Đại Việt dưới thời Vua Trần Hiến Tông (1329-1341)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Niên Hiệu: Khai Hựu.

Vua Hiến Tông tên húy là Vượng, con thứ của Minh Tông. Lên ngôi lúc 13 tuổi, mất năm 23 tuổi; trị vì lúc còn nhỏ tuổi, nên việc quan trọng đều do Thượng hoàng Minh Tông quyết định.

Năm Khai Hựu thứ nhất [1329], sau khi đã nhường ngôi, Thượng hoàng lui về ở hành cung phủ Thiên Trường, mỗi khi các hoàng tử vào chầu, Thượng hoàng thường bình luận đến nhân vật bản triều để răn bảo. Có lần Uy Túc vương Văn Bích nói:

Bàn luận nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nói đến việc của người hay, còn việc người dở hãy gạt bỏ đi, không nên nói để người nghe bắt chước.”

Thượng hoàng bảo:

Việc làm của kẻ hay, người dở đều nên bàn đến cả, không thể gác bỏ thiên lệch được; nếu con ta quả là người hiền, thì nghe việc hay tất theo mà bắt chước, nghe việc dở tất ghét mà tránh đi, thế thì kẻ hay người dở đều có thể làm gương cả.”

Mùa đông, mán Ngưu Hống, một bộ tộc người Thái ở vùng Sơn La, làm phản, Thượng hoàng tự làm tướng đi đánh. Khởi đầu một cánh quân bị thua, nhưng sau đó Thượng hoàng điều đại quân đến đánh thắng:

Thời đại Nhân Tông, Mán Ngưu Hống thường vào chầu, đến nay làm phản, rông rỡ cướp bóc ở miền Đà Giang. Thượng hoàng bàn định thân hành đi đánh. Trần Khắc Chung can rằng:

 ‘Đà Giang là nơi lam chướng, vả lại nước thác chảy xiết quá không thể đem quân đi được. Đất Chiêm Thành không phải nơi lam chướng, các triều trước đi đánh, phần nhiều bắt được chúa nước ấy, bây giờ không bằng đem quân sang đánh Chiêm Thành là hơn’.

Thượng hoàng nói:

‘Trẫm làm cha mẹ dân, thấy dân bị lầm than, cần phải cứu ngay, chứ có suy bì gì nơi hiểm trở, nơi bình dị, việc thuận lợi, việc khó khăn’.

 Khắc Chung lạy tạ, nói:

 ‘Độ lượng thánh nhân bao dung rộng rãi; ngu dại như tôi không thể nào nghĩ tới được’.

Thượng hoàng bèn hạ chiếu xuất quân; sai Thiêm tri là Nguyễn Trung Ngạn chuyên việc giữ sổ nhật lịch.[1]

Trong bọn Mán Ngưu Hống, có người ở trại Chiêm Chiêu đến cung khuyết dâng thư, đính ước xin đem cả trại đầu hàng, thì khắc phù tín giao cho để làm tin. Thượng hoàng muốn phỏng theo việc “Hán Vũ đăng đài”[2] ngày trước, dùng uy lực chế trị phương xa, bèn sai Chiêu Nghĩa hầu là Phụ Minh đem quân theo đường Thanh Hóa xuất phát trước, để làm thanh thế tiếp ứng cho quan quân. Thượng hoàng nhân dụ bảo Phụ Minh rằng:

‘Trại Chiêm Chiêu đã có đính ước xin hàng, khi đến nơi, phải đợi quan quân đến

sẽ hay, không được hành động càn rỡ’.

Thượng hoàng đem quân đến động Mang Việt [nay là huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La], đóng ngự doanh ở đấy, và đặt tên chỗ đóng ngự doanh ấy là phủ Thái Bình, chỗ ấy có suối Bác Tử, đặt tên cho là suối Thanh Thủy.

