Đại Việt dưới thời vua Trần Anh Tông (P2)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Tháng 2 năm Hưng Long thứ 5 [1297], định rõ lại quy chế binh lính. Tuyển dân đinh người nào khỏe mạnh phải suốt đời làm lính, theo như phép cũ, không được làm quan. Các châu, quận chỗ nào trước gọi là giáp, nay đổi thành hương.

Nước Ai Lao đem quân xâm phạm, chiếm giữ sông Chàng Long, nhà vua sai Phạm Ngũ Lão kéo quân đến đánh úp, quân Ai Lao thua chạy. Tin thắng trận báo về triều, vua ban cho Ngũ Lão vân phù.[1]

Tháng 4, bổ dụng Trần Kiến làm Đại an phủ sứ ở kinh sư, kiêm chức quan Kiểm pháp:

Trần Kiến là người cương trực, trước làm quan An phủ ở Thiên Trường, có người đưa biếu món ăn, Trần Kiến hỏi:

 ‘Có việc gì mà biếu?’.

Người ấy nói:

‘Vì ở gần lỵ sở’.

Mấy hôm sau, người ấy đem việc đến thỉnh thác. Trần Kiến giận lắm, móc cổ họng cho thổ đồ ăn ra. Đến nay được cất nhắc lên làm quan kiểm pháp, xét xử kiện tụng một cách công bằng thỏa đáng, người ta đều nói Trần Kiến có thể quyết đoán hình ngục được.”Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 10, năm Hưng Long thứ 6 [1298], đặt thêm quân hiệu: Thượng chân đô, Thủy dạ thoa đô và Chân kim đô; quân sĩ đều thích chữ ở trán. Nhà vua hạ lệnh cho Phạm Ngũ Lão giữ chức Kim ngô hữu vệ đại tướng quân để thống lĩnh.

Tháng 12 bổ dụng Trần Kiến làm Nhập nội Hành khiển hữu gián nghị đại phu, Trần Khắc Chung làm Đại an phủ sứ ở kinh sư:

Nhà vua thấy Trần Kiến là người cương trực, ban cho cái hốt[2] và làm bài minh vào cái hốt rằng:

“Thái sơn trinh cao,

Ttượng hốt trinh liệt,

 Linh trĩ trãi giốc,

 Vì hốt nan chiết

Nghĩa là:

 Núi Thái Sơn vừa kiên trinh vừa cao,

Hốt ngà voi vừa kiên trinh vừa sáng,

Ngà voi có linh tính như ngà giải trãi,[3] dùng làm hốt,

Khó sức mạnh nào chiết phục được.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8

Tháng 4, năm Hưng Long thứ 7 [1299], bổ Phạm Ngũ Lão làm Thân vệ tướng quân, kiêm quản lĩnh quân Thiên Thuộc.

Tháng 5, bổ dụng Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán.[4]

Khi bấy giờ thượng hoàng từ phủ Thiên Trường về kinh, các quan trong triều đều không ai biết cả. Nhà vua uống rượu xương bồ, say, nằm ngủ, đánh thức mãi không dậy. Thượng hoàng đi thong thả, xem khắp các cung điện một hồi lâu. Lúc người hầu nội dâng cơm, Thượng hoàng không thấy nhà vua, lấy làm lạ, liền hỏi, sau khi biết chuyện, Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, hạ chiếu cho trăm quan đến ngày mai phải tề tập để nghe chỉ dụ. Đến quá trưa, nhà vua mới tỉnh dậy. Cung nhân đem việc đó tâu bày, nhà vua sợ quá, đi bộ ra ngoài cửa cung. Khi đi qua chùa Tư Phúc, gặp người học trò là Đoàn Nhữ Hài, nhà vua ban hỏi. Nhữ Hài vội vàng cúi rạp xuống đất thưa là:

 ‘Học trò đi học’.

 Nhà vua cho theo vào cung, bảo rằng:

‘Mới đây trẫm say rượu, bị Thượng hoàng hỏi tội, nay muốn dâng biểu tạ tội, nhà ngươi nên thảo giúp ta tờ biểu ấy’.

