Yếu tố đạo đức trong QHQT hiện nay: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Tác giả: Lê Ngọc Hân

Tóm tắt: Từ lâu, yếu tố đạo đức trong quan hệ quốc tế (QHQT) đã được các học giả về QHQT trên thế giới đặt ra trong các nghiên cứu của mình. Đạo đức là một khái niệm mà nội hàm của nó dẫn tới các quy tắc, tiêu chuẩn thường dùng để đánh giá hành vi con người trong các mối quan hệ xã hội. Đạo đức cũng được áp dụng ở cấp độ quan hệ quốc tế, nhằm đánh giá hành vi của các chủ thể quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc đấu tranh giữa các chủ thể QHQT ngày càng phức tạp, thì yếu tố đạo đức quốc tế ngày càng phát huy vai trò, và có thể sử dụng như một công cụ đấu tranh giữa các chủ thể. Tại Việt Nam hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu quan tâm tới vấn đề này. Do đó, nắm bắt tốt một số vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan tới đạo đức quốc tế có thể hữu ích đối với tư duy và thực tiễn đối ngoại của Việt Nam.

***

Đạo đức là một khái niệm thuộc phạm trù triết học. “Đạo đức” trong tiếng Việt có gốc Hán Việt, được hình thành từ chữ “Đạo” (道) theo quan niệm của người xưa là con đường, là lối đi, cũng có nghĩa là cách sống, cách ăn ở; và chữ “Đức” (德) là hiểu Đạo, thực hành Đạo, tức là mức độ tập trung của Đạo ở một con người. Hiểu nôm na, “đạo đức” ám chỉ việc con người, hay nói chung là các chủ thể của xã hội, thực hành một lối sống, lối ứng xử, ăn ở một cách đúng đắn, chuẩn mực, tốt đẹp. Như vậy, đạo đức gắn liền với khái niệm tốt-xấu, đúng-sai, và do đó, khái niệm “đạo đức” mặc nhiên gắn với hệ thống các quy chuẩn, quy tắc, chuẩn mực cho hành vi con người, để làm căn cứ đánh giá và xác định sự “tốt”-“xấu”, hay “đúng”-“sai” trong hành vi đó.

Tương tự trong tiếng Anh, “đạo đức” là “moral” hay “ethics”, được nhìn nhận như là một mặt cơ bản trong hành vi của con người. Từ “moral” xuất phát từ tiếng Latin “mores”, hay từ “ethics” xuất phát từ tiếng Hy Lạp “ethikos”, đều được định nghĩa là hệ thống quy tắc, chuẩn mực giúp xác định sự đúng-sai, tốt-xấu, từ đó giúp điều chỉnh hành vi con người.[1]

Thông thường, khái niệm đạo đức được gắn với hành vi của cá nhân con người, chủ thể của xã hội, qua đó đánh giá hành vi của cá nhân trong quan hệ tương tác với các cá nhân khác trong cộng đồng. Tuy nhiên, khái niệm đạo đức cũng xuất hiện trong quan hệ quốc tế, gắn với các chủ thể của quan hệ quốc tế, và được coi là một hiện tượng, một nhân tố có ảnh hưởng nhất định trong việc xem xét hành vi của các chủ thể này. Theo Terry Nardin, các mối quan tâm đạo đức vốn luôn tồn tại trong các vấn đề quốc tế.[2] Và giống như cách hiểu thông thường về đạo đức, đạo đức quốc tế xét đến cùng cũng vẫn quy về việc đánh giá sự đúng-sai, tốt-xấu trong hành vi của các chủ thể dựa trên các quy tắc và chuẩn mực nhất định. Tuy vậy, bản thân sự tồn tại của đạo đức trong quan hệ quốc tế cũng như nội hàm của nó lại là điều gây tranh cãi. Trong khuôn khổ bài viết này, khái niệm đạo đức quốc tế được bàn luận chủ yếu trên góc độ của chủ thể là quốc gia, để xem xét hành vi của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

1. Tranh luận về sự tồn tại của yếu tố đạo đức trong QHQT

Như đã đề cập, nhiều nghiên cứu đã đặt ra vấn đề đạo đức trong quan hệ giữa các chủ thể của QHQT. Sự tồn tại của yếu tố đạo đức trong quan hệ quốc tế được chủ nghĩa tự do coi là sự thực hiển nhiên, có tính phổ quát và bền vững, với vai trò tích cực được phát huy nhằm điều hoà cách ứng xử của các chủ thể quốc tế. Chính nhờ có tác nhân này mà thế giới hoàn toàn có thể đạt đến được một nền hoà bình vĩnh cửu. Đại diện cho trường phái quan điểm này là Immanuel Kant. Trong tác phẩm của mình Project for a perpetual peace, Kant cho rằng nền hoà bình của loài người không phải tự nhiên mà có, mà do con người thiết lập với nhau những thoả thuận để hiện thực hoá nền hoà bình đó. Và dựa vào việc các quốc gia có thể thực hiện theo những quy tắc, chuẩn mực đạo đức (từ bỏ quân đội, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, ngăn cấm chiến tranh…), mà một nền hoà bình vĩnh viễn là hoàn toàn khả thi.[3]

