. Rõ ràng, người có ảnh hưởng lớn nhất và duy nhất đối với chàng trai George là người anh cùng cha khác mẹ Lawrence, hơn cậu 14 tuổi. Mồ côi cha năm 11 tuổi, George coi Lawrence như cha và chắc chắn là cố gắng noi gương anh. Lawrance nghĩ công việc trên biển có thể hợp với cậu em và thu xếp cho cậu công việc với tư cách chuẩn úy trong hải quân Anh. George rất thích ý tưởng này. Hai anh em cùng cố gắng thuyết phục mẹ George về những điểm hay ho của công việc này, nhưng bà Mary Washington kiên quyết phản đối. George, khi ấy 14 tuổi, lẽ ra đã có thể ra biển như nhiều cậu bé cùng trang lứa, nhưng cậu miễn cưỡng tôn trọng mong muốn của ba mẹ và từ bỏ công việc đó. Năm 16 tuổi, George chuyển đến sống với Lawrence tại điền trang của anh; Lawrence gọi đây là Mount Vernon, theo tên Đô đốc Edward Vernon, tư lệnh hải quân Anh ở West Indies khi thuyền trưởng Lawrence Washington phục vụ trong trung đoàn lính Mỹ ở đó. Ở Mount Vernon, George đã rèn luyện kỹ năng trắc đạc và đón chờ sinh nhật lần thứ 21, khi đó George sẽ nhận được phần thừa kế của mình từ điền sản của cha – trang trại Ferry, gần Fredericksburg, nơi gia đình George sinh sống từ năm 1738 và cũng là nơi mẹ ông sống cho tới khi qua đời; một nửa vùng đất rộng 4.000 mẫu Anh (8km2); ba lô đất ở Fredericksburg; 100 nô lệ; và một phần tài sản riêng của cha.
HỌC VẤN:
Có lẽ bởi không muốn xa cậu con trai cả trong một thời gian dài, không muốn chi tiêu tiền bạc, nên bà quả phụ Washington không chịu gửi George tới trường học ở Anh, giống như người chồng quá cố của bà đã làm cho hai người con lớn của ông; thay vào đó, bà để George làm quen với nền giáo dục bất thường thường thấy ở thuộc địa Virginia. Không biết chính xác ai đã dạy bảo George, nhưng đến năm 11 tuổi, ông đã nắm được những kỹ năng cơ bản về đọc, viết và toán. Toán là môn George giỏi nhất. Không như nhiều thành viên của tổ chức viết ra Hiến pháp nước Mỹ vào năm 1787, Washington chưa bao giờ có thời gian học tiếng Pháp – khi ấy là ngôn ngữ ngoại giao – và không học đại học. Ông vận dụng đầu óc toán học của mình vào việc trắc đạc – một nghề rất được ưa chuộng ở thuộc địa Virginia, nơi gia tài của một người được tính theo số mẫu đất trồng thuốc lá chứ không phải số lượng vàng.
TÔN GIÁO:
Giáo hội Giám nhiệm. Tuy nhiên, tôn giáo chỉ đóng vai trò thứ yếu trong cuộc sống của ông. Ông đề ra một nguyên tắc đạo đức dựa trên quan niệm của chính ông về đúng-sai, và tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Trong các bài viết, hiếm khi ông nhắc tới Chúa Trời hay Chúa Giê-su, mà chỉ nói về Thượng Đế như một thế lực siêu nhiên, siêu hình, có khả năng chi phối đời sống con người. Ông rất tin vào số mệnh, một thế lực mạnh đến nỗi “không thể chống lại bằng nỗ lực mạnh nhất của bản tính con người” – ông xác nhận.
SỞ THÍCH:
Washington học chơi bi-a hồi trẻ, chơi bài và đặc biệt thích nghi thức săn cáo. Những năm sau này, ông thường đọc báo cho vợ nghe mỗi buổi tối. Ngày nào ông cũng đi bộ thể dục.
CHUYỆN TÌNH THỜI TRẺ:
Washington có phần lúng túng và ngượng ngùng trước các cô gái, hầu như ông không thốt được lời nào. Ở tuổi 16-17, Washington đã trút tâm sự buồn bực vào những câu thơ kém vần sau:
“Ôi khốn khổ cho tôi khi yêu mà không dám nói.
Đã bao lần tôi ước mình có thể nói ra nhưng chưa bao giờ tôi dám nói, Thậm chí ngay cả khi trong lòng tôi cảm thấy đau đớn vô cùng”. Trước khi lấy Martha, chuyện tình của Washington đầy thất vọng.
Betsy Fauntleroy. Con gái của một thẩm phán, một đại biểu của hạt Richmond, Virginia tại Nghị viện. Năm 20 tuổi, Washington đã để ý tới cô, khi ấy mới 16. Washington thường xuyên quần là áo lượt, nhưng lần nào cũng bị chối từ. Cuối cùng, ông bỏ cuộc.
Mary Philipse. Trong một lần tới Boston để giải quyết vấn đề quân sự năm 1756, Washington dừng lại ở New York và đã gặp Mary Philipse, 26 tuổi, con gái của Frederick Philipse, một chủ đất giàu có. Không biết vẻ quyến rũ hay 51.000 mẫu đất của cô đã hấp dẫn Washington, ông đã ở lại thành phố này một tuần và nghe nói đã cầu hôn cô. Về sau, Mary Philipse lấy Roger Moris, cả hai đều là thành viên trung thành của Đảng Tory trong cuộc cách mạng Mỹ.
Sally Fairfax. Từ khi gặp Sarah Cary “Sally” Fairfax, cô dâu 18 tuổi của người bạn, người hàng xóm George William Fairfax, Washington đã say mê cô cuồng nhiệt bởi sự thanh thoát, quyến rũ, duyên dáng, hài hước, cũng như vẻ đẹp hiếm thấy và trí thông minh của cô. Mặc dù mối quan hệ này không bao giờ đi quá giới hạn, nhưng hai người đã có tình cảm mãnh liệt với nhau và thường xuyên viết thư qua lại. Trong một bức thư gửi Sally năm 1758, khi Washington đã đính hôn với Martha, ông đã nói lên tình yêu của mình dù rất khó hiểu vì sợ bức thư rơi vào tay người khác. Ông thú nhận với Sally rằng ông đã yêu một người phụ nữ mà cô biết rất rõ, rồi viết tiếp: “Thưa bà, bà đã khiến tôi, đúng hơn là chính tôi đã buộc mình phải thừa nhận một sự việc đơn giản. Xin đừng hiểu sai ý tôi, cũng đừng nghi ngờ hay để lộ nó. Thiên hạ không có quyền biết đối tượng tình yêu của tôi, được thổ lộ với bà theo cách này, khi tôi muốn giữ kín điều đó.” Xem ra Washington đã rất đau khổ vì mối quan hệ tình cảm vô vọng này, nhưng có lẽ ông còn đau khổ hơn nhiều khi ép mình phải quên chuyện này, bởi hai vợ chồng Fairfax không chia sẻ khát vọng của Washington về một nước Mỹ độc lập. Năm 1773, khi nỗi oán giận của người Mỹ về thuế má của người Anh bùng lên trong Tiệc trà Boston, Sally và George Fairfax rời Virginia về Anh, định cư lâu dài ở đấy và là người dân trung thành cho tới cuối cuộc đời.