Phụ Minh đem quân đi tắt đến trại Chiêm Chiêu, tự đem một bộ quân của mình ra đánh, bị thua. Tuyên Uy tướng quân là Vũ Tư Hoành cố sức đánh, bị chết trận. Thượng hoàng nghe tin nói:

 “Thôi lầm rồi!”

Trận này do Thượng hoàng tự làm tướng, hiệu lệnh nghiêm minh, uy thanh vang động, mán Ngưu Hống nghe tiếng phải chạy trốn, bèn đem quân về.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Năm Khai Hựu thứ 2 [1330] Thái sư Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, mất vào năm 77 tuổi:

Nhật Duật học qua Ngũ kinh và Chư sử, tinh thông lời huyền diệu của Đạo gia, hiểu biết âm nhạc, đời bấy giờ khen là người học thức rộng rãi, lại hiểu tiếng các nước. Nhân Tông thường nói:

‘Chú Chiêu Văn có lẽ là hậu thần của người bộ lạc Phiên’.

Mỗi khi nói chuyện giao thiệp với sứ thần nhà Nguyên, không cần dùng người thông ngôn, thường tay cầm tay, uống rượu với nhau, vui vẻ như bạn quen biết. Sứ nhà Nguyên nói:

 ‘Ông hẳn là người ở Chân Định sang làm quan bên này?’.

Nhật Duật cố chối không nhận, họ vẫn không tin, vì họ thấy hình dáng và tiếng nói của Nhật Duật đều giống hệt người Chân Định.

Nhật Duật là người độ lượng, hòa nhã, dù mừng hay giận không bao giờ lộ ra nét mặt; lại còn không ưa những sự thỉnh thác; lúc gặp việc thì tùy cơ ứng biến, rất mạnh dạn về việc đánh giặc. Cuối niên hiệu Thiệu Bảo [1279-1284], Nhật Duật trấn thủ Tuyên Quang, quân Nguyên đến xâm phạm, Nhật Duật đem quân theo dòng sông trở xuôi. Thấy quân đuổi theo ở hai bên bờ sông đi thong thả, biết chắc hẳn mặt trước lại có toán quân nữa, vội vàng sai người dò xem, thì quân giặc đã đến đón chặn ngang ở khúc sông bên dưới rồi, Nhật Duật bèn dẫn quân lên đi bộ, mới thoát được nạn. Chiến dịch Hàm Tử Quan đánh cho quân Toa Đô bị thua to; trận thắng này là một chiến công đứng đầu đời Trùng hưng. Nhật Duật, nói về quyền quý, là bậc thân vương, từng thờ bốn triều vua, ba lần lĩnh chức trấn thủ ở trấn lớn, trong nhà không ngày nào là không chèo hát, yến ẩm, mà không ai chê cười. Có người thường ví Nhật Duật với Quách Tử Nghi nhà Đường.[3] Khi mất, hưởng thọ 77 tuổi.Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Năm Khai Hựu thứ 3 [1331] Vua Văn Tông nhà Nguyên mới lên ngôi, sai Lại bộ Thượng thư là Tán Chỉ Ngõa báo tin; nhà vua sai Sứ thần Đoàn Tử Trinh sang chúc mừng. An Nam Chí Lược cũng chép về việc này, và cho biết sứ đoàn Đại Việt đến triều Nguyên vào năm sau [1332]:

Năm Chí Thuận thứ 3 (1331 ) sai Thượng thư bộ Lại Tản Chỉ Ngỏa , Lang trung bộ Lễ Triệu Kỳ Hi phụng sứ An Nam , tuyên cáo chiếu lên ngôi của Hòang đế Văn Tông . Năm sau , Trần Nhật Phụ [vua Hiến Tông] sai Sứ cống và chúc mừng.”[4] An Nam Chí Lược quyển 3, Đại Nguyên phụng sứ.