Gần đây hơn, tác giả Ariel Colonomos cho rằng khái niệm đạo đức gắn liền với chủ nghĩa tự do. Khi chủ nghĩa tự do thắng thế thì yếu tố đạo đức với các tiêu chuẩn và giá trị của nó cũng được phát huy.[4] Và như vậy, đạo đức và hệ thống tiêu chuẩn đạo đức trở thành những phạm trù hiển nhiên trong quan hệ quốc tế cũng như trong xác định sức mạnh quốc gia, theo hàm nghĩa sức mạnh quốc gia không chỉ dựa trên sức mạnh quân sự. Còn Mary Maxwell, bên cạnh việc nhắc đến những luận điểm phủ nhận sự tồn tại của đạo đức trong quan hệ quốc tế, có phần nghiêng về quan điểm cho rằng sự tồn tại của đạo đức trong QHQT là có thật, giải thích bởi quy luật đạo đức tự nhiên và khả năng áp dụng của nó một cách phổ quát trên toàn thế giới.[5] Ngoài ra, cũng theo Maxwell, giữa các nhà nước có tồn tại một trật tự xã hội (quốc tế), và trong hành vi ứng xử giữa các nhà nước với nhau luôn có những cơ hội để thực thi các hành vi ứng xử đạo đức, kể cả trong thời kỳ chiến tranh. Maxwell muốn liên hệ tới học thuyết chiến tranh chính nghĩa, một trường phái tư tưởng khởi xướng bởi các nhà triết học Thiên chúa giáo từ rất lâu trong lịch sử,[6] cho rằng luôn tồn tại những quy tắc ứng xử mà nếu được tuân thủ sẽ khiến cho một cuộc chiến tranh có thể được chấp nhận về mặt đạo đức. Đó là những quy tắc trước, trong, và sau chiến tranh. Chẳng hạn, cuộc chiến tranh có thể coi là phù hợp về mặt đạo đức, nếu có lý do chính đáng (chính nghĩa), được dẫn dắt bởi một chính quyền hợp pháp, và trong quá trình chiến tranh thì sử dụng các phương tiện phù hợp và các bên không giết hại thường dân vô tội…

Tuy vậy, trái lại, sự tồn tại của yếu tố đạo đức trong quan hệ quốc tế không được thừa nhận bởi nhiều nhà lý thuyết khác, nhất là các lý thuyết gia trường phái hiện thực.

Chủ nghĩa hiện thực, khởi xướng bởi các nhà tư tưởng phương Tây như Thucydides, Hobbes, Machiavelli… coi quan hệ quốc tế là môi trường mà trong đó yếu tố đạo đức không tồn tại. Đó là môi trường tự nhiên nguyên thuỷ, vô chính phủ và vô luật, mà trong đó chỉ tràn ngập bạo lực và sự đe doạ, sợ hãi, do các chủ thể cạnh tranh với nhau, thậm chí là tiêu diệt nhau vì lợi ích của bản thân mình.[7] Sự tồn tại của kẻ này là mối đe doạ với kẻ khác, do đó tất yếu nảy sinh nhu cầu bạo lực tiêu diệt kẻ khác để bảo vệ và duy trì sự tồn tại của bản thân (nguyên tắc “tự cứu”). Trong bối cảnh ấy, Hobbes khẳng định không có chỗ cho các khái niệm như “tốt”-“xấu”, “đúng”-“sai”,[8] vì dù đúng hay sai, tốt hay xấu thì cũng vẫn phải hành động để bảo vệ sự tồn tại của mình vốn dĩ là điều quan trọng nhất. Tương tự, Machiavelli khẳng định rằng đạo đức và chính trị thì không thể cùng tồn tại, và thậm chí đề xuất sử dụng bạo lực để đạt được các lợi ích chính trị. Theo Machiavelli, nhà lãnh đạo quốc gia, để tồn tại và duy trì quyền lực, cần phải biết “xấu xa”,[9] mà không màng tới các khía cạnh đạo đức. Đối với Machiavelli, “mục đích biện minh cho phương tiện” là vậy, mục tiêu quyền lực chính trị của Quân vương sẽ giúp biện minh cho cách thức “xấu xa” mà Quân vương áp dụng để dẹp bỏ mọi trở ngại đối với mình.

Tư tưởng về tính “phi đạo đức” (amorality) của quan hệ quốc tế được tiếp nối bởi các nhà hiện thực sau này. Xem xét quan hệ quốc tế thông qua hành vi của các quốc gia- vốn được biểu hiện ở chính sách đối ngoại của họ, George Kennan cho rằng chính sách đối ngoại là phi đạo đức, theo nghĩa đó không phải là vấn đề để truy cứu tốt-xấu, đúng-sai, đạo đức hay vô đạo đức. Kennan định nghĩa lợi ích quốc gia mà các chính phủ phải quan tâm là an ninh quân sự, sự toàn vẹn lãnh thổ và đời sống chính trị của đất nước, cũng như sự phồn vinh thịnh vượng của nhân dân. Và tất cả những điều đó không liên quan tới khái niệm đạo đức. [Những lợi ích đó] là thiết thân đối với sự tồn tại của quốc gia, và vì thế không phải là đối tượng để phán xét là “tốt” hay “xấu”… Các chính phủ, nhà nước vì thế không cần chứng minh tính đạo đức của mình, cũng không cần đắn đo hành động trước bất kỳ những oán trách phàn nàn rằng mình đạo đức hay không“.[10] Nói cách khác, quan hệ chính trị quốc tế và đạo đức là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt.

Các nhà hiện thực tiêu biểu khác, như E. H. Carr, Hans Morgenthau, Raymond Aron cũng đều tập trung nhìn nhận quan hệ quốc tế là môi trường vô chính phủ với các quốc gia là chủ thể chính, và bị chi phối, dẫn dắt chủ yếu bởi yếu tố lợi ích. Lợi ích ở đây chính là lợi ích quốc gia, là sự tồn vong của quốc gia, là quyền lực quốc gia, và là nhân tố chính quyết định hành vi của quốc gia, quyết định các chính sách mà quốc gia đó theo đuổi trong quan hệ với các quốc gia khác.[11] Bảo vệ lợi ích quốc gia chính là bảo vệ an ninh quốc gia, địa vị quyền lực quốc gia, tránh để bị đe doạ, bị tiêu diệt bởi các thế lực khác. Ngày nay, khái niệm lợi ích quốc gia đã được mở rộng, song an ninh và quyền lực quốc gia vẫn là một trong những thành tố cơ bản nhất của lợi ích quốc gia. Và chính bởi lợi ích quốc gia là yếu tố chủ yếu chi phối hành vi quốc gia, thì mọi yếu tố khác sẽ đều không có nhiều vai trò, trong đó có yếu tố đạo đức.

