Thế giới hôm nay: 26/01/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới không nên bắt đầu một “cuộc chiến tranh lạnh mới” trong bài phát biểu đầu tiên của ông kể từ khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, tại sự kiện trực tuyến ở Davos. Ông nhấn mạnh các nước không nên áp đặt mô hình xã hội của riêng mình lên nhau. Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã tuyên bố cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số, là “tội ác diệt chủng”. Ông Biden cũng đã chỉ trích mạnh mẽ tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước này.

Tổng thống Biden tiếp tục xóa bỏ những mặt gây tranh cãi của nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump bằng cách bỏ lệnh cấm người Mỹ chuyển giới phục vụ trong lực lượng vũ trang. Ông Trump công bố chính sách này vào năm 2017 và có hiệu lực từ năm 2019. Ông Biden hôm nay cũng sẽ ký một sắc lệnh hành pháp thúc đẩy các cơ quan chính phủ mua hàng do Mỹ sản xuất.

Hãng dược Mỹ Moderna tuyên bố vắc-xin covid-19 của họ có thể chống lại hai biến thể virus mới, được phát hiện ở Anh và Nam Phi, mặc dù nó có thể kém hiệu quả hơn đối với biến thể Nam Phi. Các kết quả thử nghiệm ban đầu vẫn chưa được bình duyệt. Công ty cũng đang phát triển một loại vắc-xin tăng cường mà họ kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ tốt hơn trước biến thể Nam Phi. Trong khi đó Merck, một nhà sản xuất thuốc khác của Mỹ, đã từ bỏ việc phát triển vắc-xin covid-19, với lý do đáp ứng miễn dịch kém.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte sẽ gửi thư từ chức của ông đến Tổng thống Sergio Mattarella vào thứ Ba, văn phòng của ông Conte cho biết. Thủ tướng đã phải đứng dưới áp lực từ chức kể từ khi một đảng đồng minh nhỏ rời bỏ liên minh cầm quyền hồi đầu tháng. Các phương tiện truyền thông Ý đưa tin ông Conte kỳ vọng ông Mattarella sẽ đề nghị ông thành lập một chính phủ mới và lãnh đạo nó.

Dominion Voting Systems, một hãng sản xuất máy kiểm phiếu, đã kiện Rudy Giuliani, cựu luật sư riêng của Donald Trump, tội phỉ báng. Công ty tuyên bố ông Giuliani lan truyền những cáo buộc sai sự thật rằng hãng đã phá hỏng cuộc bầu cử của Mỹ và khiến ông Trump thua nhiệm kỳ hai. Dominion, bên cũng đã kiện một luật sư khác của chiến dịch tranh cử Trump, Sidney Powell, về những tuyên bố tương tự, đang đòi bồi thường thiệt hại hơn 1,3 tỷ đô la.

Một tòa án ở Uganda đã ra lệnh cho lực lượng an ninh ngừng bao vây ngôi nhà của Bobi Wine, một chính trị gia đối lập. Tuy nhiên, quân đội vẫn giữ nguyên vị trí. Ông Wine bị quản thúc tại gia kể từ ngày 14 tháng 1 – ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống chiến thẳng bởi Yoweri Museveni, người đã nắm quyền từ năm 1986. Một phát ngôn viên quân đội hứa sẽ tuân thủ phán quyết của tòa án, nhưng không cho biết khi nào.

Boohoo, một nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Anh, mua lại thương hiệu và trang web của Debenhams, một chuỗi cửa hàng bách hóa phá sản, với giá 55 triệu bảng Anh (75 triệu USD), nhưng sẽ không giữ lại 12.000 nhân viên hoặc 118 cửa hàng. Trong khi đó ASOS, đối thủ của Boohoo, đang đàm phán để mua Topshop, Topman và Miss Selfridge, một phần của đế chế thời trang Arcadia đã sụp đổ vào năm ngoái. Thương vụ cũng sẽ không bao gồm nhân viên và cửa hàng.

TIÊU ĐIỂM

Triển vọng kinh tế thế giới từ góc nhìn IMF

Triển vọng kinh tế công bố hồi tháng 10 của IMF dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu mạnh 5,2% trong năm 2021. Song kể từ đó, các nước giàu đã áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn nhằm chống lại các biến thể mới của coronavirus. Hôm nay IMF công bố dự đoán mới nhất của họ. Hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ vào đầu năm nay đã tan biến, nhưng các nền kinh tế đã làm tốt hơn trong việc giảm thiểu thiệt hại của phong tỏa.

Công chúng bớt lo ngại cho cuộc sống của họ trong khi thực hiện các biện pháp phòng chống virus, và các chính phủ đã tìm ra được công thức ít thiệt hại kinh tế nhất — không nên đóng cửa trường học, nhưng nên có nhiều hơn các lệnh đeo khẩu trang và xét nghiệm khách quốc tế. Các doanh nghiệp cũng đã thích nghi, đầu tư vào những cách thức làm việc mới để biến  mình trở nên cạnh tranh hơn trong một thế giới giãn cách xã hội và làm việc từ xa. Phục hồi có thể sẽ không đến sớm với nhiều nền kinh tế, nhưng những đợt suy thoái gần đây nhất ít nhất cũng đỡ nặng nề hơn mùa xuân năm ngoái.

