Thế giới hôm nay: 27/01/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ủy ban châu Âu có kế hoạch yêu cầu các nhà sản xuất vắc-xin covid-19 thông báo cho họ về tất cả các đơn hàng xuất khẩu từ Liên minh châu Âu, sau khi AstraZeneca, một nhà sản xuất thuốc của Anh có nhà máy ở Bỉ, cảnh báo rằng họ sẽ không thể cung cấp tất cả các liều mà họ đã hứa trước đây cho EU. Ursula von der Leyen, chủ tịch ủy ban, nói rằng các nhà sản xuất dược phẩm “bây giờ phải giao hàng”. Bộ trưởng vắc xin của Anh nói rằng các quốc gia nên tránh “chủ nghĩa dân tộc vắc xin”.

Các thành viên Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu hôm nay về việc liệu một cựu tổng thống có thể bị xét xử ở Thượng viên hay không, sau khi Hạ viện đưa ra một bản luận tội Donald Trump vào thứ Hai. Phiên tòa có thể sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 2, nhưng cuộc tranh luận hôm nay sẽ cho thấy tình cảm của các thành viên Đảng Cộng hòa. Người ta nghi ngờ việc sẽ có đủ số thành viên Cộng hòa phản bội Trump để có thể kết tội ông.

Tổng thống Joe Biden đã ký một số sắc lệnh hành pháp liên quan đến hoạt động cảnh sát và cải cách nhà tù. Một trong số đó làm sống lại chính sách thời chính quyền Barack Obama cấm chính quyền liên bang cung cấp cho lực lượng cảnh sát các trang thiết bị cấp quân sự. Ông Biden cũng có kế hoạch cải thiện điều kiện nhà tù và giảm quy mô sử dụng nhà tù tư nhân của chính phủ liên bang.

Hàng nghìn nông dân đã xung đột với cảnh sát ở Delhi và tiến vào Pháo đài Đỏ, một cung điện lịch sử ở thủ đô Ấn Độ, làm gián đoạn các lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa. Đây là đợt biểu tình bạo lực nhất trong số các cuộc biểu tình phản đối cải cách nông nghiệp diễn ra trong hai tháng qua. Thủ tướng Narendra Modi khẳng định những thay đổi này sẽ giúp ngành nông nghiệp cạnh tranh hơn; nhưng nông dân lo bị giảm thu nhập.

Chính phủ Hà Lan đã duy trì lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của covid-19, bất chấp ba đêm bạo loạn trên khắp đất nước. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào thứ Bảy sau khi lệnh “ở nhà” được đưa ra. Bộ trưởng tài chính của đất nước đã lên án những kẻ bạo loạn là “cặn bã” vì cướp bóc và xung đột với cảnh sát. Hơn 180 người đã bị bắt.

Giuseppe Conte, thủ tướng Ý, đã từ chức sau khi mất thế đa số trong cuộc tranh cãi về cách chi tiêu phần quỹ cứu trợ coronavirus của EU mà nước ông nhận được. Tương lai của ông và chính phủ giờ phụ thuộc vào Tổng thống Sergio Mattarella. Ông Mattarella có thể yêu cầu Conte thành lập một liên minh đa số mới. Nhưng trước tiên tổng thống phải tham khảo ý kiến ​​của các đại diện đảng để tìm hiểu xem liệu ông Conte có giành được đủ sự ủng hộ trong đảng hay không.

EU đã thông qua kế hoạch 2,9 tỷ euro (3,5 tỷ USD) để hỗ trợ sản xuất pin cho xe điện trong khối. Dự án sẽ cung cấp trợ cấp nhà nước cho các công ty bao gồm Tesla, BMW, Fiat Chrysler Automobiles và những công ty khác nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia sản xuất 80% lượng pin lithium-ion trên thế giới.

TIÊU ĐIỂM

NATO họp các lãnh đạo quân sự

Các lãnh đạo quân sự NATO hôm nay sẽ dự cuộc họp đầu tiên trong năm tại Brussels. Ủy ban Quân sự, do cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Anh làm chủ tịch, sẽ thảo luận về các chiến dịch đang diễn ra và những thách thức trong tương lai. Vấn đề cấp bách nhất là Afghanistan, nơi NATO đang dẫn đầu một phái đoàn cố vấn gồm 12.000 quân từ 38 quốc gia đồng minh và đối tác. Tổng thống Joe Biden đang xem xét lại một thỏa thuận hòa bình do người tiền nhiệm của ông ký với Taliban, theo đó giảm quân số của Mỹ xuống chỉ còn 2.500 người – thấp nhất trong 20 năm.

Các nhiệm vụ khác bao gồm nhiệm vụ huấn luyện ở Baghdad và lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo. Chương trình nghị sự cũng sẽ bao gồm tương lai của chiến tranh. Trong năm qua, NATO đã phát triển một chiến lược quân sự mới và một “khái niệm chiến tranh” nhằm thích ứng với sự thay đổi công nghệ và các mối đe dọa mới. Đáng mừng cho liên minh, các dòng tweet từ Tổng thống Mỹ không còn là một mối đe dọa nữa.

Quốc hội Philippines xem xét sửa hiến pháp, cơ hội nào cho Duterte?