Riêng Nguyên Sử ghi vào năm 1332 Vua Hiển Tông sai Đặng Thế Diên cùng 24 người sang cống; phải chăng nhóm này cũng thuộc sứ đoàn Đoàn Tử Trinh nêu trên:

Mùa hè tháng 4 năm thứ 3 [26/4-24/5/1332], Thế tử Trần Nhật Phụ sai quan là bọn Đặng Thế Diên 24 người đến cống sản vật địa phương.”[5] Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện: An Nam.

Tháng 2 năm Khai Hựu thứ 4 [3/1332] định đưa quan tài mẹ là Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu táng chung ở Thái Lăng với Vua Anh Tông; thầy cúng chọn ngày cho rằng hợp táng năm đó không có lợi cho tang chủ, Thượng hoàng Minh Tông gạt đi mà bảo rằng con người ta ai ai cũng chết, không câu nệ kiêng cữ:

Trước đây, nhà vua sai các quan chọn ngày lành sẽ an táng; lúc ấy có người bác đi, lấy cớ rằng năm nay an táng sẽ không lợi cho tế chủ. Thượng hoàng sai người hỏi lại người ấy rằng:

‘Ta tất nhiên không chết à?’.

Người ấy thưa rằng:

‘Điều ấy tôi không dám biết’.

Thượng hoàng nói:

‘Nếu ta không tránh khỏi chết, thì lo việc tang mẫu hậu cho xong xuôi, chả còn hơn để khỏi chết uổng hay sao? Này, việc vui mừng, việc buồn rầu, theo điển lễ phải chọn ngày, là để cho việc được trịnh trọng đấy thôi, chứ có phải như thuyết nhà âm dương câu nệ về việc họa phúc đâu?’ Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Tháng 7 [8/1332], bổ dụng Nguyễn Trung Ngạn giữ việc ở viện Thẩm Hình. Trung Ngạn lập nhà Bình Doãn để xét xử ngục tụng; những người bị can, không ai bị oan uổng hoặc bị xử quá đáng. Nhà vua tỏ ý khen ngợi.

Năm Khai Hựu thứ 6 [1334], Thượng hoàng tự làm tướng sang đánh Ai Lao. Ai Lao trốn chạy đi nơi xa, Thượng hoàng bèn đem quân trở về:

Thượng hoàng hạ lệnh cho Nguyễn Trung Ngạn sung chức Phát vận xứ Thanh Hóa, tải lương đi trước, rồi đem đại quân kéo đi sau. Khi quân đến Kiềm Châu [huyện Tương Dương, Nghệ An], thanh thế vang động, Ai Lao nghe tiếng, chạy trốn. Thượng hoàng sai Trung Ngạn đục núi ghi công rồi đem quân trở về.

Chỗ đục núi ghi công bây giờ ở quả núi tại thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nét chữ viết to bằng bàn tay, nét tạc vào đá sâu đến hơn một tấc. Lời văn như sau:

‘Hoàng Việt, triều nhà Trần, vua trị vì thứ 6, là Chương Nghiêu Văn Triết thái

thượng hoàng đế, được trời thương yêu cho thống trị đất đai rộng lớn, các nơi xa gần, đâu đâu cũng thần phục; thế mà Ai Lao là một nước nhỏ mọn, dám ngang ngạnh giáo hóa triều đình. Năm Ất Hợi [1335], tháng quý thu [tháng 9 âm lịch], hoàng đế thân đem lục quân[6] đi tuần thú đến biên thùy mặt tây, thì thế tử Chiêm Thành và nước Chân Lạp, nước Tiêm, đạo thần tù trưởng Mán là Quỳ Cầm, Xa Lặc, những bộ lạc mới phụ thuộc thì tù đạo mán Bôi Bồn và mán Thanh Xa, đều tranh nhau đến triều yết, dâng nộp phẩm vật địa phương; chỉ có một nghịch tặc tên là Bổng [Vua Ai Lao] cố giữ thói u mê, sợ bị tội lỗi, không đến triều yết ngay. Tháng quý đông [tháng 12 âm lịch], hoàng đế đóng ngự doanh ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu, hạ lệnh cho các tướng cùng binh lính man di kéo vào nước ấy, tên nghịch tặc Bổng nghe tiếng chạy trốn, bèn hạ chiếu đem quân về“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Cuộc hành quân làm ra vẻ rực rỡ, tạc bia đá ghi công, nhưng kết quả không có gì; năm sau quân Ai Lao lại đến gây hấn. Tháng 9 [18/9-16/10/1335], Thượng hoàng tự làm tướng sang đánh Ai Lao, bị thua; Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài chết đuối:

