Tác giả: Akito Arima | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Trong tương lai không xa, các nước vùng Đông Á như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, nhất là Trung Quốc, sẽ xuất hiện nhiều nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật tài giỏi, hơn nữa, nhất định sẽ giành được nhiều giải Nobel – một thời đại như thế đang tiến nhanh tới chúng ta.
Trong cuốn “Lịch sử khoa học kỹ thuật Trung Quốc” của Needham, tác giả có đưa ra “Câu hỏi Needham” nổi tiếng: Vì sao từ thời cổ cho tới thế kỷ 15, khoa học kỹ thuật Trung Quốc đi trước Tây Âu, nhưng vào khoảng trước sau thế kỷ 16, khoa học kỹ thuật cận đại lại không phát sinh ở nước này ? Nói cách khác, vì sao Galileo Galilei lại không xuất hiện tại Trung Quốc?
Có rất nhiều câu trả lời, mỗi người nói một khác.
Quan điểm của tôi: Đó là do trước thế kỷ 16, Trung Quốc thiếu những kẻ địch tài giỏi hơn mình về văn hóa, đồng thời mạnh hơn về quân sự.
Ví dụ: vào thế kỷ 13, Mông Cổ dùng vũ lực chinh phục Trung Quốc, lập vương triều nhà Nguyên, nhưng do văn hóa Mông Cổ yếu hơn Trung Quốc nên cuối cùng Mông Cổ lại bị văn hóa Trung Quốc xâm nhập. Hãy xem châu Âu, từ cuối thế kỷ 5, khi đế quốc Tây La Mã bị diệt vong cho đến năm 1500 sau Công nguyên, toàn bộ châu Âu tiến sang “thời đại đen tối tri thức”. Thời bấy giờ, triết học, toán học và các khoa học tự nhiên khác đã chuyển dịch nhiều hơn vào các nước theo đạo Islam.
Người châu Âu đã chú ý tới vấn đề nói trên. Ngay từ thế kỷ 11– 12 họ đã đến Tây Ban Nha và các nơi khác để học văn hóa Islam giáo, hiểu được sự vĩ đại của toán học và khoa học tự nhiên cổ Hy Lạp là nền tảng của nền văn hóa đó. Từ sau cuối thế kỷ 13, nước Ý mở màn cho thời kỳ “Văn nghệ phục hưng”, cộng thêm sự phục hồi sức mạnh kỹ thuật cổ La Mã, làm cho khoa học kỹ thuật châu Âu phát triển rầm rộ. Dựa trên sự thực đó, tôi cho rằng các nền văn hóa, văn minh ưu tú hơn sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của một nền văn hóa, văn minh mới.
Trước sau cuộc chiến tranh Thuốc Phiện năm 1840 – 1842, một số quốc gia châu Âu, đứng đầu là Anh Quốc vốn có nền văn minh đi trước Trung Quốc và Nhật về mặt khoa học kỹ thuật, lại có lực lượng quân sự hùng mạnh, họ bắt đầu tăng sức ép với Trung Quốc. Thế kỷ 16, đạo Thiên Chúa truyền vào Nhật. Người Nhật nhìn thấy phía sau tôn giáo này có ẩn giấu vũ lực, vì thế họ đã cấm truyền bá Thiên Chúa giáo.
Sở dĩ khoa học kỹ thuật Nhật có thể phát triển nhanh, một nguyên nhân là ngay trong thời kỳ nước này còn đóng cửa với thế giới bên ngoài thì người Nhật đã lấy thành phố Nagasaki làm cửa sổ mở ra thế giới, ra sức tìm hiểu sự phát triển khoa học kỹ thuật ở Tây Âu. Chính là nhờ có cơ sở như vậy mà không lâu sau ngày Thế chiến II chấm dứt, ngay vào năm 1949, đã có một người Nhật là ông Hideki Yukawa nhờ khám phá lý thuyết về hạt Meson mà được trao giải Nobel Vật lý. Năm 1965, ông Shinichiro Tomonaga nhận giải Nobel Vật lý vì những nghiên cứu cơ bản về điện động học lượng tử và vật lý hạt cơ bản… Năm 1953, giáo sư Hideki Yukawa ở Đại học Tokyo lập Viện Nghiên cứu vật lý cơ bản, Viện này mở cửa ra cả nước, tất cả sinh viên và cán bộ nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước đều có thể hợp tác nghiên cứu với Viện này.
