Vắc-xin đầu tiên trên thế giới được phân phối như thế nào?

Nguồn: Sam Kean, “22 Orphans Gave Up Everything to Distribute the World’s First Vaccine”, The Atlantic, 13/01/2021.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Khi nước Mỹ bật đèn xanh cho hai loại vắc-xin phòng virus Corona vào tháng 12, đó là một điểm sáng hiếm hoi trong đại dịch này, khi các nhà khoa học đã phát triển vắc-xin phòng Covid-19 nhanh hơn bất kỳ một loại vắc-xin nào khác trong lịch sử. Chiến thắng dường như đang ở trong tầm tay.

Tiếc thay, kể từ đó đã có rất nhiều vấn đề. Vào giữa tháng 12, Pfizer thông báo họ có hàng triệu liều vắc-xin tồn kho mà không có điểm đến. Các đội ngũ nhân viên y tế được huấn luyện để tiêm phòng cho người dân đang “ngồi chơi xơi nước.” Các trung tâm y tế thì chỉ tiêm phòng trong giờ làm việc chứ không làm việc liên tục ngày đêm. Các thống đốc bang làm mọi việc đình trệ thêm vì họ dựa theo các hướng dẫn không rõ ràng về việc ai được tiêm phòng và lúc nào thì được. Nhiều liều vắc-xin đã bị hết hạn hoặc vứt bỏ.

Chiến dịch Warp Speed (Thần tốc), kế hoạch của chính quyền Mỹ nhầm phát triển và phân phối vắc-xin khắp nước Mỹ giờ đang gặp đình trệ. Vào giữa tháng 12, chính quyền liên bang hy vọng phân phối 40 triệu liều vắc-xin đến cuối năm 2020. Con số dự tính sau đó tụt xuống còn 20 triệu. Nhưng tới ngày 12/01/2021, mới chỉ có khoảng 9 triệu người được tiêm phòng, chưa tới 3% tổng số dân Mỹ. Trong khi đó, Israel đã tiêm chủng được cho 21% dân số. Phân phối vắc-xin với tốc độ và quy mô lớn như thế này không hề dễ dàng, nhưng các cơ quan y tế đã có nhiều tháng để chuẩn bị mà họ vẫn gặp phải nhiều vấn đề.

Các bước đi sai lầm này rất đáng lo ngại, nhưng đó không phải là điều gây bất ngờ. Nếu nhìn theo một số phương diện thì việc phát triển vắc-xin luôn là phần việc dễ dàng, thách thức nằm ở việc phân phối và tiêm phòng. Vắc-xin đã có từ cuối thế kỷ 18, nhưng việc phân phối thường gặp nhiều trở ngại, từ những bước đi sai lầm, những cái chết không đáng, những hy vọng không thành hiện thực, và cả các lựa chọn đạo đức gây nghi ngờ. Khi chiến dịch phân phối vắc-xin quy mô lớn đầu tiên được tiến hành, các thách thức trên phương diện công nghệ, địa lý, và y tế lớn đến mức làm cho các thách thức phân phối ngày nay dường như chỉ là các vấn đề nhỏ.

Vào cuối thế kỷ 18, bệnh đậu mùa có thể được coi là căn bệnh đáng sợ nhất trên trái đất. Bệnh lây lan nhanh đến mức báo động, và từng phần cơ thể bệnh nhân, bao gồm khuôn mặt của họ sẽ nổi hàng ngàn mụn nhọt đau đớn đầy mủ. Rất nhiều người chết vì bệnh này, và nhiều người khỏi bệnh bị mù hoặc bị sẹo khắp người. Trong giai đoạn này, bác sĩ người Anh Edward Jenner quan sát một hiện tượng lạ, rằng những người bị bệnh đậu bò, bệnh có liên quan đến đậu mùa, sau này không bị nhiễm bệnh đậu mùa nguy hiểm hơn. Vì thế, vào năm 1796, ông bắt đầu chủ động gây nhiễm bệnh đậu bò cho người dân, giúp họ được miễn dịch bệnh đậu mùa và tạo nên loại vắc-xin đầu tiên trên thế giới.