Nhữ Hài vâng lời, thảo xong ngay. Nhà vua liền dùng chiếc thuyền nhỏ, cho Nhữ Hài đi theo, đêm đi đến Thiên Trường. Sớm hôm sau, sai Nhữ Hài đội tờ biểu dâng lên, Thượng hoàng hỏi:

‘Người dâng biểu là người nào?’.

Người hầu cận thưa rằng:

 ‘Đấy là người của quan gia [chỉ Vua] sai dâng biểu tạ tội’.

 Thượng hoàng không nói gì cả. Trời gần tối, gió mưa kéo đến ầm ầm, Nhữ Hài vẫn quỳ yên không di chuyển. Thượng hoàng bèn cho người lấy tờ biểu vào xem, thấy lời lẽ ý tứ trong tờ biểu thành khẩn thiết tha, mới cho triệu nhà vua vào dạy rằng:

‘Trẫm không còn có người con nào nữa để nối ngôi Vua hay sao? Nay Trẫm còn sống mà còn như thế, nếu sau này sẽ ra thế nào?’.

Nhà vua cúi đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi:

‘Ai soạn tờ biểu này?’.

Nhà vua tâu:

‘Tên học trò là Đoàn Nhữ Hài’.

Thượng hoàng lại cho triệu Nhữ Hài vào, dụ bảo rằng:

 ‘Tờ biểu của nhà ngươi soạn, thực hợp ý Trẫm’.

Sau đó, Thượng hoàng cho nhà vua lại được làm vua và trăm quan trở về triều như trước. Nhà Vua ở phủ Thiên Trường về, cho Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán. Khi bấy giờ Nhữ Hài mới 20 tuổi, có kẻ ghen ghét cho là ít tuổi đã làm quan, họ có câu thơ mỉa mai rằng: “Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ, khẩu tồn nhũ xú Đoàn Trung tán”. (Trong ngự sử đài người ta truyền tụng câu cổ ngữ “khẩu tồn nhũ xú”[5] để bình luận quan Trung tán họ Đoàn)”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8

Tháng 7, Thượng hoàng lên núi Yên Tử, xả thân chịu giới luật ở am Ngọa Vân:

Trước kia, thượng hoàng ở Vũ Lâm, thời thường đi lại kinh sư và phủ Thiên Trường; đến nay, lại xuất gia, đến núi Yên Tử, ở am Ngọa Vân. Cung tần, thị nữ, người nào không muốn về thì cấp ruộng và nhà cho ở dưới chân núi. Thượng hoàng thỉnh thoảng có về phủ Thiên Trường, ngự ở cung Trùng Quang.

Lúc nhà vua đến chầu, Thượng hoàng bảo:

Nhà ta khởi nghiệp từ bãi biển, cho nên thích hình con rồng vào vế đùi, là có ý tỏ ra rằng không bao giờ vong bản’.

Lúc ấy người thợ thích hình rồng đã chực ở ngoài cửa cung, nhà vua rình khi Thượng hoàng quay mặt đi chỗ khác, liền lánh sang cung Trùng Hoa. Thượng hoàng biết ý, không bắt ép nữa. Cái tục thích hình dáng loài vật vào vế đùi của nhà Trần từ đây mới bỏ đi được.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8

Tính nhà vua thích vi hành,[6] đêm đến, thường ngồi trên chiếc kiệu do người khiêng, cùng đi với vài chục người, dạo chơi khắp kinh thành, đến gà gáy mới trở về cung. Lại thường ra chơi chỗ phố phường. Một hôm, có đứa vô lại ném gạch phạm phải; người theo hầu quát lên rằng:

“Xa giá nhà vua đấy!”.

Mọi người mới sợ chạy. Sau, Thượng hoàng thấy vết thương, hỏi vì cớ gì. Nhà vua cứ thực tâu bày, Thượng hoàng chép miệng, nhưng rồi bỏ qua.