Tuy nhiên, cũng chính những nhà hiện thực như Carr hay Morgenthau không phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của yếu tố đạo đức, với các nguyên tắc đạo đức cụ thể, trong quan hệ giữa các quốc gia. Chính Carr đã bác bỏ chủ nghĩa hiện thực “thuần tuý” (“pur” realism) do nó chỉ tập trung duy nhất vào yếu tố quyền lực-lợi ích quốc gia, mà phủ nhận hoàn toàn yếu tố đạo đức.[12] Carr còn làm rõ, đạo đức quốc tế là đạo đức của các nhà nước, nói cách khác, nhà nước là đối tượng chủ thể để xem xét đạo đức quốc tế.[13] Nhà nước, ngoài trách nhiệm với các công dân của mình, phải bảo vệ họ, đảm bảo cho họ sự bình yên, phồn vinh cũng như không để xảy ra thương vong mất mát đối với họ, thì còn có trách nhiệm đóng góp vào lợi ích chung của cộng đồng quốc tế với tư cách là thành viên của cộng đồng đó.[14]

Về phần mình, Morgenthau cho rằng đạo đức có tồn tại, thậm chí cùng với các yếu tố như tập quán hay luật pháp với tư cách là các hệ thống tiêu chuẩn, đạo đức đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế việc sử dụng bạo lực trong đấu tranh giành quyền lực. Từ đó, Morgenthau khái quát chức năng của đạo đức quốc tế chính là nhằm hạn chế tham vọng quyền lực trong quan hệ quốc tế.[15] Cùng với R. Niebuhr, Morgenthau cho rằng, đạo đức nằm chính trong hành động của các Nhà nước, nhằm xác định lợi ích quốc gia của mình, tính toán xem cần lựa chọn chính sách nào để thực hiện lợi ích đó.[16] Các quy tắc đạo đức có thể ngăn chặn một số chính sách dựa trên chủ nghĩa cơ hội (opportunism), và như vậy, đạo đức quốc tế có mục tiêu bảo vệ con người, đặc biệt trong các giai đoạn chiến tranh, là động lực chỉ trích và lên án chiến tranh.[17] Song, Morgenthau cho rằng bản chất của đạo đức quốc tế không mang tính phổ quát hay có giá trị phổ quát, mà nó phản ánh lập trường lợi ích và mục tiêu lợi ích của quốc gia trong một thời điểm cụ thể, hướng tới mục đích cuối cùng là sự tồn tại của quốc gia.[18]

Mặt khác, các tác giả cũng cho rằng, trong quan hệ quốc tế, vai trò của quyền lực, tức lợi ích quốc gia, lớn hơn nhiều so với vai trò của đạo đức. Với Morgenthau, đạo đức có vai trò khá hạn chế trong quan hệ quốc tế, nó thậm chí hầu như chỉ phát huy vai trò đáng kể trong tình huống chiến tranh.[19] Còn đối với Carr, đạo đức chỉ thuần tuý mang tính công cụ. Có nghĩa là, các quốc gia đều có lợi ích chung trong việc duy trì hoà bình, và việc nhân danh đạo đức cũng chỉ là cách thức để duy trì nền hoà bình, nhằm đảm bảo lợi ích sau cùng của các quốc gia.[20] Thực chất, theo Carr, lý thuyết đạo đức xã hội vốn dĩ là sản phẩm của nhóm thống trị, thông qua đó để áp đặt giá trị và quan điểm của mình lên các nhóm bị trị khác trong cộng đồng. Tương tự như vậy, đạo đức quốc tế cũng là sản phẩm của các quốc gia thống trị khi muốn áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác.[21] Morgenthau và Niebuhr cũng tin rằng, việc một quốc gia tính đến lợi ích của quốc gia khác như một biểu hiện của đạo đức, thực ra chỉ là quốc gia đó đang theo đuổi lợi ích của chính mình, theo một cách nào đó, mà thôi. Có nghĩa là đạo đức cũng chỉ là một trong số các công cụ chính sách của quốc gia, chẳng hạn như khi quốc gia cam kết đóng góp tài nguyên cho công cuộc chung gìn giữ hoà bình, thì nó cũng bắt nguồn từ lợi ích thực sự của quốc gia đó trong nền hoà bình chung.[22]

Các nhà hiện thực khác như Oppenheim và Malnes cũng đề cập khá nhiều về vấn đề đạo đức trong chính sách đối ngoại của quốc gia. Cả hai cùng đồng thuận quan điểm coi nhẹ yếu tố đạo đức trong chính sách đối ngoại, đặc biệt khi so với lợi ích quốc gia. Oppenheim khẳng định đạo đức luôn có chỗ trong chính sách đối ngoại, song vai trò khá khiêm tốn,[23] bởi lẽ mục tiêu lợi ích quốc gia mới là nhu cầu tối thượng, thiết yếu và nó quyết định chính sách đối ngoại. Oppenheim chỉ thừa nhận vai trò của đạo đức trong một số tình huống cụ thể, chẳng hạn như khi các lãnh đạo quốc gia cần lựa chọn tối ưu hoá lợi ích quốc gia hay chỉ nhằm đạt được lợi ích quốc gia ở mức độ vừa phải để không làm tổn hại các nguyên tắc đạo đức; hoặc cùng lúc tồn tại nhiều mục đích khác nhau trong đó có cả lợi ích quốc gia và đạo đức quốc tế, và mục tiêu đạo đức thì không xung đột với lợi ích quốc gia.[24] Còn Malnes thì cho rằng một chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích quốc gia không nhất thiết phải đối lập với một chính sách dựa trên đạo đức,[25] thậm chí, sứ mệnh thúc đẩy lợi ích quốc gia cũng có những căn cứ và động cơ đạo đức bên trong nó (tạo ra sự ổn định và thịnh vượng cho quốc gia, góp phần vào những sự nghiệp tốt đẹp chung của toàn cầu…).