HÔN NHÂN:
Washington, 26 tuổi, kết hôn với Martha Dandridge Custis, 27 tuổi, một góa phụ hai con; lễ cưới được tổ chức vào ngày 6/1/1759, tại điền trang White House của Martha, bên bờ sông Pamunkey, phía tây bắc Williamsburg. Martha sinh ngày 21/6/1731, tại hạt New Kent, Virginia, là con gái của John Dandridge – một chủ đồn điền – và Frances Jones Dandridge. Martha nhỏ nhắn và ưa nhìn, một người thực tế, hành động và suy nghĩ hợp lẽ phải, nếu không nói là vô cùng tài trí. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với Daniel Jones Custis – một chủ đồn điền tiếng tăm có hơn 17.000 mẫu đất (68km2). Bà có với ông bốn người con, nhưng chỉ có hai người sống đến tuổi trưởng thành. Năm 1757, chồng bà chết không để lại di chúc, và Martha được cho là góa phụ giàu có nhất ở Virginia. Có lẽ Washington đã quen biết hai vợ chồng Martha một thời gian. Tháng 3/1758, ông tới thăm bà tại White House hai lần; lần thứ hai ông nhận được lời đồng ý đính hôn hay ít nhất là bà hứa sẽ suy nghĩ về lời cầu hôn của ông. Đám cưới của họ là một sự kiện lớn. Chú rể mặc bộ đồ màu xanh da trời và ánh bạc, với khóa cài quần túm ống dưới đầu gối màu vàng viền đỏ. Sau khi Đức Cha Peter Mossum tuyên bố hai người là vợ chồng, họ hưởng tuần trăng mật tại White House vài tuần, rồi tới sống ở Mount Vernon của Washington. Cuộc hôn nhân của họ có vẻ bền vững, không gặp rắc rối vì chuyện ngoại tình hay xung khắc. Trong cuộc cách mạng Mỹ, Martha đã trải qua nhiều khó khăn gian khổ để tới thăm chồng tại sở chỉ huy. Với tư cách Đệ nhất phu nhân, bà Washington đã thu xếp nhiều công việc của nhà nước tại New York và Philadelphia (thủ đô được dời về Washington năm 1800, dưới thời chính quyền Adams). Sau cái chết của Washington năm 1799, bà trở nên buồn rầu và qua đời ngày 22/5/1802.
PHỤC VỤ TRONG QUÂN ĐỘI:
Washington phục vụ trong lực lượng dân quân Virginia (1752-1754, 1755-1758), từ cấp bậc thiếu tá lên đại tá, và là tổng tư lệnh Lục quân Lục địa (1775-1783), cấp đại tướng.
NGHỀ NGHIỆP TRƯỚC KHI LÀM TỔNG THỐNG:
Năm 1749, Washington nhận công việc đầu tiên: lập bản đồ địa hình ở hạt Culpepper, bang Virginia; ông đã thu được nhiều kinh nghiệm trong nghề này vào năm trước đó, trong chuyến thám hiểm vượt dãy Blue Ridge vì lợi ích của Lord Fairfax. Hai năm sau, ông đi cùng người anh Lawrence tới Barbados. Lawrence – chết vì bệnh lao – hy vọng tìm được phương thuốc chữa bệnh ở vùng khí hậu ôn hòa này. Thay vì thế, George lại bị đậu mùa tưởng chết. Sau cái chết của Lawrence và con gái của Lawrence năm 1752, George được thừa kế Mount Vernon – khu điền trang phát triển mở rộng dưới sự quản lý của George và là nơi ẩn náu thú vị của ông, trốn tránh những áp lực của cuộc sống trong cộng đồng.
Cuộc chiến tranh với Pháp và người Da đỏ, 1754-1763. Năm 1752, Washington được phong hàm lần đầu: cấp bậc thiếu tá trong lực lượng dân quân Virginia. Trong khoảng thời gian 10/1753-1/1754, Thống đốc Robert Dinwiddi phái Washington mang tối hậu thư đến pháo đài Le Boeuf, yêu cầu người Pháp rút khỏi vùng lãnh thổ mà người Anh đòi chủ quyền. Người Pháp từ chối. Người Pháp và Công ty Ohio – một nhóm người Virginia nôn nóng giành được các khu đất phía tây – cạnh tranh để giành quyền kiểm soát nơi mà ngày nay là Pittsburgh. Người Pháp đẩy lui được Công ty Ohio ra khỏi vùng này và xây dựng pháo đài Duquesne tại ngã ba sông Allegheny và Monongahela. Tháng 3/1754, Washington được thăng cấp trung tá, giám sát việc xây dựng pháo đài Necessity tại địa điểm nay là hạt Fayette, bang Pennsylvania. Tuy nhiên, tháng 7/ 1754, ông bị buộc phải chuyển giao vị trí tiền đồn ấy cho lực lượng người Pháp và người Da đỏ hùng mạnh hơn; thất bại nhục nhã này tạm thời đem lại cho Pháp quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này. Cuối năm đó, phẫn nộ trước việc các sĩ quan dưới cấp tuyên bố ở cấp bậc cao hơn ông vì họ là quân chính quy của Anh, Washington đã từ chức. Tuy nhiên, năm 1755, ông quay lại làm phụ tá cho tướng Edward Braddock. Trong trận giao tranh khốc liệt tháng 7/1755, Braddock tử thương, Washington đã cố gắng tập hợp lực lượng còn lại và rút lui có trật tự. Tháng 8 năm đó, ông được thăng cấp đại tá, trung đoàn trưởng. Tháng 12/1758, ông rời lực lượng dân quân sau khi được bầu vào Viện lập pháp Virginia.
Thành viên Viện lập pháp, 1759-1774: Tháng 7/1758, Đại tá Washington là một trong hai đại biểu của hạt Frederick được bầu vào Viện lập pháp. Ông nhập hội với những người phản đối chính sách thuộc địa của Anh và năm 1769, trở thành người lãnh đạo Hiệp hội được thành lập trong một phiên họp không chính thức của Viện lập pháp, sau khi bị thống đốc hoàng gia giải tán; Hiệp hội có nhiệm vụ cân nhắc những biện pháp hữu hiệu nhất để tẩy chay hàng nhập khẩu Anh. Washington ủng hộ cắt giảm mạnh việc buôn bán nhưng phản đối việc đình chỉ hoàn toàn giao dịch thương mại với Anh. Ông cũng không chấp thuận Tiệc trà Boston tháng 12/1773. Nhưng ngay sau đó, Washington nhận ra rằng, không thể giảng hòa với mẫu quốc được nữa. Trong lúc đó, năm 1770, ông đã thực hiện chuyến đi 9 tuần tới Ohio; tại đây, ông xem xét đòi hơn 20.000 mẫu đất cho mình và hàng chục nghìn mẫu đất cho những người đã phục vụ dưới quyền ông, để bù đắp cho sự phục vụ của ông trong Chiến tranh với Pháp và người da đỏ. Ông đi đầu trong việc thúc bách đòi bồi thường cho các cựu chiến binh Virginia. Sau này, ông viết: “Tôi có thể nói thêm, không quá ngạo mạn, rằng, nếu như tôi không liên tục quan tâm đến mọi sự kiện thuận lợi, thì sẽ không bao giờ có được một mẫu đất nào.”
Đại biểu Quốc hội Lục địa, 1774-1775. Là thành viên đoàn đại biểu Virginia tham dự Quốc hội Lục địa I và II, Washington làm việc ở các ủy ban chuẩn bị cho chiến tranh và là chủ tịch ủy ban xem xét các cách thu gom súng ống và đạn dược cho cuộc cách mạng sắp tới. Ông đã bỏ phiếu tán thành các giải pháp được đề ra nhằm giải quyết bất đồng với Anh một cách hòa bình, nhưng ông nhận ra rằng, những nỗ lực này không đem lại kết quả. Trong bài phát biểu với lời ca ngợi khó hiểu đến nỗi Washington bối rối đi vội ra khỏi phòng, John Adams, bang Massachusetts, khẩn thiết đề cử Washington làm Tổng tư lệnh Lục quân Lục địa mới thành lập. Tháng 6/1775, các đại biểu nhất trí chọn Washington – vì kinh nghiệm quân sự của ông và, thiết thực hơn, vì muốn một người Virginia xuất chúng chỉ huy cuộc đấu tranh vốn chủ yếu do các nhà cách mạng miền Bắc lãnh đạo.
Tổng tư lệnh Lục quân Lục địa trong Cách mạng, 1775-1783. Với đội quân huấn luyện kém, vô kỷ luật, bao gồm lực lượng dân quân ngắn hạn, tướng Washington đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại đội quân chính quy thiện chiến của Anh và lính đánh thuê người Đức (Hessian). Tháng 3/1776, ông làm nức lòng người dân New England với việc đẩy lui quân Anh ra khỏi Boston, nhưng việc để mất thành phố New York và những trở lực khác vào cuối năm đó đã làm mất hy vọng nhanh chóng chiến thắng. Tinh thần đang suy sụp của người Mỹ được khích lệ khi Washington vượt sông Delaware tiến vào New Jersey và đánh bại quân địch tại Trenton (12/1776) và tại Princeton (1/1777). Song, những thất bại nặng nề tại Brandywine (9/1777) và tại Germantown (10/1777) cùng sự thất thủ Philadelphia đã khiến uy tín của Washington trong Quốc hội giảm mạnh. Richard Henry Lee, Benjamin Rush và nhiều người khác âm mưu loại bỏ Washington và thay thế ông bằng tướng Horatio Gates – người đã đánh bại tướng John Burgoyne trong trận Saratoga (10/1777). Những người ủng hộ Washington trong Quốc hội đã tập hợp lại phản đối nhóm gọi là Conway Cabal. Triển vọng giành thắng lợi dường như mờ mịt khi Washington án binh trong nơi nghỉ đông tại Valley Forge, bang Pennsylvania, vào tháng 12/1777.