Vua sai Sứ thần Đặng Nhữ Lâm sang giao hảo với nhà Nguyên, Nhữ Lâm bí mật vẽ bản đồ cung điện, cùng tàng trữ bản đồ và sách bị cấm. Việc phát giác, vua Nguyên sai Sứ thần đem Nhữ Lâm về nước, cùng đưa lời trách; sự việc xảy ra Cương MụcAn Nam Chí Lược đều chép tương tự:

Tháng 7 [8/1299] “Trước đây, nhà vua sai Đặng Nhữ Lâm sang giao hảo với nhà Nguyên, khi Nhữ Lâm đến kinh đô nhà Nguyên, bí mật làm những việc sau này:

Vẽ đồ bản cung điện và vườn tược.

Đem riêng trong mình bản đồ địa dư và sách đã bị cấm.

Ghi chép vào sổ riêng những núi rừng và tình hình quân sự ở Bắc phương.

Thừa tướng nhà Nguyên là Hoàn Trạch đem việc ấy tâu bày, vua Nguyên sai Thượng thư Mã Hợp, Thị lang Kiều Tôn Lượng sang nước ta dụ bảo nhà vua về việc Nhữ Lâm làm trái phép, đáng lẽ tra xét kỹ để trị tội, nhưng thiên tử lấy độ lượng bao dong, nên đã hạ lệnh tha cho về nước. Vậy từ nay cử sứ thần cần phải lựa chọn cẩn thận, nếu có tâu bày thỉnh thác việc gì, phải hết lòng thành thực, chứ nếu chỉ trang sức văn từ khéo léo bề ngoài, thì không ích gì cả.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8

Năm Đại Đức thứ 5 (1301) sai Thượng thư Ma Hợp Ma, Thị lang bộ Lễ Kiều Tông Lượng đưa chiếu dụ An Nam, cứ theo lệ 3 năm cống một lần đến kỳ hạn thì tự đến; lại dẫn lai sứ là bọn Đặng nhữ Lâm về nước.”[7] An Nam Chí Lược quyển 3, Đại Nguyên Phụng Sứ.

Nguyên Sử, mục Liệt Truyện, tường trình sự việc như sau:

Tháng 2 năm Đại Đức thứ 5 [11/3-9/4/1301], bọn Thái truyền Hoàn Trạch tâu Sứ thần An Nam Đặng Nhữ Lâm vẽ trộm bản đồ cung điện vườn thượng uyển, ngầm mua bản đồ, sách cấm, sao chép văn thư tờ trình về việc đánh Giao Chỉ, lại ghi quân tình phương Bắc cùng lăng miếu; bèn sai sứ mang chiếu chỉ trách với lời đại nghĩa. Tháng 3 sai Thượng thư bộ Lễ Mã Hợp Mã, Thị lang bộ Lễ Kiều Tông Lượng, mang chiếu chỉ dụ Nhật Tông đại ý rằng:

Bọn Nhữ Lâm có hành động trái với pháp luật, đáng trị đến cùng; Trẫm vì thiên hạ độ lượng, bảo ty phụ trách tha cho về. Từ nay về sau cần tuyển chọn Sứ giả, những lời trình xin phải tận tình; từ trước tới nay chỉ chuộng hư văn không có ích gì cho sự việc. Đừng ngại sửa đổi, nếu không sẽ hối hận về sau!’

Trung thư tỉnh gửi điệp văn dùng hai viên Vạn hộ là bọn Trương Vinh Thực, đưa Sứ giả trở về.[8] Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện: An Nam.