Hôm nay Thượng viện Philippines sẽ xem xét các đề xuất thay đổi hiến pháp từ hạ viện. Hạ viện đang tranh luận về việc loại bỏ các yếu tố ngăn cản đầu tư nước ngoài. Nhưng một khi Quốc hội có được thẩm quyền sửa đổi hiến pháp, thì sẽ khó có thể ngăn nó tiến hành những thay đổi đáng ngại hơn, chẳng hạn như sửa đổi các quy tắc vốn được thiết kế đặc biệt để ngăn tổng thống bấu víu quyền lực và trở thành một nhà độc tài, như Ferdinand Marcos đã làm trong thế kỷ trước.

Điều lo ngại là Quốc hội có thể đề nghị để ông Rodrigo Duterte tiếp tục tại vị sau khi nhiệm kỳ được phép duy nhất của ông kết thúc vào năm 2022. Hiện những người ủng hộ ông Duterte kiểm soát cả hai viện, nhưng Thượng viện vẫn có khả năng ngăn cản mọi tham vọng thái quá. Nhiều thượng nghị sĩ muốn ra tranh cử tổng thống trong năm tới. Nền tảng ủng hộ ông Duterte ở thượng viện có thể lung lay nếu các nghị sĩ cho rằng ông muốn giành mất cơ hội lên thay thế ông của người khác trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua S-400

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để các lệnh trừng phạt của Mỹ cản trở công việc với Nga. Recep Tayyip Erdogan gần đây cho biết các quan chức của ông sẽ thảo luận về việc mua lô hệ thống phòng không S-400 thứ hai từ Nga vào cuối tháng này. Mỹ đã đáp trả lần mua đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ bằng các lệnh trừng phạt lên cơ quan mua sắm quốc phòng của họ, dù trễ ba năm sau thương vụ. Mỹ cũng gạch tên nước đồng minh NATO khỏi chương trình hợp tác phát triển máy bay chiến đấu F-35.

Một thỏa thuận mới có thể gây ra nhiều rắc rối hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo về các biện pháp trừng phạt bổ sung. Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga có thể đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến ở Libya, Syria và Nagorno-Karabakh, nhưng ông Erdogan có vẻ muốn giữ ấm nó. Ông xem mình là một nhà đấu tranh cho những người bị áp bức, nhưng ông không nói gì về cuộc đàn áp người biểu tình ở Nga, hay vụ đầu độc và bắt giữ Alexei Navalny, một nhà lãnh đạo đối lập.

Pháp có thể lại phong tỏa

Hôm nay, người Pháp sẽ được biết liệu nước họ có đang tiến vào đợt phong tỏa covid-19 lần ba hay không. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tổ chức một cuộc họp hội đồng y tế-quốc phòng để quyết định xem có nên thắt chặt các hạn chế. Sau khi phong tỏa đợt hai kết thúc vào ngày 15 tháng 12, ông đã áp dụng lệnh giới nghiêm. Song số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn đang giữ ở mức trung bình bảy ngày là khoảng 20.000 ca. Các biến thể mới, từ Anh và Nam Phi, cũng đang bắt đầu lây lan.

Có thể ông Macron sẽ đợi thêm một tuần trước khi cho phong tỏa trở lại. Sự không chắc chắn đó đến đúng vào lúc công chúng đang ngày càng mất kiên nhẫn trước tiến độ triển khai vắc-xin chậm chạp của chính phủ. Mặc dù đã nhanh hơn, nhưng khởi đầu chậm khiến Pháp chỉ mới tiêm được 1,1 triệu liều, ít hơn so với Đức, Ý hoặc Tây Ban Nha – và thua xa Anh. Sự thiếu hụt vắc-xin dường như khiến người Pháp sốt ruột hơn. Hồi tháng 12, chỉ 42% nói họ muốn được tiêm vắc-xin; con số đó đã tăng lên thành 56%.

Một năm đáng quên của Boeing

Hai cuộc khủng hoảng đã khiến năm 2020 trở thành năm tồi tệ nhất của Boeing trong gần bốn thập niên qua trong việc giao máy bay mới. Hai vụ tai nạn chết người ở Ethiopia và Indonesia của chiếc 737 MAX khiến dòng máy bay này phải ngừng bay trên toàn thế giới từ tháng 3 năm 2019 cho đến tháng 11 năm 2020. Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không suy giảm trong đại dịch cũng khiến nhiều hãng hàng không gặp khó khăn phải hủy đơn hàng. Tất cả những điều này khiến số lượng giao máy bay mới của Boeing giảm xuống chỉ còn 157 chiếc, chưa bằng 1/5 so với kỷ lục 806 chiếc chỉ hai năm trước đó.

Thiệt hại tài chính nặng nề đến đâu sẽ được tiết lộ trong kết quả kinh doanh cả năm công bố hôm nay. Có thể đoán Boeing sẽ xoáy vào tin dòng 737 MAX đang được các cơ quan quản lý hàng không trên thế giới tái cấp phép. Nhưng công ty phải tiếp tục xây dựng lại uy tín của mình sau một vụ tai nạn chết người khác ở Indonesia vào đầu tháng này, lần này là một mẫu cũ hơn. Các nhà đầu tư không mặn mà: kể từ khi 737 MAX bị cấm bay, cổ phiếu Boeing đã mất gần một nửa giá trị.