Washington đã viết ca ngợi những người lính nếm mật nằm gai với ông ở Valley Forge như sau: “Những người lính không áo ấm che thân, không chăn nệm, không giày, đôi bàn chân rớm máu mỗi lần hành quân và thiếu thốn lương thực triền miên; hành quân dưới trời sương, tuyết, còn vào dịp Giáng sinh vẫn phải tìm nơi dựng doanh trại mùa đông, chịu cảnh màn trời chiếu đất cho tới khi dựng xong, mà không một lời ca thán. Đó quả thật là biểu hiện của lòng kiên nhẫn và sự phục tùng mà theo tôi không gì so sánh nổi.” Tất nhiên, một số càu nhàu và hét ầm ĩ. “Không tiền! Không quần áo! Không đồ ăn thức uống! Không rượu rum!” – một số buồn rầu nói. Song, đáng chú ý là không có hiện tượng đào ngũ hay nổi loạn. Tinh thần yêu nước đã cứu sống nhiều người, đúng là như thế, nhưng cũng không ít người tin tưởng Washington đủ khả năng giúp họ vượt qua một cách an toàn. Các con đường đều ngập tuyết, không thể đi lại được để tiếp tế đồ ăn thức uống, những người lính sống nhờ những món ăn như xúp hạt tiêu – một thứ nước luộc lòng bò loãng nêm hạt tiêu. Nhiều người đã chết trong mùa đông đó. Những người còn sống được tiếp thêm hy vọng với màu xanh của mùa xuân và tin tức do tướng Washington thông báo vào tháng 5/1778 – đó là Pháp đã công nhận nền độc lập của Mỹ. Một việc cũng tạo hứng khởi là Baron Friedrich von Steuben được Washington chỉ thị tới huấn luyện cho những người còn sống sót ở Valley Forge trở thành đội quân thiện chiến. Tháng 6/1778, quân lính của Washington nhổ trại – một đội quân được tái sinh; với sự trợ giúp của người Pháp, họ tiếp tục chiến tranh với người Anh; tháng 10/1781, họ chặn được tướng Charles Cornwallis ở Yorktown và buộc quân Anh phải đầu hàng.
Tướng Washington ra các điều kiện đầu hàng nghiêm ngặt nhưng không mang tính chất trừng phạt: phải nộp toàn bộ vũ khí và quân nhu; phải trả lại toàn bộ chiến lợi phẩm, nhưng binh lính Anh có thể giữ lại những vật dụng riêng và sĩ quan có thể giữ lại vũ khí đeo cạnh sườn. Các bác sĩ Anh được phép chăm sóc người của mình bị ốm và bị thương. Cornwallis chấp nhận, nhưng thay vì đích thân dẫn quân tới địa điểm đầu hàng đã thỏa thuận vào ngày 19/10/1781, ông ta lại cử phó tướng Charles O’Hara đi. Đi dọc con đường với hai bên là người Pháp và người Mỹ, O’Hara chạm mặt với Washington và Comte de Rochambeau mang lễ phục quân đội. O’Hara nhầm Rochambeau là Tổng tư lệnh, nhưng viên sĩ quan người Pháp đã chỉ rất nhanh sang Washington, và O’Hara, có lẽ hơi lúng túng, quay sang phía vị tướng người Mỹ. Không muốn giải quyết vấn đề với một người cấp bậc thấp hơn, Washington yêu cầu O’Hara nộp thanh gươm đầu hàng cho phụ tá của mình là tướng Benjamin Lincoln.
Trong thông báo chiến thắng gửi tới Quốc hội, Washington viết một cách đầy tự hào: “Thưa các vị, tôi được vinh dự báo với Quốc hội rằng, quân đội Anh dưới sự chỉ huy của tướng Cornwallis đã quy hàng một cách vui vẻ nhất. Lòng nhiệt tình không bao giờ giảm sút đã thúc đẩy từng người lính, từng sĩ quan trong quân đội liên minh của chúng ta, và là nhân tố chủ yếu dẫn tới sự kiện trọng đại này, sớm hơn so với kỳ vọng lạc quan nhất mà tôi trông đợi.” Tháng 11/1783, hai tháng sau khi hiệp định hòa bình chính thức được ký kết, Washington từ chức và trở về nhà ở điền trang Mount Vernon.
Chủ tịch Hội nghị Lập hiến, 1787. Washington, đại biểu bang Virginia, đã trở thành chủ tịch hội nghị với số phiếu bầu tuyệt đối. Ông là một trong số những người ủng hộ một chính phủ liên bang vững mạnh. Sau hội nghị, ông đã thúc đẩy việc thông qua Hiến pháp ở Virginia. Theo những ghi chép của Abraham Baldwin, đại biểu bang Georgia – những ghi chép chỉ mới được phát hiện gần đây và công bố năm 1987, Washington đã nói riêng rằng ông không trông đợi Hiến pháp này tồn tại quá 20 năm.
ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG, NHIỆM KỲ THỨ NHẤT, 1789:
Washington, một người chủ trương lập chế độ liên bang, hiển nhiên sẽ được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Là một lãnh đạo đã được thử thách với sự nổi tiếng vượt qua cả mâu thuẫn giữa những người theo chế độ liên bang và những người phản đối một chính quyền trung ương vững mạnh, người có trách nhiệm nhất về việc giành độc lập, một đại địa chủ khiêm nhường không thích sự chú ý của người khác, Washington chi phối bối cảnh chính trị tới mức không một ai trong số 69 đại cử tri bỏ phiếu chống lại ông. Nhờ vậy, ông đã giành được sự ủng hộ của cả 10 bang: Connecticut, Delaware, Georgia, Maryland, Massachusetts, New Hampshire, New Jersey, Pennsylvania, Nam Carolina, Virginia. (Bang Bắc Carolina và Rhode Island khi đó vẫn chưa thông qua Hiến pháp. Bang New York không thể quyết định kịp việc gửi cử tri nào đi bỏ phiếu). Washington là vị Tổng thống duy nhất được 100% phiếu đại cử tri. John Adams, bang Massachusetts, có số phiếu cao thứ hai: 34 phiếu, và trở thành Phó Tổng thống.
ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG, NHIỆM KỲ THỨ HAI, 1792:
Lúc này các đảng viên Đảng Dân chủ – Cộng hòa ngày càng mạnh lên, song Washington tiếp tục nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Một lần nữa, ông lại giành được số phiếu bầu của tất cả cử tri: 132 phiếu, và như vậy, ông đã giành được sự ủng hộ của cả 15 bang: Connecticut, Delaware, Georgia, Kentucky, Maryland, Massachusetts, New Hampshire, New York, New Jersey, Bắc Carolina, Pennsylvania, Rhode Island, Nam Carolina, Vermont và Virginia. John Adams, bang Massachusetts, có số phiếu bầu cao thứ hai: 77 phiếu, và lại làm phó tổng thống.