Sứ thần Đặng Nhữ Lâm, cũng giống như một số nhà ngoại giao hiện đại, ngoài việc bang giao, còn làm công tác gián điệp. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong bài nghiên cứu Lịch Và Lịch Việt Nam, soạn Bảng Sự Kiện Có Lịch Tính Trong Sử Liệu, phát hiện ra rằng sau chuyến đi sứ của Đặng Nhữ Lâm, thấy lịch nước ta giống với lịch Thụ Thời Trung Quốc với các chi tiết như cùng chung tháng nhuần. Giáo sư Hãn nhận xét Đặng Nhữ Lâm đi sứ đã bí mật học được phép làm lịch của nhà Nguyên và mang sách cấm nghiên cứu cách soạn lịch đưa về nước; nên ông viết:

Tôi nghĩ rằng chính trong dịp này, người nước ta học phép lịch Thụ Thời, và có lẽ bắt đầu đặt ty Thiên văn hay cục Thái sử có viên chức cao phụ trách.”[9]

Dựa theo nghiên cứu trên đem áp dụng, bắt đầu từ năm 1301 tức năm Đặng Nhữ Lâm về nước, chúng tôi dùng bảng Lưỡng Thiên Niên Trung Tây Lịch Chuyển oán [兩 千 年 中 西 曆 轉 換], đổi ngày tháng trong lịch Việt sang Dương Lịch, giống như cách làm của Trung Quốc.

Tháng 8 năm Hưng Long thứ 8 [15/8-13/9/1300],Tiết chế thống lĩnh các quân, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn mất; sử nước ta chép một cách trân trọng về thân thế sự nghiệp Đại vương như sau:

Trước đây, Quốc Tuấn bị bệnh, nhà vua đến nhà riêng thăm và hỏi rằng:

Nếu có sự không lành xảy ra, mà quân nhà Nguyên lại sang xâm lấn, thì chống cự lại bằng cách gì?’.

Quốc Tuấn thưa:

‘Ngày trước Triệu Võ [Triệu Đà] dựng nước, vua nhà Hán sai quân sang đánh, lúc ấy, về phần tiểu dân thì phá hết hoa mầu ở đồng nội; về phần quân lính thì đại binh kéo sang châu Khâm, châu Liêm, đánh quận Trường Sa, dùng đoản binh[10] đánh tập hậu, đấy là một thời kỳ. Đến đời nhà Đinh, nhà Lê dùng được người hiền tài, lúc ấy phương Nam đương mạnh, phương Bắc đương suy, trên dưới một lòng, dân không có lòng ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân nhà Tống, đấy lại là một thời kỳ. Nhà Lý dựng cơ nghiệp, người nhà Tống sang xâm lấn; lúc ấy dùng Lý Thường Kiệt đánh châu Khâm, châu Liêm, nhiều lần tiến quân đến Mai Lĩnh,[11] đấy là có thế lực mạnh. Mới rồi, Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt đánh phá bao vây; lúc ấy vua tôi cùng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức chiến đấu, nên giặc phải bó tay, đấy là lòng giời xui khiến. Đại khái quân giặc cậy vào trường trận, quân ta cậy vào đoản binh, đem đoản binh đánh lại trường trận, là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải xét: nếu thấy quân giặc tràn sang như gió, như lửa, thì thế giặc có thể dễ chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần, như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay, thì mình phải dùng tướng giỏi, phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà chế biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà, mới có thể dùng để chiến thắng được. Vả lại, phải bớt dùng sức dân để làm cái kế thâm căn cố đế, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn’.

Nhà vua rất phục lời trình bày của Quốc Tuấn là đúng. Khi Quốc Tuấn mới sinh ra, có người xem tướng trông thấy, nói:

Mai sau có thể kinh bang tế thế được’.

Lúc lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh khác thường, xem rộng các sách, có tài văn vũ. Thân phụ Quốc Tuấn là An Sinh vương, trước đây, có hiềm riêng với Thái Tông, đem lòng oán giận, đi tìm khắp những người có tài nghệ giỏi để dạy bảo Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn trối trăng lại rằng:

Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha dầu chết cũng không nhắm mắt được!’.

Trong bụng Quốc Tuấn vẫn không cho câu nói ấy là đúng. Khi quân Nguyên sang xâm lấn, một mình nắm hết quyền bính trong nước trong quân, có lần Quốc Tuấn đem câu trối trăng của cha hỏi hai người gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người can ngăn, nói:

Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm người nô bộc, chứ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan, chúng tôi mong học được như người mổ dê tên là Duyệt ở thời Xuân Thu ngày trước’.