Nhìn chung, các nhà hiện thực, kể cả khi thừa nhận sự tồn tại và vai trò nhất định của yếu tố đạo đức trong quan hệ giữa các quốc gia, thì cũng đều chia sẻ quan điểm về sự hạn chế của nó, đặc biệt so với yếu tố lợi ích quốc gia.

***

Cho dù các nhà lý thuyết quan niệm thế nào về đạo đức, thì không thể phủ nhận được một thực tế hiện nay là vấn đề đạo đức ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong quan hệ quốc tế. Các chủ thể, trước, trong và sau mỗi hành động đều ra sức chứng minh tính đúng đắn, chuẩn mực trong hành động của mình, để thuyết phục cộng đồng quốc tế. Đồng thời, các chủ thể cũng dễ dàng “tấn công” nhau trên phương diện đạo đức, có thể cáo buộc, chỉ trích nhau trước các hành vi được cho là vi phạm các quy chuẩn đạo đức.

Đó được xem như một trong những tiêu chuẩn không thể bỏ qua trong quan hệ giữa các quốc gia. Đặc biệt từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, khi mà xu thế toàn cầu hoá lên ngôi, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, thì quan hệ giữa các quốc gia bị định đoạt, chi phối bởi ngày càng nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố về quy tắc, luật lệ, tiêu chuẩn. Theo phân tích của Colonomos, sự sụp đổ của trật tự hai cực cũng đánh dấu sự sụp đổ của một trật tự thế giới “chỉ dựa trên sức mạnh và bạo lực”.[26] Từ đây, yếu tố đạo đức ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, và ngày càng đóng vai trò đáng kể trong quan hệ giữa các quốc gia. Các khái niệm “hàn gắn”, “bù đắp”, “hoà giải”, “tái thiết”… được nhắc nhiều, gắn với những tổn thương mất mát nảy sinh từ trật tự thế giới cũ, đó chính là biểu hiện của yếu tố đạo đức, xuất phát từ nhu cầu đạo đức có thật nhằm điều chỉnh hành vi của các quốc gia vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Giờ đây, các quốc gia khi xây dựng chính sách đối ngoại, xác định cung cách hành xử với các quốc gia khác và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, thì không thể không tính tới yếu tố đạo đức. Các quốc gia từ đây không thể hành xử với nhau cũng như bảo vệ lợi ích của bản thân, mà chỉ dựa trên “sức mạnh cứng” (sức mạnh quân sự) như truyền thống trước kia. Việc sử dụng “sức mạnh cứng” ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế khiến cho nó trở nên ngày càng bớt được ưa chuộng hơn, cũng như khó khăn hơn để có thể triển khai trong bối cảnh mới.[27] Và điều quan trọng là, các quốc gia đã có những thay đổi đáng kể trong nhận thức, tư duy, và có thêm lựa chọn cho hành vi ứng xử của mình.

Một mặt, việc duy trì sự ổn định mang tính hệ thống (khu vực và toàn cầu) có lợi cho tất cả các quốc gia trong hệ thống đó. Sự đổ vỡ của một mắt xích dù nhỏ cũng có nguy cơ gây tổn hại lớn cho mọi thành viên, trong bối cảnh tất cả đều nằm chung trong một hệ thống ràng buộc chặt chẽ với nhau. Đó chính là nền tảng cho sự gia tăng vai trò của luật pháp, của các hệ thống quy tắc, tiêu chuẩn trong đó có quy chuẩn đạo đức, góp phần điều hoà lợi ích của các quốc gia và duy trì sự cân bằng của hệ thống quốc tế.

Mặt khác, bối cảnh quốc tế mới tạo ra thay đổi trong phương thức tập hợp lực lượng giữa các quốc gia. Việc hành xử theo chuẩn mực, theo các quy tắc chung, được coi là “đúng”, là “tốt”, là “đạo đức”, giúp các quốc gia xây dựng hình ảnh và uy tín trong cộng đồng quốc tế, từ đó có thể thu hút và lôi kéo được các chủ thể khác, và phát huy được quyền lực của mình. Đó chính là một trong những biểu hiện của “sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm”- khái niệm do Joseph Nye khởi xướng. Quyền lực mềm còn hơn là khả năng ảnh hưởng tới các chủ thể khác trong quan hệ quốc tế, nó còn là khả năng thu hút, mà sự thu hút sẽ dẫn tới sự ưng thuận, sự quy phục.[28] Và đó chính là nhu cầu lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế ngày nay.

Tiếp theo Nye, quyền lực mềm được nhiều học giả định nghĩa chung là “khả năng phi vật chất của một quốc gia […] nhằm giúp nó đạt được các mục tiêu xác định“.[29] Nói như vậy có nghĩa là các thành tố của quyền lực mềm rất đa dạng, có cả ngoại giao, truyền thông chiến lược, viện trợ phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt phải kể đến là các yếu tố giá trị, văn hoá, uy tín… Trong đó, góp phần đáng kể xây dựng hình ảnh, uy tín của quốc gia chính là biểu hiện đạo đức của quốc gia đó. Riêng về khía cạnh đạo đức, Nye đã kết luận “Đạo đức cũng có thể là một thực thể quyền lực“,[30] đồng thời không quên chỉ ra một điều kiện giúp cho chính sách đối ngoại quốc gia trở nên thu hút, đó là khi chính sách đó “được nhìn nhận là đúng đắn và đạo đức“.[31]

2. Đặc thù của yếu tố đạo đức quốc tế

2.1. Cách hiểu và diễn đạt khác nhau

Đạo đức, dù được hiểu chung là hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn, giá trị, song cách hiểu của nó có sự khác biệt theo những cách diễn giải khác nhau. Đạo đức quốc tế cũng vậy.

