Thương mại tự do sẽ giúp Mỹ chiến thắng Trung Quốc?

Nguồn: Henry M. Paulson Jr., “How American Free Trade Can Outdo China”, WSJ, 22/2/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải

Tuyên bố của tổng thống Biden rằng nước Mỹ đã trở lại và sẵn sàng tham gia vào các tiến trình ngoại giao là sự trở về với phong cách lãnh đạo đặc trưng của chúng ta suốt nhiều thế hệ. Đây cũng là tin vui cho những người tin rằng sự dẫn dắt của Hoa Kỳ là cần thiết đối với trật tự toàn cầu. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại lại không có tên trong danh sách các ưu tiên ngoại giao của tổng thống. Điều này cần suy nghĩ lại.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trong một cuộc cạnh tranh chiến lược sẽ định hình bối cảnh chính trị thế giới trong thế kỷ này. Tuy vậy trên một mặt trận quan trọng của cuộc cạnh tranh đó là lĩnh vực thương mại thì nước Mỹ lại đang mất dần đi lợi thế.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đơn phương áp đặt các hàng rào thuế quan và thương mại lên các nước đồng minh lẫn đối thủ. Những biện pháp kiểm soát thương mại trong lĩnh vực công nghệ mặc dù quan trọng đối với an ninh quốc gia nhưng lại quá rộng một cách không cần thiết và thường là hành động từ một phía. Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gây khó khăn cho hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua sự vô trách nhiệm và các hành vi cản trở của mình. Những hành động này làm xói mòn vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với hệ thống thương mại toàn cầu, khiến cho các đồng minh và đối tác thất vọng, phương hại đến doanh nghiệp và người lao động Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện thương mại của mình. Nước này hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và đang nhanh chóng thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của phần lớn thế giới. Năm 2018, có 90 quốc gia giao thương với Trung Quốc với kim ngạch nhiều gấp đôi so với Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất.

Để thực hiện chiến dịch toàn cầu của mình, Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm ngoái, đây là một hiệp định thương mại có cả các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Trung Quốc và Liên minh châu Âu vừa đạt được một thỏa thuận về đầu tư vào tháng 12 và nước này cũng công bố một sáng kiến hải quan với các nước Đông Âu. Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho các hiệp định thương mại mới với các nước Trung Đông và châu Phi, cũng như một hiệp định cấp khu vực với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Khi nói đến các hiệp định thương mại và đầu tư, Trung Quốc không hề đơn độc. Hoa Kỳ thì đang đi theo hướng ngược lại. Giờ đây, chúng ta phải hành động để lấy lại những thứ đã mất.

Công việc của chúng ta phải bắt đầu từ quê nhà. Sự thịnh vượng về kinh tế, hiệu quả của hệ thống chính trị cũng như vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ bắt nguồn từ sức mạnh kinh tế trong nước. Chúng ta cần có một chương trình phục hồi kinh tế, trong đó đầu tư vào các công nghệ cốt lõi như viễn thông và máy tính thế hệ mới, đồng thời thu hút những bộ óc giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới để thúc đẩy quá trình đổi mới-sáng tạo. Và khi nền kinh tế phục hồi, chúng ta cần có kế hoạch tháo ngòi từng bước quả bom nợ quốc gia.