DIỄN VĂN NHẬM CHỨC (LẦN THỨ NHẤT ):
Thành phố New York, 30/4/1789. “… Lần đầu tiên khi tôi vinh dự được gọi đi phục vụ cho Tổ quốc mình, vào cái đêm trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh gian khổ để giành tự do cho đất nước này, nguồn sáng sẽ soi rọi cho tôi trong từng nhiệm vụ tôi sắp sửa đảm nhận, đã mách bảo tôi rằng tôi sẽ không được phép đòi hỏi bất cứ sự đền bù tiền bạc nào. Giờ đây, vẫn với những gì tôi đã từng suy nghĩ ngày ấy để đi tới quyết tâm đó, tôi cần phải khước từ, ít nhất là với bản thân tôi, bất kỳ một khoản tiền lương cá nhân nào – những khoản tiền có thể không thể thiếu bao gồm khoản cung cấp thường xuyên cho văn phòng tổng thống. Đồng thời tôi cũng mong muốn rằng việc tính toán các khoản chi tiêu đối với cương vị mà tôi đang đảm nhận lúc này đây, trong suốt thời gian tôi đương nhiệm sẽ chỉ giới hạn sao cho phù hợp với lợi ích của công chúng…”
DIỄN VĂN NHẬM CHỨC (LẦN THỨ HAI):
Philadelphia, 4/3/1793. (Đây là diễn văn nhậm chức ngắn nhất, chỉ có 135 từ). “Thưa toàn thể đồng bào, tôi một lần nữa lại được đất nước chọn làm người đứng ra gánh vác những nhiệm vụ của một Tổng thống. Tôi hy vọng có thể diễn đạt được ý nghĩa lớn lao của vinh dự đặc biệt này mà tôi đang được đứng đây với lòng tin mà toàn thể nước Mỹ thống nhất đã đặt ở tôi. Theo như Hiến pháp quy định, tôi sẽ phải tuyên thệ nhậm chức trước khi chịu sự chi phối của bất cứ điều luật chính thức nào áp dụng đối với Tổng thống. Lời tuyên thệ mà tôi sắp nói ra đây trước sự có mặt của tất cả các bạn, đó là: trong thời gian tôi đương nhiệm, nếu bất kỳ lúc nào các bạn phát hiện thấy tôi có hành động cố ý vi phạm những điều luật nói trên thì tôi (không những phải chịu các hình phạt theo quy định của Hiến pháp mà còn) phải chịu mọi sự quở trách của tất cả những ai đang chứng kiến buổi lễ long trọng ngày hôm nay.”
PHÓ TỔNG THỐNG:
John Adams (1735-1826), bang Massachusetts, thời gian: 1789.
NỘI CÁC :
Bộ trưởng Ngoại giao. (1) Thomas Jefferson (1743-1826), bang Virginia, giai đoạn 1790-1793. (2) Edmund Jennings Randolph (1753-1813), bang Virginia, giai đoạn 1794-1795. Tác giả của kế hoạch Randolph (hay Virginia), ủng hộ các bang lớn tại Hội nghị Lập hiến năm 1787. Được thuyên chuyển từ chức tổng chưởng lý, ông không xen vào cuộc đấu giữa Jefferson và Alexander Hamilton. Bị những người ủng hộ Jefferson và Alexander Hamilton tố cáo, ông gần như không làm được việc gì và buộc phải từ chức với những lời buộc tội không có cơ sở rằng ông đã lạm dụng chức vụ cho mục đích cá nhân. (3) Timothy Pickering (1745- 1829), bang Massachusetts, giai đoạn 1795-1800. Được thuyên chuyển từ chức bộ trưởng Chiến tranh, ông là một người trung thành với Hamilton và tiếp tục giữ chức bộ trưởng Ngoại giao dưới chính quyền Adams.
Bộ trưởng Tài chính. (1) Alexander Hamilton (khoảng 1755-1804), bang New York, giai đoạn 1789-1795. Là cố vấn thân cận nhất của Washington, ông rất tán dương các thể chế ở Anh và là bậc thầy về chính trị vũ lực. Hamilton coi vai trò của mình trong chính phủ giống như vai trò của thủ tướng. Ảnh hưởng của ông vượt qua lĩnh vực kinh tế vươn sang cả lĩnh vực ngoại giao, pháp luật, hoạch định dài hạn các vấn đề xã hội. Ông ủng hộ và giúp xây dựng một chính phủ trung ương vững mạnh nhờ cắt giảm quyền hạn của các bang. Ông đã tạo dựng cho đất nước còn non trẻ này một nền tảng tài chính vững mạnh thông qua việc đánh thuế để thanh toán hết nợ quốc gia, và thúc đẩy việc thành lập ngân hàng quốc gia. Ông cũng tán thành việc áp dụng biểu thuế để bảo vệ nền sản xuất trong nước còn rất non yếu khỏi sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập. Tầm nhìn của ông về tương lai nước Mỹ bao gồm cả những vấn đề như: từ một xã hội nông nghiệp trở thành một cường quốc công nghiệp, chương trình giao thông quốc gia nhằm thúc đẩy thương mại và giảm bớt chênh lệch giữa các vùng, một nền quốc phòng vững mạnh, một hệ thống tiền tệ bảo đảm và chắc chắn. Sau khi từ chức ông vẫn tham gia vào nhiều vấn đề của đất nước. Washington vẫn tham khảo ý kiến ông. Người kế nhiệm Hamilton, Oliver Wolcott, và những người khác trong nội các vẫn xin lời khuyên của ông. Thậm chí ông còn giúp soạn thảo diễn văn mãn nhiệm của Washington. Là nhà lãnh đạo bảo thủ nhất thời đó, ông bị Thomas Jefferson và những người ủng hộ Jefferson ghét cay ghét đắng. (2) Oliver Wolcott (1760-1833), bang Connecticut, thời gian: 1795-1800. Là luật sư và là người ủng hộ Hamilton, ông tiếp tục làm bộ trưởng Tài chính trong chính quyền Adams.
Bộ trưởng Chiến tranh. (1) Henry Knox (1750-1806), bang Massachusetts, giai đoạn 1789-1794. Là chỉ huy trưởng pháo binh và cố vấn thân cận của tướng Washington trong Cách mạng Mỹ và bộ trưởng Chiến tranh theo Hiến chương Liên hợp bang, đương nhiên ông là người được chọn cho vị trí này. Ông thúc đẩy việc xây dựng lực lượng hải quân vững mạnh. Pháo đài Knox được đặt theo tên ông. (2) Timothy Pickering (1745-1829), bang Massachusetts, giai đoạn 1/1975-12/1795. Là luật sư và cựu chiến binh tham gia Cách mạng Mỹ, ông đã củng cố lực lượng hải quân. Ông thôi chức bộ trưởng Chiến tranh để làm bộ trưởng Ngoại giao. (3) James McHenry (1753-1816), bang Maryland, giai đoạn 1796-1800. Trong Cách mạng Mỹ, ông làm bác sĩ phẫu thuật và là tù nhân chiến tranh. Ông tiếp tục giữ chức bộ trưởng Chiến tranh trong chính quyền Adams. Pháo đài Mc Henry ở Baltimore được đặt theo tên ông.
Bộ trưởng Tư pháp. (1) Edmund Jennings Randolph (1753-1813), bang Virginia, giai đoạn 1789-1794. Ông giúp soạn thảo tuyên bố trung lập của Tổng thống Washington. Tổng thống đã bác bỏ ý kiến của Randolph cho rằng việc thành lập ngân hàng quốc gia là trái hiến pháp. Ông từ chức và chuyển sang làm bộ trưởng Ngoại giao. (2) William Bradford (1755- 1795), bang Pennsylvania, giai đoạn 1794-1795. Ông được bổ nhiệm khi đang là một thẩm phán tại Tòa án Tối cao bang. (3) Charles Lee (1758- 1815), bang Virginia, giai đoạn 1795-1801. Ông là anh của Henry “Light- Horse Harry” Lee. Ông thúc giục Hoa Kỳ từ bỏ chính sách trung lập và tuyên chiến với Pháp, nhưng không thành công. Ông tiếp tục làm bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền Adams.
HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN: 30/4/1789-3/3/1797.