Viện Vật lý cơ bản này đã đào tạo ra nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có tôi. Thành công của Viện đã kéo theo sự thành lập nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học có thể sử dụng chung ở Nhật, như Viện nghiên cứu Tia Vũ trụ, đào tạo được một loạt cán bộ nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Hành động đó đã trở thành nguồn động lực dẫn đến việc người Nhật giành được giải Nobel khoa học.
Dưới đây chúng ta sẽ xem xét xu hướng phát triển số lượng luận văn khoa học kỹ thuật. Bắt đầu từ thập niên 80 thế kỷ trước, số lượng bài báo khoa học của Nhật tăng nhanh, năm 1989 đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Số lần bài báo được trích dẫn là một trong các tiêu chuẩn khách quan để đánh giá bài báo. Số lần trích dẫn các bài báo do các cơ quan nghiên cứu và trường đại học của Nhật công bố cũng tăng với biên độ lớn không thua kém các nước Tây Âu. Vào khoảng năm 2000, Đại học Tokyo vươn lên thứ nhất thế giới trong lĩnh vực vật lý. Là Hiệu trưởng trường này, tôi từng vô cùng vui mừng trước thành công ấy.
Những năm 1980, Nhật xác định phương châm “Dùng khoa học kỹ thuật để xây dựng đất nước”. Năm 1995 Nhà nước đưa ra “Luật cơ bản về khoa học kỹ thuật ”. Theo Luật này, từ năm 1996 trở đi, mỗi 5 năm lập một “Kế hoạch khoa học kỹ thuật ” đồng thời quy định dự toán ngân sách Nhà nước cấp cho Kế hoạch đó. Nhờ đó mà ngày nay nước Nhật liên tục xuất hiện nhiều chủ nhân giải Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hoá học, y sinh.
Nói về cá nhân tôi, điều đáng nhắc tới là trong thời gian ở Mỹ, tôi từng có mối quan hệ khăng khít với hai nhà vật lý bậc thầy Trung Quốc – ông Dương Chấn Ninh và ông Lý Chính Đạo. Hai vị này do dự đoán được Đinh luật mất cân bằng tương tác vũ trụ yếu mà được trao giải Nobel Vật lý năm 1957. Điều đó cho thấy người Trung Quốc có thực lực xuất sắc. Những năm gần đây số lượng bài báo khoa học của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng, năm 2008 vượt Nhật, đứng thứ hai thế giới, năm 2019 lại vượt Mỹ vươn lên nhất thế giới. Số lần trích dẫn các bài báo của Trung Quốc cũng đứng hàng đầu, vượt qua tình hình của Nhật trong thời gian từ thập niên 90 thế kỷ trước cho đến năm 2008.
Từ việc hai ông Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo giành giải Nobel, nay lại xem tình hình 15 năm gần đây số lượng bài báo đã công bố cùng số lần trích dẫn các bài báo của Trung Quốc đều tăng cao, tôi tin chắc rằng sau đây giới khoa học Trung Quốc sẽ liên tục giành được giải Nobel trên các lĩnh vực. Từ xưa tới nay người Trung Quốc vẫn là một dân tộc ưu tú, giờ đây họ đang chào đón cơ hội tuyệt vời để ra sức đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật.
Tôi mong rằng các nhà nghiên cứu trẻ của Trung Quốc sẽ nhận thức được ưu thế nói trên của nước mình hiện nay, qua đó cố gắng phấn đấu, triển khai quyết tâm lớn, gặp khó không nản, đón khó khăn mà tiến lên. Hy vọng các bạn, trong lĩnh vực mình yêu thích, trên các vấn đề mình quan tâm, hãy đi sâu nghiên cứu, nắm vững trọng điểm; đặc biệt cần nghiên cứu các vấn đề cơ bản, khi các vấn đề đó được ứng dụng bạn sẽ thu được kết quả rất lớn.
Hiện nay tổng số bài báo khoa học kỹ thuật của các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật, Singapore và Việt Nam cộng lại đã vượt Mỹ, cũng vượt tổng số bài báo của EU cộng với Anh quốc. “Thời đại Đông Á” trên mặt khoa học kỹ thuật đã đến! Điều đó làm tôi vô cùng vui mừng. Vì sự chấn hưng KHKT trong tương lai, mong sao các bạn trẻ Trung Quốc sẽ phát huy tài cán, nắm tay bạn trẻ các nước Đông Á cùng nhau tiến lên!
Akito Arima nguyên là Hiệu trưởng Đại học Tokyo và Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung 科技“东亚时代”正大踏步走来 (2020-12-20).