Trung Quốc sẽ không chờ đợi Mỹ. Nếu chính quyền Biden muốn cạnh tranh một cách nghiêm túc và thực hiện lời hứa xây dựng “chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu”, thì điều cần thiết là phải xây dựng một chương trình nghị sự bao trùm về thương mại để đảm bảo người lao động Mỹ không bị loại khỏi một số thị trường đang phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Trước tiên, chính quyền Biden nên xem xét lại các hành động đơn phương dưới thời Trump trong lĩnh vực công nghệ cao vì chúng có thể không hiệu quả và gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ khi các nước khác cũng sản xuất những mặt hàng tương tự. Trong trường hợp đó, các đối thủ cạnh tranh có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại, chẳng hạn như châu Âu sẽ cung cấp nhiều động cơ phản lực hơn cho Trung Quốc. Những biện pháp kiểm soát đơn phương chỉ có ý nghĩa đối với các ngành công nghiệp quan trọng cho an ninh quốc gia và trong đó Hoa Kỳ có lợi thế rõ rệt về mặt công nghệ. Nếu thế giới không tin tưởng Hoa Kỳ là một nhà cung cấp đáng tin cậy thì chúng ta sẽ mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Hoa Kỳ cũng nên theo đuổi một vài thỏa thuận song phương nhất định. Đàm phán một đối một có thể loại bỏ những rào cản đối với các ngành công nghiệp mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh nhất, giảm trợ cấp nhà nước cho công nghiệp và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ tốt hơn. Những thỏa thuận nhỏ với các đồng minh trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng và tài chính kỹ thuật số có thể là nền tảng cho một trật tự thương mại toàn cầu mới.

Trung Quốc sẽ sớm trở thành quốc gia tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới. Lợi ích của Mỹ nằm ở việc đảm bảo cho người lao động và doanh nghiệp nước mình có thể hưởng lợi từ thực tế này. Chúng ta nên khởi động những cuộc đàm phán song phương mới nhằm mở cửa thị trường Trung Quốc cho các ngành xuất khẩu của Hoa Kỳ, chẳng hạn như hàng hóa bảo vệ môi trường và máy móc có độ chính xác cao, bên cạnh đó không quên tăng cường bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ cũng như chống lại các hành vi thương mại không công bằng.

Hoa Kỳ cũng nên xem xét lại các hiệp định thương mại khu vực có lợi cho người lao động Mỹ. Khi rút khỏi TPP, Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc vươn lên ở châu Á và chặn một con đường tăng trưởng của các doanh nghiệp Mỹ. Chúng ta nên tái gia nhập TPP, hiệp định này là một phương tiện đã hoàn thiện giúp nước Mỹ mở rộng thương mại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Sau cùng, Mỹ phải phối hợp với đồng minh để cải thiện hiệu quả của các quy tắc thương mại quốc tế. Vai trò của WTO là vô cùng quan trọng nhưng cơ quan giải quyết tranh chấp của tổ chức này hiện không thể hoạt động và các quy định của WTO cũng rất cần được cải cách. Chính quyền Biden nên cùng các đối tác chủ chốt phát triển những chính sách củng cố và hiện đại hóa quy định trong các lĩnh vực như thương mại kỹ thuật số, hàng hóa và dịch vụ trong ngành công nghệ và bảo vệ môi trường.

Để có thể thuyết phục được những người vẫn còn hoài nghi ở cả 2 phe tả – hữu, ông Biden cần phải trình bày được việc giúp các công ty có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho người lao động và các gia đình Mỹ. Chính quyền nên sử dụng ngân sách vừa được thiết lập của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC). Bên cạnh đó là đánh giá và giải quyết những cú sốc lớn đối với thị trường lao động có thể phát sinh do ảnh hưởng của các chính sách thương mại mới.

Nền kinh tế mở cùng vai trò lãnh đạo trong hệ thống thương mại toàn cầu từ lâu đã là những lợi thế cạnh tranh quan trọng của Hoa Kỳ. Chính quyền Biden nên phát huy thế mạnh mà chúng ta có bằng cách thúc đẩy một chương trình nghị sự tiên tiến và quyết liệt trong lĩnh vực thương mại, trở về với các chính sách cân bằng và hỗ trợ xuất khẩu, thứ đã giúp đất nước chúng ta trở thành niềm ao ước của thế giới. Hoa Kỳ có thể vượt qua Trung Quốc, nhưng đầu tiên chúng ta cần phải quay trở lại cuộc chơi trước đã.

Henry M. Paulson Jr. là Bộ trưởng Tài chính Mỹ giai đoạn 2006-2009 và là chủ tịch của Viện Paulson.