Các tiền lệ. Tổng thống Washington nhận xét: “Nhiều việc lúc đầu tưởng không mấy quan trọng, song nếu được xác định rõ ngay từ khi mới thành lập chính quyền thì có thể tạo nên những tác động to lớn và lâu dài.” Tâm niệm như vậy, ông làm việc một cách thận trọng, thực tế, chỉ hành động khi cần phải thêm nhiều chi tiết vào cơ cấu chính phủ cơ bản vốn được miêu tả rất sơ sài trong bản Hiến pháp: (1) Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ trưởng, giống như việc ông đã sử dụng Hội đồng Chiến tranh trong thời kỳ Cách mạng Mỹ, ông đã nêu gương cho các Tổng thống sau này trong việc thường xuyên tham khảo nội các. (2) Vì Quốc hội không thẩm tra việc bổ nhiệm của Washington (chủ yếu vì tôn trọng cá nhân ông, chứ đó không phải là nguyên tắc), nên tục lệ là Tổng thống có quyền chọn nội các. Quốc hội thường xác nhận việc bổ nhiệm của Tổng thống, ngay cả khi đảng đối lập chiếm đa số ghế trong Quốc hội. (3) Hiến pháp lúc bấy giờ chưa quy định việc một tổng thống nên giữ chức trong bao lâu. Washington gần như đã đưa ra tiền lệ về một nhiệm kỳ, vì từ đầu ông đã quyết định nghỉ hưu vào năm 1793, nhưng ông đã tiếp tục thêm nhiệm kỳ thứ hai khi mà rõ ràng là chính phủ phi đảng phái ông từng cố công xây dựng chuẩn bị tan rã. Vì thế, ông đặt ra tiêu chuẩn hai nhiệm kỳ được áp dụng cho tới năm 1940. (4) Khi John Jay từ chức Chánh án, Washington đã chọn người kế nhiệm bên ngoài tòa án chứ không đưa người trong tòa lên, như nhiều người mong đợi. Không lấy thâm niên nghề nghiệp làm tiêu chuẩn để lựa chọn người lãnh đạo Tòa án Tối cao, Washington đã thiết lập tiền lệ cho phép các Tổng thống kế nhiệm ông có thể chọn trong số nhiều người trẻ tuổi, có tài năng hơn là chỉ chọn trong số ít những thẩm phán đương chức có tuổi.
Sự kiện người da đỏ. Năm 1791, Tổng thống Washington giao tướng Arthur St. Clair chỉ huy một đạo quân đi chinh phục những người da đỏ đang chống lại việc định cư của người da trắng ở Lãnh thổ Tây Bắc. St. Clair đã thất bại, bị thủ lĩnh người Miami, Little Turtle, đánh tan tác trên sông Wabash. Khi đó, Washington chuyển sang giao cho một cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Cách mạng là “Mad” Anthony Wayne (Anthony Wayne “điên khùng”); trước khi dẫn quân đi chinh phục, Wayne đã dành hằng tháng trời để huấn luyện cho đội quân chính quy tham gia vào cuộc chiến tranh với người da đỏ. Wayne đã dũng cảm đưa quân vào khu vực này, tổ chức xây dựng hàng loạt pháo đài; và vào ngày 20/8/1794, Anthony Wayne đã chiến thắng quân da đỏ do Little Turtle (Rùa Nhỏ) cầm đầu trong trận Fallen Timbers, gần Toledo, Ohio ngày nay. Theo các điều khoản đã ký kết trong Hiệp ước Greenville (1795), các bộ tộc da đỏ thua trận buộc phải nhường lại vùng lãnh thổ tranh chấp phía tây bắc cho chính phủ Hoa Kỳ và phải dời về phía tây. Thông qua con đường ngoại giao, Tổng thống Washington đã cố gắng dàn hòa với bộ tộc Creek và các bộ tộc da đỏ khác ở miền Nam, đương nhiên kết quả đạt được còn hạn chế. Năm 1792, ông tổ chức tiếp đón các tộc trưởng thuộc Liên minh “Sáu bộ tộc da đỏ” miền Nam, trong đó có cả thủ lĩnh người Seneca là Red Jacket (Áo choàng đỏ) – người được Washington tặng thưởng huy chương bạc và đã trân trọng gìn giữ kỷ vật đó suốt đời. Red Jacket từng lãnh đạo bộ tộc da đỏ chống lại quân đội của Washington thời kỳ Chiến tranh Cách mạng, nhưng sau này đã chung sức cùng người dân Mỹ chiến đấu trong cuộc chiến tranh năm 1812.
Tuyên bố trung lập, 1793. Năm 1793, trong cuộc chiến tranh giữa một bên là Pháp và một bên là các nước Anh, Áo, Thổ, Sardegna và Hà Lan, Tổng thống Washington đã tuyên bố Hoa Kỳ “giữ quan hệ hòa hảo và vô tư với các bên tham chiến”. Dù ông đã tránh dùng từ “trung lập”, nhưng ý định của ông khá rõ ràng. Những người không ưa ông chỉ trích rằng, tuyên bố của ông phá bỏ lời cam kết của Mỹ với đồng minh đầu tiên là Pháp. Tuy vậy, với tuyên bố này, Mỹ đã tránh khỏi một cuộc chiến tranh mà vào thời điểm ấy Mỹ chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Công sứ Pháp tại Mỹ Edmon Genet tảng lờ chủ trương trên của Mỹ, tìm cách kích động tình cảm thân Pháp của người Mỹ và sắp đặt, bố trí để các tàu săn lùng của Mỹ quấy rối các tàu của Anh. Những hành động trên khiến Tổng thống Washington buộc phải trục xuất Edmon Genet về nước.
Cuộc nổi loạn Whiskey, 1794. Năm 1794, nhằm góp phần thanh toán các khoản nợ quốc gia và xây dựng một nền tảng kinh tế vững mạnh cho đất nước, Tổng thống Washington đã chấp thuận đánh thuế rượu. Thời kỳ này, người nông dân ở bang Pennsylvania vẫn thường dùng ngô để nấu rượu. Làm như vậy, họ không phải tốn chi phí vận chuyển ngũ cốc ra chợ bán. Họ đã phản đối, không chịu trả thuế. Theo lời khuyên của Hamilton, Washington đã hạ lệnh đưa 15.000 dân binh tới vùng này, và đích thân ông duyệt đội quân ngay tại thao trường. Hành động cương quyết và mạnh mẽ này đã giúp chính quyền liên bang vượt qua được thử thách thực sự đầu tiên đó.
Hiệp ước Jay, 1795. Những người ủng hộ Jefferson đã phê phán kịch liệt và thẳng thừng chỉ trích Washington về việc ký kết hiệp định với Anh. Nhằm ngăn chặn những cuộc xung đột có thể xảy ra với nước mẹ cũ (Anh quốc) và buộc Anh phải rút quân đội ra khỏi các tiền đồn trên Lãnh thổ Tây Bắc Mỹ như Anh đã từng cam kết trong Hiệp ước ở Paris về việc chấm dứt cuộc Chiến tranh Cách mạng; Washington đồng ý để quân Anh được kiểm soát trên các vùng biển của Mỹ cùng với quân đội Mỹ. Bất kỳ tàu Mỹ nào bị nghi chở hàng lậu tới vùng bờ biển Mỹ mà quân Anh đang đóng đều có thể bị hải quân Anh kiểm tra và tịch thu. Trên thực tế, gần như bất kể thứ sản phẩm hữu ích gì, kể cả lương thực, thực phẩm cũng đều bị Anh xem là hàng lậu. Hơn nữa, Hiệp ước Jay đã không giải quyết được một trong những bất đồng cơ bản đang ngáng trở quá trình nối lại quan hệ với Anh – đó là vấn đề cưỡng bức đi lính. Anh đặt ra chính sách: “Đã là người Anh thì mãi mãi vẫn là người Anh”. Chính sách đó có nghĩa là một kiều dân Anh cho dù đã từ bỏ bổn phận với Hoàng gia Anh và trở thành công dân Mỹ, thì người đó vẫn không thoát khỏi sự cai quản của vua Anh. Nếu trong khi khám xét tàu Mỹ, hải quân Anh phát hiện trong đám thủy thủ có người Anh, thì họ sẽ cưỡng bức anh ta phải sung vào Hải quân Hoàng gia. Bất chấp tất cả những điều trên và việc quan hệ với Pháp ngày một căng thẳng, Hiệp ước Jay đã trì hoãn được cuộc xung đột tất yếu với Anh cho tới năm 1812, khi Mỹ đã chuẩn bị tốt hơn về quân sự. Sau khi Thượng Nghị viện Mỹ thông qua Hiệp ước Jay, Hạ Nghị viện yêu cầu Tổng thống cho xem mọi giấy tờ có liên quan trực tiếp tới quá trình đàm phán hiệp ước này. Washington đã dựa theo quy định trong Hiến pháp để từ chối yêu cầu trên. Ông cho rằng, chỉ có Thượng Nghị viện mới có quyền thông qua các hiệp ước. Từ đó, ông đặt ra một tiền lệ, theo đó, các Tổng thống tương lai của nước Mỹ đều có quyền phản đối những yêu cầu như trên của Quốc hội.