Nhưng bước đột phá này đặt ra một bài toán nan giải – làm cách nào các bác sĩ có thể phân phối vắc-xin cho những người cần nó? Ở Châu Âu, phân phối vắc xin là việc có thể giải quyết được. Những người bị đậu bò sẽ nổi mụn ghẻ có chứa một loại dịch màu trắng. Các bác sĩ sẽ chích bể mụn, dùng sợi lụa hay vụn vải để thấm dịch rồi phơi khô. Sau đó họ sẽ đến nơi khác dùng nước pha loãng dịch khô nhằm tái tạo dịch. Sau đó họ sẽ tạo vết trầy trên tay hoặc chân rồi bôi dịch vào để cho người được tiêm chủng bị đậu bò. Quy trình này tuy đơn giản nhưng tốn nhiều công sức.

Rắc rối bắt đầu khi các bác sĩ muốn tiêm phòng cho những người ở xa. Dịch khô có thể bị mất tác dụng nếu được vận chuyển từ London đến Paris, chứ đừng nói đến châu Mỹ, nơi mà vắc-xin là thứ có tầm quan trọng sống còn. Dịch đậu mùa ở Châu Mỹ có sức tàn phá như ngày tận thế, gây tử vong khoảng 50% số ca nhiễm. Thi thoảng vẫn có những sợi dịch khô vẫn có tác dụng sau một chuyến đi dài, như một bó sợi dịch khô đến được Newfoundland vào năm 1800. Tuy vậy, sợi dịch khô thường trở nên vô dụng sau nhiều tháng đi biển. Tây Ban Nha đặc biệt gặp nhiều rắc rối trong việc phân phối vắc-xin đến các thuộc địa của họ ở Trung và Nam Mỹ. Vì thế, vào năm 1803, các quan chức y tế Tây Ban Nha có một ý tưởng táo bạo nhằm phân phối vắc-xin ra nước ngoài bằng việc sử dụng các bé trai mồ côi.

Kế hoạch bao gồm việc vận chuyển khoảng 20 trẻ mồ côi Tây Ban Nha trên một con tàu. Trước khi bọn trẻ đi đến vùng thuộc địa, một bác sĩ sẽ gây nhiễm đậu bò cho hai đứa trẻ. Sau 9-10 ngày lênh đênh trên biển, mụn nhọt trên tay của các bé sẽ chín muồi. Một nhóm bác sĩ trên thuyền sẽ châm bể nhọt, rồi lấy dịch để gây nhiễm cho hai đứa trẻ khác. 9-10 ngày sau, khi mà các đứa trẻ này phát mụn, cặp thứ ba sẽ nhận dịch, và cứ như vậy mà tiếp tục. Các đứa trẻ được gây nhiễm theo cặp để đề phòng trường hợp nhọt trên một đứa sẽ bể sớm. Nhìn chung, với sự quản lý tốt và một chút may mắn, tàu sẽ đến Châu Mỹ khi cặp đôi cuối cùng vẫn còn mụn nhọt. Khi cặp bến các bác sĩ có thể xuống tàu và bắt đầu tiêm phòng.

Trong bối cảnh thời bấy giờ, điều chắc chắn là không ai sẽ hỏi các đứa trẻ mồ côi liệu chúng có muốn tham gia, và nhiều bé còn quá nhỏ để đồng ý. Chúng bị cha mẹ bỏ rơi, sống trong các trại mồ côi, và không có quyền để phản kháng. Nhưng vua Tây Ban Nha lúc bấy giờ, Carlos IV, quyết định sẽ cho những đứa trẻ này những quyền lợi, bao gồm việc được tẩm bổ trên chuyến tàu để đảm bảo rằng chúng sẽ khỏe mạnh khi đến nơi. Dầu gì thì cũng không ai muốn truyền dịch từ cánh tay một đứa trẻ gầy yếu, vì thế, hình thức là điều quan trọng. Chúng sẽ được giáo dục miễn phí tại thuộc địa, và có cơ hội làm lại cuộc đời với một gia đình nhận nuôi. Đó là những kết cục tốt hơn những gì mà chúng sẽ có được ở Tây Ban Nha.