Từ khi ở Kiềm Châu đem quân về, Thượng hoàng định thân đi đánh Ai Lao lần nữa, nhưng chưa quả quyết. Nay nghe tin Ai Lao kéo xuống xâm lấn ấp Nam Nhung [Tương Dương] thuộc Nghệ An, nên lại bàn thân chinh, trong lúc ấy Thượng hoàng bị đau mắt, có người xin hoãn lại. Thượng hoàng nói:

 ‘Việc này năm trước đã bàn rồi lại thôi, bây giờ nếu vì đau mà hoãn lại, thiên hạ sẽ cho ta là người nhút nhaát; vạn nhất giặc phương Bắc kéo sang xâm lấn bao vây, thì ta sẽ trông cậy vào đâu?’.

 Bèn quyết ý thân chinh. Hạ lệnh cho viên quan quản lĩnh hai hiệu quân Thần Vũ và Thần Sách kiêm giữ chức kinh lược Đại sứ Nghệ An là Đoàn Nhữ Hài sung làm đốc tướng, các quân đều phải nghe theo hiệu lệnh. Nhữ Hài tự nghĩ rằng: Ai Lao đóng giữ ở ấp Nam Nhung, quân của chúng vừa ít vừa yếu, quân ta đánh thế nào cũng được. Vả lại, đồn trại của chúng đóng liền con sông lớn Tiết La [thuộc ấp Nam Nhung], sau khi ta đã đánh thắng rồi, sẽ đem tù binh bắt được và chiến lợi phẩm tước được đi theo dòng sông mà kéo tràn xuống, đi đến đâu sẽ diễu võ dương uy, nhân đó chiêu dụ các nước Chiêm Thành, Chân Lạp vào chầu, như thế có thể lập được công lao phi thường. Vì thế, Nhữ Hài liền đem quân Nghệ An và hiệu quân Thần Vũ tiến lên trước. Khi đến ấp Nam Nhung, gặp quân giặc, hai bên giao chiến. Lúc ấy sương mù mờ mịt, quân giặc đã mai phục sẵn voi ngựa từ trước, hai cánh quân giặc đánh khép lại. Quan quân bị ngã xuống sông, chết mất quá nửa, trong số đó có cả Đoàn Nhữ Hài. Thượng hoàng được tin, nói:

‘Nhữ Hài nhân tình thế tất thắng, dùng mưu kế tất thắng, đã gần được công to mà lại bị mắc vào mồi của giặc, không phải vì y không liệu biết thế giặc, chỉ vì y dùng quá cái sức của mình đấy thôi! Thế mới biết sự mong muốn của người ta không thể quá hạn định được“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Năm Khai Hựu thứ 7 [1335] Sứ thần nhà Nguyên sang. Do Vua Thuận Đế nhà Nguyên mới lên ngôi, sai Lại bộ Thượng thư là Thiết Trụ sang báo tin, và ban cho lịch mới.