Chỉ riêng việc tiếp cận khái niệm đạo đức đã có sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây. Thực tế, theo quan sát của Tony Andréani, các chính trị gia phương Tây thường ít khi nói trực tiếp về vấn đề đạo đức đối với công dân của họ. Họ coi “đạo đức” là một phạm trù cá nhân, là hệ giá trị mang tính chất cá nhân, do cá nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm mà không ai có quyền can thiệp. Cá nhân chỉ cần có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp, còn thì về mặt đạo đức của cá nhân tự quyết định, dù có thể sẽ bị sự phán xét của dư luận, cộng đồng xã hội. Do vậy, trong các phát biểu của mình, các chính trị gia thường chỉ đề cập tới các vấn đề như công lý xã hội, về phát triển kinh tế, hay nghĩa vụ bảo vệ công dân khỏi các nguy cơ… như là những bổn phận của họ. Trong khi đó, các Nhà nước của các nền văn hoá phương Đông thì ngược lại. Vấn đề đạo đức thường xuyên được nói tới, và các công dân thường được chính quyền nhà nước động viên, khuyến khích sống và hành xử “một cách đạo đức”, theo những “chuẩn mực đúng đắn”.[32]

Tuy nhiên ở cấp độ quốc tế, không có gì ngạc nhiên nếu một nhà nước nói về vấn đề đạo đức trong ứng xử quốc tế giữa các nhà nước với nhau, kể cả các nhà nước phương Tây. Đạo đức trong trường hợp này được phản ánh bởi các hệ giá trị và tiêu chuẩn mà quốc gia đó theo đuổi. Mỗi nhà nước, với những đặc thù văn hoá, lịch sử, chính trị riêng, lại có những quan niệm riêng về đạo đức, về những giá trị được coi là tốt đẹp, chuẩn mực.

Chẳng hạn, với người Mỹ, những giá trị được coi là tốt đẹp, là chuẩn mực nằm chính trong những gì mà Hiến pháp Mỹ ghi nhận “tự do”, “công bằng”, “bình đẳng”, “dân chủ”, “nhân quyền”. Họ cho rằng đó là những điều tốt đẹp nhất, và nỗ lực đảm bảo các giá trị đó cho công dân của họ. Đồng thời họ đòi hỏi các giá trị đó cũng phải được thừa nhận và thực thi ở các quốc gia khác, và sẽ chỉ trích kịch liệt nếu quốc gia nào đó được cho là vi phạm các giá trị nêu trên. Còn với người Trung Quốc, chuẩn mực đạo đức nằm ở các giá trị vốn thuộc tư tưởng triết học Khổng tử “tam cương” (ba mối quan hệ cơ bản của xã hội: quân-thần, cha-con, vợ-chồng), “ngũ thường” (“nhân”, “lễ”, “nghĩa”, “trí”, “tín”) và đã được mặc nhiên thừa nhận là những tư tưởng nền tảng của hệ thống chính trị và quản trị công cho đến tận ngày hôm nay trong xã hội Trung Quốc. Những giá trị ấy vẫn được các chính trị gia Trung Quốc nhắc đến, trích dẫn như là những nguyên tắc hành xử của Trung Quốc, đảm bảo tính “đạo đức” của nước này trong quan hệ quốc tế. Theo Rogacheva Elena, “Ý thức đạo đức quốc tế đó là hiện tượng không chỉ đặc biệt phức tạp mà còn hết sức không đồng nhất, điều này được lý giải bởi tính chất mâu thuẫn và đa diện của các quá trình xã hội – là cơ sở của hiện tượng đó – mà trước hết là do sự tác động qua lại giữa nhà nước với chế độ chính trị – xã hội hoàn toàn không như nhau“.[33]

Tuy vậy, vẫn luôn có những giá trị mang tính chất phổ quát, mà quốc gia, dù ở nền văn hoá nào, mang bản sắc văn hoá truyền thống nào, ở chế độ chính trị, xã hội nào, cũng đều không thể phủ nhận. Đó là những giá trị mà theo đuổi nó sẽ giúp cho cả cộng đồng xã hội quốc tế đều tốt đẹp hơn, an toàn tính mạng của con người được đảm bảo, cuộc sống nhân loại sẽ được phồn vinh, thịnh vượng. Có thể lấy Hiến chương của Liên Hợp Quốc làm căn cứ để chỉ ra những giá trị đó, những giá trị mà tất cả các quốc gia trên thế giới, thành viên của Liên Hợp Quốc, đều đã phải công nhận khi tham gia vào tổ chức toàn cầu này. Đó là các chuẩn mực và nguyên tắc về hoà bình, về không sử dụng vũ lực cũng như ý thức giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, về tuân thủ luật pháp quốc tế, về trách nhiệm đóng góp cho những sự nghiệp chung của cộng đồng quốc tế, v.v.