Hành trình Phân phối Vắc-xin Từ thiện Hoàng gia (Royal Philanthropic Vaccine Expedition) cuối cùng cũng khởi hành vào tháng 11 năm 1803. 22 đứa trẻ, với độ tuổi từ 3 đến 9, tham gia chuyến đi, những người đi cùng bao gồm bác sĩ trưởng, Francisco Xavier de Balmis, nhóm trợ lý, và Isabel Zendal Gomez, lãnh đạo trại trẻ mồ côi của những đứa trẻ này, người sẽ chăm sóc các đứa trẻ trong chuyến đi.

Bất chấp các kế hoạch kỹ càng, chuyến đi này suýt thất bại. Khi tàu cập bến tại nơi ngày nay là Caracas, Venezuela, vào tháng 3 năm 1804, chỉ một mụn nhọt duy nhất vẫn còn trên tay một đứa trẻ. Nhưng như vậy vẫn là quá đủ. Balmis bắt đầu tiêm phòng ngay lập tức khi cập bến, tập trung vào trẻ em, đối tượng dễ mắc bệnh đậu mùa nhất. Một số ước tính cho rằng Balmis và nhóm của ông đã tiêm phòng cho 12 ngàn người trong vòng 2 tháng.

Từ Caracas, nhóm của Balmis chia ra làm hai nhóm. Trợ lý cao cấp nhất của ông, Jose Salvany Lleopart, dẫn đầu một nhóm đi xuống những nơi bây giờ là Colombia, Ecuador, Peru, và Bolivia. Hành trình rất gian nan, xuyên qua những khu rừng nhiệt đới rậm rạp và dãy Andes sừng sững. Dù vậy, sau một vài năm, họ tiêm phòng được cho 200 ngàn người. Nhiều ngôi làng chào đón họ như các anh hùng cứu rỗi. Chuông các nhà thờ chính tòa reo mừng, các linh mục làm lễ tạ ơn, và người dân bắn pháo hoa và tổ chức đấu bò để vinh danh các bác sĩ.

Cùng lúc đó, Balmis đi tới Mexico, nơi ông tiêm phòng cho thêm 100 ngàn người nữa. Đến giữa chuyến đi, ông gửi các đứa trẻ mồ côi cho các gia đình nhận nuôi ở Mexico City. Tiếp theo ông đến Acapulco để chuẩn bị cho hành trình phân phối vắc-xin tiếp theo, lần này đến thuộc địa Tây Ban Nha ở Philippines. Ông dẫn theo vài chục đứa trẻ nữa tại thành phố này, nhưng lần này thì ông không dùng trẻ mồ côi mà trả tiền thuê bé trai từ nhiều gia đình, có thể coi như ông đã thuê các đứa trẻ làm phương tiện vận chuyển vắc-xin cho chuyến đi đến châu Á.

Tàu đến Philippines vào ngày 15 tháng 4 năm 1805, và chỉ trong một vài tháng, nhóm của Balmis đã tiêm phòng được thêm 20 ngàn người nữa. Chuyến đi thành công đến mức Balmis không còn theo lệnh nữa mà đi tiếp đến Trung Quốc vào mùa thu năm 1805 để tiêm phòng ở đó. Thành quả của chuyến đi này rất lớn, vì mặc dù họ không có máy móc hay phương tiện vận chuyển hiện đại, họ vẫn có thể phân phối vắc xin của Jenner đi khắp thế giới chỉ trong vòng chưa đến một thập niên, tiêm phòng thành công cho hàng trăm ngàn người và cứu hàng triệu mạng sống.