Hiệp ước Pinckney, 1795. Theo Hiệp ước này, Washington tiến hành quá trình bình thường hóa quan hệ với Tây Ban Nha thông qua việc thiết lập đường ranh giới phân cách Hoa Kỳ và Florida của Tây Ban Nha ở vĩ tuyến 31. Tuy nhiên, Hiệp ước này có ý nghĩa quan trọng hơn cả đối với tương lai của thương mại Mỹ, vì theo Hiệp ước này, các tàu của Mỹ được phép tự do cập bến ở bất kỳ cảng nào suốt dọc chiều dài sông Mississippi, tự do vào cảng New Orleans vì mục đích xuất khẩu.
Trong các hành động có tầm quan trọng lâu dài khác, Tổng thống Washington đã ký thành luật các dự luật tạo ra hoặc chuẩn bị cho:
1789: Tuyên thệ trung thành với đất nước của các quan chức Nhà nước Liên bang và tiểu bang
Hệ thống thuế quan đầu tiên nhằm bảo hộ các nhà sản xuất trong nước. Bộ Ngoại giao, Bộ Chiến tranh và Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bưu điện
Tòa án Tối cao Liên bang, các tòa án lưu động và các tòa án liên bang ở các vùng, và chức Chưởng lý (theo Đạo luật Tòa án). Tất nhiên, Washington là người bổ nhiệm tất cả các quan tòa đầu tiên vào các tòa án trên.
1790: Cuộc điều tra dân số liên bang đầu tiên
Bảo hộ quyền sáng chế, quyền tác giả
Dời thủ đô về Philadelphia tháng 12/1790 và về Washington 10 năm sau đó
1791: Ngân hàng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
1792: Thứ tự kế nhiệm chức Tổng thống; sau Phó Tổng thống thì đến chủ tịch Thượng Nghị viện và tiếp đó là chủ tịch Hạ Nghị viện được quyền kế nhiệm chức Tổng thống
Sở đúc tiền Philadelphia
1795: Luật quốc tịch, kéo dài thời gian định cư từ 2 lên 5 năm
DIỄN VĂN MÃN NHIỆM, 1796.
Washington đã có diễn văn mãn nhiệm rất nổi tiếng; tuy nhiên, ông không đọc bản diễn văn này trước công chúng mà cho đăng trên tờ American Daily Advertiser, số ra ngày 17/9/1796. Trong bài diễn văn, ông cảnh báo những tai hại mà tình trạng đa đảng chính trị và các lực lượng liên minh phá rối của nước ngoài có thể gây ra. Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, ông luôn cố gắng ngăn chặn sự gia tăng của xu hướng phân chia đảng phái, song xu hướng này chỉ thực sự được chặn đứng hoàn toàn khi ông tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa. Không lâu sau khi ông tuyên bố thôi chức Tổng thống, cuộc chiến tranh đảng phái đã bùng nổ giữa một bên là những người theo chế độ liên bang, đứng đầu là Hamilton và Adams, với một bên là những người Cộng hòa-Dân chủ, đứng đầu là Jefferson. Điều đáng chú ý hơn cả trong bài diễn văn này là Washington đã cảnh báo Mỹ nên tiếp tục đứng ngoài các cuộc chiến tranh ở châu Âu. Ông khuyên: “Khi mở rộng quan hệ thương mại với các nước khác, nguyên tắc lớn chi phối mọi hoạt động của chúng ta là có càng ít quan hệ chính trị với các nước này bao nhiêu càng tốt. Từ trước tới nay, chúng ta đã từng có nhiều lời hứa hẹn, vậy hãy để những lời hứa ấy được giữ đúng bằng một niềm tin trọn vẹn. Chúng ta hãy nên ngừng lại ở đây.” Và trong suốt 100 năm tiếp đó, chủ nghĩa biệt lập vẫn luôn là đặc trưng trội hơn cả trong đường lối ngoại giao của nước Mỹ.
Các bang sáp nhập vào Liên bang: Vermont (1791), Kentucky (1792), Tennessee (1796).
Các tu chính án đã được thông qua: Dự luật về các loại quyền (10 tu chính án đầu tiên, 1791): (1) Quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do kiến nghị để giải đáp mọi thắc mắc. (2) Quyền được sở hữu vũ khí. (3) Hạn chế việc lùng sục lính ở các nhà riêng. (4) Quyền không bị khám xét, tịch thu vô cớ. (5) Cấm tự gây hại, tự đổ tội cho bản thân; quyền được hưởng sự bảo lãnh theo luật định. (6) Quyền được xét xử công khai và nhanh chóng. (7) Bồi thẩm đoàn có quyền tham gia xét xử. (8) Cấm đặt ra các mức tiền phạt hoặc tiền bảo lãnh bất hợp lý. Cấm sử dụng các hình phạt tàn bạo và bất bình thường. (9) Các quyền hiển nhiên mà Hiến pháp không quy định cụ thể. (10) Các tiểu bang có đầy đủ những quyền hạn không phải là đặc quyền của chính phủ Liên bang hoặc không bị Hiến pháp phủ nhận. Tu chính án số 11 (1795): Công dân của tiểu bang này không có quyền kiện tiểu bang khác.
BỔ NHIỆM THẨM PHÁN TÒA ÁN TỐI CAO:
(1) John Jay (1745-1829), bang New York, chánh án Tòa án Tối cao từ 1789 đến 1795. Là chánh án đầu tiên, ông đã lập ra thủ tục xét xử. Khi còn đương nhiệm, ông đã đàm phán Hiệp ước Jay (Xem: Hoạt động của chính quyền). Ông thôi chức chánh án và làm thống đốc bang New York.
(2) John Rutledge (1739-1800), bang Nam Carolina, thẩm phán từ 1789-1791. Năm 1795, ông được bổ nhiệm làm chánh án nhưng bị Thượng Nghị viện phủ quyết.
(3) William Cushing (1732-1810), bang Massachusetts, thẩm phán từ 1789-1810. Ông là chánh án Tòa án Tối cao duy nhất vẫn đội tóc giả – một nghi thức phổ biến trong giới luật gia Anh.
(4) James Wilson (1742-1798), bang Pennsylvania, giữ chức thẩm phán từ 1789-1798. Là người nhập cư gốc Scottland, ông đã ký vào Tuyên ngôn Độc lập. Trong vụ Chisholm và Georgia (1793), ông quyết định rằng, công dân ở bang này được phép kiện bang khác – một quyết định không được lòng người và dẫn đến việc thông qua Tu chính án số 11 (1795) hủy bỏ quyết định này.
(5) John Blair (1732-1800), bang Virginia, thẩm phán từ 1789-1796. Là bạn của Washington – hai người cùng là đại biểu bang Virginia tham dự Hội nghị Lập hiến, ông đã áp dụng kinh nghiệm nhiều năm ở các tòa bang Virginia vào Tòa án Tối cao.
(6) James Iredell (1751-1799), bang Bắc Carolina, thẩm phán từ 1790-1799. Là người nhập cư gốc Anh, ở tuổi 38, ông là thành viên trẻ nhất trong Tòa án Tối cao đầu tiên. Quan điểm bất đồng của một mình ông trong vụ Chisholm và Georgia (1793) là cơ sở của Tu chính án số 11 (1795).
(7) Thomas Johnson (1732-1819), bang Maryland, thẩm phán từ 1791- 1793. Là bạn của Washington từ thời Cách mạng, ông là thống đốc đầu tiên của bang Maryland và là Chánh án Tòa án bang Maryland. Ông rời Tòa án Tối cao vì lý do sức khỏe.
(8) William Paterson (1745-1806), bang New Jersey, thẩm phán từ 1793-1806. Ông giúp soạn thảo Đạo luật Tư pháp 1789 tạo ra hệ thống tòa án liên bang. Trong vụ Van Horne’s Lessee và Dorrance (1795), ông đã xác lập quyền tuyên bố một luật của bang đã được thông qua là trái với hiến pháp cho Tòa án Tối cao – một tiền lệ đưa đến việc tòa án xem xét lại các luật liên bang.
(9) Samuel Chase (1741-1811), bang Maryland, thẩm phán từ 1796-1811. Nóng tính và có giọng lưỡi chua cay, những lời công kích vô cớ của ông đối với Tổng thống Jefferson năm 1803 đã khiến ông bị Hạ Nghị viện kết tội, nhưng ở Thượng Nghị viện còn thiếu 4 phiếu mới đủ 2/3 số phiếu cần thiết để kết án. Ông là thẩm phán duy nhất trong Tòa án Tối cao Liên bang bị kết tội. Trong vụ Ware và Hilton (1796), ông đã xác lập uy thế của các hiệp ước quốc gia đối với luật của bang.