Nông dân Ấn Độ sắp biểu tình trong nội đô New Delhi

Ngày Cộng hòa, được tổ chức vào ngày 26 tháng 1 hàng năm, đồng nghĩa với một cuộc diễu hành quân sự qua trung tâm thủ đô New Delhi, tạo cơ hội cho thủ tướng Ấn Độ phô diễn sức mạnh quốc gia. Năm nay, có một sự kiện sẽ cạnh tranh với show diễn của Narendra Modi. Hàng trăm nghìn nông dân vốn vây quanh thủ đô dự định kỉ niệm hai tháng cuộc bao vây ôn hòa của họ bằng cách lái xe vào trong New Delhi.

Những cột khói xe máy cày đang đổ về từ khắp Bắc Ấn Độ để đưa họ và các biểu ngữ đi một vòng quanh thành phố. Các liên đoàn nông dân đang yêu cầu bãi bỏ các cải cách mà ông Modi gấp rút thông qua quốc hội hồi tháng 9. Họ tin rằng các luật được cho là loại bỏ các thương lái trung gian sẽ khiến họ bị các công ty nông nghiệp lớn nuốt chửng. Tuần trước, họ đã từ chối lời đề nghị hoãn ban hành 18 tháng. Hôm nay có thể là cơ hội tốt cuối cùng của họ để trình diễn trên sân khấu quốc gia.

Biểu tình lan rộng ở Nga vì vụ bắt giữ Navalny

“Ai quan tâm đến anh ta?”, tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã cười nhạo như vậy khi nhắc đến Alexei Navalny. Rất nhiều người Nga quan tâm. Các cuộc biểu tình chống Điện Kremlin hồi cuối tuần trước, lớn nhất trong nhiều năm qua, được châm ngòi bởi vụ bắt giữ vị chính trị gia đối lập với các cáo buộc đáng ngờ khi ông vừa trở về Moskva sau khi bị đầu độc (mà ông nói là theo lệnh của tổng thống). Ngay cả khi đang ngồi tù, ông Navalny vẫn tạo ra những tình huống khó xử.

Ông Putin đã phải phủ nhận rằng một cung điện xa hoa trên bờ Biển Đen không thuộc về ông hay gia đình ông, sau khi một đoạn video do ông Navalny công bố cáo buộc tổng thống tham nhũng được lan truyền trên mạng. Hôm qua, các bộ trưởng ngoại giao EU quyết định không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với bất kỳ người Nga nào về vụ bắt giữ, nhưng Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối, sẽ đến Moskva để yêu cầu trả tự do cho ông Navalny và những người biểu tình. Sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn được lên kế hoạch vào cuối tuần này. Ông Putin có thể từ chối nêu tên ông Navalny, nhưng những người khác sẽ tiếp tục nói về ông ấy.

Từ hôm nay người nhập cảnh Mỹ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính covid-19

Các chính sách đi lại tiềm ẩn nguy cơ đại dịch của Mỹ minh họa cho những khó khăn trong việc kiểm soát covid-19. Ngay cả khi nước này cấm hầu hết người nước ngoài nhập cảnh từ Trung Quốc vào tháng 1 năm ngoái, virus vẫn lặng lẽ xâm nhập vào New York, chủ yếu từ châu Âu, nơi vẫn được phép nhập cảnh đến cho tới tận tháng 3. Các biến thể lây lan nhanh hơn của coronavirus từ Anh, Nam Phi và Brazil đã khiến Mỹ một lần nữa phải thắt chặt các hạn chế đi lại.

Kể từ hôm nay, tất cả du khách nhập cảnh, kể cả người Mỹ, phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính covid-19 trước khi lên máy bay hoặc sẽ bị từ chối. Chính sách này sẽ giúp ích, nhưng không thể ngăn chặn căn bệnh hoàn toàn. Vào tháng 9, hai du khách đến New Zealand đã lây bệnh cho ít nhất 5 hành khách khác mặc dù đã tuân thủ yêu cầu xét nghiệm âm tính của nước này trước khi lên máy bay. Nếu không có biện pháp cách ly khách sạn bắt buộc đối với người nhập cảnh như cách làm của Úc, các biến thể mới có thể sẽ tiếp tục lây lan qua các sân bay ở Mỹ – có lẽ với số lượng ít hơn.

Thượng đỉnh về Thích nghi Khí hậu

Các lãnh đạo thế giới hôm nay sẽ họp trực tuyến trong ngày thứ hai của sự kiện có mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu. Một chủ đề nóng bỏng là làm thế nào các nhà hoạch định chính sách có thể dung hòa yêu cầu dài hạn của việc giải quyết biến đổi khí hậu với những yêu cầu trước mắt của nền kinh tế đang bị covid tàn phá. Các quốc gia đang có cơ hội hiếm hoi để chuyển dòng tiền kích thích kinh tế liên quan đại dịch vào các biện pháp vừa hạn chế sự nóng lên toàn cầu (như năng lượng sạch) vừa giúp giải quyết hậu quả của nó (chẳng hạn như phòng chống lũ lụt).

Nước Mỹ đã trở lại: John Kerry vừa phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ngày hôm qua, trong chuyến đi quan trọng đầu tiên của ông với tư cách tân đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Joe Biden. Ông cho biết “lấy làm tiếc” về việc nước Mỹ thiếu hành động chống biến đổi khí hậu dưới thời chính quyền Trump và cam kết “chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để bù đắp cho điều đó”. Một trong những hành động đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống là đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris. Ông sẽ công bố một số chính sách khí hậu mới trong tuần này.