Quốc Tuấn nghe hai người gia nô nói, vừa cảm động ứa nước mắt vừa khen ngợi. Có lần Quốc Tuấn giả vờ hỏi dò ý con là Hưng Vũ vương Quốc Nghiện rằng:

Cổ nhân giàu có cả thiên hạ, để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào?’.

Quốc Nghiện thưa rằng:

Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ’.

Quốc Tuấn rất lấy làm phải; sau lại đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, Quốc Tảng tiến thẳng đến, nói:

Tống Thái Tổ là một người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ’.

Quốc Tuấn liền tuốt gươm ra kể tội rằng:

Những người bầy tôi phản loạn chính là do những đứa con bất hiếu mà ra’.

Nói rồi có ý muốn giết đi. Quốc Nghiện vội chạy ra kêu khóc xin nhận tội thay, mãi sau mới được Quốc Tuấn tha cho. Khi Quốc Tuấn sắp mất, bảo Quốc Nghiện rằng:

Sau khi ta chết, đậy nắp áo quan đâu đấy xong rồi, sẽ cho Quốc Tảng vào viếng khóc’.

Vào khoảng đầu niên hiệu Thiệu Bảo, quân Nguyên rầm rộ kéo sang, khí thế rất hung hãn. Vua Thái tông bảo rằng:

Lực lượng của giặc mạnh như thế, có lẽ ta hãy tạm xin hàng’.

Quốc Tuấn nói:

Trước hết hãy chặt đầu tôi đã, rồi sẽ hàng’.

Xem những việc trên, thì Quốc Tuấn hết lòng với nhà Trần, trung nghĩa bộc lộ ra như thế, cho nên dẹp tan được giặc Nguyên, dựng nên công nghiệp phi thường, tiếng vang đến Trung Quốc. Người nhà Nguyên thường gọi là An Nam Hưng Đạo vương mà không dám gọi rõ tên. Thánh Tông có làm bài văn bia ở sinh từ, sánh Quốc Tuấn với Thượng Phủ.[12] Vì có công lao to, nên gia phong là Thượng Quốc Công, được quyền tự ban thưởng phẩm tước cho người khác, nhưng Quốc Tuấn chưa hề tự ban thưởng cho một ai cả, ấy cẩn trọng giữ gìn như vậy. Lại còn một việc nữa là thường tiến cử người hiền tài để giúp nước, như các ông Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu đều là môn khách của Quốc Tuấn cả.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 3 năm Hưng Long thứ 9 [10/4-8/5/1301] Thượng hoàng sang chơi Chiêm Thành. Thượng hoàng xuất gia ở núi Yên Tử, thường muốn đi chơi xem khắp núi sông trong nước, nhân du lịch đến một địa phương, tiện đường sang chơi Chiêm Thành.

Nước Ai Lao đem quân sang cướp ở Đà Giang, nhà vua sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, phá tan được. Ngũ Lão đem quân đánh nhau với giặc ở động Mường Mai [huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình], bắt được rất nhiều tù binh. Khi Ngũ Lão đem quân về, nhà vua phong làm Thân vệ đại tướng quân và ban cho quy phù [Binh phù có hình con rùa].

Tháng 11 [1/12-30/12/1301], Thượng hoàng từ Chiêm Thành trở về.

Tháng Giêng, năm Hưng Long thứ 10 [30/1-27/2/1302], gia phong Chiêu Văn vương Nhật Duật là Thái úy quốc công. Theo chế độ cũ, người nào là Thân vương mà vào triều làm Tướng quốc, xưng là Quốc công. Nhật Duật lấy danh nghĩa là Thái úy vào làm Tướng quốc trong triều, nên được phong là Quốc công.