An Nam Chí Lược cũng chép việc này, lại còn sao lục chỉ dụ của Vua nhà Nguyên gửi cho Vua Hiến Tông:

Năm Nguyên Thống thứ 3 (1335) sai Thượng thư bộ Lại Thiết Trụ, Lang trung bộ Lễ Trí Hy Thiện phụng sứ An Nam , tuyên cáo chiếu lên ngôi của đương kim Hoàng đế. Năm sau Trần Nhật Phụ sai Sứ triều cống và chúc mừng.”[7] An Nam Chí Lược quyển 3, Đại Nguyên phụng sứ

Chiếu dụ năm Nguyên Thống thứ ba [ 1335] (Nguyên Thống Tam Niên Dụ)

Thuận mệnh trời, Hòang đế ra thánh chỉ. Trẫm nối dòng chính thống, noi theo nhân đức rộng rãi của tổ tiên, tiếng tăm giáo hóa phô bày; một lòng nhân đức không phân biệt gần xa, trong ngoài. Nghĩ đến đất An Nam đời đời chăm lo phụng sự bề trên; triều cống phương vật chưa bao giờ khuyết; lo dùng người tốt để mọi việc đều tốt đẹp. Nay sai Phụng Thành Đại Phu Lại Bộ Thượng thư Thiết Trụ, Phụng Trực Lang Lễ Bộ Lang trung Trí Hy Thiện đến hiểu dụ, ban một bản lịch Thụ Thời năm Nguyên Thống năm thứ 3. Khanh hãy kính cẩn tấn tu chức vụ nơi phiên bang , chăm việc nông vỗ về dân chúng xa gần, để đáp lòng sủng ái của ta. Vậy ban chiếu chỉ nầy, hãy suy nghĩ để hiểu rõ ràng.”[8] An Nam Chí Lược quyển 2 Đại Nguyên chiếu chế.

Ngoài ra Tục Tư trị Thông Giám của Tất Nguyên còn chép thêm, vào năm 1335 phong cho Trần Đoan Ngọ [tên Vua Hiến Tông xưng với nhà Nguyên] làm An Nam Quốc vương:

Tháng 3 năm Thuận Đế Chí Nguyên thứ nhất [1335], phong Thế tử An Nam Trần Đoan Ngọ làm An Nam Quốc vương.”[9] Tục Tư Trị quyển 207.

Trong chiến dịch đánh Ai Lao, viên tướng quản lĩnh hiệu quân Khoái lộ là Đỗ Thiên Thữ tuy bị bệnh nặng vẫn hăng hái ra trận, mất ở nơi quân thứ, khiến Thượng hoàng rất thương cảm:

Khi Thượng hoàng đi thân chinh đánh quân Ai Lao tại Nghệ An, Thiên Thữ quản lĩnh hiệu quân Khoái Hộ, đương bị bệnh nặng, Thượng hoàng cho ở lại. Thiên Thữ bắt người nhà khiêng mình đến ngoài cửa cung Vĩnh An, cố xin đi theo xe vua và nói rằng:

 ‘Tôi thà chết ở ngoài cửa doanh trại, chứ không chịu chết ở trong giường nằm’.

Thượng hoàng khen là trung nghĩa, cho theo đi, khi đến đất giặc thì mất. Thượng hoàng thương tiếc, đặc cách cho khi tế được dùng nhạc Thái Thường.”[10]

Tháng 9, năm Khai Hựu thứ 9 [25/9-23/10/1337]; xuống chiếu cho các quan trong và ngoài triều phải khảo hạch thuộc hạ. Xét những thuộc viên do mình quản đốc, người nào siêng năng, cẩn thận, có chứng cớ rõ ràng thì lưu lại, người nào không làm việc thì truất bãi đi.

Nhân Nguyễn Trung Ngạn làm tào vận sứ ở Khoái Lộ [Khoái Châu, Hưng Yên], đề nghị xin lập kho tào thương, chứa thóc để chẩn cấp cho dân đói. Nhà vua y theo và hạ chiếu cho các lộ khác bắt chước như thế mà làm.