Con đường đến việc phân phối vắc-xin đậu mùa thành công gặp nhiều chông gai. Tây Ban Nha sử dụng kế hoạch dùng trẻ mồ côi chỉ vì những nỗ lực vận chuyển vắc-xin theo cách truyền thống đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Ấn Độ, và những nơi khác đã thất bại, làm kéo dài các đợt dịch vốn có thể được chặn đứng sớm. Nếu mụn nhọt cuối cùng bể trước khi cập cảng Caracas thì chuyến đi của Balmis cũng đã thất bại. Và trong khi nhiều xóm làng tung hô các bác sĩ tiêm phòng, nhiều lang băm địa phương làm giàu bằng cách cung cấp các liệu pháp chống đậu mùa vô dụng. Họ cũng là những kẻ chống tiêm chủng đầu tiên, chủ động chống phá chiến dịch bằng cách từ chối tiêm phòng. Chúng ta cũng đừng quên những đứa trẻ mồ côi. Chúng bị lôi ra khỏi ngôi nhà tuổi thơ, bị gây nhiễm bằng nước dịch nhiễm trùng, và bị đưa đi tới một vùng đất lạ. Chuyến đi này chắc chắn rất đáng sợ đối với chúng.

Dẫu vậy, bất kể thời đại hay bệnh tật, các chiến dịch phân phối vắc-xin luôn gặp những thách thức lớn trên phương diện vận chuyển, với hàng chục lý do có thể làm gián đoạn chuỗi phân phối bởi những vấn đề về giao thông hay chuỗi cung ứng yếu kém. Dù các tổ chức y tế trên thế giới dùng hàng tỷ đôla cho các chiến dịch tiêu diệt bại liệt, căn bệnh này vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn trên quy mô toàn cầu, đa phần bởi việc phân phối vắc-xin đến một số khu vực gần như là không thể. Một chiến dịch phân phối vắc-xin chống sốt rét cho độ tuổi thiếu nhi ở châu Phi gây tranh cãi năm ngoái (2020) khi Liên Hiệp Quốc không tiết lộ phản ứng phụ của vắc-xin cho các phụ huynh ở Châu Phi, bao gồm khả năng viêm màng não và nguy cơ tử vong tăng cao đối với các bé gái. Thậm chí đối với bệnh sởi, bệnh có vắc-xin hiệu quả lâu nay, một chiến dịch gặp nhiều sai lầm ở Nam Sudan đã làm 15 trẻ chết hồi năm 2017.

Qua thời gian, nhìn chung vắc-xin sẽ được phân phối đến những người cần nó. Nhưng đây không phải là cái cớ để biện minh cho những sai lầm hiện hữu hay đã qua. Mỗi giây phút lãng phí trong đại dịch này sẽ dẫn đến nhiều cái chết thương tâm, và trong thời điểm khủng hoảng này, điều đó có nghĩa là sẽ có rất nhiều cái chết không đáng có. Nhưng thậm chí sau hai thế kỷ dùng vắc-xin, thì việc phân phối vắc-xin là một quá trình nhiều khó khăn và cần thời gian để đạt được kết quả mong muốn. Mong rằng những sai lầm hiện tại chỉ đơn thuần là những vướng mắc còn lại từ năm 2020, và trong tương lai, chúng ta có thể nhìn lại chiến dịch tiêm phòng Covid-19 và so sánh nó với hành trình thành công của Balmis và các đứa trẻ mồ côi hơn là với những nỗ lực thất bại trước đó.

Sam Kean, sống tại Washington D.C., là tác giả cuốn “The Bastard Brigade: The True Story of the Renegade Scientists and Spies who Sabotaged the Nazi Atomic Bomb”.

14/05/1796: Edward Jenner thử nghiệm vaccine đậu mùa