Nhà vua cho phép người đạo sĩ Trung Quốc là Hứa Tông Đạo đến ở phường An Hoa. Tông Đạo từ Trung Quốc theo thuyền buôn đến nước ta; nhà vua cho phép cư trú ở phường An Hoa [Yên Phụ, Hà Nội]. Viên đạo sĩ truyền các khoa cúng về phù thủy và làm chay, nên các khoa này bắt đầu thịnh hành ở nước ta từ đấy.

Tháng 10, năm Hưng Long thứ 11 [10/11-8/12/1303], Đoàn Nhữ Hài đi sứ Chiêm Thành, bỏ tục lệ lạy Vua Chiêm, nên lúc trở về nước được thăng chức Tham tri chính sự:

Nhữ Hài vâng mệnh lệnh vua sang sứ Chiêm Thành. Đến yết kiến thượng hoàng ở chùa Yên Tử, thượng hoàng cùng Nhữ Hài nói chuyện, rất lấy làm hài lòng, bảo với tả hữu rằng:

Nhữ Hài là người có phẩm hạnh, nên được quan gia tin dùng là phải’.

Trước đây Sứ thần nước ta sang sứ, đều lạy chúa Chiêm Thành trước, rồi mới mở đọc chiếu thư; lần này khi Nhữ Hài sang đến nơi, vào thẳng trước án để tờ chiếu yên ổn xong, nhân bảo chúa Chiêm Thành rằng:

Từ khi tôi vâng mệnh triều đình đem thiên chiếu [chiếu Thiên tử] sang đây, đã lâu không được chiêm vọng thanh quang nay mở chiếu thư ra, không khác gì đứng trước thiên nhan [đứng trước dung nhan Thiên tử]’.

Nói xong, liền lạy thẳng vào tờ chiếu thư, dầu chúa Chiêm Thành có đứng ở bên cạnh, nhưng lấy danh nghĩa là lạy chiếu thư, để tỏ rõ ý không chịu khuất. Sau này, các sứ thần sang sứ Chiêm Thành mà không phải lạy chúa Chiêm, là từ Nhữ Hài trước. Khi Nhữ Hài trở về nước, nhà vua rất khen ngợi, nên cho giữ chức này.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 3 năm Hưng Long thứ 12 [6/4-4/5/1304] cho mở khoa thi Thái học sinh tức Tiến sĩ:

Phép thi: Trước hết cho ám tả truyện Mục Thiên Tử[13] Thiên Y Quốc [chưa rõ] để rũ bớt những kẻ học kém; thứ hai thi kinh nghi,[14] kinh nghĩa[15] và thơ phú;[16] thứ ba thi chiếu,[17] chế,[18] biểu;[19] sau cùng thi một bài văn sách,[20] để định thứ tự đỗ cao, đỗ thấp. Khoa này lấy đỗ thái học sinh 44 người; ba người đỗ đầu được từ cửa Phượng Thành ra đi du lịch phố xá ba ngày. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ban cho Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung chức Nội thư gia; bảng nhỡn Bùi Mộ ban cho mạo sam Chi hậu bạ thư và được sung chức Nội lệnh thư gia; thám hoa Trương Phóng ban cho mũ quyền miện hiệu thư và được sung chức Nhị tư. Còn từ hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn trở xuống đều được bổ quan chức, tùy theo thứ tự đỗ cao hay thấp.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 12 [27/12/1304-25/1/1305], bổ Đoàn Nhữ Hài giữ việc viện Xu Mật. Từ năm Kiến Trung [1225-1232] đến nay, người đại thần cầm quyền trong chính phủ đều dùng họ tôn thất. Nay Nhữ Hài xuất thân là học trò, được cất lên một chức quan trọng trong chính phủ, do đấy con đường dùng người không phân biệt kẻ thân, người sơ nữa.

—————-

[1] Vân phù: Phù hiệu màu vẽ mây.

[2] Cái hốt là vật dùng để ghi chép vua quan thời xưa cầm trên tay, có việc gì thì ghi chép vào hốt để khỏi quên. Đời cổ, hốt của thiên tử bằng ngọc, của vua chư hầu bằng ngà voi, từ đại phu đến sĩ làm bằng tre hoặc gỗ; về sau, đại phu và sĩ đều có thể được dùng hốt bằng ngà voi cả. Chiều dài chiều rộng cái hốt của từng cấp bậc đã có kích thước nhất định.