2.2. Không có cơ chế điều hoà sự khác biệt

Các nguyên tắc đạo đức hiện có đang tồn tại một cách hết sức đa dạng. Và mỗi chủ thể quan hệ quốc tế, trong mối tương tác với chủ thể khác trong cộng đồng quốc tế, sẽ hành xử dựa trên hệ thống các giá trị và nguyên tắc đạo đức riêng của mình. Điều đó hàm chứa khả năng xung đột giữa các chủ thể, một loại “xung đột giá trị” nhưng có thể là căn nguyên làm bùng phát xung đột trên các khía cạnh, lĩnh vực khác. Chẳng hạn, Mỹ vẫn luôn nhắm những cáo buộc vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền vào Trung Quốc hay một số quốc gia khác. Trong khi đó, chính Mỹ thường xuyên bị chỉ trích vì sự thiếu thiện chí, thiếu trách nhiệm cộng đồng trong nhiều vấn đề quốc tế, nhất là khi mà chủ nghĩa đơn phương Mỹ được phát huy cao độ.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không có một cơ chế nào có thể điều hoà sự khác biệt về mặt nhận thức đạo đức đó giữa các quốc gia. Và có lẽ cũng sẽ khó có khả năng có một cơ chế nào như vậy xuất hiện trong tương lai, khi mà sự khác biệt về giá trị là là điều không thể thay đổi, do đặc tính gắn liền với vốn văn hoá, bản sắc, tập quán thường là rất lâu đời và trở thành “lẽ tồn tại” (raison d’être) của một dân tộc, một cộng đồng, một quốc gia. Việc bảo vệ, duy trì hệ giá trị riêng trở thành nhiệm vụ sống còn đối với một cộng đồng dân tộc, hay một quốc gia, để đảm bảo sự tồn tại và hiện diện của mình trước các thực thể khác.

2.3. Vai trò của dư luận quốc tế

Trong bối cảnh sự khác biệt về giá trị là điều không thể khắc phục, cũng như khó có thể có cơ chế nào để điều hoà sự khác biệt đó, thì vai trò của dư luận quốc tế trở nên rất quan trọng. Dư luận chính là phản ứng của cộng đồng quốc tế nói chung, từ nhiều nhóm đối tượng đa dạng, khác nhau, như các nhà báo, các chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu, các chính trị gia, thậm chí cả những người dân bình thường từ nhiều quốc gia được tạo điều kiện cho phát ngôn trên truyền thông. Dư luận quốc tế sẽ đóng vai trò khách quan, để chỉ ra và chứng minh tính đạo đức hay không của bất kỳ một hành vi nào trong quan hệ quốc tế, dựa trên những góc nhìn đa dạng, với những phương thức lập luận khác nhau. Cũng với những cái nhìn đa dạng, nhiều chiều, dư luận trước một vấn đề có thể không đồng nhất. Tuy nhiên, hiện tượng này không quá phổ biến khi mà đã có những giá trị phổ quát làm thước đo, và thường vấn đề dư luận được đặt ra chủ yếu trước các hành vi vi phạm đạo đức có phần ngang nhiên, lộ liễu.

Một ví dụ là vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông năm 2014, và có những hành vi bạo lực (phun vòi rồng, làm đắm tàu và làm bị thương người của phía Việt Nam) khi phía Việt Nam phản ứng một cách hoà bình.[34] Sự kiện này vừa thể hiện sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, đi ngược lại với nguyên tắc phổ quát về việc tôn trọng luật pháp quốc tế; vừa thể hiện sự ngang ngược, thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp (biển Đông là khu vực tranh chấp giữa nhiều quốc gia trong khu vực, và bản Tuyên bố ứng xử trên biển Đông năm 2002 đã ghi nhận rằng Trung Quốc và các bên tranh chấp khác thoả thuận sẽ kiềm chế không để tranh chấp leo thang căng thẳng, đồng thời nỗ lực tìm kiếm giải pháp hoà bình cho tranh chấp). Chưa hết, trước truyền thông, Trung Quốc còn chối bỏ hành vi khiêu khích, bạo lực của mình khi đối mặt với tàu Việt Nam, cho rằng chính phía Việt Nam mới là nhân tố khiêu khích. Chỉ tới khi hình ảnh diễn biến thực tế cuộc đối đầu va chạm được công bố trên truyền thông,[35] thì Trung Quốc im lặng, thể hiện một thái độ trước sau bất nhất. Tất cả những biểu hiện đó cho thấy hành vi của Trung Quốc là không thể biện minh về mặt đạo đức. Và điều đáng nói là, tại thời điểm đó, dư luận quốc tế đã lên tiếng vô cùng mạnh mẽ. Báo chí từ mọi nơi trên thế giới đều lên tiếng chỉ trích và phê phán hành vi của Trung Quốc tại biển Đông,[36] mà hầu như không thể tìm thấy một bài báo nào lên tiếng bênh vực Trung Quốc mà không phải của người Trung Quốc.

Dư luận thì không có giá trị áp đặt. Song khi dư luận lên tiếng, và trở thành một làn sóng, nó có tác dụng đối với hình ảnh và uy tín của quốc gia được xác định là đối tượng của sự đánh giá, từ đó ít nhiều nó góp phần đấu tranh và kiềm chế các hành vi thiếu đạo đức trong quan hệ quốc tế. Mỗi quốc gia khi quyết định một hành vi ứng xử nào đó sẽ không thể phớt lờ yếu tố dư luận, mà phải tìm cách để chứng minh tính đúng đắn, chính đáng trong hành động của mình. Tất nhiên cũng phải thừa nhận rằng, do không có khả năng áp đặt nên vai trò của dư luận không phải lúc nào cũng được phát huy đáng kể.