Mùa xuân năm Khai Hựu thứ 11 [1339] cho đổi lịch “Th Thì” thành lịch “Hip K“:

Viên Hậu Nghi lang Thái sử cục lệnh là Đặng Lộ [người huyện Sơn Minh, Sơn Nam] thấy tên lịch từ trước đến nay đều gọi là lịch “Thụ thì“, tâu xin đổi gọi là lịch “Hiệp Kỷ“; nhà vua y cho. Đặng Lộ chế ra thứ đồ xem thiên văn gọi là “lung linh nghi” khảo nghiệm khí tượng trên trời không việc gì là không đúng.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Ngày 11 tháng 6 năm Khai Hựu thứ 13 [24/7/1341], Vua Hiến Tông mất, ở ngôi 13 năm, hưởng thọ 23 tuổi. Trước đây Vua Hiến Tông là con cả của người vợ thứ, lên ngôi; sau đó bà đích mẫu là Huệ Từ hoàng thái hậu mới sinh con trai: con trưởng, Cung Túc vương tên là Dục; con thứ, tên là Hạo. Vua Hiến Tông mất, không có con trai. Thượng hoàng Minh Tông thấy Dục có tính ngông cuồng, không thể gánh vác được công việc trọng đại; lúc ấy Hạo mới 6 tuổi, bèn cho nối ngôi, xưng là Dụ Hoàng, tức vua Trần Dụ Tông.

————-

[1] Nhật lịch: Quyển lịch chuyên chép các công việc hằng ngày.

[2] Hán Vũ đăng đài: Hán Vũ Đế, một ông vua có tài cao mưu giỏi về thời Tây Hán. Năm Nguyên Phong thứ 1 (110 TCN), Vũ Đế kéo quân ra Trường Thành, lên lâu đài của Thuyền Vu (lâu đài này do chúa Thuyền Vu là Mạc Lặc dựng lên), rồi kéo quân đến Sóc Phương, tới Bắc Hà, số quân mười tám vạn, cờ quạt cắm suốt hơn ngàn dặm, sai sứ bảo chúa Thuyền Vu rằng:

Nếu dám chống cự lại, thì Thiên tử đã tự làm tướng, sẵn sàng đợi ở biên giới, nếu không thì phải đến thần phục ngay, sao lại cứ ẩn núp ở nơi Mạc Bắc cho rét mướt khổ sở làm gì?”.

[3] Quách Tử Nghi: Một danh tướng nhà Đường trong thời Đại Tông và Túc Tông. Chiến công của Tử Nghi đứng đầu các hàng tướng tá, giữ việc Tiết Độ Sứ ở Sóc Phương, được phong tước là Phần Dương vương; trong nhà lúc nào cũng đàn hát. Khi mất hưởng thọ 88 tuổi.

[4] 至順三年遣吏部尚書散只瓦禮部郎中趙期熈使安南宣文宗皇帝即位詔明年陳 遣使貢賀.

[5] 三年夏四月,世子陳日〈火阜〉遣其臣鄧世延等二十四人來貢方物.

[6] Lục quân: Sáu quân, binh chế thời cổ, mỗi quân 12.500 người, Thiên tử mới có sáu quân, còn vua các chư hầu, nước lớn được ba quân, nước vừa được hai quân, nước nhỏ có một quân.

[7] 元統三年遣吏部尚書鐵柱禮部郎中智熈善使安南宣今上皇帝即位詔明年陳 遣使貢賀.

[8] 元統三年詔

上天眷命,皇帝聖旨。朕纂承正統,君臨萬方。洪惟我祖仁恩廣洽,聲教誕敷,一視同仁,無間中外。乃眷安南之國,世勤事上之誠。方物貢輸,臣禮靡闕,良用嘉尚。遣奉誠大夫、吏部尚書鐵柱,奉直郎、禮部郎中智熙善往諭朕旨,賜元統三年《授時曆》一本。卿其敬修藩職,益謹農時,用安遐邇之人,咸副寵綏之意。故茲詔示,念宜知悉。

[9] 封安南世子陳端午為安南國王.

[10] Thái thường: Chế độ nhà Trần, chỉ có chức Hành khiển khi tế mới được dùng nhạc Thái Thường, nay cho Thiên Thữ được dùng, đấy là đặc biệt gia ơn.