[3] Trãi: Tên riêng một giống thú rừng, có sách giải nghĩa là dê thần, giống thú này có một cái sừng thẳng ở giữa trán. Đời cổ dùng nó để húc đánh những người gian tà nham hiểm, vì nó có linh tính phân biệt được người ngay, người gian.

[4] Ngự sử trung thừa: Chức quan đứng hàng thứ 2 ở đài Ngự sử có nhiệm vụ can gián, đàn hạch nhà vua.

[5] Khẩu tồn nhũ xú: Miệng còn hơi sửa, ý chỉ còn nhỏ tuổi.

[6] Vi hành: Vua chúa đi ra ngoài cung điện, không muốn cho người ngoài biết, nên không có nghi trượng đón rước, chỉ đi với một số ít người dạo chơi, gọi là “vi hành”.

[7] 大德五年,遣尚書麻合麻、禮部侍郎喬宗亮,齎詔諭安南,依前三歲一貢;及其自來朝廷,不復遣使,仍引其來使鄧汝霖等還國。

[8] 大德五年二月,太傅完澤等奏安南來使鄧汝霖竊畫宮苑圖本,私買輿地圖及禁書等物,又抄寫陳言征收交趾文書,及私記北邊軍情及山陵等事宜,遣使持詔責以大義。三月,遣禮部尚書馬合馬、禮部侍郎喬宗亮持詔諭日燇,大意以「汝霖等所為不法,所宜窮治,朕以天下為度,敕有司放還。自今使价必須選擇;有所陳請,必盡情悃。向以虛文見紿,曾何益於事哉,勿憚改圖以貽後悔」。中書省復移牒取萬戶張榮實等二人,與去使偕還。

[9] Theo La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 1, trang 935.

[10] Đoản binh: Một binh chủng chuyên dùng giáo mác đánh giặc, khác với trường binh là hạng binh lính đánh giặc bằng cung tên.

[11] Mai Lĩnh: Ở địa phận tỉnh Giang Tây, tức là núi Đại Dũ, nơi xung yếu giữa hai tỉnh Giang Tây và Quảng Đông, trên núi trồng nhiều cây mai, nên gọi tên là Mai Lĩnh.

[12] Thượng phủ là danh hiệu tôn xưng Thái Công Vọng. Thái Công Vọng họ Khương tên Thượng, là một hiền thần nhà Chu. Vũ Vương nhà Chu tôn làm thầy nên gọi là Thượng phủ.

[13] Mục thiên tử: Sách này do Tuân Húc nhà Tấn hiệu đính và Quách Phác chú thích.

[14] Kinh nghi: Hỏi những nghĩa có nghi ngờ trong năm kinh: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu.

[15] Kinh nghĩa: Quan trường lấy một câu trong ngũ kinh hoặc tứ thư ra đầu đề, thí sinh theo đầu đề ấy mà phô bầy rộng ra cho rõ nghĩa.

[16] Thơ: Theo thể thơ ngũ ngôn trường thiên. Phú: Dùng thể phú tám vần.

[17] Chiếu chỉ: như tờ chiếu cầu hiền, tờ chiếu ân xá, v.v… thí sinh phải làm thay lời của vua ban chiếu chỉ cho cả nước.

[18] Chế sách: như chế sách hỏi về việc binh; chế sách hỏi về mệnh lệnh, chính sự vv….

[19] Bài biểu của bầy tôi dâng lên vua: như biểu tạ ân vua đã ban ân cho mình, biểu dâng sách đã biên soạn xong hoặc dâng phẩm vật địa phương, v.v…

[20] Văn sách: Quan trường dùng một đề mục nào đó trong sách, rồi viện dẫn những sự việc cổ đại, cận đại và hiện đại đặt ra nhiều nghi vấn để thí sinh trả lời.