Kết luận

Quan hệ quốc tế, trong khuôn khổ bài viết chỉ tập trung chủ yếu mối quan hệ giữa các chủ thể là các quốc gia, bao gồm cả hai mặt hợp tác và đấu tranh giữa các chủ thể. Bỏ qua mặt hợp tác, mặt đấu tranh luôn diễn ra gay gắt và căng thẳng trong bối cảnh thế giới toàn cầu hoá hậu chiến tranh lạnh đã nảy sinh thêm rất nhiều vấn đề, các quốc gia cũng nảy sinh nhận thức mới về yếu tố sức mạnh, về tập hợp lực lượng, về các mối đe doạ, nguy cơ, và về sự tồn tại đồng thời hai mặt đấu tranh-hợp tác trong cùng một mối quan hệ. Như đã nói, giờ đây, việc sử dụng bạo lực quân sự để cạnh tranh nhau, triệt hạ nhau, có phần lỗi thời. Các quốc gia trong sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau, vừa hợp tác, lại vừa cạnh tranh, sẽ phải tính tới những phương thức đấu tranh mới, ngoài các phương thức truyền thống. Việc vận dụng luật pháp quốc tế để đấu tranh là một ví dụ. Luật pháp quốc tế ngày càng được củng cố, và ngày càng được ưa chuộng để các quốc gia xử lý các vấn đề giữa họ với nhau, đặc biệt là các vấn đề tranh chấp. Ngoài ra, sử dụng các quy chuẩn đạo đức (quốc tế) có thể cũng là một biện pháp hữu ích. Nói cách khác, đạo đức quốc tế cũng có thể là một công cụ đấu tranh giữa các quốc gia với nhau, nhất là đối với các nước vừa và nhỏ trong cuộc đối đầu với các nước lớn. Trong cuộc cạnh tranh đó, thường các nước vừa và nhỏ sẽ gặp bất lợi về so sánh lực lượng trên nhiều mặt, và các nước lớn trong ứng xử với các nước nhỏ dễ có những biểu hiện mang tính chất “cường quyền”, nghĩa là dùng sức mạnh vượt trội để áp đặt, lấn lướt. Trong những bối cảnh đó, việc khai thác dư luận, sử dụng các lập luận, lý lẽ để chứng minh tính “thiếu chính đáng”, “thiếu đạo đức” của các hành vi không phù hợp của các nước lớn, đe doạ lợi ích của các nước vừa và nhỏ, là điều khả thi và hữu hiệu./.

Tác giả Lê Ngọc Hân là Giảng viên tại Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, số 3 (122) 9/2020.

————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1. Andréani, Tony. “La morale et l’éthique au regard du discours politique chinois”, Presses universitaires de France, “Actuel Marx”, 2014/1 no 55, pp. 144-161.
    2. Aron, Raymond. Paix et guerre entre les nations (8e édition), Paris: Calmann-Lévy, 1985, 794p.
    3. Bower, Ernest Z. et Poling, Gregory B. “China-Vietnam Tensions High over Drilling Rig in Disputed Waters”, Center for Strategic & International Studies, ngày 7/5/ 2014.
    4. Carr, E.H. The Twenty Years’ Crisis, 1919-1939, Perennial: HarperCollins Publishers, 2001, 244p.
    5. Colonomos, Ariel. La morale dans les relations internationales: rendre des comptes, Paris: Odile Jacob, 2005, 356p.
    6. Hobbes, Thomas. Leviathan, Indianapolis: The Bobbs-Merrill, 1958, 298p.
    7. Kant, Immanuel. “Project for a perpetual peace”, (dịch từ tiếng Đức) Philosophical Essay, London: Stephen Couchman, 1796.
    8. Kennan, George F. “Morality and Foreign Policy”, Foreign Affairs, Winter 1985/86 Issue.
    9. Machiavelli, Niccolò. The prince, (do George Bull dịch), Penguin Books, 2005, 112p.
    10. Malnes, Raino. Morality, national interest and international law, Cambridge, MA, USA: Scandinavian University Press North America, 1994, 156p.
    11. Maxwell, Mary. Morality among nations: an evolutionary view, Albany: State University of New York Press, 1990, 198p.
    12. Morgenthau, Hans Joachim et Niebuhr, Reinhold. Germany and the Future of Europe, University of Chicago Press, 1951, 180p.
    13. Morgenthau, Hans J. Politics among nations: the struggle for power and peace, New York: Knopf, 1978, 650p.
    14. Nye, Joseph S. “Soft power”, Foreign policy, 1990, no. 80, pp. 153-171.
    15. Nye, Joseph S. Soft power: The means to success in world politics, New York: Public affairs, 2004, 208p.
    16. Oppenheim, Felix E. The place of morality in foreign policy, Lexington, Mass.: Lexington Books, 1991, 112p.
    17. Oppenheim, Felix E. “Foreign Policy, Rationality and Morality”, Ratio Juris, Vol. 15 No. 1 mars 2002, pp. 1-15.
    18. Rogacheva, Elena. “Đạo đức quốc tế và cách xử thế của các quốc gia” (“Mezhdumarodnaja moral I povedenie gosudarstv”), Dialog, 1998, No. 8, pp. 51-58.
    19. Viotti, Paul R., Kauppi, Mark V., Paul, R. Viotti, et al. International relations and world politics: Security, economy, identity, 5th Edition, Prentice-Hall, Pearson, UK, 2013, 544p.
    20. “Clip: Chinese vessel rams, sinks Vietnam fishing boat”, Tuoitre, ngày 5/6/2014. Video clip: https://tuoitrenews.vn/society/20092/clip-chinese-vessel-rams-sinks-vietnam-fishing-boat
    21. The Editorial Board. “Trouble in the South China Sea”, The New York Times, ngày 9/5/2014, https://www.nytimes.com/2014/05/10/opinion/trouble-in-the-south-china-sea.html;
    22. ( 社説)南シナ海掘削 中国は直ちに中止せよ (“EDITORIAL: China must stop oil drilling in South China Sea”), Asahi Shimbun, ngày 9/5/2014, https://www.asahi.com/articles/DA3S11124815.html;
    23. (社説)南シナ海掘削 中国は直ちに中止せよ (“EDITORIAL: China must stop oil drilling in South China Sea”), Asahi Shimbun, ngày 9/5/2014, https://www.asahi.com/articles/DA3S11124815.html;
    24. “Editorial: Anti-Chinese Riots in Vietnam Show Need for Talks on South China Sea”, Jakarta Globe, ngày 15/5/2014, http://www.thejakartaglobe.com/opinion/editorial-anti-chinese-riots-vietnam-show-need-talks-south-china-sea/;
    25. “China riles Vietnamese”, Bangkok Post, ngày 26/5/2014, https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/411765/china-riles-vietnamese

———–

CHÚ THÍCH:

[1] Từ điển Oxford, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/morality

https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/american_english/ethic

[2] Nardin, Terry. Traditions of international ethics, Cambridge; New York: Cambridge University Press, 1992, 326p., p. 1.