(10) Oliver Ellswarth (1745-1807), bang Connecticut, chánh án Tòa án Tối cao từ 1796 đến 1800. Ông là kiến trúc sư chính của Đạo luật tư pháp 1789 tạo ra hệ thống tòa án liên bang. Trong vụ Chính phủ Mỹ và La Vengeance (1796), ông thay mặt đại đa số phát biểu về việc mở rộng quyền hạn của liên bang đối với toàn bộ sông hồ nội địa.
THỨ HẠNG TRONG CUỘC BÌNH CHỌN TỔNG THỐNG NĂM 1962:
Washington xếp thứ 2 trong số 31 tổng thống, thứ 2 trong số 5 tổng thống “vĩ đại”. Ông được xếp trên Franklin Roosevelt và sau Lincoln.
VỀ HƯU (4/3/1797 – 14/12/1799)
Washington, 65 tuổi, trở về Mount Vernon để trông coi việc sửa sang nhà cửa. Ông đã phải miễn cưỡng đón tiếp nhiều đoàn khách, những người bạn cũ lâu năm, những người khách lạ tới đây để thăm hỏi cựu Tổng thống và gia đình ông. Tuy đã giao lại công việc quốc gia cho Bộ trưởng Chiến tranh Mc Henry và nhiều người khác quán xuyến, nhưng Washington vẫn luôn quan tâm tới từng biến chuyển của đất nước. Khi quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Pháp có nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh do tác động của sự kiện XYZ, Washington được bổ nhiệm chức trung tướng và tổng tư lệnh quân đội Mỹ vào ngày 4/7/1789; ông là Tổng thống duy nhất nắm giữ chức vụ này. Ông chấp thuận sự bổ nhiệm này, với điều kiện chỉ xung trận khi đất nước bị xâm lược và ông phải được quyền xét duyệt cơ cấu bộ tổng tham mưu. Ông nguyện cống hiến quãng đời còn lại của mình cho sự nghiệp chống ngoại xâm. Thật may mắn, “cuộc Chiến tranh Nửa mùa” không được tuyên bố xảy ra sau đó cuối cùng chỉ huy động nội bộ lực lượng hải quân và Washington không phải vào cuộc. Ở năm cuối đời, Washington lâm vào cảnh túng thiếu. Tiền cho thuê và bán bất động sản ông cho nợ vẫn chưa thu hồi được trong khi các khoản thuế và chi tiêu cho những buổi chiêu đãi khách ngày càng tăng. Chính vì thế mà năm 67 tuổi, lần đầu tiên trong đời ông buộc phải vay ngân hàng.
QUA ĐỜI:
Ngày 14/12/1799, sau 10 giờ tối, tại Mount Vernon, Virginia. Sáng ngày 12/12, Washington cưỡi ngựa dạo quanh trang trại của mình. Nhiệt độ ngoài trời đã xuống mức 0°C, tuyết bắt đầu rơi, mưa tuyết rồi cơn mưa ập tới. 5 giờ sau đó, Washington về đến nhà thì trời bắt đầu đổ tuyết trở lại. Vẫn mặc nguyên bộ quần áo ướt lạnh, ông mở xem mấy bức thư và đi ăn tối. Sáng hôm sau ông trở dậy, họng đau và bắt đầu khản tiếng chiều tối hôm ấy. Khoảng 2 giờ sáng ngày 14/12, ông bất chợt tỉnh giấc vì quá lạnh, việc nói và thở khó khăn. Ông được ba bác sĩ chăm sóc – bác sĩ riêng và người bạn lâu năm của ông, James Craik, cùng hai bác sĩ chuyên khoa – Gustavus Richard Brown và Elisha Cullen Dick. Họ chẩn đoán ông bị viêm amiđan chảy mủ. Họ thử máu ông bốn lần – một cách chẩn đoán phổ biến lúc bấy giờ. Washington đã cố uống một thứ thuốc được pha chế từ mật mía, dấm và bơ để làm dịu cổ họng đang đau buốt, nhưng không thể nuốt được. Ông chỉ dùng được chút thuốc gây nôn làm từ cáu rượu và caloment, đồng thời chỉ có thể ngửi được hơi dấm mà thôi. Song cả ngày hôm đó, mạch của ông vẫn rất yếu. Các bác sĩ đã thử làm rộp da ở vùng họng và vùng từ đầu gối trở xuống để giảm cơn đau, đồng thời thử dùng thuốc đắp vào chỗ viêm tấy, nhưng đều vô hiệu. Sau cùng, Washington yêu cầu các bác sĩ không cứu chữa nữa. Khoảng 10 giờ đêm hôm ấy, ông nói với Tobias Lear, sĩ quan phụ tá bằng một giọng yếu ớt: “Tôi sắp đi rồi. Hãy chôn cất tôi giản dị thôi. Sau khi tôi chết, hãy giữ linh cữu của tôi ít nhất trong hai ngày. Anh có hiểu ý tôi không?” Lear trả lời: “Tôi hiểu, thưa ông.” Washington nói: “Tốt lắm!” Đó là những lời cuối cùng của ông. Ngay sau đó, ông tắt thở trong khi bác sĩ vẫn đang bắt mạch.
Sau khi cắt đi một món tóc, người ta đặt thi hài ông vào chiếc quan tài bằng gỗ dái ngựa, trên đó có khắc dòng chữ bằng tiếng Latin: “Surge Ad Judicium” và “Gloria Deo”. Ngày 18/12, Đức Cha Thomas Davis cử hành tang lễ Washington, nhưng không phải tang lễ đơn giản như Washington yêu cầu. Đi giữa hai hàng lính dài là dòng người đưa tang đông đúc. Một ban nhạc dạo khúc nhạc buồn. Tiếng súng vang lên từ một chiến hạm neo ở cảng sông Potomac để tưởng nhớ. Hội Tam điểm mà sinh thời Washington là thành viên cũng cử một đoàn đại diện tới viếng. Ông được chôn cất tại khu mộ dòng họ ở Mount Vernon. Trong chúc thư (dài 42 trang) viết vào tháng 7/1799, Washington để lại cho người vợ quyền sử dụng và mọi quyền lợi khác đối với đất đai của ông – trị giá trên 500.000 đô-la. Ông trả tự do và trợ cấp 30 đô-la mỗi năm cho người hầu phòng William. Đối với số nô lệ còn lại, ông yêu cầu trả tự do cho họ sau khi vợ ông – bà Martha qua đời. Số tiền trong Ngân hàng Alexandria của ông sẽ được chuyển tới một trường trẻ em nghèo và mồ côi, còn số tiền trong Công ty Potomac sẽ được dùng để xây dựng trường đại học tổng hợp quốc gia. Ông xóa số nợ của gia đình người em trai Samuel và em rể Bartholomew Dandridge. Phụ tá của ông, Tobias Lear, được sống tại nhà ông mà không phải trả tiền thuê nhà. Đối với Bushrod Washington (cháu gọi ông bằng bác), ông để lại cho ngôi nhà ở Mount Vernon với toàn bộ giấy tờ, sổ sách cá nhân và thư viện. Hai người cháu của ông: Nellie Lewis và George Washington Parke Custis, được hưởng những dải đất rộng nhất của ông. Những vật nhỏ nhặt khác gồm cây gậy có đầu bọc vàng mà Benjamin Franklin tặng cho ông thuộc về người em trai Charles; bàn, ghế thuộc về bác sĩ Craik; những khẩu súng bằng thép – chiến lợi phẩm thu từ tay quân Anh trong cuộc Cách mạng – thuộc về Lafayette, và năm người cháu gọi ông bằng bác, mỗi người được nhận một thanh kiếm với điều kiện không bao giờ “tuốt gươm ra khỏi vỏ để gây đổ máu, trừ trường hợp tự vệ hoặc bảo vệ Tổ quốc; với trường hợp thứ hai, phải giữ gươm không vỏ và thà chết với thanh gươm trong tay chứ nhất định không để mất thanh gươm”.
