Nguồn: Simon Creak, “Hints at political change in Laos”, East Asia Forum, 27/01/2021.
Biên dịch: Trần Hùng
Được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 1 năm 2021, Đại hội lần thứ 11 của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) – sự kiện được mong đợi nhất trong chu kỳ chính trị 5 năm của Lào – đã mang lại sự thay đổi khiêm tốn ở cấp cao và tái khẳng định chiến lược kinh tế nhiều rủi ro của đất nước, bao gồm cả sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc. Tuy nhiên, đại hội đã chứng kiến sự luân chuyển đáng kể trong nhân sự ở các cấp thấp hơn và cho thấy có thể có những thay đổi trong trọng tâm chính trị và kinh tế của đất nước.
Với 768 đại biểu tham dự, nhiệm vụ chính của đại hội là bầu ra ban chấp hành trung ương đảng mới gồm 71 thành viên, sau đó ban chấp hành sẽ bầu ra tổng bí thư, bộ chính trị và ban bí thư. Dù các phần quan trọng của quá trình này bị che khuất khỏi tầm mắt công chúng, nhưng nó dường như pha trộn giữa nguyên tắc tập trung dân chủ theo chủ nghĩa Lenin với các mối quan hệ bảo trợ, mạng lưới chính trị và sự can thiệp của những lãnh đạo lão thành trong đảng, do đó làm kiềm chế những thay đổi chính trị lớn. Các cuộc mặc cả trước đại hội đã quyết định phần lớn kết quả.
Thay đổi ở lãnh đạo cấp cao đã được dự liệu trước. Kế nhiệm Bounnhang Vorachith làm tổng bí thư là thủ tướng và nhân vật số hai của đảng, Thongloun Sisoulith. Phó Chủ tịch nước kiêm Thường trực Ban Bí thư, Phankham Viphavanh, đã vượt qua Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou và Phó Thủ tướng Bounthong Chitmany để trở thành nhân vật số hai mới. Bounthong được bầu làm Thường trực Ban Bí thư mới, một vị trí có ảnh hưởng từng do Bounnhang nắm giữ trước khi chuyển giao cho Phankham.
Các ủy viên bộ chính trị khác đều thăng cấp hai bậc, bao gồm cả hậu duệ của hai nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của đảng. Xaysomphone Phomvihane, con trai của người sáng lập đảng quá cố Kaysone Phomvihane và là người đứng đầu Mặt trận Phát triển Quốc gia Lào, vươn lên vị trí thứ năm. Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone, con trai của nhà môi giới quyền lực vẫn còn ảnh hưởng Khamtay Siphandone và là người trước Đại hội được đồn đoán sẽ nắm chức thủ tướng, chỉ nhảy lên vị trí thứ chín, gây nghi ngờ về khả năng trở thành hiện thực của những dự đoán đó.
Vị trí chủ tịch nước và thủ tướng sẽ được bầu sau khi có kết quả bầu cử quốc hội vào tháng Hai. Nếu Thongloun trở thành chủ tịch nước, giống như những người tiền nhiệm của ông kể từ năm 1998, kết quả đại hội gợi ý rằng Phankham là ứng viên hàng đầu để giành ghế thủ tướng. Một khả năng ít xảy ra hơn – đặc biệt là nếu để giúp Sonexay hoặc thậm chí là Xaysomphone trở thành thủ tướng – có thể là việc Phankham trở thành chủ tịch nước, tức tách trở lại các chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước.
Sự đổi mới xảy ra nhiều hơn ở các vị trí từ 10 đến 18. Bốn gương mặt mới được đề bạt tham gia bộ chính trị mở rộng gồm 13 thành viên, trong đó có hai người đã nhảy từ các vị trí thứ 23 và 50, và năm thành viên mới của ban bí thư gồm chín người (vị trí thứ 14 đến 18) đã được đề bạt từ các vị trí thứ 39 đến 63 của Ban chấp hành trung ương cũ. Với ba trong số chín người được thăng chức là nữ, hiện có bốn phụ nữ đang tham gia vào bộ chính trị hoặc ban bí thư – một sự gia tăng đáng chú ý so với chỉ một (Pany) của nhiệm kỳ trước.
Sự trẻ hóa đạt mức cao nhất ở các vị trí thấp hơn. Điều đáng chú ý là 31 trong số 69 thành viên của ban chấp hành trung ương khóa trước đã không tái cử. Đây là một sự loại bỏ đáng kể các cán bộ cấp cao và cấp trung – cho phép bổ sung mới 33 ủy viên trung ương chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Sự thay đổi này cho thấy đảng có thể đang hành động đáp lại những chỉ trích đối với ban lãnh đạo đảng và chính phủ được thể hiện trong báo cáo chính trị của Bounnhang, vốn phê bình các quan chức thiếu can đảm và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới.