[3] Kant, Immanuel. “Project for a perpetual peace”, (dịch từ tiếng Đức) Philosophical Essay, London: Stephen Couchman, 1796.

[4] Colonomos, Ariel. La morale dans les relations internationales: rendre des comptes, Paris: Odile Jacob, 2005, 356p., p. 88-89.

[5] Maxwell, Mary. Morality among nations: an evolutionary view, Albany: State University of New York Press, 1990, 198p.

[6] Xem St Augustin, Thomas Aquinas…

[7] Hobbes, Thomas. Leviathan, Indianapolis: The Bobbs-Merrill, 1958, 298p., p. 110.

[8] Ibid., p. 108.

[9] Machiavelli, Niccolò. The prince, (do George Bull dịch), Penguin Books, 2005, 112p., p. 87.

[10] Kennan, George F. “Morality and Foreign Policy”, Foreign Affairs, Winter 1985/86 Issue, p. 206.

[11] Carr, E.H. The Twenty Years’ Crisis, 1919-1939, Perennial: HarperCollins Publishers, 2001, 244p., p. 102; Morgenthau, Hans J. Politics among nations: the struggle for power and peace, New York: Knopf, 1978, 650p., p. 5; Aron, Raymond. Paix et guerre entre les nations (8e édition), Paris: Calmann-Lévy, 1985, 794p., p. II.

[12] Carr (2001), op. cit., p. 153.

[13] Ibid, p. 150-151.

[14] Ibid, p. 169.

[15] Morgenthau (1978), op. cit., p. 237.

[16] Morgenthau, Hans Joachim et Niebuhr, Reinhold. Germany and the Future of Europe, University of Chicago Press, 1951, 180p.

[17] Morgenthau (1978), op. cit., p. 237-244.

[18] Ibid, p. 10.

[19] Ibid, p. 245.

[20] Carr (2001), op. cit., p. 75.

[21] Ibid, p. 79.

[22] Morgenthau (1978), op. cit., p. 245.

[23] Oppenheim, Felix E. The place of morality in foreign policy, Lexington, Mass.: Lexington Books, 1991, 112p., p. 1.

[24] Xem Oppenheim, 1991, op. cit., p. 41; và Oppenheim, Felix E. “Foreign Policy, Rationality and Morality”, Ratio Juris, Vol. 15 No. 1 mars 2002, pp. 1-15, p. 11-12.

[25] Malnes, Raino. Morality, national interest and international law, Cambridge, MA, USA : Scandinavian University Press North America, 1994, 156p., p. 42.

[26] Colonomos (2005), op. cit.

[27] Nye, Joseph S. “Soft power”, Foreign policy, 1990, no. 80, pp. 153-171, p. 159.

[28] Nye, Joseph S. Soft power: The means to success in world politics, New York: Public affairs, 2004, 208p.

[29] Viotti, Paul R., Kauppi, Mark V., Paul, R. Viotti, et al. International relations and world politics: Security, economy, identity, 5th Edition, Prentice-Hall, Pearson, UK, 2013, 544p., p. 207.

[30] Nye (2004), op. cit., p. 28.

[31] Ibid, p. 11.

[32] Andréani, Tony. “La morale et l’éthique au regard du discours politique chinois”, Presses universitaires de France, “Actuel Marx”, 2014/1 no 55, pp. 144-161.

[33] Rogacheva, Elena. “Đạo đức quốc tế và cách xử thế của các quốc gia” (“Mezhdumarodnaja moral I povedenie gosudarstv”), Dialog, 1998, No. 8, pp. 51-58.

[34] Bower, Ernest Z. et Poling, Gregory B. “China-Vietnam Tensions High over Drilling Rig in Disputed Waters”, Center for Strategic & International Studies, ngày 7/5/ 2014.

[35] “Clip: Chinese vessel rams, sinks Vietnam fishing boat”, Tuoitre, ngày 5/6/2014. Video clip: https://tuoitrenews.vn/society/20092/clip-chinese-vessel-rams-sinks-vietnam-fishing-boat

[36] Xem The Editorial Board. “Trouble in the South China Sea”, The New York Times, ngày 9/5/2014, https://www.nytimes.com/2014/05/10/opinion/trouble-in-the-south-china-sea.html; (社説)南シナ海掘削 中国は直ちに中止せよ (“EDITORIAL: China must stop oil drilling in South China Sea”), Asahi Shimbun, ngày 9/5/2014,  https://www.asahi.com/articles/DA3S11124815.html;(社説)南シナ海掘削 中国は直ちに中止せよ (“EDITORIAL: China must stop oil drilling in South China Sea”), Asahi Shimbun, ngày 9/5/2014, https://www.asahi.com/articles/DA3S11124815.html; “Editorial: Anti-Chinese Riots in Vietnam Show Need for Talks on South China Sea”, Jakarta Globe, ngày 15/5/2014, http://www.thejakartaglobe.com/opinion/editorial-anti-chinese-riots-vietnam-show-need-talks-south-china-sea/; “China riles Vietnamese”, Bangkok Post, ngày 26/5/2014, https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/411765/china-riles-vietnamese