CA NGỢI:
“Một con người có tài thao lược và kinh nghiệm chiến đấu, có nhân cách hoàn hảo, nhất định sẽ thống nhất được lòng dân Mỹ và tập hợp được sức lực của toàn thể các thuộc địa (các thuộc địa sau này sáp nhập thành nước Mỹ) tốt hơn bất kỳ một ai khác trong liên minh này.” – John Adams, kêu gọi đề cử Washington làm Tổng tư lệnh quân đội Lục địa, 1775
“Ở bên này đại dương (tức châu Âu), Ngài cũng rất được ngưỡng mộ như từng được như vậy, trong sáng và không bị che khuất bởi những bóng đen mà những kẻ ganh ghét đố kỵ Ngài từng cố công gây ra nhằm phủ nhận công lao của Ngài. Ở đây, Ngài sẽ được biết, được nghe những gì thế hệ sau nói về Ngài. Bởi 1.000 hải lý hay 1.000 năm sau đâu có khác gì nhau. Tiếng nói yếu ớt của thứ tình cảm quỵ lụy sẽ không thể vượt được khoảng cách không gian, thời gian xa như vậy. Lúc này đây, tôi đang vui lây cho Ngài bởi tôi thường xuyên được nghe thấy những lão tướng của đất nước binh đao này (Pháp) (những người nghiên cứu kỹ bản đồ nước Mỹ và đánh dấu lên đó mọi hoạt động của Ngài) nói về Ngài với lòng thán phục, ngợi ca phẩm hạnh của Ngài và coi Ngài là một trong những nhà chỉ huy vĩ đại nhất của thời đại chúng ta.” – Benjamin Franklin, 1780
“Ông đã góp công sức nhiều hơn bất kỳ ai và ở mức tối đa mà một con người có thể làm được để tạo nên đất nước bao la hùng mạnh này, để đem lại cho thế giới Tây bán cầu này độc lập, tự do.” – John Marshall
“Mãi mãi xin ghi nhớ ơn Người – con người vĩ đại nhất trong thời chiến cũng như thời bình, con người ngự trị trong trái tim của toàn thể nhân dân Mỹ.” – Henry “Light-Horse Harry” Lee, 1799
CHỈ TRÍCH:
“Nếu từng có một dân tộc nào bị làm bại hoại dưới bàn tay của một người thì đó chính là nước Mỹ dưới bàn tay của Washington. Nếu từng có một dân tộc nào bị lừa dối bởi một người thì đó chính là nước Mỹ bị lừa dối bởi Washington. Vậy thì hãy để tư cách ông ta làm gương cho những thế hệ mai sau, hãy để nó trở thành lời cảnh báo rằng không ai là thần tượng cả.” – tờ Aurora của Philadelphia, 1796
“Một thứ đảng quân chủ, quý tộc, theo Anh giáo xuất hiện, mục đích của đảng này là tạo ra một thực thể mới trước mắt chúng ta giống như đã từng tạo nên những thể chế theo kiểu chính quyền Anh… Ông sẽ phải phát sốt phát rét lên nếu như tôi chỉ cho ông những tên bội giáo đã phản bội đạo mình mà theo dị giáo, những người từng là Samson giữa chiến trường, từng là Solomon trong bộ chỉ huy, song lại là những người phải rơi đầu dưới lưỡi gươm quân Anh đốn mạt.” – Thomas Jefferson, sau khi Washington ủng hộ Hiệp ước Jay, 1796
“Ông khởi sự làm tổng thống đã ham nghe những lời phỉnh nịnh trắng trợn. Ông đi khắp nước Mỹ miễn để được nghe những lời phỉnh nịnh ấy. Trong tim ông đầy những lời ngon ngọt như ca tụng ông là James Đệ nhị… Cái tính cách mà ông muốn phô ra trước thế giới này là cái gì đó khó phân biệt rõ, một sự khôn khéo. Nhiều khi nó thay cho phương cách xử thế của ông, nó gần như hợp lại với thói đạo đức giả đến mức hai cái đó trở thành một… Về phần ông, thưa với ông, ông bội bạc với bạn bè (như ông đã từng làm với tôi lúc tôi gặp khó khăn), ông giả nhân giả nghĩa trước mọi người, thế giới này không biết nên gọi ông là kẻ bội bạc hay là kẻ mạo danh đây; không biết là ông đã từ bỏ những nguyên tắc xử thế tốt đẹp của mình hay ông thật ra chưa hề có những nguyên tắc ấy để bỏ đi?” – Thomas Paine, trong một lá thư để ngỏ gửi cho Washington, 1796
NHỮNG CÂU NÓI NỔI TIẾNG CỦA WASHINGTON:
“Làm quen với người khác thì dễ, nhưng dứt ra khỏi người ấy thì rất khó, dù cho ngay sau khi quen nhau bạn thấy người đó mới tẻ nhạt và vô bổ làm sao… Hãy lịch sự nhã nhặn với tất cả mọi người, nhưng chỉ kết thân ít thôi. Hãy để số ít ấy phải được trải qua thử thách kỹ càng trước khi bạn thực sự đặt lòng tin nơi họ, tình bạn thân nó giống như cái cây chỉ chầm chậm lớn dần lên.”
“Gươm đao là giải pháp cuối cùng để bảo vệ sự tự do của chúng ta, vì thế nó phải là vật đầu tiên cần dỡ bỏ khi sự tự do ấy đã được thiết lập vững vàng.” – 1776.
“Tiền lệ là những thứ nguy hiểm, hãy để một bàn tay rắn rỏi cầm cương chính quyền và làm cho chính quyền vững mạnh. Mọi hành động vi phạm Hiến pháp phải được xử lý nghiêm minh. Nếu Hiến pháp có sai sót thì phải sửa đổi, bổ sung, song tuyệt đối không để Hiến pháp bị chà đạp khi nó vẫn còn đang tồn tại.” – 1786
“Các đảng phái chính trị làm hình thành các bè phái, tạo cho mỗi bè phái một lực lượng đặc biệt, mang tư tưởng, nguyện vọng, ý chí của đảng mình thay vì tư tưởng, nguyện vọng, ý chí của toàn thể dân tộc. Mỗi đảng thường là một thiểu số người trong cộng đồng xã hội nhưng rất khôn khéo và dám làm mọi việc; những thắng lợi luân phiên nhau giữa các đảng khác nhau đã biến chính quyền chẳng khác gì tấm gương phản chiếu những chương trình rời rạc, không ăn ý với nhau giữa các đảng phái, chứ không phải một cơ quan Nhà nước có chính sách tổng thể, liên tục do những nhà chuyên trách soạn thảo, sắp xếp có hệ thống và được điều chỉnh dựa trên lợi ích chung của xã hội. Dù cho đôi khi kiểu chính quyền nay đảng này nắm, mai đảng kia nắm cũng có thể đáp ứng được những mục tiêu chung của xã hội, song về lâu dài thì nó nhất định sẽ trở thành thứ phương tiện hiệu quả mà nhờ đó những kẻ xảo quyệt, đầy tham vọng và bất lương có thể phá hủy quyền lực của nhân dân và thâu tóm cho bản thân quyền cầm trịch chính phủ; sau đó là phá hủy chính những phương tiện đã đưa chúng lên địa vị thống trị bất công đó.” – Diễn văn mãn nhiệm, 1796
TÁC PHẨM VỀ WASHINGTON:
Cunliffe, Marcus: George Washington: Man and Monumen (Con người George Washington và hình tượng ông). Boston: Little, Brown, 1958.
James T. Flexner: George Washington: A Biography (Tiểu sử George Washington). 4 tập. Boston: Little Brown, 1965-1972.
Freeman, Douglas Southall: George Washington: A Biography (Tiểu sử George Washington). 7 tập. New York: Scribner’s Sons, 1948-1957; Richard Harwell rút ngắn thành 1 tập, New York: Scribner’s Sons, 1968.
Wright, Esmond: Washington and the American Revolution (Washington và Cách mạng Mỹ). London: English Universities Press, 1957.
Bài viết trích từ cuốn “45 đời Tổng thống Hoa Kỳ” do Omega+ dịch và xuất bản. Trong ấn bản mới nhất của cuốn sách, tác giả William A. Degregorio đã bổ sung nội dung về Tổng thống Donald Trump ở chương 45 và cập nhật thêm các số liệu mới ở phần mục lục giúp độc giả có cái nhìn toàn diện và chuyên sâu hơn bất kỳ tài liệu đơn lẻ nào khác về các tổng thống của Hoa Kỳ, từ George Washington đến người chiến thắng trong chiến dịch bầu cử năm 2016. Qua đó, tác phẩm cho người đọc thấy bối cảnh rộng hơn của lịch sử nước Mỹ qua từng thời kỳ.