Nhật ký Bắc Kinh (20/11/20): Trần Toàn Quốc và vấn đề Tân Cương

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 11/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi đầu tuần này quyết định ban hành “Tư tưởng Tập Cận Bình về Pháp quyền.” Văn kiện này là lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc kiên định con đường “pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc” và thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị của Trung Quốc phù hợp với mục tiêu này.

Cuộc họp Bộ Chính trị kéo dài hai ngày đưa ra quyết định trên là một sự kiện quan trọng. Thông thường, tất cả 25 ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm bảy ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đều tham dự. Nhưng có một người vắng mặt: Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Đây không phải lần đầu ông Trần bỏ lỡ một cuộc họp quan trọng. Ông cũng từng vắng mặt ở Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 19, bế mạc hôm 29 tháng 10. Việc các thành viên Bộ Chính trị vắng mặt tại các hội nghị trung ương là một điều bất thường – các kỳ họp này thường có sự tham dự của khoảng 200 ủy viên Trung ương và 170 ủy viên dự khuyết.

Ngay trước hội nghị trung ương, người ta phát hiện một ổ dịch coronavirus ở Tân Cương. Truyền thông Hồng Kông phỏng đoán ông Trần đã đi qua vùng bị ảnh hưởng, do đó không thể tới Bắc Kinh vì phải cách ly 14 ngày.

Khi ấy giả thuyết này khá thuyết phục. Nhưng giờ thì thời gian cách ly đã qua lâu. Vẫn chưa rõ lý do tại sao ông Trần không dự cuộc họp tuần này.

Hoa Kỳ hiện đang đổ dồn chỉ trích vào ông Trần xoay quanh vấn đề đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương dưới quyền ông.

Hồi tháng 7, Hoa Kỳ đã áp lệnh trừng phạt lên 4 quan chức cấp cao của Trung Quốc, bao gồm ông Trần, và một tổ chức nữa, với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Các biện pháp trừng phạt nghiêm cấm họ kinh doanh với người Mỹ và đóng băng tài sản của họ ở Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ còn gia tăng áp lực lên Trung Quốc xoay quanh vấn đề Tân Cương khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức, vì ông là người hay lên tiếng bênh vực nhân quyền. Giờ thì có nhiều đồn đoán xem chuyện gì đã xảy ra với Trần.

Chiều thứ Năm (19/11/2020), tôi ghé qua văn phòng quản lý Tân Cương ở Bắc Kinh, nằm cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 10 km về phía Tây Bắc. Ông Trần chắc hẳn hay đến đây. Tôi từng thử đến thăm nhà hàng của văn phòng này hồi tháng 7, nhưng nó đóng cửa vì coronavirus.

Lần này thì nó đã mở. Và khi tôi đang thưởng thức món được người ta gọi là món ăn Tân Cương ngon nhất thủ đô, hai người phụ nữ mặc đồ bảo hộ xanh bước vào, mang theo bộ dụng cụ xét nghiệm virus.

Điều này thật đáng sợ: Phải chăng có thực khách bị dương tính với COVID-19?

Một nhân viên nhà hàng trấn an tôi rằng đó chỉ là một cuộc kiểm tra vệ sinh thông thường nhằm đảm bảo không có virus. Tôi thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng vẫn không thể thoải mái ăn tối với các nhân viên kiểm tra đứng xung quanh.

Trong lúc họ kiểm tra kỹ lưỡng, tôi không khỏi nghĩ ngợi về tương lai của ông Trần và Tân Cương.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.