Vậy ý nghĩa của những thay đổi này là gì?
Một khả năng là có thể có sự căng thẳng tiềm tàng giữa các thành viên dạng “con ông cháu cha” của những nhà cách mạng thời chiến, những người trước đây đã từng thống trị bộ chính trị, với nhóm các thành viên dạng “kỹ trị” có giáo dục tốt hơn, ủng hộ kỷ luật đảng, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, giám sát các dự án của chính phủ và phát triển công bằng.
Lần đầu tiên, Đảng được dẫn dắt bởi các cán bộ chuyên nghiệp và nhà giáo dục chứ không phải là các quân nhân và chính ủy thời chiến. Là người được bảo trợ bởi nhà lý luận cách mạng Phoumi Vongvichit, Thongloun được đào tạo làm giáo viên khi tham gia cách mạng, lấy bằng đại học ở Liên Xô cũ và sau đó trở thành một bộ trưởng ngoại giao được kính trọng. Trên cương vị thủ tướng, ông đã đưa ra những nỗ lực – mặc dù có giới hạn – để kiềm chế sự lãng phí và tham nhũng của các quan chức. Phankham và Bounthong cũng là những nhà giáo và đã hình thành sự nghiệp của mình trong lĩnh vực tuyên giáo, đào tạo và tổ chức đảng. Phankham có uy tín tốt trong khi Bounthong là người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng của đảng. Cả hai cũng đã từng đảm nhiệm cương vị chủ tịch tỉnh. Những nhà lãnh đạo này có thể hành động kiên quyết hơn để thực hiện các chính sách nhằm củng cố các thể chế đảng và nhà nước, bao gồm cả những chính sách liên quan đến việc nâng cao kỷ luật và liêm chính.
Các ngôn ngữ về xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa thể hiện nổi bật tại Đại hội, phản ánh một mẫu hình gần đây. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện pháp quyền, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế. Để tránh nhầm lẫn giữa pháp quyền và tự do hóa, Bounnhang nhấn mạnh vai trò của những cải cách này và những cải cách khác trong việc xây dựng ‘nhà nước dân chủ nhân dân’ và tiến tới chủ nghĩa xã hội. Bounnhang cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện ‘quản lý phương tiện truyền thông xã hội’, hàm ý cần dập tắt những lời chỉ trích trên mạng đối với chính phủ.
Về kinh tế, đại hội không cho thấy có bất kỳ thay đổi nào đối với chiến lược kinh tế dựa vào thủy điện của Lào hay sự phụ thuộc ngày càng sâu sắc của nước này vào Trung Quốc. Nhưng để giải quyết vấn đề nợ nần của đất nước và cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra, Thongloun thừa nhận thành tích quản lý tài chính yếu kém của chính phủ, nhấn mạnh nhu cầu phát triển để giảm nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập, đồng thời công bố mục tiêu tăng trưởng hàng năm giảm xuống còn 4% cho giai đoạn 2021–25. Mức giảm này là đáng chú ý; câu hỏi đặt ra là liệu đó có phải chỉ là do suy thoái vì COVID-19 hay nó còn thể hiện hệ quả do thay đổi trong cách tiếp cận.
Nếu gạt các suy đoán sang một bên, thì những thảo luận về căng thẳng giữa nhóm “con ông cháu cha” và nhóm các nhà kỹ trị hiện còn quá sớm. Các mạng lưới bảo trợ của gia đình các vị lãnh đạo cách mạng khó có thể sớm phai nhạt. Sonexay có thể đã không thể nhảy cóc qua đầu các đối thủ nhưng gia đình Siphandone đã tăng cường sự hiện diện của mình trong ủy ban trung ương, tương tự là các gia đình có ảnh hưởng khác. Tuy nhiên, khả năng diễn ra những thay đổi tiềm tàng trong trọng tâm chính trị và kinh tế mang lại những điểm quan trọng cần theo dõi trong những năm tới.
Đồng thời, đại hội cũng không cho thấy có khả năng diễn ra thay đổi trong quan hệ đối ngoại của Lào. Dù Bounnhang ca ngợi ‘quan hệ đối tác chung vận mệnh’ của Lào với Trung Quốc, nhưng mối quan hệ chính trị chủ chốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào với Đảng Cộng sản Việt Nam, được hình thành trong các cuộc Chiến tranh Đông Dương, vẫn là nền tảng cho quan hệ đối ngoại của Đảng và đất nước.
Simon Creak là Trợ lý Giáo sư Lịch sử Đông Nam Á tại Viện Giáo dục Quốc gia, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.