Nguồn: “Singapore’s prime-minister-in-waiting gives up the job”, The Economist, 08/04/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Đó là khoảnh khắc kịch tính hiếm hoi trong nền chính trị thường tẻ nhạt của Singapore. Hôm 8 tháng 4, Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt) thông báo rằng ông sẽ từ bỏ vai trò người kế nhiệm dự kiến của thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. Chính trị kế nhiệm ở Singapore, giống như hầu hết mọi thứ khác, thường được lên kế hoạch tỉ mỉ trước nhiều năm bởi những người đứng đầu Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền. Đảng này đã nắm quyền tại Singapore kể từ khi đất nước được thành lập vào năm 1965. Tuy nhiên, giờ đây các quan chức đảng sẽ phải trải qua một kinh nghiệm hiếm gặp là quay trở lại bản vẽ ban đầu — và thừa nhận, ít nhất trong riêng tư, là đã phạm sai lầm.
Ông Heng, 60 tuổi, được cho là sẽ tiếp quản vị trí của ông Lý vào khoảng trước sinh nhật lần thứ 70 của ông Lý vào tháng 2 năm 2022. Ông Lý đã tuyên bố sẽ từ chức vào thời điểm đó và trao quyền lực cho một thành viên thuộc thế hệ thứ tư của ban lãnh đạo PAP, thường được gọi là thế hệ lãnh đạo “4G”. Nhưng vào tháng 7 năm ngoái, ông Lý thông báo rằng ông sẽ hoãn việc nghỉ hưu vô thời hạn vì đại dịch. Ông Heng kết luận rằng việc trì hoãn sẽ không cho phép ông có đủ thời gian để ghi dấu ấn của mình trước khi tự bản thân ông cũng sẽ phải nghỉ hưu. Trong một bức thư gửi cho ông Lý được công bố vào ngày 8 tháng 4, ông Heng viết rằng vào thời điểm các vấn đề do đại dịch gây ra được giải quyết xong, có lẽ là 5 năm nữa, “Thời gian còn lại của tôi sẽ còn quá ngắn.”
Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất của ông Heng. Michael Barr thuộc Đại học Flinders ở Australia cho rằng mặc dù là một nhà quản trị có tài, khi ông là người đã giúp đỡ nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch, nhưng “ông ấy không phải là một chính trị gia”. Nói một cách nhẹ nhàng thì hầu hết người Singapore coi ông là một người buồn tẻ và xa cách. Những lo ngại về sức khỏe của Heng cũng đeo bám ông kể từ năm 2016, khi ông bị đột quỵ và hôn mê trong 6 ngày. Trong chiến dịch tranh cử gần đây nhất vào năm ngoái, ông đã có một bài phát biểu thảm hại tại một sự kiện được cho là bữa tiệc ra mắt của ông với tư cách là nhà lãnh đạo tương lai của đất nước. Ông bị vấp đến nỗi bài phát biểu trở thành chủ đề chế giễu của công chúng và vô số các hình ảnh châm biếm trên mạng. Ngay sau màn trình diễn đáng thất vọng của PAP trong cuộc bầu cử, ông Lý đã trì hoãn việc nghỉ hưu của mình, lấy lý do là vì đại dịch. Kenneth Paul Tan của Đại học Baptist Hồng Kông không ngạc nhiên trước tuyên bố rút lui của ông Heng: “Mọi thứ đã được dự báo từ trước.”
Nhóm lãnh đạo 4G thừa nhận trong một tuyên bố chung rằng “sự thay đổi bất ngờ này là một bước lùi cho kế hoạch kế nhiệm của chúng tôi”. Về lý thuyết, họ sẽ tự quyết định xem ai trong số họ sẽ được thăng chức làm sếp mới của mình — mặc dù ông Lý được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đề cử ông Heng. Ứng viên được yêu thích nhất là bộ trưởng thương mại và công nghiệp Chan Chung Sing (Trần Chấn Thanh), người là nhà lãnh đạo cấp cao xếp vị trí thứ hai trong nhóm 4G và mới 51, vì vậy có “đường băng” dài hơn so với ông Heng. Các ứng cử viên khác bao gồm Ong Ye Kung (Vương Ất Khang), bộ trưởng giao thông, Desmond Lee (Lý Trí Thăng), bộ trưởng phát triển quốc gia và Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài), bộ trưởng giáo dục.
Ông Lý cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 8 tháng 4 rằng ông hy vọng sẽ không phải ở lại cương vị thủ tướng lâu hơn nữa. Tuy nhiên, ông đã chấp nhận lời đề nghị của nhóm 4G để tiếp tục tại vị cho đến khi họ ra được quyết định về người thay thế ông Heng. Rốt cuộc đây là những gì gia đình họ Lý đã quen làm. Ông Lý là con trai của Lý Quang Diệu, người đã dẫn dắt Singapore giành độc lập. Hai người đã điều hành đất nước trong toàn bộ lịch sử của Singapore trừ khoảng 14 năm ở giữa (nhiệm kỳ của thủ tướng Goh Chok Tong – ND) khi cả hai giữ các vị trí cấp cao trong nội các. Tại cuộc họp báo, ông Lý nói rằng ông hy vọng người kế nhiệm của mình sẽ được lựa chọn trước cuộc bầu cử tiếp theo, được tổ chức chậm nhất vào năm 2025. Tất nhiên, cho tới lúc đó lại có thể xuất hiện những lý do cấp bách hơn nữa khiến ông phải tiếp tục ở lại. Cha của ông đã không rời nội các cho đến lúc gần 90 tuổi mặc dù ông từ chức thủ tướng ở tuổi 67.
Trong khi đó, thất bại trong vấn đề kế vị có thể làm hỏng danh tiếng của PAP. Ông Barr lưu ý rằng người dân Singapore bỏ phiếu cho đảng vì các nhà lãnh đạo đảng là những nhà quản trị hiệu quả. Lời kêu gọi bỏ phiếu cho đảng sẽ nghe có vẻ kém thuyết phục hơn nếu bản thân họ không thể quản trị tốt quá trình chuyển giao lãnh đạo của chính mình.